zaterdag 19 december 2020

Dân số Việt Nam ‘già hóa,’ mất cân bằng giới tính trầm trọng

 

Dân số Việt Nam ‘già hóa,’ mất cân bằng giới tính trầm trọng

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ngoài việc đang “già hóa” với tốc độ nhanh, Việt Nam sẽ dư thừa cả triệu nam giới nếu mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao như hiện tại.

Tại hội nghị “Công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019,” diễn ra ngày 18 Tháng Mười Hai, tại Hà Nội, Tổng Cục Thống Kê thuộc Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư dự báo đến năm 2059 Việt Nam dư thừa 2.5 triệu nam giới.

Sau chừng 15 năm nữa, Việt Nam sẽ thừa 1.5 triệu đàn ông. (Hình: Hằng Thanh/Đời Sống và Pháp Luật)

Song, nếu mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh được cải thiện, thì số nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034 cũng sẽ dư thừa 1.5 triệu người, và đến năm 2059 là 1.8 triệu.

Báo VNExpress dẫn kết quả nghiên cứu cho biết trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa. Theo đó, tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3.8 con/phụ nữ năm 1989, xuống còn 2.09 con/phụ nữ năm 2019.

Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 được đánh giá là “mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức rất cao,” với con số cứ 100 bé gái, thì có đến 111.5 bé trai. Do vậy năm 2019, Việt Nam bị thiếu hụt 45,900 bé gái theo tỷ số này.

“Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tất cả các nhóm mức sống khác nhau do tâm lý ưa thích con trai và nhu cầu cần có con trai tác động tới việc sinh thêm con của các cặp vợ chồng. Những cặp vợ chồng đã có hai con nhưng chưa có con trai, khả năng sinh thêm con cao gấp đôi so với những gia đình đã có ít nhất một con trai. Việc sinh thêm để có con trai đặc biệt rõ ở nhóm dân số có trình độ học vấn cao và mức sống tốt,” bà Vũ Thị Thu Thủy, vụ trưởng Thống Kê Dân Số và Lao Động thuộc Tổng Cục Thống Kê, lý giải.

Trong khi đó báo Người Lao Động dẫn lời bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), cho biết tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam cao thứ ba thế giới. Vì vậy, nhà chức trách CSVN “cần xây dựng các khung pháp lý để ngăn chặn việc lựa chọn giới tính thai nhi.”

“Có những bằng chứng thuyết phục cho thấy đây là kết quả của việc can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi,” bà Naomi Kitaharanói.

Tại hội nghị, bà Naomi Kitahara cũng cho biết thêm năm 2019, Việt Nam có 11.4 triệu người hơn 60 tuổi, chiếm gần 12% tổng dân số.

“Dân số Việt Nam đang ‘già hóa’ với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Bên cạnh đó là xu hướng ‘nữ hóa’ dân số cao tuổi, nghĩa là đa số người cao tuổi là phụ nữ. Đáng chú ý là tình trạng ngày càng nhiều người cao tuổi sống một mình, trở thành một vấn đề xã hội cần được quan tâm để chủ động ứng phó.

Do vậy, thời gian tới nhà chức trách cần xây dựng chính sách để cá nhân, cặp vợ chồng có thể tự do lựa chọn về số con, thời gian sinh, khoảng cách giữa các lần sinh, thay vì thực hiện chính sách “dân số và kế hoạch hóa gia đình như hiện nay,” bà Naomi Kitahara bày tỏ lo ngại.

“Việt Nam cần hiểu đầy đủ rằng ‘già hóa’ dân số xảy ra không chỉ do tỷ lệ chết giảm và tuổi thọ tăng, mà chủ yếu do mức sinh giảm. Trước đây, Việt Nam thực hiện chính sách điều chỉnh và hạn chế mức sinh, dẫn đến quá trình già hóa dân số nhanh,” bà Naomi Kitahara phân tích thêm.

Ông Phạm Chánh Trung, chi cục phó phụ trách Chi Cục Dân Số Kế Hoạch Hóa Gia Đình ở Sài Gòn, thừa nhận các số liệu phúc trình thống kê chuyên ngành cho thấy trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa.

Mức sinh thấp khiến “già hóa” dân số diễn ra nhanh, tạo áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, sự suy giảm về nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Việt Nam là một trong mười nước có tốc độ “già hóa” nhanh nhất thế giới. (Hình: Đức Trân/Đại Đoàn Kết)

“Nếu mỗi gia đình chỉ sinh một con với công thức 4-2-1, một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội,ngoại thì trong tương lai phải đối mặt với thảm họa theo công thức ngược lại 1-2-4, tức một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại,” ông Trung dẫn chứng.

Tổng Cục Thống Kê cũng dự báo, đến năm 2029, dân số Việt Nam là 105 triệu; 10 năm sau đó là 111 triệu; 2069 là 117 triệu. Năm 2034, Việt Nam sẽ chấm dứt thời kỳ “dân số vàng” tồn tại từ năm 2007, khi người trên 65 tuổi chiếm 15% tổng dân số.

Năm 2030, Việt Nam có khoảng một nửa dân số sống ở khu vực thành thị; đến 2069 là 65%. (Tr.N)

Dân số Việt Nam ‘già hóa,’ mất cân bằng giới tính trầm trọng (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten