Khi con người thành nô lệ của Internet
- 25 tháng 7 2015
Một nhóm người đang tụ tập phía trước một tượng đài. Nhưng họ không hề hay biết về sự tồn tại của nhau.
Một người phụ nữ há to mồm, tay bắt chéo qua tim, tạo dáng trên một con đường đông đúc.
Hai người đàn ông, có lẽ là hai anh em, đứng sau một hàng rào trắng, cả hai nghiêng đầu về cùng một góc.
Đây là cảnh được chụp lại trong bộ ảnh với tên gọi 'Một nơi khác' của Josh Pulman, vốn ghi lại cảnh những người sử dụng điện thoại ở nơi công cộng.
Mỗi ngày trên đường phố, ở mọi thành phố trên thế giới, chúng ta lại thấy nhiều người như vậy, điều chưa từng xuất hiện nhiều thập niên trước đây.
Chúng ta đã quen với việc chia sẻ không gian với người khác không còn đồng nghĩa với việc cùng chia sẻ một trải nghiệm.
Giờ đây, chúng ta có thể mang theo mình nhiều sự lựa chọn, từ bạn bè, gia đình, tin tức, công việc, giải trí, thông tin.
Thông qua những màn hình nhỏ bé, chúng ta có thể dễ dàng tiếp xúc với những người mình quan tâm, yêu thương hoặc cần đến.
Thế nhưng Pulman tự hỏi: "Nếu hai người cùng bước xuống một con phố và đang cùng nói chuyện điện thoại với người khác, liệu họ có thực sự là đang cùng nhau hay không? Và chúng ta cảm thấy gì trước hiện tượng này? Lo lắng, tức giận, hay vui mừng?"
Đã là người thì ai cũng cần sự kết nối. Thế nhưng điều này có thể nào phản lại chúng ta một ngày nào đó?
Liệu chúng ta có kết nối quá mức không, và nếu có, liệu điều này sẽ tác động ra sao đến tương lai của chúng ta?
Kết nối cuộc sống
Hãy tưởng tượng một cảnh tượng của Thế kỷ 19, khi mạng lưới điện thoại đầu tiên ra đời: Hàng dặm nối tiếp hàng dặm những sợi dây dắt hai bên đường, nối vào mỗi căn nhà.
Những bức tường kể từ đó đã bị phá vỡ, mỗi ngôi nhà giờ đây kết nối vào một hệ thống tương tác mới.
Điện báo đã mang lại cho thế giới điều kỳ diệu: Nhắn tin ở tốc độ của dòng điện.
Điện thoại không nhàm chán giống như những vạch và chấm trong mã Morse, mà là giọng nói con người, thì thầm vào tai.
"Chúng ta không sớm thì muộn sẽ trở thành những đống mứt trong suốt trong mắt nhau," một cây bút người Anh viết vào năm 1897, với lo ngại rằng sự riêng tư sẽ sớm biến mất trong kỷ nguyên công nghệ mới.
Những cảnh báo như thế về các công nghệ mới không phải là điều mới mẻ.
Thế nhưng dù quan ngại về điện thoại có lẽ đã bị thổi phồng, chúng cũng nói đúng một phần nào đó.
Một trong những mục tiêu của công nghệ thế kỷ 19 và 20 đó là kết nối tất cả những nơi làm việc và giải trí vào một mạng lưới điện, giao thông và truyền thông.
Trong khi đó, câu chuyện của thế kỷ 21, đó là kết nối khối óc của chúng ta vào một mạng lưới tương tự. Chúng ta không còn khoan những lỗ trên tường nhà để cắm dây điện thoại. Chúng ta đang tự cắm chính mình vào hệ thống ấy và bắt đầu cảm nhận được sự căng thẳng.
Luôn luôn hoạt động
Giống như tổ tiên của chúng ta ở thế kỷ 19, điện thoại bắt đầu như một biểu tượng của vị thế, của những người bận rộn và giàu có.
Thế rồi sự quý phái đó trở nên phổ quát, và biểu tượng đó bắt đầu tràn ngập vào mọi khía cạnh xã hội.
Chúng ta đưa chúng vào mọi ngữ cảnh ở chốn công cộng cũng như nơi riêng tư, trong mọi cử chỉ và nghi thức xã giao.
Và, giống như lịch sử đang lặp lại, những cảnh báo về các tác động xấu của hệ thống liên lạc di động đang lên cao, ở một kỷ nguyên mà nhu cầu kết nối của chúng ta đang làm lu mờ cho câu hỏi liệu chúng ta đang kết nối với cái gì.
Gần đây, một câu chuyện đã lan tỏa trên mạng về một người đàn ông 31 tuổi phải điều trị bệnh 'nghiện kết nối internet', do việc sử dụng Kính Google quá mức.
Ở nhiều khía cạnh, sử dụng Kính Google cũng giống như áp một chiếc điện thoại thông minh sát mặt.
Thiết bị này có camera, microphone, màn hình tí hon và có thể kết nối internet.
Nó được kích hoạt bởi giọng nói hoặc gõ nhẹ bằng ngón tay.
Các bác sỹ nói bệnh nhân này đã lặp đi lặp lại việc gõ ngón tay vào xương sọ, ngay cả khi không đeo Kính Google.
Ông này đã sử dụng thiết bị trên trong 18 tiếng, và ban đêm mơ thấy mình đang nhìn ra thế giới thông qua nó.
Đây là một câu chuyện đáng sợ, viết riêng cho thời đại của chúng ta.
Một người đàn ông với nhiều vấn đề trong cuộc sống, như nghiện rượu và rối loạn tâm lý, gặp phải một cám dỗ quá lớn và bị rơi vào cơn nghiện mới.
Với chính bản thân bạn thì sao?
Đã bao nhiêu lần tay bạn tự mò đến chiếc điện thoại, hay nơi mà bạn thường cất nó?
Tiếng tin nhắn đến, hay sự yên tĩnh khi không có mạng, mang lại cho bạn cảm giác như thế nào?
Vấn đề là đây không phải là những câu hỏi với câu trả lời rõ ràng.
Phân biệt giữa thói quen và bệnh lý đồng nghĩa với việc quyết định điều gì đối với chúng ta là bình thường, lành mạnh và có thể chấp nhận được.
Thời công nghệ 'giật dây' con người
Tuy nhiên công nghệ lại rất xuất sắc ở việc thay đổi các chuẩn mực nhanh đến chóng mặt.
Ở khía cạnh khác, như nhà triết học Julian Baggini từng nói với tôi, "con người có thể thay đổi, nhưng về nhiều mặt, chúng ta vẫn như cũ".
Tôi vẫn có thể đọc bản dịch của các tác phẩm văn học thời La Mã hay Hy Lạp và hiểu rõ các tác giả nói gì khi họ đề cập đến sự giận dữ, sự đam mê, lòng yêu nước, sự tin tưởng hay sự phản bội.
Thế nhưng công nghệ máy tính cũng đồng nghĩa với việc quan hệ của tôi với những người xung quanh cũng như thế giới được phóng đại lớn hơn bất cứ thứ gì mà ông bà tôi từng biết.
Tôi để cho máy móc nhớ các ký ức, thói quen, thời gian biểu của mình, tôi tự động hóa mọi thứ, từ tìm đường cho đến tìm phim để xem.
Như các triết gia Andy Clark và David J Chalmers từng tranh luận, suy nghĩ của tôi giờ là một sự phối hợp giữa não bộ và các thiết bị như điện thoại trên tay tôi.
Tôi là một hệ thống tinh vi, có khả năng sử dụng cả hai thứ trên. Vậy tại sao tôi là không ăn mừng sự tiện lợi này, cũng giống như khi tôi ăn mừng sự tự do mà tôi cảm nhận được khi có một chiếc xe hoặc một cái máy rửa chén?
Có một điều mà chúng ta không thể phủ nhận, đó là con người không chỉ là sinh vật làm theo thói quen, chúng ta còn là sinh vật có giới hạn.
Giờ đây, chúng ta bị thúc giục phải đưa ra các quyết định liên tục, bởi hàng tỷ dữ liệu.
Không có gì khiến chúng ta, ngay cả những bộ óc sắc bén nhất, dễ mệt mỏi bằng những tiếng báo động liên tục từ những thiết bị trong túi và các phần mềm mà chúng vận hành.
Chính tác động theo số mũ của công nghệ thông tin này đang tạo nên vấn đề lớn nhất đối với tất cả những gì chúng ta từng cho là bình thường, cân bằng, tự chủ.
Chúng ta đang sống trong một thế giới bị tràn ngập, và căn bệnh của chúng ta chính là bệnh của những người sống trong sự quá trớn đó.
Những thứ thức ăn kém lành mạnh, những thứ tin tức tạp nham, những khoảng thời gian vô bổ, những thứ thu hút sự chú ý, tất cả đều muốn trở thành một phần trong dòng suy nghĩ của chúng ta.
Vậy liệu chúng ta có cần kiêng giảm, giải độc? Dù là về mặt cơ thể hay tinh thần đi nữa, những phương pháp này đều không hữu hiệu hoặc thậm chí không lý giải được nguyên nhân dẫn tới sự quá trớn.
Liệu việc 'rút dây' có ý nghĩa gì, nối một ngày nào đó bạn lại phải 'cắm vào' trở lại?
Tốt nhất là đối mặt với thực tế và bắt đầu bằng mối quan hệ mật thiết mà chỉ càng ngày càng thắt chặt hơn: giữa não bộ với cơ thể và những mạng lưới dày đặc của sự tự động hóa.
Dù gì đi nữa, tôi đang đổ hàng tiếng đồng hồ không chỉ vào một cái màn hình, mà vào một mạng lưới khối óc con người bao quát nhất từ trước đến nay.
Nếu tôi bị mê hoặc bởi nó, hay sợ hãi, vui mừng, mất tập trung bởi nó, chính là vì có những người ngoài kia đang chiếu ngược thế giới thông tin này về phía tôi. Và nếu tôi muốn thay đổi điều này, tôi sẽ phải tìm kiếm những người để cùng xây dựng những thói quen, kiểu mẫu và mô hình ứng dụng mới.
Bản gốc bài viết đã được đăng trên BBC Future
Tin liên quan
- Quái vật đào hầm dưới lòng London
- 'Bí quyết duy nhất' để làm giàu
- Làm sao để sống thọ trên 110 tuổi?
- Nỗi sợ biến đổi ký ức như thế nào?
- Nên lột tả cảnh nóng trong phim ra sao?
- Giai đoạn nào là đỉnh cao cuộc đời bạn?
- Những mật mã trên đồng bảng Anh
- Thử dừng mọi việc trong 24 giờ, có lợi đấy!
- Thế giới bị cai trị bởi đồng hồ?
- Làm sao 'tẩy não' người khác?
- Mẹo đối phó tình trạng mất ngủ
- Có cần phi cơ chiến đấu hiện đại?
- Mẹo bắt quả tang nói dối
- Ngộ nghĩnh thế giới động vật
- Apple sẽ sản xuất xe hơi?
Geen opmerkingen:
Een reactie posten