donderdag 11 april 2024

[Lò-ông-Lú] [LoL] : Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan bị tuyên tử hình+bồi thường 27 tỷ USD, chồng 9 năm tù, cháu gái 17 năm

 Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan bị tuyên tử hình, chồng 9 năm tù, cháu gái 17 năm


SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Bị cáo Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị kết án tử hình, do bị ba cáo buộc “tham ô tài sản,” “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.”

Theo báo Thanh Niên hôm 11 Tháng Tư, phán quyết nêu trên được tuyên sau khi Hội Đồng Xét Xử bị cáo Lan là người sở hữu thực sự và chi phối hơn 91.5% cổ phần của ngân hàng SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB, cũng như toàn quyền tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại nhà băng này.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tại phiên tòa hôm 11 Tháng Tư. (Hình: ZNews)

Hội Đồng Xét Xử cho rằng không chấp nhận lời bào chữa của bị cáo Lan cũng như các luật sư về việc bà này chỉ có 15% cổ phần, bao gồm của mình và hai người con gái.

Theo kết luận của tòa, những người đứng tên trên 75% cổ phần tại SCB đều thừa nhận đứng tên giùm bị cáo Trương Mỹ Lan.

Cũng theo phán quyết của tòa đăng trên báo Dân Trí, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh Tra-Giám Sát của Ngân Hàng Nhà Nước, lãnh án chung thân, do nhận hối lộ $5.2 triệu của bị cáo Lan để bỏ qua sai phạm của SCB.

Ba bị cáo khác cùng lãnh án chung thân là Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB), Đinh Văn Thành và Bùi Anh Dũng (đều là cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị SCB).

Bị cáo Trương Huệ Văn, cháu gái của bị cáo Trương Mỹ Lan và là tổng giám đốc tập đoàn Bất Động Sản Winsor, bị kết án 17 năm tù.

Bị cáo Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ), quốc tịch Hồng Kông, chồng bị cáo Trương Mỹ Lan và là chủ tịch công ty Times Square, lãnh án chín năm tù.

Đáng lưu ý, có tổng cộng 10 bị cáo được trả tự do ngay tại tòa, trong đó hầu hết là cán bộ của Ngân Hàng Nhà Nước, số còn lại là thuộc cấp của bị cáo Lan tại nhà băng SCB.

Hồi giữa Tháng Mười Hai năm ngoái, người thân của bà Trương Mỹ Lan được ghi nhận nộp 1,000 tỷ đồng ($41.2 triệu) tiền “khắc phục hậu quả.”

Tiền “khắc phục hậu quả” được hiểu là tiền do thân nhân của bị can, bị cáo nộp để đổi lại bản án nhẹ hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm Sát khi phiên tòa diễn ra.

Bị cáo Trương Huệ Vân được ghi nhận nộp 1,063 tỷ đồng ($43.7 triệu) và $3,000.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh Tra-Giám Sát Ngân Hàng, thuộc Ngân Hàng Nhà Nước. (Hình: ZNews)

Bị cáo Chu Lập Cơ nộp 1 tỷ đồng ($41,194).

Ngoài ra, các bị cáo khác trong vụ này cũng nộp tiền “khắc phục hậu quả” lên đến hàng triệu đô la.

Trong số đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn nộp $4.8 triệu và 10 cuốn sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng ($411,947). (N.H.K) [qd]

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan bị tuyên tử hình, chồng 9 năm tù, cháu gái 17 năm (nguoi-viet.com)

Video : https://youtu.be/gXeip9H7Zeg

Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình, buộc bồi thường gần 27 tỷ đô la

Bà Trương Mỹ Lan nghe Tòa tuyên án vào chiều ngày 11/4. Bà Lan còn phải ra tòa trong một vụ án khác về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’.
Bà Trương Mỹ Lan nghe Tòa tuyên án vào chiều ngày 11/4. Bà Lan còn phải ra tòa trong một vụ án khác về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’.

Bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan đã bị tòa án uyên án tử hình cho hành vi rút ruột ngân hàng SCB, đồng thời bị buộc phải bồi thường hơn 25 tỷ đô la cho ngân hàng này, truyền thông trong nước đưa tin.

Bản án vừa được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tuyên vào chiều ngày 11/4 sau hơn một tháng xét xử đối với bà Lan cùng 85 đồng phạm khác.

Bà Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị xét xử về ba tội danh: ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Tham ô tài sản’. Theo Tuổi Trẻ, nữ tỷ phú bất động sản bị tuyên tử hình cho tội ‘Tham ô’ và hai mức án 20 năm tù cho hai tội danh còn lại. Tổng hợp hình phạt của bà Lan là tử hình.

Đáng lưu ý là cả hai tội danh ‘Tham ô tài sản’ và ‘Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng’ dù có hai mức án khác nhau nhưng đều cho cùng một hành vi rút ruột ngân hàng SCB trong hai giai đoạn khác nhau.

Theo giải thích của luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội với VOA, đối với hành vi phạm tội từ năm 2018 trở về trước, do luật Việt nam lúc đó chưa quy định tội danh tham ô trong lĩnh vực tư nhân, bà Lan chỉ bị định tội ‘Vi phạm quy định ngân hàng’ với mức án tối đa 20 năm tù. Nhưng sau năm 2018 do Việt Nam đổi luật nên hành vi của bà Lan trong giai đoạn này khiến bà bị tuyên án tử hình cho tội ‘Tham ô’.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là vụ án thứ nhất dính đến nữ đại gia này. Bà Lan còn phải ra tòa trong một vụ án khác về tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ do bà đã thông qua ngân hàng SCB phát hành trái phiếu rác nhằm chiếm đoạt hơn 1 tỷ đô la của hơn 40.000 nạn nhân khắp cả nước.

Khi nghe mình bị án tử hình, bà Lan đã ‘loạng choạng, được cảnh sát đỡ’ nhưng sau đó ‘đã bình tĩnh trở lại để nghe hết nội dung tuyên án’, theo tường thuật của VnExpress.

Trong phần tuyên án được trang mạng này dẫn lại, Tòa lập luận rằng mặc dù bà Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch… nhưng Tòa vẫn tuyên bà mức án cao nhất vì sai phạm của bà có ‘thủ đoạn tinh vi’, ‘có tổ chức’, ‘xảy ra trong thời gian dài’ với ‘hậu quả đặc biệt nghiêm trọng’ và bản thân bà Lan ‘là người cầm đầu’.

Tòa cho rằng hành vi của bà Lan ‘đã đẩy SCB vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; xói mòn niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước’, theo bản án được VnExpress dẫn lại.

Ngoài bản án tử hình, bà Lan và các đồng phạm có trách nhiệm hình sự phải bồi thường 498.000 tỷ đồng, tức gần 20 tỷ đô la cho ngân hàng SCB. Tuy nhiên, theo VnExpress, nếu tính theo trách nhiệm dân sự thì số tiền bà Lan phải bồi thường là hơn 673.800 tỷ đồng, tương đương hơn 26,9 tỷ đô la theo thời giá hiện nay.

Con số này được tính từ số dư nợ 677.000 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi mà hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của bà Lan còn nợ của SCB, trong tổng số hơn một triệu tỷ đồng mà họ đã vay kể từ năm 2012, khi SCB ra đời trên cơ sở được bà Lan sáp nhập ba ngân hàng yếu kém, cho đến năm 2022, khi bà Lan bị bắt.

Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã tất toán được một phần trong số một triệu tỷ đồng đó, và sau khi trừ đi một số khoản đã được tất toán sau thời điểm khởi tố vào tháng 10 năm 2022 thì số tiền này còn hơn 673.000 tỷ đồng, cũng theo trang mạng VnExpress.

Còn số 498.000 tỷ đồng trách nhiệm hình sự được tính trên cơ sở đã được cấn trừ 179.000 tỷ đồng giá trị tài sản đảm bảo mà nhóm công ty bà Lan đã đưa vào để làm thế chấp cho các khoản vay.

Hiện giờ Tòa đang thực hiện việc kê biên các bất động sản của bà Lan để đảm bảo thi hành án, theo truyền thông trong nước.

Vụ án của bà Trương Mỹ Lan tại ngân hàng SCB là vụ án kinh tế có hậu quả nặng nề nhất trong lịch sử Việt Nam. Trước bà Lan, đã từng có một đại gia khác đã bị tuyên và thi hành án tử hình về tội lừa đảo – đó là ông Tăng Minh Phụng trong đại án kinh tế Minh Phụng-EPCO vào những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, số thiệt hại mà ông Phụng gây ra không thấm tháp gì so với bà Trương Mỹ Lan.

Luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội từng nhận định với VOA rằng ‘nếu bà Lan có thể khắc phục được gần hết số tiền thiệt hại thì có thể bà sẽ không bị tử hình’.

Ông Hải dẫn lại bài học kinh nghiệm của Việt Nam là đã tử hình ông Phụng nhưng ‘sau này người ta cảm thấy không cần thiết’ vì tài sản bị thu giữ của ông Phụng có thể khắc phục hết thiệt hại.

Ngoài bà Lan bị án tử hình, có bốn bị cáo khác bị tuyên án chung thân, bao gồm bà Đỗ Thị Nhàn, cục trưởng Cục thanh tra Ngân hàng Nhà nước cùng với ba cựu lãnh đạo SCB qua các thời kỳ là các ông Đinh Văn Thành (cựu chủ tịch, đang trốn truy nã), Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc).

Bà Nhàn bị cáo buộc đã nhận số tiền hối lộ 5,2 triệu đô la từ bà Trương Mỹ Lan để che giấu những sai phạm của ngân hàng SCB, giúp tránh cho ngân hàng này bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Còn các cựu lãnh đạo SCB bị tuyên án chung thân vì đã ‘trực tiếp nhận chỉ đạo và giúp sức tích cực cho bà Lan chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn’, theo bản án được VnExpress dẫn lại.

Riêng chồng bà Lan, ông Chu Lập Cơ (người Hong Kong), và cháu gái bà, Trương Huệ Vân, nhận các mức án lần lượt là 9 và 17 năm tù.

Theo cáo trạng, bà Lan đã lợi dụng việc sáp nhập ba ngân hàng yếu kém thành SCB vào năm 2012 để tiến tới nắm giữ đến 91,5% cổ phần của SCB, mặc dù luật pháp Việt Nam khống chế một tổ chức, cá nhân không được sở hữu quá 5% cổ phần củ một ngân hàng. Từ đó, bà Lan đã thao túng toàn bộ hoạt động của ngân hàng này và sử dụng nó như là công cụ bơm vốn cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Tuy nhiên, khi bào chữa trước Tòa, bà Lan đã không nhận tội.

Bà Lan được các báo trong nước trích lời nói rằng sở dĩ bà phải tập hợp nhiều cổ phần của SCB như vậy là do ‘được các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước kêu gọi’ để có thể sáp nhập được ba ngân hàng yếu kém. Bà cũng nói rằng bà đã đưa rất nhiều tài sản của bà vào ngân hàng này để giúp nó trụ vững nên ‘không có chuyện bà chiếm đoạt tài sản của chính mình’.

(Số tiền bồi thường tính bằng USD được cập nhật theo tỷ giá ngày 11/4)

Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình, buộc bồi thường gần 27 tỷ đô la (voatiengviet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten