donderdag 31 december 2020

Liên Hiệp Châu Âu - Anh chính thức ký thỏa thuận thương mại hậu Brexit + ai là người thắng, kẻ thua ?

 

Liên Hiệp Châu Âu - Anh chính thức ký thỏa thuận thương mại hậu Brexit

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (T) và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, ký thỏa thuận tự do thương mại hậu Brexit, Bruxelles, Bỉ, ngày 30/12/2020.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen (T) và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, ký thỏa thuận tự do thương mại hậu Brexit, Bruxelles, Bỉ, ngày 30/12/2020. REUTERS - JOHANNA GERON
Thu Hằng
4 phút

Ngày 30/12/2020, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đã chính thức ký thỏa thuận về quan hệ thương mại hậu Brexit với Anh Quốc. Văn bản được chuyển bằng đường hàng không đến Luân Đôn để chính phủ Anh ký và sẽ có hiệu lực vào 23 giờ ngày 31/12/2020.

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đánh giá trong một thông cáo rằng « thỏa thuận được chúng tôi ký hôm nay là kết quả của nhiều tháng đàm phán căng thẳng… Đây là một thỏa thuận đúng đắn và cân bằng bảo vệ toàn bộ lợi ích cơ bản của Liên Hiệp Châu Âu », đồng thời cũng cho thấy « sự đoàn kết chưa từng có của các thành viên ».

Tại hai cảng Calais và Dunkerque của Pháp, nơi trung chuyển khoảng 12.000 xe tải và 60.000 người mỗi ngày sang Anh Quốc, công tác tái lập biên giới và kiểm tra hải quan dần được hoàn thiện. Kể từ ngày 01/01/2021, công dân Anh phải xuất trình hộ chiếu ; các doanh nghiệp xuất hàng hóa phải khai báo hải quan trước trên internet. Phía Anh sẽ điều 230 nhân viên kỹ thuật và thú y để kiểm tra vệ sinh dịch tễ đối với động vật sống nhập khẩu, thực phẩm… Theo thẩm định, phía Pháp phải chi thêm 40 triệu euro để bảo đảm các thủ tục theo quy định mới. Chính phủ Anh hứa cung cấp 200 triệu bảng để các cảng biên giới của Anh thích ứng với tình hình mới.

Chỉ vài ngày trước khi hết giai đoạn chuyển tiếp, Anh Quốc đã ký được thỏa thuận thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép kéo dài sau ngày 01/01/2021 những điều khoản về thuế quan trong khuôn khổ thỏa thuận của Liên Hiệp Châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ trong khi chờ Luân Đôn và Ankara đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn.

Thỏa thuận thương mại được ký với Việt Nam cũng chính thức có hiệu lực từ ngày 31/12.

Số phận của Gibraltar, vùng đất thuộc Anh ở nam Tây Ban Nha

Vấn đề chủ quyền đối với Gibraltar, vùng đất thuộc Anh, nằm vùng Andalusia, phía nam Tây Ban Nha, cũng là một trở ngại lớn. Madrid đã yêu cầu Luân Đôn khẩn cấp phối hợp để tìm giải pháp cho vùng lãnh thổ này.

Thông tín viên RFI Diane Cambon tại Madrid giải thích :

« Liệu biên giới giữa Tây Ban Nha và Gibraltar có bị tắc đường dài dằng dặc vào ngày 01/01/2021 hay không ? Kịch bản này có thể xảy ra nếu Madrid và Luân Đôn không đạt được một thỏa thuận từ giờ đến thứ Sáu 01/01/2021.

Lưu thông thuận lợi ở biên giới, nơi có vài nghìn người trung chuyển mỗi ngày, là chủ đề chính của các cuộc thảo luận. Khoảng 15.000 lao động xuyên biên giới có thể được cấp một thẻ qua lại để tránh phải trình hộ chiếu. Tuy nhiên, biện pháp này không áp dụng đối với khoảng 200 xe tải và du khách tới vùng lãnh thổ này của Anh mỗi ngày.

Một số vấn đề khác cũng cần được giải quyết, như việc duy trì chế độ bảo hiểm xã hội của Tây Ban Nha cho người mang quốc tịch Anh ở Gibraltar và sống ở Tây Ban Nha hoặc việc quản lý sân bay, vì Gibraltar sẽ ra khỏi không phận châu Âu.

Madrid mong là Cơ quan Kiểm soát Biên giới và Bảo vệ Bờ biển Frontex của Liên Hiệp Châu Âu sẽ đảm nhiệm việc kiểm soát ở biên giới nhưng biện pháp này lại dẫn đến việc cảnh sát Tây Ban Nha hiện diện ở Gibraltar, trong khi Luân Đôn không hề muốn.

Trong suốt 300 năm là vùng lãnh thổ của Anh, chưa bao giờ Gibraltar lại có chiều hướng muốn xích gần Tây Ban Nha đến như vậy ».

Liên Hiệp Châu Âu - Anh chính thức ký thỏa thuận thương mại hậu Brexit (rfi.fr)

Anh - Liên Hiệp Châu Âu : Thỏa thuận hậu Brexit ai là người thắng, kẻ thua ?

Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu đạt được thỏa thuận hậu Brexit, ngày 24/12/2020. Ảnh minh họa.
Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu đạt được thỏa thuận hậu Brexit, ngày 24/12/2020. Ảnh minh họa. AP - Frank Augstein
Anh Vũ
5 phút

Một tuần trước hạn cuối cùng, hôm qua 24/12/2020, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu (EU) thông báo đã đạt được thỏa thuận định hình cho mối quan hệ thương mại hậu Brextit, kể từ ngày 1 tháng Giêng năm 2021, thời điểm Anh phải ra khỏi thị trường châu Âu. Sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, Luân Đôn cũng như Bruxelles đã trút được nỗi lo một kết cục tai hại Brexit không thỏa thuận.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, cũng như thủ tướng Anh, ngay chiều tối hôm qua, đã đều tuyên bố thỏa thuận là một thắng lợi. Đi vào thực chất của vấn đề thì ai là người thắng, kẻ thua sau các vòng thương lượng tranh giành nhau từng điểm, từng số liệu câu chữ kéo dài 10 tháng qua giữa Anh và Liên Hiệp Châu Âu ?

Bà Ursula von der Leyen đã trút thở phào nhẹ nhõm khi đã có thể xếp sang một bên hồ sơ Brexit đầy phiền toái kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý 23/06/2016, khi người Anh chọn chia tay với Liên Hiệp Châu Âu. « Đã đến lúc để lại Brexit phía sau chúng ta. Tương lai giờ ở châu Âu », chủ tịch Ủy Ban Châu Âu tuyên bố.

Trong khi đó, bên kia bờ biển Manche, thỏa thuận hậu Brexit đã mang lại lợi thế chính trị cho thủ tướng Boris Johnson và ông cũng ngay lập tức tuyên bố đây là thắng lợi, coi thỏa thuận như là một món quà Giáng Sinh cho người dân Anh. 

Đúng một năm sau khi được bầu làm thủ tướng Anh, ông Boris Johnson cuối cùng đã hoàn thành lời hứa khi tranh cử : Hoàn tất thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Liên Âu. 

Toàn bộ thỏa thuận được cho dày tới 2000 trang, không mấy ai đã đọc hết các nội dung chi tiết điều khoản và dù chính phủ Anh hay châu Âu đã phải nhượng bộ một số điểm mấu chốt trên bàn thương lượng, rõ ràng nhờ có thỏa thuận mà cả hai bên đã tránh được một cuộc chia tay trong hỗn loạn và đẩy các tác nhân kinh tế cũng như các công dân có liên hệ với Anh Quốc vào trong bất định hoàn toàn. Trước mắt thỏa thuận tạo ra một khuôn khổ cho các quan hệ hợp tác giữa hai bên trong tương lai, không chỉ đơn giản trong thương mại, kinh tế mà sẽ còn có những tác động đến các mối quan hệ khác giữa Anh và các nước trong Liên Hiệp Châu Âu.

Thực tế thì tự thân Brexit đã là một cú sốc kinh tế cho cả hai bên. Nhưng dù có thỏa thuận hay không thỏa thuận thì từ đầu năm tới, giữa Anh và các nước Liên Âu sẽ kết thúc tự do lưu thông con người, hàng hóa, dữ liệu, tiền vốn và các dịch vụ tài chính... Nói một cách khác các quan hệ hai bên sẽ được điều chỉnh bằng các kiểm soát thuế quan, chuẩn mực an toàn sản phẩm, rồi các thủ tục hành chính, giấy phép.

Nhưng trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thương mại như ngày hôm qua, hai bên sẽ còn phải bổ sung thuế nhập khẩu về sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Trong trường hợp này, Luân Đôn sẽ là bên thua thiệt nhất khi mà 50% hàng xuất nhập khẩu của Anh gắn với thị trường châu Âu, trong khi tỷ trọng xuất khẩu của EU sang Anh chỉ chiếm 8%.

Các cuộc thương lượng gai góc liên quan đến một hồ sơ khác mang tính biểu tượng về chủ quyền lãnh thổ của Anh, đó là việc Anh muốn giảm tới 60% giá trị đánh bắt hải sản của các tàu cá châu Âu trong vùng biển của Anh trong khi mà 80% sản lượng hải sản của các ngư dân Anh được xuất khẩu sang châu Âu. Cuối cùng, hai bên đã dàn xếp được với nhau về con số cắt giảm giá trị đánh bắt hải sản của các tàu châu Âu từ nay đến năm 2026 là 25%.

Với thỏa thuận hậu Brexit, ông Boris Johnson khẳng định, Anh « đã kiểm soát trở lại đồng tiền của chúng ta, biên giới, luật pháp, thương mại và vùng biển đánh bắt cá của chúng ta». Luân Đôn bảo đảm thỏa thuận này đã đáp ứng được các đòi hỏi của cuộc trưng cầu dân ý 2016 về việc Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.

Giới quan sát đều nhất trí cho rằng thỏa thuận hậu Brexit mà Luân Đôn và Bruxelles đạt được vào giờ chót không thể giải quyết và lường trước được hết các tình huống quan hệ giữa hai bên, vẫn chỉ được áp dụng tạm thời từ đầu năm tới. Giai đoạn tiếp theo, Nghị Viện Châu Âu bỏ phiếu thông qua trước khi toàn thể 27 nước thành viên phê chuẩn. Tương tự tại Anh, văn kiện sẽ phải được Nghị Viện bỏ phiếu thông qua trước khi được Nữ hoàng ký phê chuẩn. Trong khi đó, văn kiện rất dài này còn chứa đựng nhiều nội dung mà các nhà lập pháp, công luận và các giới chính trị tranh cãi.

Anh - Liên Hiệp Châu Âu : Thỏa thuận hậu Brexit ai là người thắng, kẻ thua ? (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten