maandag 3 augustus 2015

Ðồng bằng sông Cửu Long khốn khổ vì nước mặn

Ðồng bằng sông Cửu Long khốn khổ vì nước mặn
Tuesday, July 28, 2015 3:47:27 PM





VIỆT NAM - Nước mặn xâm nhập càng ngày càng sâu dù đang giữa mùa mưa nhưng con người thì thiếu nước ăn uống, tắm giặt, trồng lúa, lúa chết, ngay cả cá tôm cũng không còn đất sống.
Ðó là hiện trạng tại nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo tờ Tuổi Trẻ thì gần đây, sau khi các giề lục bình héo rũ, cá trong bè của nhiều gia đình ở xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đột nhiên chết sạch. Lúc đầu, nông dân tưởng lục bình và cá chết do thuốc khai hoang, sau đó họ mới phát giác, cả lục bình lẫn cá chết là do nước sông bị nhiễm mặn.

Một nông dân huyện Hòn Ðất, tỉnh Kiên Giang phá bỏ lúa bị hư do nhiễm mặn. (Hình: Tuổi Trẻ)

Một cán bộ nông nghiệp của xã Hưng Phú cho biết, chuyện vừa kể là chưa từng có và chuyện chưa từng có đó đã làm 70 gia đình kiếm sống bằng các bè cá trắng tay.
Nước sông nhiễm mặn cũng đang đe dọa khoảng 700 héc ta cây ăn trái dọc hai bên dòng Quản Lộ-Phụng Hiệp. Ông Nguyễn Hoàng Cơ, phó Phòng Nông Nghiệp huyện Mỹ Tú, cho biết, hồi trung tuần tháng này, kết quả đo đạc nước sông Quản Lộ-Phụng Hiệp cho thấy độ mặn của sông đã ở mức từ 40-50%.
Nước sông nhiễm mặn nay trở thành vấn nạn của cả huyện Mỹ Tú, huyện Ngã Năm của tỉnh Sóc Trăng lẫn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Do nước sông nhiễm mặn những người trồng cây ăn trái đã phải dùng nước máy để tưới cây nhưng rồi chính họ sửng sốt khi phát giác ra rằng, ngay cả nước máy cũng bị nhiễm mặn.
Chủ một nhà máy chuyên lọc nước để đóng chai ở thị trấn Trà Lồng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết, nhà máy của ông đã đóng cửa cách nay khoảng mười ngày vì nước máy bị nhiễm mặn. Chủ nhà máy xử lý nước để cung cấp cho khoảng 600 gia đình tại thị trấn Trà Lồng, bảo rằng, nhà máy của ông hoạt động khoảng 20 năm, nước bị dơ, nhiễm phèn thì có thể xử lý nhưng nước mặn như hiện nay thì ông bó tay.
Ông Lê Phước Ðại, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi tỉnh Hậu Giang, cho biết, độ mặn trong nước sông đang tăng đột biến kể từ đầu tháng này và đe dọa cả thành phố Vị Thanh lẫn nhiều huyện trong tỉnh như: Long Mỹ, Phụng Hiệp... đe dọa khoảng 18,000 hecta lúa. Nếu thủy triều dâng cao, nước mặn sẽ xâm nhập đến thị xã Ngã Bảy.
Chẳng riêng Sóc Trăng, Hậu Giang mà tình trạng tương tự đang đe dọa Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Kiên Giang, An Giang. Báo chí Việt Nam và một số viên chức bảo rằng đó là tác động của biến đổi khí hậu.
Cách nay khoảng một thập niên, giới khoa học từng dự báo, đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam sẽ là một trong những nơi thiệt hại nặng nhất do biến đổi khí hậu toàn cầu nhưng sự thực không hoàn toàn như thế.
Trung tuần tháng mười năm ngoái, Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng-Thủy Văn khu vực Nam bộ từng cảnh báo, tuy có hệ thống sông rạch chằng chịt nhưng đồng bằng sông Cửu Long sẽ thiếu nước ngọt trầm trọng vì lưu lượng nước từ thượng nguồn Mekong đổ về suy giảm nghiêm trọng. Do trữ lượng nước ngọt của hệ thống sông rạch ở đồng bằng sông Cửu Long rất thấp nên đầu mùa khô năm 2015, nước mặn sẽ xâm nhập sớm hơn, sâu hơn và khắc nghiệt hơn so với mọi năm.
Sở dĩ nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đồng bằng sông Cửu Long giảm đáng kể vì bị điều tiết mạnh mẽ ở phía thượng nguồn do Trung Quốc và Lào xây dựng quá nhiều công trình thủy điện. Hậu quả vốn đã được cảnh báo cách nay hàng thập niên nhưng Việt Nam phản ứng rất nhẹ nhàng và chậm chạp. Trong chuyện đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước ngọt, tác động của biến đổi khí hậu không phải là yếu tố chính.
Trước nữa, vào giữa năm ngoái, tại “Diễn đàn bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 7,” nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo rằng, sinh hoạt và sinh kế của cư dân đồng bằng sông Cửu Long vốn đã khó khăn sẽ còn khó khăn hơn do sự suy kiệt về tài nguyên và sự suy thoái của môi trường.
Các tài nguyên như: đất, nước, thủy sản,... ở đồng bằng sông Cửu Long không còn như trước. Sự đa dạng sinh học cũng đã biến mất.
Lúc đó, ông Nguyễn Văn Nghĩa, một chuyên viên của Cục Quản Lý Tài Nguyên Nước, thuộc Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, từng phân tích, bởi nguồn nước mặt giảm nên người ta chuyển qua khai thác nguồn nước ngầm và vì vậy, mỗi năm, mực nước trong tầng nước ngầm đã giảm từ 0.2 mét đến 0.4 mét. Có nơi, mực nước của tầng nước ngầm giảm tới gần 1 mét/năm. Ðiều đó làm nước mặn xâm nhập càng ngày càng sâu. Xói lở ven sông, ven biển càng ngày càng lớn.
Rồi do nguồn nước, do sự hình thành và tồn tại của các công trình chặn lũ, ngăn mặn, thủy điện và cả do lối đánh bắt theo kiểu tận diệt, thủy sản - nguồn lớn tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long vốn hết sức phong phú, dồi dào nay đã suy giảm đáng kể.
Cũng tại hội nghị vừa kể, ông Nguyễn Thanh Nguyên, một phó chủ tịch của tỉnh Long An, thú nhận, những sai lầm trong quản lý đã góp phần làm suy kiệt tài nguyên của đồng bằng sông Cửu Long và khiến môi trường của khu vực này bị suy thoái. Hiện nay, mỗi năm, sản lượng lương thực của Long An khoảng 3 triệu tấn, gấp mười lần giai đoạn 1970 (chỉ chừng 300,000 tấn). Tuy nhiên để đạt được kết quả đó, toàn bộ hệ sinh thái đa dạng của Ðồng Tháp Mười đã bị hủy diệt vì những kế hoạch khai phá, chuyển thành đất trồng lúa. Hệ sinh thái nước lợ ven biển coi như đã bị xóa sạch vì phong trào nuôi tôm.
Ông Bùi Cách Tuyến, một thứ trưởng của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, thừa nhận, hậu quả của việc thực hiện các quy hoạch tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long “đã bộc lộ càng ngày càng rõ.” (G.Ð)

 http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=210953&zoneid=431#.Vb-MB7DejIU

Geen opmerkingen:

Een reactie posten