vrijdag 20 november 2015

Khủng bố Paris : Bước ngoặt trong cuộc chiến chống Daech ?

Khủng bố Paris : Bước ngoặt trong cuộc chiến chống Daech ?

Khủng bố Paris : Bước ngoặt trong cuộc chiến chống Daech ?
 
Hai nguyên thủ Mỹ - Nga hội ý bên lề hội nghị G20, Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 15/11/2015REUTERS/Cem Oksuz

    Sau loạt khủng bố tối 13/11/2015 tại Paris và vùng phụ cận, khiến ít nhất 129 người chết và hơn 350 người bị thương, theo ghi nhận của nhiều nhà quan sát, nỗ lực ngoại giao giữa các cường quốc đột ngột gia tăng, mở đường cho việc thiết lập một liên minh quốc tế rộng lớn chống kẻ thù chung Daech (tức tổ chức Nhà nước Hồi giáo). Quan hệ Pháp – Nga, vốn bị vấn đề số phận Tổng thống Syria Assad cản trở, đột ngột chuyển hướng thuận lợi cho hợp tác trên chiến trường Syria. Câu hỏi được nhiều người đặt ra là : Liệu loạt khủng bố Paris có phải là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống Daech ?

    Loạt khủng bố đẫm máu tại Paris được ghi nhận như một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nước Pháp và Châu Âu, kể từ sau Thế chiến Hai. Tuy nhiên, một loạt các diễn biến sau loạt khủng bố cho thấy các quốc gia bị Daech tấn công hoặc đe dọa tấn công, đang dần dần vượt qua những đối kháng tưởng như không thể dung hòa.
    Ngày 15/11, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin có cuộc nói chuyện riêng hết sức bất ngờ, bên lề hội nghị của khối G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc gặp được coi như điểm khởi đầu cho sự tan băng trong quan hệ giữa Nga và Phương Tây trong hồ sơ Trung Cận Đông.
    Ngày 16/11, trong phiên họp bất thường của Quốc hội lưỡng viện tại Versailles, Tổng thống Pháp François Hollande khẳng định Daech là kẻ thù số một, gạt vấn đề Assad qua một bên, và kêu gọi thành lập một « liên minh rộng lớn và duy nhất » chống kẻ thù chung. Đối tượng hàng đầu của lời kêu gọi không ai khác hơn là Matxcơva, vốn được coi là chỗ dựa số một của chế độ Bachar al-Assad.

    Ngày 17/11, đề nghị các thành viên Liên Hiệp Châu Âu giúp đỡ Paris trong cuộc chiến chống Daech, chiểu theo Hiệp định Lisboa, được nhất loạt hưởng ứng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1948, một quốc gia Châu Âu yêu cầu các nước trong khối hỗ trợ về quốc phòng và an ninh để tự vệ.

    Thủ phạm khủng bố là tổ chức Nhà nước Hồi giáo, đang thống trị một vùng đất rộng lớn tại Cận Đông, với hàng triệu dân cư, với đà ảnh hưởng vươn xa khỏi khu vực. Loạt khủng bố - tự sát tại Paris được coi là đợt tấn công quy mô lớn thứ ba của Daech ở bên ngoài lãnh địa của tổ chức này chỉ trong vòng chưa đầy ba tuần lễ. Nhiều nhà quan sát ghi nhận một thay đổi mang tính chiến lược của Daech, với các cuộc tấn công diễn ra đồng loạt, phương tiện là khủng bố tự sát, nhằm tiêu diệt tối đa dân thường, không phân biệt đối tượng, khác hẳn với cuộc thảm sát nhắm vào tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo hồi đầu năm.

    Phỏng vấn cựu Ngoại trưởng Hubert Vedrine

    Trong chương trình Phỏng vấn Đặc biệt của RFI ("Chống Daech, phải có một Liên minh vừa quân sự, vừa chính trị") ngày 17/11, cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine đã đưa ra một số nhận định về sự thay đổi hết sức khác thường trong cuộc chiến chống Daech.

    RFI : Trong cuộc họp bất thường của Quốc hội lưỡng viện Pháp tại Versailles, hôm 16/11, Tổng thống Pháp tuyên bố cần phải có sự tập hợp của tất cả những ai muốn thực sự chiến đấu chống lại lực lượng vũ trang Daech. Và với tinh thần này, ông nói trong những ngày tới, tôi sẽ gặp Tổng thống Obama và Tổng thống Putin để nhắm tới mục tiêu chung, thống nhất được các lực lượng, vốn rất xa cách với nhau. Phải chăng chúng ta đang ở trong một bước ngoặt chính sách của Pháp ?

    Hubert Vedrine : Chắc chắn là như vậy. Đây là một bước ngoặt quan trọng, một bước ngoặt mang tính thực tiễn. Tôi cho rằng, đây là điều duy nhất có thể lựa chọn. Cụ thể là một liên minh duy nhất, bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Pháp, các nước Châu Âu khác - nếu có thể -, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Iran, Jordani, Ai Cập, Irak, và Các tiểu vương quốc Ả Rập, nếu họ muốn.

    Cần phải có một liên minh mang tính quân sự, được tổ chức phối hợp trên thực địa, tôi cho rằng điều đó là không thể tránh khỏi. Và cùng lúc đó là một liên minh chính trị, để xác định xem xem đâu là các giải pháp mà liên minh nhất trí, về Irak và đặc biệt là về Syria, nơi tình hình phức tạp hơn nhiều.

    Chúng ta cần phải tiến đến một cách tiếp cận thực tiễn như vậy. Theo tôi, ông Hollande đã rất đúng khi có các thương thảo với hai Tổng thống Obama và Putin. Điều này rất quan trọng.

    RFI : Có mối liên hệ nào giữa phát biểu của Tổng thống Hollande với cuộc hội kiến của hai Tổng thống Obama – Putin hôm chủ nhật ?
     
    Hubert Vedrin : Các thương thảo vẫn tiếp tục, không chỉ là hôm chủ nhật (15/11). Nhưng thảm kịch khủng bố khiến có một sự thay đổi mang tính quyết định, buộc các đối tác phải có một chính sách quốc tế thực tế, các bên phải tìm đến một sự nhất trí, cho dù lập trường vốn rất khác biệt. Nhưng mâu thuẫn cơ bản sẽ không còn, khi tất cả đều nhìn nhận, mối đe dọa số một, cần phải tiêu diệt, là Daech.

    Cho đến nay, Daech mới chỉ bị « ngăn chặn », như người ta vẫn nói. Việc một số người cho rằng các hoạt động không kích không hiệu quả là không đúng. Việc không kích đã cho phép ngăn chặn không cho Daech tới được Bagdad hay Damas, nhưng chúng chỉ bị ngăn chặn, chứ không bị tiêu diệt. Chúng ta biết là tại Raqa, thủ phủ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, có cả một khu của người nói tiếng Pháp.
    Một cuộc diễu hành của DaechReuters

    Chúng ta cần phải nhận lãnh trách nhiệm lịch sử này, cần phải thống nhất với nhau về mục tiêu tiêu diệt Daech.

    RFI : Trong phát biểu trước Quốc hội, tổng thống Hollande nói, chúng ta tìm kiếm không mệt mỏi một giải pháp chính trị cho Syria, trong đó Bachar al-Assad không phải là giải pháp, nhưng « kẻ thù của chúng ta », « kẻ thù của chúng ta », ông nhắc lại, « là Daech ». Như vậy, phải chăng ưu tiên của vấn đề đã được thay đổi ?

    Hubert Vedrin : Ông ấy sử dụng một diễn đạt đã từng được Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian sử dụng, phân biệt hai đối tượng, cho dù chế độ Damas đã có một ứng xử tàn bạo trong các đàn áp, trong nội chiến. Tuy nhiên, có những lúc, trong hai cái ác phải tạm thời gạt sang một bên cái ít ác hơn. Trước mắt, để hành động có hiệu quả, phải thành lập liên minh này, đặc biệt là với Nga. 

    Tình trạng đáng lo ngại trong những tuần qua là có hai liên minh, với các mục tiêu tương đối khác nhau.

    RFI :Liệu chúng ta có thể có chung mục tiêu với nước Nga ?

    Hubert Vedrin : Không có mâu thuẫn cơ bản ở đây, trong mục tiêu diệt trừ Daech. Nga can thiệp vào Syria, một phần vì tại đây có hàng ngàn người gốc Kavkaz. Những người này có thể trở về Nga để gây ra các vụ khủng bố. Ở đây hoàn toàn không có gì mâu thuẫn. Tôi cũng cho rằng, cũng không có gì mâu thuẫn với Trung Quốc.

    Về việc ra một nghị quyết của Hội đồng Bảo an, căn cứ vào chương VII của Hiến chương Liên Hiệp Quốc cho phép sử dụng vũ lực, Tổng thống cũng đã nói đến vấn đề này. Hoàn toàn không có lý do gì mà Trung Quốc phản đối việc này.

    Hiện tại, có một bất đồng về một giải pháp chính trị cho Syria, đặc biệt liên quan đến cá nhân Tổng thống Assad. Bởi trong một thời gian dài, quan điểm của Phương Tây, Hoa Kỳ, đặc biệt là Pháp, coi sự ra đi của ông Assad là điều kiện tiên quyết. Quan điểm này đã bị từ bỏ, do các đòi hỏi của tình hình cụ thể, mang tính khẩn cấp. Vẫn luôn có một quan điểm cho rằng ông Assad phải ra đi vào một thời điểm, cụ thể là trước khi tổ chức bầu cử, cuộc bầu cử mà Matxcơva bắt đầu nói đến. Tuy nhiên đây là đối tượng của các thương lượng, bàn bạc.

    Lập ra một liên minh quân sự và chính trị không đồng nghĩa với việc các bên phải đồng ý với nhau ngay lập tức. Sẽ có một lộ trình, các bảo đảm. Tôi cho rằng các quốc gia nói trên sẵn sàng đàm phán với nhau về Syria, về các bảo đảm cho những cộng đồng tại Syria. Cụ thể là, sau khi ông Assad rời chức vụ, cần phải bảo đảm để cộng đồng Alaouit không bị các bên khác trả thù. Cần phải có các bảo đảm đối với người Kurdistan, người Druz, người Thiên chúa giáo. Cần phải tạo các điều kiện để những người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, hay Châu Âu trở về nước. Đây là những điều chúng ta có thể thương lượng với nhau, hoàn độc lập với vấn đề Assad. Cá nhân tôi tin rằng, có thể đạt được giải pháp về điểm này.

    Về phương diện thời gian, lịch trình, các giai đoạn dự kiến, tôi rất vui mừng và yên tâm, khi nhiều điều đã được thực hiện.

    RFI : Chúng ta nghe thấy một số lãnh đạo chính trị Pháp, đặc biệt là Ngoại trưởng Laurent Fabius đánh giá rằng, có rất nhiều lý do để nghi ngờ rằng Nga thực sự chống Daech tại Syria. Ông nghĩ gì về điều này ?

    Hubert Vedrin : Nga không dự định chỉ tấn công riêng Daech, ví dụ như mục tiêu tấn công của họ là Al-Nostra, xuất thân từ Al-Qaida, được Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ, và sau đó thật lạ lùng là lại được Phương Tây ủng hộ, với lý do đây là một lực lượng ít tàn bạo hơn Daech.

    Nga có một cách nhìn khác. Mục tiêu của Matxcơva là chống lại các nhóm muốn lật đổ chế độ Damas – Nga không tin tưởng vào sự tồn tại của các thành phần dân chủ trong lực lượng nổi dậy. Theo Nga, nếu chế độ Damas sụp đổ, thì thế chỗ của nó sẽ là một chế độ Hồi giáo, đây là điều mà họ không muốn. Đây là lập trường của Nga, và lập trường này bị Hoa Kỳ phản đối trong một thời gian dài. Giai đoạn này hiện đã bị vượt qua, cho dù nhiều nước, chứ không chỉ riêng Pháp và Hoa Kỳ, cho rằng không thể xây dựng được một nước Syria dựa vào Bachar al-Assad. Điều này chắc chắn sẽ được khẳng định là đúng. Tuy nhiên, không nên nhắc đi nhắc lại đây là điều kiện tiên quyết, trong khi chúng ta không có khả năng thực hiện. Cần phải dấn thân vào quá trình thương thuyết năng động.

    Chúng ta có thể xem lại trường hợp Ukraina, đã được Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel xử trí một cách rất thông minh, với tiến trình Minsk, tìm giải pháp có lợi cho tất cả, với sự tham gia của một đối tác khó khăn như ông Putin, nhưng dù sao cũng là một đối tác. Tôi cho rằng với phương thức này, tình hình sẽ biến chuyển.

    RFI : Ông có cho rằng các vụ khủng bố tuần trước có thể là một bước ngoặt trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, phần nào giống với vụ 11/09, đã dẫn đến một bước ngoặt, và đã dẫn đến cuộc can thiệp vào Afghanistan ?

    Hubert Vedrin : Tôi cho rằng đây không phải là một so sánh hay, bởi vì chính sách của Hoa Kỳ khởi đầu là hoàn toàn chính đáng, với mục tiêu tiêu diệt Taliban, lực lượng dung dưỡng tổ chức Al-Qaida. Đây là một hành động phòng vệ chính đáng. Nhưng sau đó Hoa Kỳ đã đi theo một chính sách phi lý. Sau Afghanistan, chính quyền Mỹ đã can thiệp vào Irak, hoàn toàn không có liên hệ gì với các vụ khủng bố 11/09, với động cơ để trả thù và để chứng tỏ sức mạnh. Biến cố này có thể nói là điểm khởi đầu cho sự tan rã của khu vực Cận Đông, trải qua nhiều giai đoạn, trước khi đi đến sự ra đời của Daech.

    Tôi không cho rằng việc so sánh như vậy sẽ là điều thúc đẩy chúng ta. Ngược lại, các vụ khủng bố Paris đã tạo ra một cú sốc của tình đoàn kết, buộc Hoa Kỳ, Pháp cùng các nước khác cộng tác với Nga, cho dù giữa các nước chúng ta thường xuyên có những bất đồng. Nhưng các bất đồng này là bất đồng trong nội bộ liên minh, chúng ta có thể vượt qua được. Biến cố này cũng có thể khiến nhiều nước Châu Âu thay đổi thái độ thụ động vốn có.

    RFI : Phải chăng có thể nêu ra điều 47-2 của Thỏa ước Châu Âu, dự kiến các hành động đoàn kết với quốc gia bị tấn công ?

    Hubert Vedrin : Tôi cho rằng ông Hollande đã rất đúng khi dẫn ra điều khoản này, quy định rằng khi một quốc gia thành viên bị tấn công vũ trang trên chính lãnh thổ của mình, các nước khác phải hỗ trợ bằng tất cả các phương tiện mà họ có thể. Hy vọng là, đòn bẩy pháp lý này có thể giúp đưa các nước ra khỏi tình trạng thụ động, chờ đợi, thậm chí có thể nói cả sự hèn nhát của mình. Các nước Châu Âu phải tham gia vào liên minh này, chứ không chỉ một mình nước Pháp.

    Một dự án chính trị cho các quốc gia Ả Rập Sunni?

    Trở lại với các nỗ lực hợp tác quân sự trên thực địa Pháp – Nga. Ngay sau đề nghị của Paris, điện Kremli yêu cầu cơ quan tình báo Nga « phối hợp chặt chẽ hơn » với các đồng nhiệm Pháp, hải quân Nga tại Địa Trung Hải được đề nghị làm việc với phía Pháp « như với các đồng minh ». Hôm qua, 18/11, lần đầu tiên Nga đưa oanh tạc cơ chiến lược Tupolev Tu-160 et Tu-95 vào không kích các vị trí của Daech tại thủ phủ Raqa và một số vị trí khác. Một số nhà quan sát nhìn nhận đây là một bước chuyển hướng quan trọng của Nga, trước đó vẫn tập trung tấn công các lực lượng chống chế độ Damas, kể cả các đơn vị Quân đội Tự do Syria, được coi là phe nổi dậy « ôn hòa ».
    Đảng Hồi giáo Ennahda Tunisia chấp nhận luật chơi dân chủ. Trong ảnh, ủng hộ viên Ennahda biểu tình cùng đối lập phản đối bạo lực, Tunis, 13/08/20113.REUTERS/Zoubeir Souissi

    Các nỗ lực phối hợp quân sự mới chống Daech bằng không kích, với sự can dự tích cực hơn của Nga, liệu có mang lại một bước ngoặt quyết định, cho phép tiêu diệt được tổ chức có tiềm lực kinh tế và ảnh hưởng mạnh này ? Nhà sử học quân sự Michel Goya, giáo sư Viện chính trị học Paris (IEP), cho rằng để thực sự có hiệu quả, không thể tránh khỏi một can thiệp trên bộ với sự tham gia của quân đội nước ngoài, với các phương tiện hùng hậu. Điều mà Washington và Paris hiện tại đều loại trừ. Tuy nhiên, cũng như nhiều chuyên gia, giáo sư Viện chính trị học Paris nhấn mạnh : « Nếu như những điều khiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tồn tại và nở rộ không được giải quyết, thì tình hình sẽ còn rất phức tạp », việc tìm kiếm « một dự án chính trị cho các quốc gia Ả Rập theo hệ phái Sunni » như vậy cần phải được coi là một vấn đề chính (trả lời phỏng vấn AFP, bản tin ngày 18/11/2015).

    Đây cũng là điều được ông Pierre Razoux, chuyên gia về các xung đột Trung Cận Đông, Viện nghiên cứu chiến lược Trường Quân sự (IRSEM/Institut de Recherche Stratégique de l'Ecole Militaire) lưu ý trong Chương trình Đặc biệt của RFI ngày 16/11. Một không gian tự do ngôn luận cho các lực lượng Hồi giáo chính trị theo hệ phái Sunni là điều rất cần được thảo luận, bên cạnh ba hồ sơ gai góc khác của khu vực : xung đột Israel-Palestine, sự đối kháng giữa hai hệ phái Hồi giáo Sunni và Shia, và tương lai của người Kurdistan. Liệu Phương Tây, Nga và các quốc gia khu vực có tìm được lời giải cho các thách thức này ? Liệu lộ trình chuyển tiếp chính trị cho Syria, vừa được các cường quốc thông qua tại Vienna (ngày 14/11) - một ngày sau các vụ khủng bố nhắm vào Paris - có khả năng thực thi, để mở ra một triển vọng cho việc giải quyết xung đột bằng con đường hòa bình ?

    Tin bài liên quan

    Khủng bố Paris : Làm thế nào tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo ?

    Daech, tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới

    Khủng bố Paris : Pháp thay đổi chính sách với Nga
    Đồng thuận về lịch trình giải quyết xung đột Syria
    Nobel Hòa bình: Đoàn kết và đối thoại, bí quyết thành công của Tunisia
    Nga can thiệp tại Syria : Cơ hội hòa bình hay thêm dầu vào lửa ?
    Afghanistan : Chính quyền tham nhũng, Taliban bành trướng
    Chiến lược của Nga tại Syria : vốn ít lời nhiều
    Cục diện Trung Đông sau thỏa thuận hạt nhân Iran
    Phương Tây bất lực, Hoa kỳ lúng túng trước đà tiến của IS
    Tây phương rốt cuộc chọn giải pháp quân sự chống Nhà nước Hồi giáo

    Cùng chủ đề
    • PHÁP- KHỦNG BỐ

      Tổng thống Pháp cam kết tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo
    • PHÁP - KHỦNG BỐ

      Vì sao Pháp là mục tiêu tấn công khủng bố ?
    • TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

      Paris trong tâm bão trả thù của thánh chiến Hồi giáo
    http://vi.rfi.fr/phap/20151119-khung-bo-paris-buoc-ngoat-trong-cuoc-chien-chong-daech

    Geen opmerkingen:

    Een reactie posten