Thụy Sĩ bị nghi ngờ đồng lõa với Bắc Kinh đàn áp giới ly khai
Đăng ngày:
Một thỏa thuận 5 năm liên quan đến di trú giữa Thụy Sĩ với Trung Quốc vừa hết hạn. Thỏa thuận được tổ chức bảo vệ nhân quyền ở châu Á, Safeguard Defender, công bố trong tuần thứ hai của tháng 12/2020. Theo tổ chức này, thỏa thuận nói trên làm « hoen ố uy tín » của Thụy Sĩ. Chính phủ Thụy Sĩ phản đối.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền châu Á chỉ trích việc chính quyền Thụy Sĩ đã ký kết « bí mật » thỏa thuận này vào năm 2015, « không có nghị sĩ nào » nghe nói về thỏa thuận này, ngược hẳn lại với thỏa thuận tương tự, mà Thụy Sĩ ký với các nước khác. Theo Safeguard Defender, thỏa thuận với Trung Quốc đã dành cho Bắc Kinh nhiều lợi thế hơn so với chính quyền các nước khác, cụ thể là « công an Trung Quốc có thể tới Thụy Sĩ và tiến hành các điều tra (về những người cư trú bất hợp pháp, trong diện bị trục xuất) mà không cần báo trước với chính quyền Thụy Sĩ ».
Theo AFP, một thông điệp trên Twitter của nhà tranh đấu Hồng Kông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), ngày 24/08/2020, về chủ đề này, cũng làm tăng thêm lo ngại.
Trả lời AFP, phát ngôn viên cơ quan phụ trách di trú Thụy Sĩ cho rằng đây chỉ là một thỏa thuận mang « tính kỹ thuật », tương tự như thỏa thuận được ký kết với hàng chục quốc gia khác. Và tất cả những ai có nguy cơ gặp nguy hiểm như người Tây Tạng hay người Duy Ngô Nhĩ, bị truy bức ở Trung Quốc, phải lưu vong, không phải là những người nằm trong diện bị trục xuất, và cũng « không có nguy cơ bị các nhân viên Trung Quốc thẩm vấn ».
Dù sao, việc văn bản thỏa thuận được công bố dấy lên nhiều chỉ trích cũng buộc các dân biểu Thụy Sĩ phải cảnh giác hơn, đòi hỏi quyền giám sát nhiều hơn, và chủ đề này sẽ được thảo luận trong những tháng tới. Cơ quan di trú Thụy Sĩ ra thông báo cho biết đây không phải là một văn bản bí mật, vì được cấp cho tất cả những ai cần biết.
Thụy Sĩ bị nghi ngờ đồng lõa với Bắc Kinh đàn áp giới ly khai (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten