Ý đồ Trung Quốc biến Internet thành mạng nội bộ của chế độ
Cũng liên quan đến Trung Quốc, trong bài xã luận mang tựa đề « Internet Trung Quốc hay Mạng nội bộ Cộng sản », nhật báo Le Monde đã nêu bật một trong nhiều nghịch lý của chế độ Cộng sản Trung Quốc : Chính thức trở thành một « nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa » kể từ khi Chủ nghĩa Mao cáo chung, Bắc Kinh luôn luôn xem sự ra đời của Internet vào cuối năm 1990 vừa là một cơ may, vừa là một mối đe dọa.
Là cơ may, bởi vì lãnh vực công nghệ cao của Trung Quốc đã rất hưng thịnh nhờ được guồng máy kiểm duyệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc bảo vệ chặt chẽ, chống lại sự cạnh tranh từ Google, Facebook, Yahoo, Amazon hay Twitter. Nhiều tập đoàn lớn đã hình thành như Alibaba và Tencent, đã chứng tỏ được sức sáng tạo thực thụ chứ không còn đơn thuần quay cóp các đại gia Mỹ.
Hơn thế nữa, các nhóm này còn chứng tỏ tham vọng toàn cầu, vì cho rằng thị trường nội địa của họ vẫn quá nhỏ. Sức mạnh của họ là đã có thể tận dụng số 668 triệu người sử dụng Internet, đông nhất thế giới.
Thế nhưng, theo Le Monde, khi cân nhắc giữa sáng tạo hay trấn áp, nhân vật số một tại Trung Quốc là Tập Cận Bình dường như đã sẵn sàng hy sinh sự đổi mới để đảm bảo tính bền vững của quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản trên đất nước Trung Quốc.
Sau khi dựng lên Bức Vạn lý Trường thành trên mạng, một bức tường lửa để kiểm duyệt thông tin đến từ bên ngoài, chế độ đã chuyển qua việc kiểm soát mạng Vi bác (Weibo - tương đương của Twitter tại Trung Quốc), rồi mạng tin nhắn tức thời Vi tin (Weixin), tức WeChat.
Tăng tốc khống chế Internet
Như thế vẫn chưa đủ. Theo Le Monde, chế độ Bắc Kinh như đang tăng tốc độ khống chế mạng tin học. Tháng Giêng 2015, phát súng đầu tiên đã được bắn đi, với việc tung tin tặc tấn công các mạng ảo VPN thường được dùng để phá vỡ bức tường lửa kiểm duyệt của Bắc Kinh. Các quan chức Trung Quốc không ngần ngại tự nhận Trung Quốc chính là tác giả, viện lý do giúp cho Internet « phát triển lành mạnh và tôn trọng luật pháp ».
Một bước tiến mới vừa được thực hiện với quyết định cắm công an tại trụ sở của công ty Internet lớn. Theo Le Monde, chế độ như đã chê là các công ty này còn nhẹ tay trong công việc kiểm duyệt.
Đối với nhật báo Pháp, ước mơ của giới lãnh đạo Bắc Kinh là biến mạng tin học toàn cầu thành mạng nội bộ của chế độ, tuy nhiên, chế độ đang chơi một trò nguy hiểm : khiến cho một bộ phận lớn cư dán thành thị thêm bất mãn và hủy hoại một lĩnh vực đầy hứa hẹn cả về công ăn việc làm và đổi mới kỹ thuật.
Theo Le Monde, hiện không có gì chắc chắn là mô hình kiểm soát tuyệt đối mà Bắc Kinh muốn thực hiện sẽ khả thi, tuy nhiên, khi cố gắng thiết lập mô hình này, Bắc Kinh đang tìm cách áp đặt trên toàn cầu quan điểm theo đó mạng internet có thể không cần đến những giá trị dân chủ vốn là tâm điểm trong sự phát triển của mình.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20150810-kinh-te-trung-quoc-cu-phanh-dang-ngai
Geen opmerkingen:
Een reactie posten