zondag 14 april 2024

Caffeine ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?

 Caffeine ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào?


SAN DIEGO, California (NV) – Đối với nhiều người, việc uống cà phê mỗi sáng đã là thói quen không thể thiếu hằng ngày, giúp tỉnh táo và đầy năng lượng cho một ngày mới.

Tuy nhiên, một số người sẽ cảm thấy bị khó tiêu, lo lắng hay bồn chồn tăng vọt hàng giờ liền và không phải ai cũng biết cách vì sao caffeine có thể gây ra nhiều tàn phá như vậy bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại.

Các cuộc nghiên cứu cho thấy có tới 93% người Mỹ tiêu thụ ít nhất một loại đồ uống có chứa caffeine mỗi ngày. (Hình: Christopher Furlong/Getty Images)

Dưới đây là các mẹo giúp cho bạn giảm thiểu tác động của caffeine lên cơ thể, theo trang mạng Well + Good hôm 10 Tháng Ba.

CAFFEINE ẢNH HƯỞNG ĐẾN TOÀN BỘ CƠ THỂ RA SAO?

Các cuộc nghiên cứu cho thấy có tới 93% người Mỹ tiêu thụ ít nhất một loại đồ uống có chứa caffeine mỗi ngày.

Theo Bác Sĩ Melanie Murphy Richter, giám đốc trung tâm Wholistic Ritual, caffeine là một chất kích thích được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như hạt cà phê, trà, ca cao, chocolate, hoặc nó cũng có thể được bổ sung tổng hợp trong một số đồ uống như nước tăng lực, cung cấp năng lượng nhanh.

Bác Sĩ Sarah Robbins, nhà sáng lập trung tâm Well Sunday, cho biết caffeine ảnh hưởng đến mọi hệ thống trong cơ thể con người, trong đó nó có tác động lớn nhất đối với hệ thần kinh trung ương.

“Caffeine ảnh hưởng đến một số chất dẫn truyền thần kinh, tâm trạng, mức năng lượng và cả chức năng nhận thức,” Bác Sĩ Sarah Robbins nói.

Trong hệ thần kinh có adenosine là chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giấc ngủ và ngăn chặn sự hưng phấn. Caffeine sẽ hoạt động như một chất đối kháng thụ thể adenosine, liên kết với các thụ thể adenosine mà không kích hoạt chúng, ngăn chặn adenosine gắn vào các thụ thể này một cách hiệu quả. Và vì adenosine không thể liên kết với các thụ thể để phát huy tác dụng xoa dịu, nên kết quả là hoạt động thần kinh tăng lên và giảm cảm giác mệt mỏi.

Đổi lại, các thụ thể adenosine bị chặn sẽ kích hoạt một loạt phản ứng hóa học dẫn đến các phản ứng sinh lý như tăng cường sự tỉnh táo, đem lại năng lượng, sự tập trung và hiệu suất nhận thức, phổ biến nhất có liên quan đến việc tiêu thụ caffeine.

Ngoài tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, nó còn đóng vai trò làm tăng nhịp tim và huyết áp, giải phóng hormone adrenaline, tăng sợ lợi tiểu, tăng tốc độ trao đổi chất và tăng sản xuất acid trong hệ tiêu hóa.

Ngược lại, nếu cơ thể nạp quá nhiều caffeine, các phản ứng bất lợi sẽ xảy ra như có cảm giác bồn chồn, lo lắng, tăng nhịp tim.

5 CÁCH GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG CỦA CAFFEINE VÀO CƠ THỂ

1. Tránh uống đồ uống có caffeine khi bụng đang đói

Một trong những cách tốt nhất để giảm tác động của caffeine lên cơ thể là tránh uống khi bụng đói.

Theo Bác Sĩ Melanie Murphy Richter, những tác động tiêu cực của caffeine như lo lắng, bồn chồn hoặc nhịp tim nhanh có thể giảm bớt khi cơ thể bạn có chút đệm trong dạ dày.
Một số thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau nên ăn trước khi nạp caffeine sẽ giúp làm chậm quá trình hấp thụ caffeine vào máu. Trong khi đó, các thực phẩm như trứng, sữa chua, các loại hạt hoặc sinh tố protein sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu và giảm cảm giác bồn chồn.

2. Cơ thể giữ nước đầy đủ

Nếu như bạn không có thời gian cho gì vào bụng trước khi nhâm nhi tách cà phê thì hãy nhớ uống nước thật nhiều trước và sau khi tiêu thụ caffeine để giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước và các vấn đề tiêu hóa tiềm ẩn.

Uống một ly nước lớn vào buổi sáng trước khi uống cà phê sẽ giúp làm loãng tác dụng của caffeine. Ngoài ra, theo một nguyên tắc chung, bạn cũng nên uống một ly nước sau mỗi loại đồ uống có chứa caffeine để giúp duy trì mức độ hydrat hóa.

Một trong những cách tốt nhất để giảm tác động của caffeine lên cơ thể là tránh uống khi bụng đói. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

3. Thời điểm tiêu thụ caffeine

Tiêu thụ cà phê có nhiều caffeine vào đầu ngày giúp bảo đảm rằng tác dụng của nó sẽ hết đi khi đi ngủ, giảm nguy cơ rối loạn giấc ngủ.

Tốt nhất là bạn không nên tiêu thụ thức uống có caffeine sau 1 giờ chiều. Nếu bạn tiêu thụ caffeine trong khung giờ từ 3 giờ chiều đến 5 giờ chiều, caffeine có thể ảnh hưởng nhiều đến cơ thể nhiều hơn, và vì vậy tốt nhất là ngừng tiêu thụ nó ít nhất sáu giờ trước khi đi ngủ.

4. Hạn chế tiêu thụ caffeine bất cứ khi nào có thể

Giống như hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, điều độ là chìa khóa. Đó là lý do vì sao mà bạn nên hạn chế tiêu thụ caffeine bất cứ khi nào có thể để giúp giảm thiểu các triệu chứng phổ biến liên quan đến caffeine như lo lắng, bồn chồn hoặc tim đập nhanh.

Đối với hầu hết mọi người, lượng caffeine vừa phải được coi vào khoảng 200 đến 300 miligram mỗi ngày, tương đương với khoảng từ hai đến ba tách cà phê.

Tuy nhiên, bạn cũng nên để ý một điều rằng việc bỏ đột ngột caffeine cũng có tác dụng phụ.

5. Ăn sau khi nạp caffeine

Ăn nhẹ sau khi tiêu thụ caffeine cũng giúp giảm thiểu tác động của nó đối với cơ thể. Một số loại thực phẩm như chuối giàu potassium giúp bổ sung điện giải do cơ thể có thể bị cạn kiệt vì tác dụng lợi tiểu của caffeine; một số thực phẩm giàu magnesium như rau chân vịt hay hạnh nhân giúp bổ sung lượng magnesium dự trữ đã cạn kiệt do caffeine, đồng thời hỗ trợ cơ bắp và thư giãn. (YY) [qd]

Caffeine ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào? (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten