dinsdag 13 oktober 2015

Nobel Hòa bình 2015 trao tặng cho bốn tổ chức đã thúc đẩy Đối thoại dân tộc ở Tunisia, giúp cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ đạt thành công

Nobel Hòa bình tiếp sức cho nền dân chủ Tunisia non trẻ

mediaCác thành viên Bộ tứ Đối thoại Dân tộc Tunisia tại Hội nghị Đối thoại Quốc gia, thủ đô Tunis, ngày 05/10/2013REUTERS/Zoubeir Souissi
Giải Nobel Hòa bình 2015 hôm qua đã được trao tặng cho bốn tổ chức đã thúc đẩy Đối thoại dân tộc ở Tunisia, giúp cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ đạt thành công. Không chỉ tôn vinh bốn tổ chức này, giải Nobel năm nay còn tiếp sức cho nền dân chủ còn non trẻ của Tunisia, mà hiện đang đối đầu với nhiều mối đe dọa về an ninh, gây tác hại cho kinh tế của nước này.
Hôm qua, các tổ chức thúc đẩy đối thoại dân tộc năm 2013 cũng như chính phủ nhiều nước đã ca ngợi tiến tình dân chủ duy nhất đạt thành công trong phong trào Mùa xuân Ả Rập, mà Tunisia là điểm xuất phát từ năm 2011. Nhưng mọi người đều nhấn mạnh đến những thách đố to lớn về an ninh và kinh tế mà Tunisia đang đối đầu.
Một trong những thất bại của các chính quyền nối tiếp nhau cầm quyền ở Tunisia từ năm 2011, đó là đã không ngăn chận được sự trỗi dậy các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan, đã gây ra cái chết của hàng chục du khách ngoại quốc, cũng như binh lính và nhân viên an ninh Tunisia.
Đặc biệt năm nay đã xảy ra hai vụ khủng bố lớn, một ở viện bảo tàng Bardo ( 22 người chết ) vào tháng 3 và một ở bãi biển Sousse ( 38 người chết ) vào cuối tháng 6. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận là tác giả hai vụ khủng bố này. Đến mức mà vào cuối tháng 7, chính quyền Tunis đã phải tái lập tình trạng khẩn cấp, đã từng được ban hành trong thời gian từ tháng 01/2011 đến tháng 03/2014. Biện pháp này chỉ được bãi bỏ vào đầu tháng 10 vừa qua, sau khi tình hình về mặt an ninh đã tạm yên.
Các nước đồng minh của Tunisia, đứng đầu là Hoa Kỳ và Pháp, đã tăng cường hợp tác an ninh với nước này. Tunisia nay được xem là “đồng minh lớn không thuộc NATO” của Washington. Paris thì đã loan báo một chương trình 20 triệu euro để hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm và cơ quan tình báo Tunisia.
Vấn đề là nền kinh tế Tunisia phụ thuộc rất nhiều vào ngành du lịch, mà ngành này lại đang gặp khủng hoảng trầm trọng. Do các vụ khủng bố đẫm máu, số khách đến từ châu Âu đã giảm phân nửa từ tháng 1 đến nay. Nhiều chuỗi khách sạn quốc tế sẽ đóng cửa các khách sạn của họ ở Tunisia trong cả mùa đông.
Hôm qua, ông Béji Caid Essebi, tổng thống đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ vào cuối năm 2014, sau một tiến trình chuyển tiếp, đã tuyên bố rằng, “chúng ta chỉ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống khủng bố, nếu chúng ta biết đoàn kết lại". Ông Abdelsatar Ben Moussa, chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền Tunisia, một trong bốn tổ chức được tặng giải Nobel Hòa bình 2015, thì cho rằng “vũ khí duy nhất chống khủng bố, đó là đối thoại”.
Tinh thần đối thoại đó đã được Uỷ ban Giải Nobel tuyên dương hôm qua, vì chính nhờ đối thoại mà Tunisia đã xây dựng được nền dân chủ đa nguyên, sau khi Cách mạng Hoa Lài thành công. Báo chí Tunisia hôm nay rất vui mừng trước việc giải Nobel Hoà bình được trao cho bốn tổ chức tham gia Đối thoại Dân tộc, vì giải này “làm sống lại niềm hy vọng” và là một “sự nhìn nhận của quốc tế”, sẽ giúp củng cố nền dân chủ của Tunisia.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151010-nobel-hoa-binh-tiep-suc-cho-nen-dan-chu-tunisia-non-tre

Bộ tứ vì Đối thoại Dân tộc Tunisia nhận giải Nobel Hòa bình

mediaBộ tứ vì Đối thoại dân tộc Tunisia ngày 21/10/2013 trong một cuộc họp báo.REUTERS/Anis Mili
Giải Nobel Hòa bình 2015 đã được tặng cho nhóm bốn tổ chức hay Bộ tứ đã đỡ đầu cho cuộc Đối thoại Dân tộc Syria sáng nay 09/10/2015. Bộ tứ này được nhìn nhận đã có « đóng góp quyết định » vào tiến trình chuyển đổi dân chủ hết sức khó khăn của Tunisia, cái nôi của phong trào Mùa Xuân Ả Rập, như lời vinh danh của Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, Kaci Kullmann Five.
Việc Bộ tứ vì Đối thoại Dân tộc Tunisia được trao giải Nobel Hòa bình là hết sức bất ngờ, vì trước đó các tổ chức nói trên đã không có mặt trong nhóm các ứng cử viên hàng đầu của giải thưởng cao quý này (như Giáo hoàng Phanxicô, Thủ tướng Đức Merkel, hay một bác sĩ người Congo).
Bộ tứ vì Đối thoại Dân tộc Tunisia bao gồm UGTT, công đoàn lâu đời, từng đóng góp lớn cho nền độc lập Tunisia, UTICA (Hiệp hội Công nghiệp, Thương mại và nghề Thủ công Tunisia), tổ chức của giới chủ, Liên đoàn nhân quyền Tunisia và hiệp hội luật sư.
Ủy ban Nobel Hòa bình nhấn mạnh : chính Bộ tứ này đã khởi động một « tiến trình chính trị mới để mang lại giải pháp thay thế, trong hòa bình, đúng vào lúc đất nước bên bờ nội chiến ». Các tổ chức của xã hội dân sự nói trên đã thiết lập một cuộc « đối thoại quốc gia lâu dài và khó khăn » giữa nhóm cầm quyền theo chủ thuyết Hồi giáo và đối lập. Bộ tứ này đã buộc hai nhóm nói trên phải lắng nghe nhau, nhằm đưa Tunisia thoát khỏi một sự tê liệt về thể chế.
Tổng thống Pháp hoan nghênh sự kiện này với nhận định : giải thưởng Nobel Hòa bình vừa được trao là một vinh danh đối với « thành công của tiến trình quá độ dân chủ tại Tunisia », trong số tất cả các phong trào Mùa Xuân Ả Rập, chỉ duy nhất có Tunisia là đạt được một chuyển đổi thành công, « với các cuộc bầu cử được công nhận, và các định chế dân chủ ». Bộ tứ vì Đối thoại Dân tộc Tunisia đã đóng vai trò to lớn trong việc thiết lập nên một hệ thống điều hành đất nước dựa trên Hiến pháp.
Cuộc nổi dậy dẫn đến chuyển đổi dân chủ tại Tunisia năm 2011 được coi là cuộc cách mạng không đổ máu, bùng lên sau vụ tự thiêu của Mohamed Bouazizi, một thanh niên bán hàng rong.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151009-bo-tu-vi-doi-thoai-dan-toc-tunisia-nhan-giai-nobel-hoa-binh

Tunisia mừng bản Hiến pháp mới, ba năm sau Cách mạng Hoa Lài

mediaLễ mừng Hiến pháp mới tại Quốc hội Tunisia ngày 07/02/2014.REUTERS/Zoubeir Souissi
Hôm nay 07/02/2014 Tunisie tổ chức lễ mừng bản Hiến pháp mới vừa ra đời sau hai năm đàm phán gay gắt và các cuộc khủng hoảng chính trị, với sự hiện diện của nhiều nguyên thủ quốc gia trong đó có cả Tổng thống Pháp François Hollande.
Buổi lễ mừng diễn ra sáng nay tại Quốc hội hoàn toàn mang tính biểu tượng, vì Hiến pháp đã được thông qua hôm 26/1 và được các lãnh đạo Tunisie ký ngay hôm sau đó, ba năm sau cuộc cách mạng đã lật đổ Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali.
Ông François Hollande, nguyên thủ châu Âu duy nhất hiện diện trên lễ đài tuyên bố đây là « đạo luật gốc », đã "vinh danh cuộc cách mạng của Tunisie và có thể là khuôn mẫu cho các nước khác", khẳng định "Hồi giáo vẫn có thể đi đôi với dân chủ". Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Von Rompuy cho rằng bản Hiến pháp mới có « giá trị của hy vọng, của tấm gương cho nhiều nơi ». Còn Thủ tướng Abdelmalek của nước láng giềng Algérie đánh giá bản Hiến pháp là « một bước tiến khổng lồ trên con đường đúng đắn ».
Tân Thủ tướng Tunisie Mehdi Jomaa vừa thành lập nội các nói rằng « niềm vui của thành công này không thể làm quên đi sự quan trọng của những thử thách sắp tới. Chúng tôi cam kết hoàn tất tiến trình và chuẩn bị cho bầu cử tự do, minh bạch », và hứa hẹn tái lập lòng tin nơi các nhà đầu tư.
Buổi lễ cũng được đánh dấu bởi một sự cố ngoại giao : đoàn đại biểu Mỹ đã rời khỏi lễ đài trong lúc Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani đọc diễn văn lên án Hoa Kỳ và Israel tìm cách làm cho các cuộc cách mạng Ả Rập « trở nên vô ích, và làm xoay chuyển dòng chảy để cho Israel thủ lợi ».
Tunisie, chiếc nôi của Mùa xuân Ả Rập vừa ra khỏi một năm khủng hoảng chính trị, được đánh dấu bởi sáu tháng tê liệt sau vụ dân biểu đối lập Mohamed Brahmi bị ám sát, được cho là do phe thánh chiến.
Buổi lễ mừng hôm nay diễn ra một hôm sau lễ tưởng niệm một nhà đối lập khác là Chokri Belaid bị ám sát cách đây một năm – một tội ác đã gây sốc cho Tunisie và chứng tỏ sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo vũ trang từ sau cuộc cách mạng tháng Giêng năm 2011.
Bản Hiến pháp mới giảm vị thế của Hồi giáo, đề ra mục tiêu bình đẳng nam nữ trong Quốc hội, và dẫn đến sự tự nguyện ra đi của phe Hồi giáo Ennahda đang cầm quyền để nhường chỗ cho nội các độc lập của ông Mehdi Jomaa, hướng đến tổng tuyển cử trong năm 2014.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20140208-tunisia-mung-ban-hien-phap-moi-ba-nam-sau-cach-mang-hoa-lai


Geen opmerkingen:

Een reactie posten