donderdag 26 november 2015

Người Việt bán hàng rong ở Thái Lan

Người Việt bán hàng rong ở Thái Lan

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA
2015-11-25
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Chiếc xe bán trái cây tại Bangkok, Thái Lan
Chiếc xe bán trái cây tại Bangkok, Thái Lan
Photo Xuan Nguyen, RFA
Trên các tuyến phố đông đúc tại thủ đô Bangkok cũng như tại một số địa phương khác của Thái Lan lâu nay xuất hiện một số xe bán hàng rong dạo của lao động Việt.
Hoạt động kinh doanh bán hàng rong như thế ra sao?
Theo thống kê, có khoảng 50 vạn người lao động Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan. Khi đặt chân đến xứ Thái, họ phải tìm kiếm và học nghề rất vất vả, đa số đều là những nghề lao động chân tay như giúp việc nhà, quán ăn, may mặc… và một số đông trong họ đã chọn nghề bán hàng rong để mưu sinh. Có rất nhiều mặt hàng được bày bán như trái cây, nước trái cây, kem, các loại bánh, các loại chè, nem, thịt nướng…
Những khó khăn ban đầu
Những người bán hàng rong cũng là những người lao động chui (bất hợp pháp) tại xứ Thái như bao nhiêu người khác, bởi tính đến thời điểm này, chính phủ Việt Nam và Thái Lan chưa chính thức hợp tác với nhau trong vấn đề người lao động. Cho nên, họ đến xứ Thái bằng visa Du lịch, và mỗi tháng họ phải đi ra khỏi nước Thái và trở lại để có thêm 30 ngày Visa du lịch. Tuy nhiên, việc duy trì visa du lịch để lao động chui không phải lúc nào cũng thuận lợi.
Anh Lai – quê ở Thanh Hóa, hiện đang bán hàng rong tại Thành phố cổ Ayuthaya, chia sẻ về vấn đề gia hạn Visa du lịch hàng tháng:
“Tôi đi tò (gia hạn visa du lịch) visa hàng thàng, mỗi lần đi tò bình thường hết 1.200 bạt, nhưng gặp phải tình trạng gắt gao thì mất từ 3.500 bạt đến 4.500 bạt”
Cũng theo anh Lai, vì số tiền để đi gia hạn Visa hàng tháng rất cao, cho nên có rất nhiều người đã để hộ chiếu chết (Visa quá hạn), và số người để cho hộ chiếu chết cũng khá là nhiều.
Ngôn ngữ cũng là vấn đề khó khăn đối với những lao động Việt Nam, họ phải học từ từ, rồi sau đó mới đi giao tiếp được với người Thái.
Anh Bình – quê ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, hiện đang bán trái  cây tại Bangkok, anh cho biết thêm về những khó khăn trong ngày đầu tiên bán hàng rong tại Thái Lan, anh chia sẻ:
“Mới đầu thì mình đi theo họ, nói chung đầu tiên mình chưa biết tiếng, mọi người họ bày (chỉ) cho. Mới đầu mình chỉ biết giá tiền rồi biết vài ngôn ngữ sơ sơ, rồi bạn bè ‘bày’ cho.”
Tôi đi tò (gia hạn visa du lịch) visa hàng thàng, mỗi lần đi tò bình thường hết 1.200 bạt, nhưng gặp phải tình trạng gắt gao thì mất từ 3.500 bạt đến 4.500 bạt
Anh Lai hiện đang bán hàng rong
Anh Bình cho biết thêm, sau khi biết được chút ít về ngôn ngữ và chọn một mặt hàng để đi bán rong, những người bán hàng rong còn phải chọn cho mình một chiếc xe đẩy để đi bán hàng. Thông thường có hai loại xe để bán hàng rong, xe đẩy bình thường và xe đẩy được gắn vào xe mô tô. Khi mua có thể chọn mua xe cũ hoặc xe mới, mua trả góp hoặc trả một lần, điều này tùy thuộc vào tài chính của mỗi người bán hàng rong. Số tiền để mua xe cũ giao động từ 2.000 – 10.000 bạt, và xe mới là 10.000 – 50.000 bạt. Người bán hàng rong cũng có thể không cần phải mua xe, như đối với những người bán kem, thường xe bán hàng sẽ do ông chủ, bà chủ cung cấp.
Đối với những người bán hàng rong nho nhỏ, vốn liếng, kinh nghiệm ít… họ phải đi lấy sản phẩm bán rong ở chợ, xưởng kem… Nhưng những người sang xứ Thái lâu năm, họ thường tự sản xuất lấy những mặt hàng này hòng cải thiện thu nhập.
Chị Tú Uyên – quê ở tỉnh Hòa Bình, chị đang bán kem tại tỉnh Udon Thani chia sẻ:
“Sang bên này lúc đầu, đi làm thuê, đi làm ở Bangkok, ở Udon Thani cũng có, làm mấy năm rồi mình lấy cái tiền, lấy cái kinh nghiệm đi học hỏi, học tiếng đấy. Rồi mình đi làm cho một ông chủ hãng kem nhỏ nhỏ, mình học lấy nghề làm kem của họ, sau đó mình nhảy ra ngoài để tự làm, tự bán. Lúc đầu thì cũng bán nhỏ nhỏ, rồi dần cứ nhân dần lên, mình làm có uy tín, kem ngon thì người ta sẽ đến đặt kem, phần nhiều họ đặt, họ gọi điện cho mình thì đã có rồi. Đi rao vẫn rao, vẫn bán và còn có cả người đến nhà lấy nữa.”
Luôn luôn phải né tránh cảnh sát.
Tất cả những lao động chui tại Thái Lan đều phải né tránh cảnh sát, bởi họ là những người lao động bất hợp pháp, và những người bán hàng rong cũng vậy. Tuy nhiên khi bán hàng họ phải chi một số tiền cho cảnh sát khu vực, 500 bạt là số tiền cố định phải đóng cho cảnh sát khu vực nơi họ sinh sống khi họ muốn đi bán hàng rong. Ngoài ra, còn phải mất một khoản tiền nếu muốn có một chỗ bán ổn định ở nơi đông khách du lịch.
Anh Bình chia sẻ về vấn đề này:
“Mình phải đóng số tiền để đứng bán chứ, có nơi thì 2000, nơi thì 3000, có nơi dăm (vài) trăm bạt, theo tháng có, theo ngày có. Nó cũng không quy định tháng hay ngày gì cả, có thể mình đứng chỗ này mình trả cho họ 100 – 200 bạt để bán một ngày, rồi ngày khác mình đi chỗ khác để bán tiếp.”
Tháng này thì thôi không phải nộp nữa rồi, tại vì bây giờ họ (cảnh sát) thôi không nhận tiền từ người Việt Nam nữa, vì họ không đảm bảo cho người Việt được nữa rồi
Chị Tú Uyên
Tùy vào mỗi địa phương và kinh nghiệm của người bán rong mà số tiền phải chi cho cảnh sát đều khác nhau. Trường hợp của anh Lai bán bánh ở tỉnh Ayutthaya, anh không mất một khoản chi phí nào cho cảnh sát khu vực, bởi trước đây anh từng làm việc cho một người cảnh sát trong suốt 4 năm ròng rã.
Còn ở tỉnh Udon Thani, số tiền mà những người bán hàng ròng phải chi cho cảnh sát khoảng 2.000 – 3.000 bạt. Nhưng từ tháng 11.2015, cảnh sát ở đây sẽ không nhận tiền từ tay người bán hàng rong nữa.
Chị Tú Uyên buồn bã nói về việc cảnh sát không nhận tiền:
“Tháng này thì thôi không phải nộp nữa rồi, tại vì bây giờ họ (cảnh sát) thôi không nhận tiền từ người Việt Nam nữa, vì họ không đảm bảo cho người Việt được nữa rồi.”
Thu nhập tốt hơn Việt Nam
Theo anh Lai, người bán hàng rong tại Ayutthaya, dù gặp phải rất nhiều khó khăn khi bán hàng rong trên xứ Thái, nhưng những người lao động Việt Nam vẫn chọn nghề này, bởi thu nhập tốt hơn ở quê nhà. Tùy thuộc vào thời tiết, vào địa điểm bán, vào lượng người mua mà thu nhập của những người bán hàng rong dao động từ 200 – 300 bạt một ngày.
Anh Lai nói thêm:
“Tôi bán được ít thì ăn ít, bán được nhiều thì ăn nhiều. Hai vợ chồng tôi bình quân mỗi tháng cũng được 7 – 8 triệu vnđ.”
Anh Lai cũng cho biết, nếu tháng đó mà bị cảnh sát xuất nhập cảnh bắt giam, thì họ không thể có được số dư như vậy, có khi còn bị mất nhiều tiền hơn, thậm chí bị trục xuất về Việt Nam.
Vào khoảng tháng 3.2016, chính phủ Thái Lan và Việt Nam sẽ chính thức áp dụng chương trình hợp tác lao động, để cho những lao động Việt Nam có Visa làm việc tại Thái Lan. Những ngành nghề mà lao động Việt Nam được phép làm tại Thái bao gồm, giúp việc gia đình, phục vụ quán ăn – nhà hàng, lao động chân tay, đánh bắt hải sản. Nghề bán hàng rong vẫn không được chấp nhận, và số phận của người Việt bán hàng rong trên xứ Thái vẫn phải đối diện với những khó khăn như bây giờ.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten