zondag 13 december 2020

Mỹ, Á, Âu ... Ai sẽ làm bá chủ thế giới ?

 

Mỹ, Á, Âu ... Ai sẽ làm bá chủ thế giới ?

Ảnh chụp bìa báo Le Point tuần lễ từ 10-17/12/2020.
Ảnh chụp bìa báo Le Point tuần lễ từ 10-17/12/2020. © capture d'écran
Thụy My
14 phút

Đại dịch corona với tầm vóc toàn cầu, sự dữ dội và phức tạp của nó đang định hình thế kỷ 21. Trung Quốc, nơi xuất phát đại dịch Covid đang là kẻ thắng lớn trong lúc phương Tây chao đảo, nhưng chế độ toàn trị Bắc Kinh không thể là mô hình bền vững.

Courrier International tuần này dành chủ đề cho người Armenia : Cuộc chiến tranh thứ hai ở Thượng Karabakh gợi lên những kỷ niệm đau thương trong cộng đồng. Hồ sơ của tuần báo L’Obs đề cập đến nhiều khía cạnh của tập đoàn bán lẻ trên mạng Amazon, từ việc làm, thuế má đến ô nhiễm. L’Express nói về « Thế hệ Covid, sự phẫn nộ trước cuộc sống », còn Le Point đặt vấn đề « Mỹ, Á, Âu : Ai sẽ thống trị thế giới ? »

Đại dịch corona định hình thế kỷ 21

Trang bìa tuần báo cánh hữu đăng hình vẽ các « vận động viên » trên đường chạy : Macron, Merkel, Biden, trong đó Tập Cận Bình vượt lên trước đôi chút và ngạc nhiên thay, có cả bà Thái Anh Văn phía sau. Theo Le Point, tương quan lực lượng trong thời đại mới là ở lãnh vực kinh tế và công nghệ.

Đại dịch corona với tầm vóc toàn cầu, sự dữ dội và phức tạp của nó đang trở thành khuôn mẫu cho thế kỷ 21, như Đệ nhất Thế chiến từng định hình thế kỷ 20. Covid đẩy nhanh và bộc lộ một thế trận mới, sau mô hình thế giới lưỡng cực kết thúc năm 1989 với sự sụp đổ của Liên Xô và tiếp đến là hậu chiến tranh lạnh. Vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và trật tự từ năm 1945 được Mỹ bảo đảm đã bị lung lay với các vụ tấn công năm 2001, những cuộc chiến ở Afghanistan, Irak, Syria đã làm Washington tiêu tốn hơn 6.000 tỉ đô la. Bên cạnh đó là bong bóng kinh tế bị vỡ năm 2008, rồi đến trận Trân Châu Cảng dịch tễ vì con virus từ Vũ Hán.

Dịch Covid gây dấu ấn lịch sử, khi chứng tỏ sự lệ thuộc lẫn nhau một cách sâu sắc giữa những con người, doanh nghiệp và các quốc gia. Nó bộc lộ thực tế về những nguy cơ toàn cầu từ y tế, tài chính, công nghệ, đến khí hậu, chiến lược. Covid là con đẻ của toàn cầu hóa - vẫn chưa bị cáo chung mà đang được cấu trúc lại. Ngoài ra, chiến tranh lạnh Mỹ-Trung dẫn đến việc hình thành hai khối thế giới mạng, một bên là GAFA và bên kia là nhánh vũ trang kỹ thuật số của Big Brother Trung Quốc.

Lợi dụng đại dịch, Trung Quốc bành trướng quân sự và o ép về thương mại

Trung Quốc là kẻ thắng lớn : chế ngự được con virus, là cường quốc duy nhất tăng trưởng được 1,8% trong năm 2020. Nay Bắc Kinh không còn giấu diếm ý định đảo lộn trật tự mà phương Tây thống trị để trở thành bá chủ thế giới, kể cả dùng đến vũ lực. Lợi dụng việc Mỹ co cụm lại, các nền dân chủ đang phải đối phó với đại dịch, Trung Quốc bành trướng cả về quân sự và kinh tế.

Một mặt, Bắc Kinh dành ngân sách quốc phòng lên đến 260 tỉ đô la, kiểm soát Biển Đông, nắm quyền điều khiển Hồng Kông, hăm dọa Đài Loan, gây hấn với Ấn Độ tại vùng núi Ladakh. Mặt khác, Trung Quốc xúc tiến Con đường tơ lụa mới để đô hộ Cam Bốt, Lào Sri Lanka ; thành lập khu vực tự do mậu dịch châu Á với hiệp định RCEP.

Việc trả thù quy mô đối với than đá, bông vải, ngũ cốc, thịt bò và rượu vang Úc là ví dụ cụ thể, nhằm « làm gương » cho mọi quốc gia lệ thuộc thương mại vào Bắc Kinh : không được chỉ trích đảng Cộng Sản Trung Quốc và phải biết điều trong chính sách đối ngoại. Mục đích là cô lập và đẩy dần Hoa Kỳ ra khỏi châu Á, rồi cắt đứt hẳn với các nước mới trỗi dậy.

Phần còn lại của thế giới chao đảo

Hoa Kỳ, châu Âu và các quốc gia mới nổi hiện nay là người thất bại. Hoa Kỳ bị thiệt hại nhiều nhất do đại dịch, tuy đã dành 17% GDP cho y tế và dù tránh được suy thoái nhưng sẽ không bao giờ tìm lại được mức tăng trưởng của năm 2019. Nước Mỹ cũng chia rẽ hơn bao giờ hết. Tình hình Châu Âu còn tệ hại hơn : suy thoái 7,5%, thất nghiệp 8,5%, nợ công tăng vọt từ 85 đến 105% GDP, Trung Quốc nhân đó tiếp tục mua rẻ các tích sản, doanh nghiệp và công nghệ mang tầm chiến lược.

Châu Âu còn là mục tiêu hàng đầu của thánh chiến vì lý do lịch sử và vì có các cộng đồng Hồi giáo đông đảo sinh sống. Bên cạnh đó, Nga đe dọa và can thiệp ở các nước lân cận, từ Baltic đến Libya, Ukraina. Thổ Nhĩ Kỳ liên tục mở các mặt trận mới, công khai vi phạm chủ quyền Chypre và Hy Lạp, can thiệp vào Syria và Libya, Hồi giáo hóa vùng Balkan, sách động thông qua cộng đồng người Thổ ở nước ngoài.

Các quốc gia mới nổi cũng vất vả chống chọi với cú sốc đại dịch và suy thoái. Các nước độc tài nhưng khoác áo dân chủ như Nga cũng bị đình trệ kinh tế : suy thoái hơn 6% và dân số giảm, còn Thổ Nhĩ Kỳ thất nghiệp 17,4%, lạm phát khiến đồng lira mất 1/3 giá trị, dự trữ ngoại hối thâm thủng 5 tỉ đô la…

Theo Le Point, vấn đề của thế kỷ 21 là tự do về chính trị, không còn là dân chủ đối mặt với toàn trị như trong thế kỷ 20, mà với các chế độ dân chủ giả hiệu và thánh chiến.

Trung Quốc thắng thế, nhưng còn lâu mới thống trị được thế giới

Thập niên 2020 mang tính quyết định, tùy theo phương Tây có vực dậy được hay không. Với dân số đông đảo và trọng lượng kinh tế, vai trò to lớn của Trung Quốc là không thể tránh khỏi, nhưng không phải vì thế mà có thể chấp nhận sự thống trị của mô hình tư bản toàn trị Bắc Kinh.

Trung Quốc đang có lợi thế nhưng còn lâu mới chiến thắng. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa tư bản hoang dã và chế độ độc tài của một nhà nước độc đảng, chừng như khó thể bền vững. Chế độ này tiếp tục là ác mộng cho hầu hết nhân loại, như các cuộc biểu tình ở Hồng Kông và nỗ lực phòng thủ của Đài Loan đã cho thấy.

Bắc Kinh cũng đóng cửa thị trường Hoa lục và khống chế các tập đoàn công nghệ - mà biểu tượng là việc sỉ nhục Mã Vân (Jack Ma) qua việc buộc rút tập đoàn Ant khỏi thị trường chứng khoán vào phút chót. Cuối cùng, việc tập trung quyền lực trong tay một nhà lãnh đạo suốt đời như Tập Cận Bình có thể trở thành thảm họa, vì khủng bố và độc đoán không thể tạo được ổn định và thịnh vượng lâu dài.

Không một quốc gia nào kể cả Hoa Kỳ có thể một mình đối đầu với các thách thức toàn cầu này. Nước Mỹ cần tìm lại sức sống tuyệt vời của mình qua sự đoàn kết nội bộ và hợp sức với các đồng minh, về phía châu Âu phải xem xét lại vấn đề chủ quyền và an ninh. Cần khẩn cấp thiết lập một liên minh dân chủ rộng lớn, không tập trung quanh Hoa Kỳ, và bao gồm cả Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand.

Công nghệ : Cuộc đấu tranh này là trận cuối cùng !

Bên cạnh các vấn đề chính trị, nắm được những công nghệ tương lai là thế mạnh then chốt. Ông Jean-Dominique Séval, cố vấn sáng tạo ở Trung Quốc cho biết kế hoạch của Bắc Kinh là đào tạo 200 triệu cử nhân từ nay đến năm 2023, trong đó 2/3 về khoa học và công nghệ. Tập Cận Bình ấn định đến năm 2035 Trung Quốc phải dẫn đầu về công nghệ, chú trọng đến việc sản xuất chất bán dẫn, thẻ nhớ, tạo ra hệ sinh thái phần mềm, những lãnh vực mà Hoa Kỳ đang thống trị.

Tuần báo Pháp kể ra một loạt những tiến bộ quan trọng trong năm 2020 : xe hơi bay không còn là viễn tưởng, máy tính lượng tử nhanh gấp nhiều lần, con đường đến các hành tinh rộng mở, vaccin ARN thông tin chống Covid, protéin 3D, đối thoại với robot… Riêng Trung Quốc gây ấn tượng khi tung ra phi đội 3.051 máy bay không người lái biểu diễn hôm 20/09, máy tính lượng tử được cho là làm được một số phép tính nhanh gấp 100 tỉ lần, gởi tàu thăm dò lên Mặt Trăng… Le Point nhấn mạnh, sáng tạo chính là trận chiến mang tính quyết định.

Trung Quốc tài trợ việc đào tạo lãnh đạo cho các nước đang phát triển

Cũng liên quan đến Trung Quốc, The Economist có bài « Đảng Cộng Sản Trung Quốc gây ảnh hưởng lên các chính khách tương lai của thế giới như thế nào ? »

Tuy huy động các « chiến binh sói » trong « ngoại giao chiến lang », hết sức hung hăng đối với các nước phương Tây, nhưng Trung Quốc có giọng điệu dịu dàng hơn nhiều với các nước khác. Các quan chức Bắc Kinh khuếch trương cách quản lý mà theo họ đã giúp Trung Quốc giàu lên và có thể giúp đỡ « bạn hữu ». Một số nước dân chủ đa đảng như Kenya cũng cho rằng Trung Quốc là mô hình để noi theo.

Ban Quốc tế của đảng Cộng Sản tài trợ cho thành viên các đảng cầm quyền ở Ghana, Kenya, Nam Phi đến Trung Quốc học tập về xây dựng đảng. Ban này cũng quan hệ với trên 600 tổ chức chính trị của hơn 160 nước, số lượng tiếp xúc cấp cao với quan chức đảng các nước hàng năm lên đến khoảng 230 cuộc. Chuyên gia Martin Hala của Sinopsis gọi đây là một Quốc tế cộng sản mới. Tuy nhiên có một sự khác biệt lớn với thời Liên Xô, là Bắc Kinh không xúc tiến chủ nghĩa Cộng Sản, chỉ muốn chứng tỏ rằng một quốc gia có thể giàu lên mà không cần dân chủ hóa.

Cái nhìn bi quan của một số tờ báo Mỹ

Xã luận của tác giả Franz-Oliver Giesbert trên Le Point đặt câu hỏi phải chăng năm 2020 là năm tệ hại nhất trong lịch sử nhân loại, chủ yếu do con virus corona, như tạp chí Time của Mỹ đã nhấn mạnh trên trang bìa ?

Tuần báo Pháp cho rằng đây là một bằng chứng mới cho thấy báo chí Mỹ đã trở nên cực đoan như thế nào. Không lẽ thời kỳ trước đây tốt đẹp hơn, như 1939-1940 hay 1914-1918, trên 20 triệu người đã chết trong chiến tranh, chủ yếu là người trẻ ? Cần nhắc cho những người hoài cổ là trận dịch hạch đen thế kỷ 14 đã giết chết 1/3 dân số Pháp (7 triệu trên tổng số chưa đến 20 triệu), dịch cúm Tây Ban Nha đã làm 400.000 người thiệt mạng chỉ trong mùa đông 1918-1919. Liệu có nên tiếc nuối những trận đói, lao động trẻ em, tử vong khi sinh nở… ?

Tờ New York Times vốn uy tín trước đây, nay đầy màu sắc bi quan, lại còn sáng chế ra cách viết white (người da trắng) bằng chữ thường, còn Black (da đen) bằng chữ in hoa - một kiểu kỳ thị đảo ngược. Báo chí Mỹ từ lâu là hình mẫu cho thế giới vì là phản nghĩa của Pravda (báo Sự Thật của Liên Xô), nay đã bị « Pravda hóa ».

Lớp nhà báo trẻ thiên tả không tôn trọng tính khách quan

Trong bài « Những ‘woke’ đã bôi bác nước Pháp », nhóm tác giả viết về một thế hệ nhà báo đấu tranh mới được mệnh danh là « woke » (thức tỉnh trước bất công), luôn tấn công vào mô hình hội nhập của Pháp.

Cụ thể là New York Times gần đây đã đăng liên tiếp bốn bài, đả kích từ việc câu lưu một học sinh đã bênh vực cho vụ sát hại man rợ thầy giáo Samuel Paty, đến việc giải tán một cuộc biểu tình của những người không giấy tờ ở Paris. Washington Post còn dám nói rằng Pháp dự định « đánh số » các học sinh theo đạo Hồi, The Atlantic, Newsweek cho rằng Pháp đàn áp các thiểu số. Nhà văn Mỹ Thomas Chatterton Williams giải thích, một số báo chí Mỹ thực sự nghĩ như vậy. Vì sao ?

Theo Pew Research Center, có đến 3/4 nhà báo Mỹ hiện nay là người da trắng, có nghĩa là thuộc giới ưu tiên. Năm 2018, Psychology Today cho biết hầu hết trong số 2.000 người làm việc cho New York Times và Wall Street Journal tốt nghiệp các trường danh tiếng như Havard, Yale, MIT, Princeton, Stanford.

Một nhà báo ở New York phân tích, trong 20 năm gần đây, với tình hình tài chính sụt giảm, các phóng viên giàu kinh nghiệm đã bị thay thế bằng những người trẻ cấp tiến xuất thân từ các trường đại học tên tuổi, có cha mẹ đủ giàu để bổ sung cho tiền lương thấp. Những người này « quan tâm đến chính trị hơn là đi làm phóng sự. Cứ mỗi lần xảy ra một vụ bạo lực có liên quan đến cảnh sát, họ đều cho là một vụ George Floyd ! ». Nhiều bài viết dễ lầm lẫn với những bài « Ý kiến ». Kể cả các thông tín viên của báo Mỹ tại Pháp, dù có thông tin đa chiều hơn, vẫn ngả theo phe cực tả Pháp.

Armenia : Lòng ái quốc bền vững sau hàng thể kỷ của những người xa xứ

Nhìn sang một nước nhỏ bé ở châu Âu là Armenia, Courrier International trích dịch nhiều tờ báo, ca ngợi lòng ái quốc của các kiều dân nước này, nhất là trong cuộc chiến ở Thượng Karabakh gần đây.

Gần 100.000 người đã phải di tản, những hình ảnh đau thương gợi nhớ đến vụ diệt chủng 1,5 triệu người Armenia năm 1915 mà Thổ Nhĩ Kỳ luôn chối bỏ. Trong bài phóng sự về người Armenia ở Liban, L’Orient-Le Jour khen ngợi « một cộng đồng hoàn toàn hội nhập về kinh tế, xã hội và chính trị, nhưng từ thế hệ này sang thế hệ khác vẫn duy trì được di sản văn hóa và gìn giữ ký ức ». Điểm chung của các kiều dân này là họ luôn ý thức mình là một dân tộc bị đàn áp. Los Angeles Times kể lại câu chuyện của bà cụ Clara Margossian, 102 tuổi, cha mẹ bà sống sót sau trận diệt chủng 1915 và di cư sang Mỹ. Bà đã tặng 1 triệu đô la để giúp đỡ vùng đất của tổ tiên, nơi mình chưa hề đặt chân đến.

Mỹ, Á, Âu ... Ai sẽ làm bá chủ thế giới ? (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten