woensdag 24 april 2024

Cuộc đời và sự nghiệp ca sĩ Vũ Khanh – Giọng hát nồng nàn của dòng nhạc tình ca

 Cuộc đời và sự nghiệp ca sĩ Vũ Khanh – Giọng hát nồng nàn của dòng nhạc tình ca



So với Tuấn Ngọc, Sĩ Phú, Elvis Phương,.. hoặc những “quý ông” khác của dòng nhạc tình ca đã nổi tiếng từ trước 1975 thì ca sĩ Vũ Khanh thuộc thế hệ sau, tuy nhiên ông vẫn tạo được một chỗ đứng riêng biệt trong lòng người yêu nhạc, và nhắc đến Vũ Khanh, ai cũng nhớ đến giọng ca trầm ấm, khoẻ khoắn gắn liền với những tình khúc vượt thời gian.
Giọng ca của những tình khúc vượt thời gian
Ca sĩ Vũ Khanh tên thật là Vũ Công Khanh, sinh năm 1954 tại Hà Nội trong một gia đình công giáo. Khi còn rất nhỏ, Vũ Khanh đã theo gia đình di cư vào Sài Gòn, vì vậy ông hầu như không có bất kỳ ký ức gì về quê nhà Hà Nội khi đó. Tại Sài Gòn, gia đình Vũ Khanh có một đại lý xe máy khu ngã 4 Ông Tạ, trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là đường Phạm Văn Hai). Lúc nhỏ, Vũ Khanh theo học tại trường công giáo trung tiểu học Thánh Thomas ở số 190 đường Trương Minh Ký tỉnh Gia Định, nằm bên cạnh giáo xứ Đa Minh. Ngày nay, trường này mang tên THPT Hàn Thuyên đường Lê Văn Sĩ.
Khi vào trung học, Vũ Khanh được cho theo học tại trường Nguyễn Bá Tòng, đây cũng là một trường tư thục công giáo nổi tiếng ở Sài Gòn thời đó nằm trên đường Bùi Chu. Sau 1975, tên đường và tên trường cùng được đổi thành Bùi Thị Xuân.
Trong đại gia đình đông đúc với tận 11 người con, Vũ Khanh là con út và cũng là người duy nhất trong gia đình đam mê nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp trung học, Vũ Khanh theo học khoá đầu tiên ngành Kịch Nghệ tại trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Sài Gòn, cùng khoá với nữ ca sĩ Sơn Ca, tuy nhiên, Sơn Ca chỉ học nửa chừng rồi chuyển qua học Âm nhạc Tây Phương, còn Vũ Khanh dù đam mê âm nhạc nhưng phần vì kinh tế khó khăn, phần vì không được sự ủng hộ của gia đình, vẫn tiếp tục theo học Kịch Nghệ và tốt nghiệp xuất sắc với bằng thủ khoa.
Sau năm 1975, Vũ Khanh cùng cha vượt biên sang Mỹ. Việc đầu tiên của ông khi đến Mỹ là đăng ký các lớp học, rồi thi vào học tại nghành Điện Toán trường Đại học San Jose. Ngoài thời gian học, Vũ Khanh tích cực tham gia hoạt động ca hát. Thời gian đầu, Vũ Khanh đi hát tại các tiệm ăn, quán cafe,… Có khi Vũ Khanh vừa hát, vừa làm MC, vừa phụ bưng bê bàn ghế, điều chỉnh âm thanh, làm nhiều việc lặt vặt phụ chủ tiệm. Năm 1978, lần đầu tiên Vũ Khanh có dịp trình diễn ca khúc Cô Hàng Nước tại một chương trình ca nhạc tổ chức trong khuôn viên trường đại học nơi ông đang theo học và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khoảng 5.000 khán giả có mặt khi đó.
Trong một lần tình cờ, tiếng hát Vũ Khanh lọt vào đôi tai thẩm âm tinh tường của nhạc sĩ Anh Bằng và ngay lập tức được nhạc sĩ này hát ca khúc Nỗi Lòng Người Đi trong một cuốn băng hát chung với nhiều ca sĩ đã nổi tiếng, cũng từ đó, tên tuổi và giọng hát của Vũ Khanh bắt đầu toả sáng ở hải ngoại.
Năm 1982, sau khi lấy bằng tốt nghiệp đại học, Vũ Khanh bắt đầu dấn thân sâu hơn vào con đường âm nhạc.
Sau thành công với ca khúc Nỗi Lòng Người Đi của nhạc sĩ Anh Bằng, trung tâm Làng Văn đã tìm đến và mời Vũ Khanh thu thanh, phát hành cuốn băng riêng đầu tiên của ông là Cây Đàn Bỏ Quên và đã đạt được thành công lớn.
Điểm ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp ca hát của Vũ Khanh phải kể đến là sau khi ông cộng tác trung tâm băng nhạc Diễm Xưa. Giai đoạn trước đó, Vũ Khanh giống như một người đi dò đường, bằng giọng hát trời phú và bản năng ông trình diễn nhiều thể loại nhạc, được nhiều người hâm mộ tán thưởng, nhưng lại không gây dấu ấn sâu đậm ở dòng nhạc, thể loại nào để có thể bứt phá lên thành một tên tuổi lớn. Chỉ sau khi cộng tác với bà Thái Xuân, chủ hãng băng nhạc Diễm Xưa, Vũ Khanh mới được hướng dẫn và chỉ điểm để đi theo dòng nhạc phù hợp với giọng hát của mình. Từ đây, những nhạc phẩm trữ tình, tiền chiến trở thành thế mạnh của giọng ca Vũ Khanh, mà khởi đầu là album nhạc Gọi Người Yêu Dấu.
Thập niên 1980 – 1990 đánh dấu những thành công rực rỡ của tiếng hát Vũ Khanh. Một loạt các ca khúc nổi tiếng đã từng gắn bó với các ca sĩ nổi tiếng trước đó đã được Vũ Khanh trình diễn lại và nhanh chóng tạo được dấu ấn riêng, tiêu biểu là Cây Đàn Bỏ Quên, Chuyện Tình Buồn, Áo Lụa Hà Đông, Cô Láng Giềng… Bên cạnh đó thì nhiều sáng tác mới tại hải ngoại cũng đã được đóng dấu bằng giọng hát Vũ Khanh như Tiễn Đưa (Lê Đức Long), Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về (Anh Bằng)…
Suốt 40 ca hát, Vũ Khanh luôn là một tên tuổi được yêu thích tại các vũ trường và sân khấu ca nhạc tại Mỹ, Châu Âu, Châu Úc, Canada và cả Việt Nam sau này. Ông song ca với nhiều giọng ca nữ tên tuổi ở hải ngoại như Ý Lan, Thanh Lan,.. Trong đó, Ý Lan được coi là người bạn song ca ăn ý nhất của Vũ Khanh cả về giọng hát và cách trình diễn.
Đầu thập niên 2000, Vũ Khanh lơi dần các hoạt động âm nhạc, chuyển về Houston sinh sống và làm việc tại một văn phòng luật sư. Nguyên nhân là bởi nạn băng đĩa lậu hoành hành khiến cho nguồn thu nhập của các nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn và sự bạc bẽo của nghề ca sĩ ở hải ngoại đằng sau ánh hào quang sân khấu. Năm 2012, lần đầu tiên Vũ Khanh trở về biểu diễn trong nước sau gần 40 năm xa quê hương.
Những năm gần đây, giống như nhiều nghệ sĩ hải ngoại khác, Vũ Khanh thỉnh thoảng trở về biểu diễn và làm giám khảo tại các chương trình âm nhạc trong nước.
Đánh giá về giọng ca của Vũ Khanh, nam ca sĩ được yêu thích nhất ở hải ngoại, nổi tiếng từ sau năm 1975, nhạc sĩ Từ Công Phụng từng nói: “Về nam ca sĩ, hiện nay ở hải ngoại tôi thấy có hai giọng ca có kỹ thuật và có vẻ quyến rũ là Tuấn Ngọc và Vũ Khanh”. Vũ Khanh được nhạc sĩ Từ Công Phụng nhận xét là có “làn hơi phong phú, phát âm đúng, giọng ngân đều đặn và không bị ngút hơi”.
Giọng hát và phong cách trình diễn của Vũ Khanh còn được cho là có nhiều sự tương đồng với nam danh ca Sĩ Phú. Tuy nhiên, Vũ Khanh đã khiêm nhường từ chối với ý kiến: “Không phải thế đâu, anh Sĩ Phú là một giọng ca nam tôi rất kính trọng, tôi từng chứng kiến anh hát ở một trường đại học, anh hát hay đến nỗi mà khi đến tiết mục của tôi, tôi chẳng biết nên hát như thế nào. Có thể dòng nhạc mà cả hai anh em theo đuổi có nhiều nét giống nhau nên mọi người hay so sánh thôi”.
Theo :nhacxua.vn Long Anh Ba

Geen opmerkingen:

Een reactie posten