zaterdag 28 november 2015

Mỹ : Tốn $400 tỷ cho chương trình máy bay F-35 có đáng không?

Tốn $400 tỷ cho chương trình máy bay F-35 có đáng không?
Tuesday, July 21, 2015 2:15:11 PM






HÀ TƯỜNG CÁT / Người Việt
Trong một cuộc diễn tập hồi giữa tháng Sáu vừa qua giữa hai máy bay chiến đấu, chiếc F-35A tỏ ra đã không thể thắng chiếc F-16D. Theo lời phi công thì  F-35A thiếu khả năng linh hoạt và sự lệ thuộc vào software điều khiển phi hành khiến cho nó không thể phản ứng hiệu quả khi giao chiến với F-16 ở khoảng cách gần.
Chiếc máy bay F-35A mẫu thứ ba đã được chế tạo để bay thử. Chiếc dùng trong cuộc diễn tập như nói trong bài là chiếc thứ hai – AF-2.  (Hình: Lockheed Martin)

Việc này làm tăng thêm  hoài nghi về giá trị của loại máy bay hỗn hợp tác chiến (JSF = Joint Strike Fighter) thuộc chương trình phát triển hệ thống vũ khí tốn kém nhất lịch sử không quân. Nhưng những người ủng hộ JSF lập luận rằng cuộc diễn tập ấy bị giải thích lạc hướng trên bình diện quân sự, bởi vì hình thái các cuộc không chiến trong tương lai hoàn toàn khác hẳn với những gì người ta đã chứng kiến cho đến nay.
Chương trình JSF nhắm mục tiêu cung cấp hơn 2,000 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 cho quân lực Mỹ, và đồng thời một số quốc gia đồng minh. Chương trình được hoạch định từ năm 2001 nhưng đã bị chậm trễ nhiều năm vì những vấn đề kỹ thuật triền miên, và Bộ Quốc Phòng Mỹ tháng này mới vừa loan báo triển khai phi đội F-35A đầu tiên. Chi phí phát triển, thoạt đầu dự trù $40 tỷ đã tăng lên gấp 4 trong thời gian đó. Do đó để có 2,400 máy bay như kế hoạch  sẽ tốn gần $400 tỷ, gấp đôi số tiền để đưa một phi hành gia lên Mặt Trăng !
Nhưng Không Quân, Hải Quân, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đều trông đợi F-35 để thay thế cho các máy bay đã lỗi thời đang sử dụng hiện nay. Riêng F-35B sẽ giao cho thủy quân lục chiến là chiến đấu cơ phản lực siêu thanh duy nhất trên thế giới có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng, như một máy bay trực thăng.  Những máy bay có đặc tính này, AV-8B Harrier mà thủy quân lục chiến đang sử dụng cho đến nay trên các chiến hạm tác chiến thủy bộ với sân bay ngắn, chỉ có vân tốc dưới âm thanh, cần được thay thế để thích ứng với điều kiện chiến đấu tương lai.
Quân lực Mỹ từ trước đến nay sử dụng quá nhiều kiểu máy bay chiến đấu, trong Không Quân, Hải Quân cũng như Hải Quân. Sự thay thế chỉ bằng một loại – F35A, F-35B, F-35C có thể sử dụng chung 80% bộ phận – sẽ giúp giảm thiểu rất nhiều chi phí về bảo trì.
Không thể nói rằng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 thua F-16D Falcon, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư có từ thập niên 1970. Cuộc diễn tập hối tháng 6 là một cuộc không chiến giả định ở khoảng cách gần, gọi là “dogfight” trong thuật ngữ không quân. Dogfight bắt đầu có từ thời kỳ sơ khai của máy bay chiến đấu trong Thế Chiến lần thứ nhất 1914-1918. Lúc đó các phi công lái máy bay rượt đuổi nhau bằng khả năng bay lượn nhào lộn, nhằm chiếm lấy vị trí ưu thế để bắn hạ đối phương.  Vị trí này là phía sau và cao hơn máy bay địch.
Chiến thuật ấy tiếp tục được dùng và phát triển qua Thế Chiến II và chiến tranh Triều Tiên. Để tạo bất ngờ cho đối phương, các phi công tìm cách bay tới từ phía mật trời – mặt trời ở sau lưng máy bay mình khiến địch bị chói nắng không nhìn thấy , và tiếp theo đó vẫn là làm thế nào bay theo đuôi máy bay địch để nổ súng.
Trong chiến tranh Việt Nam, hòa tiễn không-không được dùng lần đầu tiên và máy bay Mỹ có ưu thế hơn các máy bay MiG-17 và MiG-21. Với hỏa tiễn tầm nhiệt Sidewinder, bay luồn ra phía sau vẫn là cần thiết để hỏa tiễn phóng đi nhắm theo sức nóng từ ống thoát hơi động cơ máy bay địch. Nhưng điều này kém cần thiết với các hỏa tiễn Sparrow điều khiển bằng radar có thể bắn tới từ phía trước.
Tuy nhiên lúc đầu chiến đấu cơ F-4B Phantom chỉ trang bị hỏa tiễn, không có súng, gặp khó khăn trong không chiến ở khoảng cách gần khi không thuận tiện để phóng hỏa tiễn và do đó các chiếc F-4C và F-4D về sau được gắn thêm đại bác 20 ly.
F-35 bây giờ có gắn đại liên 25 ly Gatling 4 nòng xoay, nhưng vũ khí chính yếu là các hỏa tiễn không không Sidewinder, AIM-120 Amraam và tương lai thêm MBDA-Meteor do Âu Châu sản xuất. Là máy bay chiến đấu đa năng – tiêm kích, cường kích và yểm trợ chiến trường – F-35 nặng trên 25 tấn không thể bay lượn chuyển hướng lẹ làng như F-16 chỉ nặng khoảng 15 tấn. Do đó trong “dogfight” máy bay chiến đấu thế hệ 5 này có thể không bằng máy bay thế hệ 4.
Nhưng càng ngày kỹ thuật điện tử càng đóng vai trò quan trọng và không chiến trong tương lai hoàn toàn khác các cuộc chiến tranh trước đây. Phi công sẽ có thể không còn trông thấy máy bay địch khi tấn công. Với hỏa tiễn không không Meteor vận tốc Mach-4 (4 lần vận tốc âm thanh) có thể bắn hạ máy bay địch từ xa 50 dặm. Yếu tố bất ngờ vẫn là quan trọng nhất và điều này dựa vào kỹ thuật “tàng hình”.
Tất nhiên phi công được huấn luyện đầy đủ khả năng vẫn là quan trọng nhất và dù cho máy bay không người lái đang có nhiều tiến bộ vượt bực, người ta vẫn tin rằng trong một tương lai chưa gần, chiến trường trên không vẫn  tùy thuộc vào phi công ngồi trên máy bay chứ không phải ở đài điều khiển.
Hơn nữa không lực Nga và Trung Quốc, hai quốc gia có tiềm năng là đối thủ của Hoa Kỳ trong những  xung đột tương lai, cũng đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình. Nga có Sukhoi PAK FA và hợp tác với Ấn Độ phát triển  FGFA – Sukhoi/HAL. Trung Quốc đã cho bay thử Chendu J-20 và Shenyang J-31. Tất cả những máy bay này hiện nay hãy còn ở giai đoạn thử nghiệm và sớm nhất cũng phải vài năm nữa mới có thể đưa vào sử dụng.
Do đó, dù chậm trễ F-35 Lightning vẫn còn đi trước một bước và sẽ là cần thiết trong tương lai để giữ thế làm chủ không phận vẫn có của quân lực Hoa Kỳ từ hơn 70 năm qua. Nhiều nước đồng minh Mỹ ở Âu Châu và Á Châu, từ Anh, Australia đến Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore đều chờ đợi để trang bị F-35 cho không lực của mình, đáp ứng nhu cầu phòng thủ và chiến tranh luôn luôn là mối đe dọa ở mọi thời đại.  (HC)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=210617&zoneid=304

Geen opmerkingen:

Een reactie posten