Chủ tịch Tập tiếp cựu tổng thống Đài Loan: Không ai có thể ngăn được ‘đoàn tụ gia đình’
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 10/4 nói với cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu rằng sự can thiệp từ bên ngoài sẽ không thể ngăn được cuộc sum họp trong nhà giữa hai bờ eo biển Đài Loan và không có vấn đề gì là không thể thảo luận.
Kể từ khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc phải chạy sang Đài Loan vào năm 1949 sau khi bị bại trận trong cuộc nội chiến với phe cộng sản của Chủ tịch Mao Trạch Đông, không có lãnh đạo đương nhiệm nào của Đài Loan đến thăm Trung Quốc.
Ông Mã, vốn là tổng thống từ năm 2008 đến năm 2016, vào năm ngoái đã trở thành cựu lãnh đạo Đài Loan đầu tiên đến thăm Trung Quốc, và hiện đang có chuyến thăm thứ hai, vào thời điểm căng thẳng quân sự âm ỉ trên eo biển.
Tiếp ông Mã tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, nơi các lãnh đạo nước ngoài thường hội đàm với các lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập nói rằng người dân ở cả hai bên eo biển Đài Loan đều là người Hoa.
“Sự can thiệp từ bên ngoài không thể chặn được xu thế lịch sử là đất nước và gia đình sum họp,” ông Tập được truyền thông Đài Loan dẫn lời nói.
Ông Tập không nói rõ chi tiết nhưng trong cách nói của Trung Quốc thì sự can thiệp từ bên ngoài vào Đài Loan thường nhắm vào sự hỗ trợ của các nước phương Tây như Mỹ dành cho Đài Bắc, nhất là việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan khiến Bắc Kinh phẫn nộ.
Người dân ở cả hai bên eo biển đều là người Trung Quốc, ông Tập nói.
“Không có mối căm hờn nào mà không thể giải quyết, và không có vấn đề nào không thể thảo luận, và không có thế lực nào có thể chia rẽ chúng ta.”
Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát Đài Loan, và đã gia tăng áp lực quân sự và chính trị để khẳng định chủ quyền của mình đối với hòn đảo này.
Ông Mã nói với ông Tập rằng căng thẳng đã khiến nhiều người dân Đài Loan cảm thấy bất an.
“Để xảy ra chiến tranh giữa hai bên là điều không thể chịu nổi đối với người Hoa,” ông Mã nói, khi dùng thuật ngữ chỉ người gốc Hoa thay vì quốc tịch của họ.
“Người Hoa ở cả hai bờ eo biển hoàn toàn có đủ trí tuệ để xử lý tất cả các tranh chấp một cách hòa bình và tránh dẫn đến xung đột.”
Phản ứng về cuộc gặp, Hội đồng các vấn đề đại lục của Đài Loan vốn phụ trách hoạch định chính sách đối với Trung Quốc cho biết họ vô cùng lấy làm tiếc vì ông Mã đã không truyền đạt công khai thái độ nhất quyết của người dân Đài Loan bảo vệ chủ quyền và chế độ dân chủ của nhà nước Trung Hoa dân quốc, hiện vẫn là tên chính thức của Đài Loan.
Cơ quan này nói thêm rằng Bắc Kinh nên ngừng đe nẹt Đài Loan và giải quyết những khác biệt với Đài Bắc thông qua đối thoại một cách tôn trọng và có lý trí.
Ông Tập gọi ông Mã là ‘Mã Anh Cửu tiên sinh’ chứ không phải cựu tổng thống, vì cả hai chính phủ Trung Quốc và Đài Loan đều không chính thức công nhận lẫn nhau, trong khi ông Mã gọi ông Tập là Tổng bí thư.
Trung Quốc nói họ sẽ chỉ nói chuyện với bà Thái Anh Văn nếu bà chấp nhận rằng cả hai bờ eo biển đều là ‘một Trung Quốc’, điều mà bà Thái bác bỏ.
Ông Mã vẫn là đảng viên cao cấp của Quốc Dân Đảng, đảng đối lập chính ở Đài Loan. Đảng này hồi tháng 1 đã thất cử tổng thống lần thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, ông Mã không nắm vị trí chính thức nào trong đảng.
Ông Tập chưa đưa ra bình luận công khai nào về cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan diễn ra hồi tháng 1, trong đó Phó Tổng thống đương nhiệm Lại Thanh Đức đã giành chiến thắng. Ông Lại, người bị Bắc Kinh coi là một kẻ ly khai nguy hiểm, sẽ nhậm chức vào ngày 20 tháng 5.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten