donderdag 26 november 2015

Tổ chức hội đoàn Việt kiều ở Thái Lan

Tổ chức hội đoàn Việt kiều ở Thái Lan

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2015-07-18
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
viet-thai-622.jpg
Cộng đồng người Thái gốc Việt đón Tết.
Courtesy photo

Thế hệ con cháu của những người Việt đến Thái Lan qua các thời kỳ sau khi định cư dần dần hình thành ra các hội đoàn để giúp đỡ nhau cũng như liên lạc với chính quyền Việt Nam.
Vậy sự hình thành, các hoạt động chính và mức độ can thiệp của chính quyền Hà Nội đối với các tổ chức này hiện nay ra sao?

100 ngàn người Thái gốc Việt

Cộng đồng người Thái gốc Việt hiện nay có khoảng 100 ngàn người, sống tập trung ở 20 tỉnh và thành phố trên toàn Thái Lan.
Tổng Hội Người Việt Nam toàn Thái Lan được thành lập năm 2012 có trụ sở chính ở tỉnh Sakon Nakhon, là cơ quan lãnh đạo cao nhất và có chi nhánh ở 9 tỉnh, thành phố. Ban lãnh đạo của Tổng hội hiện nay là tạm thời, do các Hội người Việt Nam của các địa phương giới thiệu lên.
Tổng Hội Người Việt Nam toàn Thái Lan hoạt động với 4 mục đích chính, một là tạo mối đoàn kết giữa các kiều bào; hai là giáo dục cho con em mình giữ lấy cội nguồn; thứ 3 là thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai dân tộc Thái Lan và Việt Nam, 4 là làm sao để kinh tế con em mình được phát triển.
-Ông Phan Quốc Lợi
Nói về mục đích và nhiệm vụ của Hội Người Việt Nam ở Thái Lan, ông Phan Quốc Lợi, tổng thư ký Tổng Hội người Việt Nam toàn Thái Lan cho biết:
“Tổng Hội Người Việt Nam toàn Thái Lan hoạt động với 4 mục đích chính, một là tạo mối đoàn kết giữa các kiều bào; hai là giáo dục cho con em mình giữ lấy cội nguồn; thứ 3 là thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai dân tộc Thái Lan và Việt Nam, 4 là làm sao để kinh tế con em mình được phát triển.”
Nói về lịch sử hình thành của Hội Người Việt Nam ở Thái Lan, ông Phan Quốc Lợi cho biết, tiền thân của Hội là Hội Việt kiều cứu quốc, một tổ chức chính trị từ thời kháng chiến chống Pháp, là nơi đào tạo các cán bộ cách mạng người Việt Nam để gửi về nước và Hội này được duy trì cho tới sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Ông nói với chúng tôi:
“Đến năm 1990, thì 2 chính phủ Việt Nam và Thái Lan đã ký kết thống nhất giải tán tất cả các tổ chức mang màu sắc chính trị để tiến hành hợp tác hữu nghị giữa 2 bên. Đồng thời cũng là điều kiện để chính quyền Thái Lan chính thức cấp chứng minh thư và công nhận quốc tịch Thái cho người Việt Nam. Từ đó dẫn đến việc giải tán Hội Việt kiều Cứu quốc, thời gian đó hoạt động của kiều bào mình đã lắng xuống. Phải đến năm 2006, khi mà 2 chính phủ Việt Nam – Thái Lan đồng ý cho phép được thành lập các Hội người Việt Nam trên đất Thái một cách công khai.”
Ban lãnh đạo Hội người Việt Nam ở các địa phương thường có 15 ủy viên, đại diện cho các cụm dân cư người gốc Việt, có nhiệm kỳ từ 2-4 năm. Trực thuộc hội còn có các hội đoàn khác, như hội phụ huynh, hội người cao tuổi, hội doanh nhân v.v… Đây là các tổ chức được đăng ký chính thức với chính quyền Thái Lan. Ông Cao Sơn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Nakhon Phanom cho biết:
“Luật pháp Thái Lan có quy định rất rõ về vấn đề lập hội, anh muốn lập hội gì cũng được, như hội người Thái gốc Việt, hay là hội từ thiện, hội Lion hay hội Lottery… thì họ có một cái quy định chung, chứ không riêng với người Thái gốc Việt.”

viet-thai-400.jpg
Gian hàng của chị Bé tại chợ Việt Samsen ở Bangkok bán bánh chưng, nem chua, giò, bánh tráng, chè, café… Courtesy photo.

Các tổ chức Hội Người Việt Nam ở các địa phương đã hoạt động hiệu quả và được các cấp của chính quyền Thái Lan ủng hộ. Ông Vũ Duy Chính, Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Udon nói:
“Hội người Việt Nam ở tỉnh chúng tôi làm nhiều việc tốt để vun đắp tình hữu nghị, nên các chính quyền địa phương ở Thái Lan rất ủng hộ. Mọi hoạt động của địa phương thì Hội Việt kiều mình đều tham gia tích cực, để xây dựng địa phương nơi mình ở, tốt về mặt các mặt kinh tế, văn hóa…”
Tuy vậy, không phải tất cả các Việt kiều ở Thái Lan hiện nay đều tham gia hoạt động của Hội, cũng có một số cho rằng họ đã là người Thái gốc Việt nên đã từ chối tham gia. Ông Cao Sơn ghi nhận:
“Chỉ có một số rất ít thôi, phải nói là rất ít bà con có xu hướng nghĩ rằng tham gia vào Hội Việt kiều làm gì, vì họ bị ảnh hưởng của cách nghĩ thời trước, lúc mà chính quyền Thái còn o ép và đối lập với Việt Nam mình và luôn gây các khó dễ thế nọ thế kia nên họ không gia vào Hội.”
Ông Phan Quang Lợi giải thích thêm:
“Cũng có những người vì có suy nghĩ khác nhau nên họ không đồng tình ủng hộ, số người đó thi không đông đâu, tỉnh nào cũng có những người bất đồng quan điểm. Tất cả những cái đó thì Hội mình sẵn sàng bỏ qua và sẵn sàng dang tay đón tiếp những người có ý nghĩ không đồng quan điểm.”

Chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ VN?

Lâu nay dư luận vẫn cho rằng những tổ chức hội đoàn của người Việt Nam ở Thái Lan chịu sự chỉ đạo trực tiếp, thậm chí cả sức ép của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Việt Nam trong mọi hoạt động của Hội.
Trước kia, Thái Lan từng được sử dụng như là cái nôi của cách mạng Việt Nam, do vậy các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở Thái Lan vốn có mối liên hệ chặt chẽ trong mọi hoạt động của Hội Người Việt Nam ở Thái Lan ở mọi cấp. Tuy nhiên, mối quan hệ này dựa trên cơ sở quan hệ bình đẳng giữa các bên, tôn trọng lẫn nhau. Ông Phan Quang Lợi khẳng định:
Tổng hội người Việt Nam ở Thái Lan chỉ đạo lẫn nhau, chứ không có chuyện mình chịu sự chỉ đạo trực tiếp hay phải làm đúng 100% những cái của Tổng lãnh sự quán hay Đại Sứ quán yêu cầu. Họ chỉ chỉ đạo gián tiếp, vì mình ở đây, mình sống với nhân dân Thái Lan và chính phủ Thái Lan.
-Ông Phan Quang Lợi
“Tổng hội người Việt Nam ở Thái Lan chỉ đạo lẫn nhau, chứ không có chuyện mình chịu sự chỉ đạo trực tiếp hay phải làm đúng 100% những cái của Tổng lãnh sự quán hay Đại Sứ quán yêu cầu. Họ chỉ chỉ đạo gián tiếp, vì mình ở đây, mình sống với nhân dân Thái Lan và chính phủ Thái Lan.”
Tiến sĩ. Sithiporn Sirivoradetkul - trường Đại học Nakorn Phanom, ủy viên ban chấp hành Hội người Việt Nam, một người Thái gốc Việt thế hệ thứ 3 cho biết thêm.
Đại ý theo ông này thì phải dựa vào mục đích hoạt động của Hội Việt kiều là gì để xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm. Phải lấy mục đích chính của hoạt động của hội là nhằm để duy trì tình hữu nghị Việt – Thái là cái cao nhất. Cho nên những chủ trương của nhà nước Việt Nam đưa sang đây mà không phù hợp với chủ trương của hội thì hội không thực hiện. Theo ông này vì sinh sống ở Thái Lan nên phải nghĩ đến cho con cháu của số người Thái gốc Việt.
Trả lời câu hỏi các Hội Người Việt Nam ở Thái Lan có nhận được sự hỗ trợ của chính quyền Việt Nam trong các hoạt động của mình hay không? Ông Phan Quang Lợi khẳng định:
“Không, không có một tý nào, tôi xin khẳng định không có một chút nào (cười). Tất cả các hoạt động của Hội người Việt Nam ở đây là tự túc tất cả. Một lần nữa xin khẳng định là Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán hay đất nước Việt Nam chưa bao giờ cung cấp tài chính cho hoạt động của người Việt Nam ở Thái Lan. Mà chỉ có Hội người Việt Nam ở đây gửi tiền về đóng góp, giúp đỡ chứ không có bất cứ nguồn tài chính nào cho hoạt động của người Việt Nam ở Thái Lan cả. Do đó mà nói thật luôn là chúng tôi luôn đứng trên đôi chân của mình để lãnh đạo kiều bào ở đây.”
Như trình bày của những người trong cuộc thì các hội đoàn người Thái gốc Việt được lập nên để đáp ứng nhu cầu chung của chính những người này; dù rằng chính quyền Hà Nội luôn cố gắng tìm cách can dự theo ý hướng của Việt Nam.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten