Trung Quốc phải ngừng hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine nếu muốn có mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố ngày 25/4, cảnh cáo Bắc Kinh bằng những lời lẽ gay gắt rằng Trung Quốc không thể vừa được này, vừa được kia.
Trong chuyến thăm Berlin, người đứng đầu liên minh quân sự phương Tây cho biết sự giúp đỡ của Bắc Kinh rất quan trọng đối với nỗ lực chiến tranh của Moscow vì Trung Quốc đang thúc đẩy nền kinh tế chiến tranh của Nga bằng cách chia sẻ công nghệ cao cấp như chất bán dẫn.
Ông Stoltenberg nói: “Năm ngoái, Nga đã nhập khẩu 90% thiết bị vi điện tử từ Trung Quốc, được sử dụng để sản xuất phi đạn, xe tăng và máy bay. Trung Quốc cũng đang nỗ lực cung cấp cho Nga khả năng và hình ảnh vệ tinh được cải thiện”.
Ông cảnh báo: “Trung Quốc nói rằng họ muốn có mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây. Đồng thời, Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy cuộc xung đột vũ trang lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai. Họ không thể vừa được này, vừa được kia”.
Ông Stoltenberg cảnh báo các đồng minh phương Tây chớ nên phụ thuộc vào Trung Quốc như họ đã từng phụ thuộc vào Nga.
Ông nói: “Trước đây, chúng ta đã phạm sai lầm khi trở nên phụ thuộc vào dầu khí của Nga.”
“Chúng ta không được lặp lại sai lầm đó với Trung Quốc. Tùy thuộc vào tiền bạc, nguyên liệu thô, công nghệ của họ – sự phụ thuộc khiến chúng ta dễ bị tổn thương.”
Trung Quốc đã tăng cường quan hệ thương mại và quân sự với Nga trong những năm gần đây khi Mỹ và các đồng minh áp đặt các chế tài đối với cả hai, đặc biệt là Moscow vì hành động xâm lược Ukraine.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy thương mại Trung Quốc-Nga đạt kỷ lục 240,1 tỷ đô la vào năm 2023, tăng 26,3% so với một năm trước đó. Các lô hàng của Trung Quốc đến Nga đã tăng 46,9% vào năm 2023 trong khi nhập khẩu từ Nga tăng 13%.
Tháng trước, Reuters đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tới Trung Quốc vào tháng 5 để hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đây có thể là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Putin.
NATO: Trung Quốc phải ngưng hỗ trợ Nga nếu muốn giao hảo với phương Tây (voatiengviet.com)
Trung Quốc đang cho neo đậu cho một tàu chở hàng Nga bị Mỹ trừng phạt có liên quan đến việc Triều Tiên chuyển vũ khí cho Nga, theo hình ảnh vệ tinh mà Reuters có được, trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về việc Bắc Kinh ủng hộ cuộc chiến của Moscow ở Ukraine.
Viện nghiên cứu Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết tàu Angara của Nga, kể từ tháng 8 năm 2023 đã vận chuyển đến các cảng của Nga hàng nghìn container bị nghi là chứa đạn dược của Triều Tiên, đã neo đậu tại một xưởng đóng tàu của Trung Quốc ở phía đông tỉnh Chiết Giang kể từ tháng 2 năm nay.
Sự hiện diện của con tàu tại cảng Trung Quốc nhấn mạnh những thách thức mà Hoa Kỳ và các đồng minh phải đối mặt khi họ tìm cách ngăn chặn sự hỗ trợ quân sự và kinh tế của Bắc Kinh cho Nga.
Với việc Ukraine đang bị Nga tấn công trở lại trong lúc thiếu đạn dược, các quan chức Mỹ ngày càng đưa ra những cảnh báo rõ ràng về điều mà họ cho là sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc củng cố lại quân đội Nga sau những thất bại ban đầu trong cuộc chiến Ukraine.
Sự hỗ trợ đó dự kiến sẽ đứng đầu chương trình nghị sự trong tuần này khi Ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm Bắc Kinh.
Người đứng thứ hai của Bộ Ngoại giao Mỹ, Kurt Campbell, cho biết trong tháng này rằng Washington sẽ không "ngồi yên" nếu Bắc Kinh tăng cường ủng hộ Moscow.
Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã biết từ “các báo cáo nguồn mở, đáng tin cậy” rằng tàu Angara hiện đang neo đậu tại một cảng Trung Quốc và đã nêu vấn đề này với chính quyền Trung Quốc.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên thực hiện nghĩa vụ của mình theo UNSCR 2397”, người phát ngôn nói, đề cập đến nghị quyết của Liên hợp quốc về hạn chế thương mại với Triều Tiên và yêu cầu các quốc gia Liên hợp quốc hủy đăng ký bất kỳ tàu nào liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp.
“Khi Ngoại trưởng Blinken gặp những người đồng cấp Trung Quốc trong tuần này, ông ấy sẽ nói đến một loạt mối quan ngại, bao gồm cả cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine và mối quan hệ Nga-Triều Tiên,” người phát ngôn cho biết.
Hình ảnh vệ tinh mà RUSI thu được trong những tháng gần đây từ các công ty, trong đó có Planet Labs PBC – công ty chuyên cung cấp hình ảnh vệ tinh về trái đất có trụ sở tại San Francisco, cho thấy tàu Angara neo đậu tại Nhà máy đóng tàu Châu Sơn Hâm Á ở Chiết Giang. Trang web của hãng cho biết đây là công ty sửa chữa tàu tư nhân lớn nhất Trung Quốc.
Con tàu được xác định nhờ bộ phát đáp của hệ thống nhận dạng tự động (AIS) đã được bật lên trong thời gian ngắn, có thể vì lý do an toàn, khi đang di chuyển trên đoạn eo biển đông đúc trên đường đến Trung Quốc.
Theo RUSI, trước khi đến Trung Quốc vào ngày 9/2, dường như để sửa chữa hoặc bảo trì, tàu Angara đã cập cảng Triều Tiên và Nga vào tháng 1 và tắt bộ phát đáp. Nó lại tắt ngay sau khi đến Trung Quốc.
Ít nhất 11 chuyến giao hàng đến Nga
Con tàu, bị Mỹ chế tài vào tháng 5/2022, đã thực hiện ít nhất 11 chuyến giao hàng giữa cảng Rajin của Triều Tiên và các cảng của Nga từ tháng 8/2023, theo RUSI. Viện nghiên cứu này đang theo dõi hoạt động của con tàu như một phần của dự án sử dụng dữ liệu nguồn mở để giám sát các mạng lưới trốn tránh lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói rằng họ không biết các chi tiết liên quan đến Angara, nhưng Trung Quốc “luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và quyền tài phán dài hạn không có cơ sở trong luật pháp quốc tế hoặc ủy quyền của Hội đồng Bảo an”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết họ không có thông tin gì về vấn đề này.
Mỹ và hàng chục quốc gia khác hồi đầu năm nay cho biết việc chuyển vũ khí của Triều Tiên sang Nga vi phạm “rõ ràng” nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông Joseph Byrne, một nhà nghiên cứu của RUSI, cho biết chính phủ Trung Quốc nên biết rằng con tàu bị Mỹ trừng phạt đã cập cảng tại xưởng đóng tàu của họ.
“Nếu họ để (tàu Angara) rời cảng mà không được kiểm tra và mới được sửa chữa, thì điều đó cho thấy Trung Quốc có thể sẽ không có bất kỳ hành động nào đối với các tàu này của Nga”, ông Byrne nói.
Washington đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc không hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Moscow kể từ khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2/2022. Nga khởi động cuộc chiến chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố “quan hệ đối tác không giới hạn”.
Tuần trước, Ngoại trưởng Blinken đã chỉ trích sự hỗ trợ của Trung Quốc cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, nói rằng Bắc Kinh hiện là nhà cung cấp chính cho cuộc chiến của Moscow ở Ukraine qua việc cung cấp các bộ phận vũ khí quan trọng cho Nga.
Bộ Ngoại giao Nga và Nhà máy đóng tàu Châu Sơn Hâm Á không trả lời yêu cầu bình luận liên quan đến tàu Angara.
Trang web của công ty cho biết khách hàng của họ đến từ khắp châu Á, châu Âu và Mỹ và họ có “sự hợp tác chiến lược” với các công ty vận tải toàn cầu, bao gồm Maersk và Evergreen Marine Corp của Đài Loan, cũng như quan hệ đối tác với các công ty công nghệ châu Âu.
Cả Nga và Triều Tiên đều nhiều lần bác bỏ những lời chỉ trích về cáo buộc chuyển giao vũ khí. Moscow cho biết họ sẽ phát triển quan hệ với bất kỳ đối tác nào mà họ muốn và sự hợp tác của họ với Bình Nhưỡng không trái với các thỏa thuận quốc tế.
Ông Campbell phát biểu tại một sự kiện ở Washington hôm 22/4 rằng mối quan hệ đối tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Triều Tiên với Nga là "trái ngược" với lợi ích an ninh của Mỹ ở châu Âu và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Reuters: Tàu hàng Nga bị nghi vận chuyển vũ khí Nga-Triều neo đậu ở Trung Quốc (voatiengviet.com)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten