Tây Tạng nguyên sơ trên xa lộ 'hành xác'
- 12 tháng 5 2015
Quang cảnh kỳ diệu là một điểm sáng trong hành trình phải gọi là hành xác tới một trong những vùng xa xôi hẻo lánh nhất thế giới.
Chỉ ngay trước đó, đoàn hành khách chúng tôi đã phải loay hoay gần nửa giờ đồng hồ, buộc thừng vào đuôi chiếc xe khách rồi kéo giật lùi nó ra khỏi bãi đất bùn nhão nhoét, chỉ nơm nớp lo người tài xế bị lộn nhào cùng xe từ rìa đá xuống vực sâu mà không tâm trí đâu nghĩ tới chuyện sợi dây bị căng kéo liên tục rốt cuộc có thể đứt phựt khiến bùn văng khắp cả đám.
Chuyện vặt đó chỉ là thứ khởi đầu trong vô vàn thứ khác của một hành trình hai tuần, từ chuyện bị hỏng xe, bị cảnh sát chặn đường, bị liên tục chậm trễ, đau đầu, nôn ói do hội chứng độ cao và hàng tỷ thứ phiền toái khác.
Phong cảnh kỳ vĩ
Nhưng cái giá phải trả quả cũng xứng để được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp huy hoàng của xa lộ Tứ Xuyên-Tây Tạng, một trong những con đường nguy hiểm nhất, nằm ở độ cao cao nhất, và khi đi thì trầy trật, 'hành xác' nhất thế giới.Hầu hết chặng đường dài hơn 4.000km nối thủ phủ Thành Đô của Tứ Xuyên với thủ phủ Lhasa của Tây Tạng chạy xuyên qua khu vực trước đây từng có tên là Khang.
Hầu hết diện tích của Khang nay thuộc về Khu tự trị Tây Tạng; các phần nhỏ còn lại thì vốn là đất của Tây Tạng nhưng bị sáp nhập vào Trung Quốc trong thời gian từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 20, nay thuộc về các tỉnh Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc và Vân Nam.
Với những trục trặc như trên thì một chuyến xe khách nối hai thành phố ở cái vùng xa tít mù tắp này sẽ lâu tới mức hành khách vừa đón bình minh vừa ngắm hoàng hôn trong cùng chuyến đi.
Những khúc quanh co trên con đường cheo leo ở độ cao gần 5.000m là phần thưởng cho người lữ hành dũng cảm. Ở đây, ta có thể phóng tầm mắt nhìn núi non mênh mông với rải rác các bảo tháp, cờ phướn, tu viện, những khối đá hình thù cứ như ở một thế giới khác lạ nào đó - và có lúc ta còn nhìn thấy cả cầu vồng kép.
Chính phủ Tây Tạng lưu vong vẫn đòi chủ quyền đối với Thanh Hải và Tây Tứ Xuyên, nhưng phần đất còn lại của Khang – mà tóm lại là tất cả vùng đất ở phía đông của Khu tự trị Tây Tạng - thì đã chính thức là một phần của Trung Quốc đại lục kể từ giữa thế kỷ 20 tới nay.
Tuy nhiên, ở khu vực mênh mang này đa phần vẫn là tộc người Tây Tạng sinh sống. Họ nói tiếng Tạng, và hiện diện ở đây là những tu viện mái vàng choé, những nhà sư mặc áo choàng đỏ, và những đàn bò lông dài Tây Tạng - Yak - vẫn lang thang trên các triền đồi.
Hiện đại hóa
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã đầu tư xây dựng sân bay nằm cao nhất thế giới tại Đạo Thành, tây nam Tứ Xuyên, với hy vọng phát triển du lịch và có thể dập tắt sự chống đối của người Tây Tạng.Sân bay khai trương hồi tháng Chín đã giúp cắt ngắn thời gian đi lại giữa Thành Đô và Đạo Thành từ hai ngày đi xe đò xuống chỉ còn một giờ bay.
Sân bay khiến du khách thuận tiện hơn khi muốn trải nghiệm văn hóa Tây Tạng mà không vướng phải những rào cản quan liêu phức tạp.
Trong chuyến đi hồi hè 2011, tôi thấy có nhiều đơn vị kiểm tra, nhưng không thấy bị giới hạn như phải có giấy phép hoặc phải đi theo đoàn.
Tuy nhiên, bạn đừng quên kiểm tra quy định áp dụng hiện hành trước khi lên đường vì luật lệ thường bị thay đổi bất chợt. Bạn có thể liên lạc với một công ty lữ hành để nhờ giúp, chẳng hạn như công ty China Hightlights chuyên tổ chức tour ở Tứ Xuyên theo yêu cầu của du khách.
'Shangri-la cuối cùng'
Cơ sở hạ tầng du lịch còn nghèo nàn, lại nằm ở độ cao quá cao cùng những rào cản ngôn ngữ và văn hoá khiến cho việc tới đây du lịch vẫn còn khá bất tiện.Điểm thắng cảnh thu hút khách du lịch ở gần Đạo Thành là khu bảo tồn thiên nhiên Á Đinh, cách đó khoảng 140km về phía nam.
Được mệnh danh là "miền thiên đường Shangri-La cuối cùng", Á Đinh là một hồ nước tan chảy từ sông băng nằm bên rặng núi tuyết tuyệt đẹp.
Không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên hút hồn du khách, nơi đây cũng có các tu viện, làng mạc và những khách hành hương Tây Tạng.
Nét văn hóa độc đáo
Ba ngọn núi thiêng quanh Á Đinh lâu nay đã thu hút khách hành hương tới đi kora, tức đi vòng quanh một điểm linh thiêng để thể hiện lòng thành kính.Các tuyến kora 30km đi quanh ngọn núi Tiên Nãi Nhật (Chenresig) cao 6.032m cho ta ngắm phong cảnh tuyệt vời của những ngọn núi tuyết phủ, những túp lều đá, những sườn núi được trang trí với những cờ phướn cầu nguyện sặc sỡ màu.
Những ai không chịu nổi độ cao trên 4.000m thì có thể đi bộ những đoạn ngắn hơn, hoặc đi tour bằng ngựa cũng được.
Nếu đường sá ổn cả, ta sẽ mất khoảng 3 giờ chạy xe trên chặng đường 150km từ Đạo Thành đến Lý Đường.
Đậm chất văn hóa Tạng, Lý Đường là một thị trấn tu viện và nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhiều lần chọn để tái sinh.
Tu viện và các suối nước nóng xung quanh thị trấn là những điểm rất đáng tới thăm, nhưng điều hấp dẫn thực sự ở Lý Đường lại là việc ngắm nhìn mọi người.
Một cụ ông khoác áo choàng da đi chậm rãi trong thị trấn, trên tay là bộ chuyển pháp luân, hay các nhà sư mặc áo choàng đỏ cưỡi xe máy phóng vèo qua, những mục đồng vắt vẻo trên lưng ngựa, tóc phất phơ trong gió với nụ cười loé sáng những chiếc răng vàng... đó là những cảnh dễ gặp ở nơi này.
Lý Đường cũng là một nơi mà tục thiên táng vẫn còn khá phổ biến - ngay sau tu viện là một bãi thiên táng rộng rãi.
Theo truyền thống có từ cổ xưa, trong tang lễ, thi thể được xẻ thành từng mảnh và để lại cho đám kền kền đang hau háu chờ, kết thúc một kiếp luân hồi. Nhưng để tận mắt chứng kiến một lễ thiên táng, bạn phải được tu viện cho phép, hoặc phải được mời dự.
Từ Lý Đường, một hành trình bầm dập kéo dài 260km, mà nếu may mắn, sau “chỉ” bảy giờ đi xe đò cỡ nhỏ là bạn sẽ đến được thị trấn Cam Tư.
Tu viện Cam Tư lớn nhất trong vùng này với hơn 500 nhà sư. Tu viện có mái vàng choé và màu sắc rực rỡ, xây dựng từ thế kỷ 15 với những bức tường được trang trí với ma quỷ và các vị thần, vươn cao trên sườn đồi, nhìn ra những ngọn đồi xanh mướt và đỉnh núi tuyết phủ trắng xoá.
Lang thang ở những khu vực xung quanh, ngắm nhìn những ngôi nhà dựng từ gỗ và đất sét, các loại hạt, ớt và rau quả được phơi khô trên mái nhà cũng khiến ta thấy thú vị như ngắm chính tu viện vậy.
Các thị trấn ở khu vực trước đây từng được gọi là Khang phát triển chậm nhất so với những nơi khác ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những nơi này sẽ chẳng giữ được nguyên vẹn lâu nữa.
Đã có những cuộc biểu tình phản đối liên miên của dân Tạng về tình hình chính trị Tây Tạng.
Người Hán Trung Quốc đang dần dần tràn vào nơi này, và cũng giống như những nơi khác của Trung Quốc, việc xây dựng đã được tiến hành từ nhiều năm qua.
Chính phủ cũng đã làm một con đường vành đai huyết mạch nối liền những vùng xa xôi và có kế hoạch mở các chuyến bay trực tiếp tới các thành phố lớn ở Trung Quốc, khiến du khách đến Đạo Thành ngày càng tăng.
Tuy nhiên, cho tới lúc này thì nơi đây vẫn còn những vùng rộng lớn chưa bị bàn tay con người tàn phá, và nó gợi cho chúng ta về một vùng Tây Tạng hoang sơ thuở nào.
Bản gốc tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Travel.
Tin liên quan
- Bảy nhà hát lộng lẫy nhất thế giới
- Canada: Xứ sở của sự tử tế
- Những đường băng hiểm trở nhất thế giới
- Saddam Hussein và giấc mơ về Babylon xưa
- Mông Cổ: đời du mục và sữa tuần lộc
- Khi chất xám tháo chạy khỏi Bắc Kinh
- Những cung đường 'dựng tóc gáy'
- IS và nạn buôn “đồ cổ nhuốm máu”
- Hậu duệ các thương gia Ba Tư ở Trung Quốc
- Thú sưu tầm tác phẩm khiêu dâm
- Những chủ đề kiêng kỵ ở châu Á
- Vì sao người nước ngoài đắm đuối Singapore?
- 14 sông, hồ kỳ diệu nhất hành tinh
http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/05/150512_the-haunting-sichuan-tibet-highway_vert_tra
Geen opmerkingen:
Een reactie posten