maandag 19 oktober 2015

Mỹ ban hành quy định bình đẳng về dịch vụ internet

Mỹ ban hành quy định bình đẳng về dịch vụ internet

mediaLogo của Tiểu ban Viễn thông Liên bang Hoa Kỳ (Federal Communications Commission – FCC)DR
Ngày 26/02/2015, Tiểu ban Viễn thông Liên bang Hoa Kỳ (Federal Communications Commission – FCC), với ba phiếu thuận, hai phiếu chống, đã thông qua quy định mới ngăn chặn phân biệt đối xử trong việc cung cấp dịch vụ internet, tức là chống lại hiện tượng có những dịch vụ trực tuyến được ưu tiên hơn những dịch vụ khác.
Quy định mới vừa được thông qua cấm các nhà cung cấp dịch vụ giảm hoặc ngăn chặn một số nội dung, dịch vụ trực tuyến hợp pháp hoặc dành cho một số đối tượng, nhờ có tiền, thì có thể truy cập internet nhanh hơn so với những người khác. Nói một cách khác, quy định mới bảo đảm nguyên tắc mọi người có quyền tiếp cận internet như nhau. Như vậy, cơ quan quản lý internet của Hoa Kỳ muốn bảo đảm tính « trung lập » của internet, một nguyên tắc gây tranh luận tại Mỹ cũng như ở một số nước khác.
Cách nay một năm, quy định cũ về quản lý internet của FCC đã bị tư pháp Hoa Kỳ hủy bỏ, sau khi có đơn kiện của một số công ty viễn thông lớn của Mỹ, như tập đoàn Verizon. Tuy nhiên, quy định mới cũng gây tranh cãi. Trước cuộc bỏ phiếu ngày 26/02, Chủ tịch FCC, Tom Wheeler, đã tuyên bố : « Internet là công cụ cuối cùng bảo đảm quyền tự do ngôn luận » và công cụ này rất quan trọng, do vậy, không thể « cho phép các nhà cung cấp dịch vụ internet tốc độ cao đề ra quy định ». Phe chống lại dự án này cho rằng, quy định mới hướng tới việc chính quyền tăng cường kiểm soát internet.
Quy định mới của Hoa Kỳ về dịch vụ internet dựa trên việc sắp xếp lại các dịch vụ tiếp cận internet tốc độ cao, đối với các máy tính cố định hoặc máy di động và coi đây là một loại dịch vụ công, giống như việc cung cấp điện, nước. Do vậy, FCC cho rằng có quyền theo dõi các chính sách và hoạt động cung ứng dịch vụ internet, trên cơ sở luật viễn thông năm 1934. Chủ tịch Tiểu ban Viễn thông Liên bang cũng cam kết không áp dụng tất cả các điều khoản của luật viễn thông 1934 và nhấn mạnh là FCC không có ý định quản lý, không chế giá cả dịch vụ internet.
Tuy vậy, nhiều công ty cung ứng dịch vụ như AT&T, Verizon, Comcast đánh giá là việc sử dụng một văn bản đã có từ lâu, như luật viễn thông năm 1934, sẽ dẫn đến tình trạng quản lý nặng nề và nhiều công ty tuyên bố không loại trừ khả năng kiện ra tòa.
Thông cáo của công ty Verizon chỉ trích gay gắt : Các quy định mới sẽ làm cho việc quản lý dịch vụ internet có tốc độ cao trở nên nặng nề, khi áp dụng các quy định tồi và cổ hủ vốn được làm ra trong thời kỳ dùng điện tín và xe lửa chạy bằng hơi nước. Công ty này phê phán FCC muốn thay đổi cách thức vận hành của internet từ lúc được phát minh ra cho đến nay và nhấn mạnh, chính việc ít can thiệp quản lý trong những năm qua, đã thu hút nhiều đầu tư, giúp mở rộng mạng lưới internet có tốc độ cao. Verizon cũng cảnh báo về những hậu quả tiêu cực không thể tính trước được đối với người tiêu dùng, cũng như đối với môi trường hoạt động và phát triển của internet.
Đảng Cộng hòa, hiện chiếm đa số tại Quốc hội, cũng muốn bác bỏ quy định mới về internet và cáo buộc FCC nhượng bộ trước sức ép của Nhà Trắng.
Hồi tháng 11/2014, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố ủng hộ phát triển hệ thống internet tự do và cởi mở. Do vậy, ngày 26/02, Tổng thống Mỹ đã hoan nghênh quyết định của FCC và nhận định rằng văn bản vừa được thông qua sẽ tạo ra luật chơi bình đẳng đối với tất cả mọi đối tác, nhất là đối với các doanh nhân thế hệ mới.
Hiệp hội Ngành Máy tính và Viễn thông (Computer and Communications Industry Association - CCIA), trong đó có các hội viên là những tập đoàn công nghệ tin học khổng lồ như Microsoft, Google, hay Facebook, eBay, Amazon, đã coi ngày 26/02/2015 là một ngày lịch sử. Theo thông cáo của hiệp hội, "những người sử dụng internet có được những bảo đảm là họ sẽ tiếp tục được tiếp cận với tất cả những ứng dụng, sites và các dịch vụ trực tuyến hiện có, cũng như là tiếp cận với tất cả các ứng dụng, dịch vụ đang được phát triển dưới tầng hầm nhà của một người nào đó, hay trong phòng ở của sinh viên".
Theo đại diện hiệp hội những người tiêu dùng Public Knowledge, quy định mới bảo đảm là internet sẽ không giống như dịch vụ cáp quang vốn bị khống chế nội dung.
Ông Erik Stallman, thuộc Trung tâm vì Dân chủ và công nghệ, được AFP trích dẫn, nhận định, Tiểu ban Viễn thông Liên bang – CFF, đã bảo vệ và duy trì "nguyên tắc không phân biệt đối xử, một nguyên tắc cơ bản trong tiến trình phát triển internet, cũng như cho sức mạnh của internet như một động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thảo luận dân chủ".

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20150303-my-thong-qua-quy-dinh-binh-dang-ve-dich-vu-internet

Thế giới chia rẽ về hiệp ước viễn thông, tương lai internet vẫn bất định

mediahttp://www.bi-plan.ru
Chủ trương tự do internet có vẻ chống chọi được trước xu hướng muốn áp đặt các quy định mới, nhân hội nghị của Liên hiệp Viễn thông Quốc tế (UIT) ở Dubai từ ngày 3 đến 14/12/2012, nhằm điều chỉnh lại các quy định viễn thông quốc tế. Tuy nhiên tương lai của internet vẫn còn là một dấu hỏi.
Chỉ có 89 nước trên 193 thành viên của tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc này đã ký vào hiệp ước mới về quy tắc viễn thông. Có hiệu lực từ năm 1988, hiệp ước này cần phải sửa đổi trước các tiến bộ kỹ thuật mới, và các quy định mới trong lãnh vực này. Hoa Kỳ đã bác bỏ một tài liệu mà theo Washington là có nguy cơ mở ra cánh cửa cho việc kiểm soát internet, sau đó Pháp và nhiều nước khác đã theo chân. Tài liệu này gồm một nghị quyết không ràng buộc trong đó có ghi « tất cả các chính phủ phải có trách nhiệm như nhau trong quản lý quốc tế về internet ».
Tổng thư ký Liên hiệp Viễn thông Quốc tế, ông Hamadoun Touré, đã khẳng định hội nghị « không hề có tác động đến internet ». Ngược lại, James Lewis, chuyên gia vê quản lý internet thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington cho rằng cuộc hội nghị trên « hoàn toàn về vấn đề internet ».
Đối với ông Lewis, thì UIT đã bị mất uy tín vì « cho rằng một quyết định phải được đồng thuận và yêu cầu đưa ra biểu quyết ». Điều này làm nổi rõ sự bất đồng giữa Hoa Kỳ và các đồng minh – vốn muốn đảm bảo internet tự do, và các chế độ như Nga và Trung Quốc, muốn kiểm soát việc sử dụng internet và các nội dung đưa lên mạng. Chuyên gia này cũng ghi nhận hội nghị đã thất bại trong việc tước việc quản lý tên miền trên internet từ tay ICANN, một cơ quan độc lập có trụ sở ở Hoa Kỳ.
Theo các viên chức có trách nhiệm của Mỹ, dù sao đi nữa tài liệu trên không có tác động ngay lập tức. Có những nước đã kiểm soát các hoạt động trên mạng trong phạm vi quốc gia mình. Tuy nhiên những người phản đối hiệp ước cho rằng văn bản này, nhân danh Liên Hiệp Quốc, sẽ « hợp thức hóa việc kiểm soát của chính phủ trong quản lý internet » - theo như tuyên bố của trưởng đoàn Mỹ, ông Terry Kramer.
Các ông Jim Langevin và Michael McCaul, đồng chủ tịch một ủy ban của Hạ viện Mỹ về an ninh mạng, cảnh báo việc tiến hành hiệp ước trên « sẽ là một cú đòn đáng kể cho những người nghĩ rằng tự do ngôn luận là một quyền mang tính toàn cầu ».
Một phát ngôn viên tập đoàn Mỹ Google, vốn ủng hộ các quốc gia phản đối hiệp ước cũng nhận xét : « Điều rõ ràng tại Hội nghị UIT ở Dubai, là nhiều chính phủ muốn tăng cường kiểm soát và kiểm duyệt internet ».
Milton Mueller, một chuyên gia về quản lý internet của đại học Syracuse thì đặt câu hỏi về tác động thực tế của văn bản được giữ lại trong hiệp ước về tự do internet. Ông nhấn mạnh : « Tôi không thích hiệp ước này, cũng như đa số người đấu tranh cho tự do internet, nhưng tôi không nghĩ là nó có thể gây ra nhiều tai hại ».
Ông Mueller cũng nêu ra các nỗ lực ngoại giao đã trở nên phức tạp vì lo ngại của một số nước, thường là nhiều tai tiếng về nhân quyền, phản đối các trừng phạt của Hoa Kỳ dẫn đến việc cắt đi một số dịch vụ internet như trường hợp Google. Các công ty Mỹ cũng không có quyền làm ăn với Iran hay Bắc Triều Tiên, là các nước bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc. Chuyên gia trên nhận định : « Thật kỳ lạ và mỉa mai, khi các quốc gia bảo vệ nhân quyền lại sử dụng việc chặn các dịch vụ internet như một dạng đòn bẩy chính trị ».

http://vi.rfi.fr/khoa-hoc/20121216-the-gioi-chia-re-ve-hiep-uoc-vien-thong-tuong-lai-internet-van-bat-dinh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten