thứ tư, 25 tháng 5, 2011
Phát hiện kim tự tháp bằng công nghệ mới
Một khảo sát bằng vệ tinh về Ai Cập đã phát hiện thêm 17 kim tự tháp chưa từng được biết đến.
Hơn 1000 ngôi mộ và 3000 khu dân cư cổ cũng hiện ra qua các hình ảnh hồng ngoại tiết lộ những ngôi nhà dưới lòng đất.Các khai quật sơ bộ trước đó chứng thực một số phát hiện, gồm cả hai công trình mà người ta nghi là kim tự tháp.
Công việc này do tiến sĩ Sarah Parcak của trường Đại học Alabama tại Birmingham thực hiện.
Tiến sĩ Sarah Parcak nói: "Khai quật được kim tự tháp là giấc mơ của mọi nhà khảo cổ."
Bà đi tiên phong về khảo cổ học không gian ở Đại học Alabama, và cho hay bà kinh ngạc khi mình và nhóm nghiên cứu tìm được nhiều như vậy.
"Chúng tôi tích cực làm nghiên cứu này suốt hơn một năm. Tôi có thể nhìn thấy dữ liệu ngay khi nó xuất hiện, nhưng khoảnh khắc 'phát hiện' là khi tôi nhìn kỹ lại tất cả những gì đã tìm thấy và tôi không thể tin rằng đã tìm ra nhiều địa điểm như vậy trên khắp Ai Cập."
Người Ai Cập cổ đại xây nhà từ gạch bùn, đặc hơn đất xung quanh, vì thế người ta có thể nhìn thấy hình dạng của các ngôi nhà, đền miếu và mộ.
Tiến sĩ Parcak tin rằng còn có thể tìm ra thêm nhiều di tích nữa.
"Đây mới là những địa điểm [gần với] bề mặt. Còn hàng ngàn điểm khác mà phù sa sông Nile đã che lấp."
Máy quay của BBC đã đi theo tiến sĩ Parcak trên chuyến hành trình "hồi hộp" khi bà đến Ai Cập để tìm hiểu liệu các cuộc khai quật có chứng thực những gì mà công nghệ của bà nhìn thấy bên dưới lớp đất.
Trong bộ phim tài liệu của BBC, "Những Thành phố đã mất của Ai Cập", họ đi thăm vùng Sakkara nơi giới chức ban đầu thờ ơ với phát hiện của bà.
Sau khi được tiến sĩ Parcak cho hay bà đã nhìn thấy hai nơi có thể là kim tự tháp, họ thử khai quật và nay tin rằng đó là một trong những điểm khảo cổ quan trọng nhất tại Ai Cập.
Nhưng tiến sĩ Parcak thổ lộ rằng "khoảnh khắc tuyệt vời nhất là khi đi thăm điểm khai quật ở Tanis".
Giới chức Ai Cập dự định dùng công nghệ này để bảo vệ các di sản của đất nước.
Trong cuộc cách mạng gần đây, những kẻ trộm cướp đã vào được một số địa điểm khảo cổ nổi tiếng.
"Từ hình ảnh, chúng tôi có thể biết một ngôi mộ bị lục lọi trong một khoảng thời gian và chúng tôi có thể báo cho Interpol theo dõi những đồ cổ có thể được rao bán từ lúc đó."
Bà cũng hy vọng công nghệ mới sẽ giúp thu hút thanh niên đi vào khoa học và hỗ trợ nhiều cho các nhà khảo cổ trên thế giới.
http://www.bbc.com/vietnamese/world/2011/05/110525_egypt_pyramids_new
Bí mật ngôi mộ cổ Ai Cập: Có phòng ngầm bên trong?
- 29 tháng 11 2015
Các quan chức Ai Cập nói họ "chắc chắn tới 90%" là có một căn phòng bí mật trong ngôi mộ của Vua Tutankhamun.
Bộ Cổ vật nói họ đã tiến hành biết pháp scan để thu thập thêm thông tin về giả thuyết này.Nhà khảo cổ học Nicholas Reeves tin rằng hài cốt của Tutankhamun có thể đã được vội vã đưa vào căn phòng bên ngoài của nơi ban đầu là mộ của Nữ hoàng Nefertiti.
Hài cốt của Tutankhamun, có thể là con trai của Nữ hoàng Nefertiti, được tìm thấy vào năm 1922. Ông qua đời từ 3.000 năm trước, khi mới 19 tuổi.
"Các bằng chứng từ biện pháp quét radar cho thấy một cách rõ ràng, đúng như tôi đoán trước," ông Reeves nói tại một cuộc họp báo được tổ chức cùng Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập Mamdouh al-Damati hôm thứ Bảy, hãng tin AFP tường thuật.
"Ảnh quét radar phần phía sau bức tường mặt bắc [của phòng chôn Tutakhamun] trông khá rõ. Nếu tôi đúng thì đó là đoạn tiếp nối - hành lang tiếp nối - của ngôi mộ, dẫn tới một phòng chôn cất khác," ông nói.
Ông Damati nói các ảnh quét sẽ được gửi sang Nhật để phân tích thêm.
Ngôi mộ vua Tutankhamun là nơi còn tồn tại nguyên vẹn nhất được khám phá ra tại Ai Cập từ trước tới nay. Có tới gần 2 ngàn món đồ vật đã được tìm thấy bên trong.
Nhưng cách thiết kế của nó đã khiến giới nghiên cứu có lúc cảm thấy khó hiểu - chẳng hạn như tại sao nó lại bé hơn mộ của các vị vua khác?
Tiến sỹ Reeves tin rằng các manh mối về thiết kế ngôi mộ có thể cho thấy ban đầu nó được xây cho một nữ hoàng chứ không phải cho một vị vua.
Giả thuyết của ông vẫn chưa được các khoa học gia khác xem xét đánh giá và nó khiến cho các nhà nghiên cứu chuyên về khảo cổ Ai Cập kêu gọi cần thận trọng trong việc đưa ra kết luận.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten