dinsdag 22 december 2020

Covid-19 : Ngành xa xỉ phẩm cũng bị chao đảo + Ngành bán đồ chơi Noël tại Pháp bị thất thu 770 triệu euro

 

Covid-19 : Ngành xa xỉ phẩm cũng bị chao đảo

Cửa hàng thời trang Burberry trên phố  Regent, Luân Đôn, Anh Quốc, thời đại dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 29/05/2020.
Cửa hàng thời trang Burberry trên phố Regent, Luân Đôn, Anh Quốc, thời đại dịch Covid-19. Ảnh chụp ngày 29/05/2020. AFP - TOLGA AKMEN
Tuấn Thảo
8 phút

Dịch Covid-19 lại thêm nạn nhân kinh tế. Sau hơn 70 năm hoạt động, cửa hàng nổi tiếng "La Maroquinerie Parisienne" chuyên bán đồ da và các phụ kiện thời trang cao cấp ở Paris quận 9, sẽ đóng cửa luôn vào cuối năm 2020. Trong khi đó, thương hiệu Burberry lâu đời của Anh cũng thông báo đóng 38 cửa hiệu trong số 300 địa điểm kinh doanh trên thế giới. 

Trong làng thời trang hạng sang, các thương hiệu "xa xỉ phẩm" cũng đang bị tác hại nặng nề : doanh thu tuột dốc, nhân viên bị cắt giảm. Cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra, đã làm suy yếu nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm thời trang cao cấp, và càng làm nổi bật nhược điểm của các công ty đã không thực hiện được kịp thời tiến trình chuyển đổi sang công nghệ số cũng như phát triển các dịch vụ kinh doanh trên mạng.  

Nhiều thương hiệu lâu đời bị phá sản

Đó là trường hợp của cửa hàng "La Maroquinerie Parisienne", được thành lập vào năm 1947. Tuy có khá nhiều uy tín và mặt bằng (hơn 900 m2) nằm ở một địa điểm kinh doanh thuận lợi, nhưng cửa hàng này do phụ thuộc nhiều vào lượng khách hàng nước ngoài đã không cầm cự nổi sau hai đợt phong tỏa. Hẳn chắc đây không phải là nạn nhân nổi tiếng đầu tiên của virus corona. Trong thời gian qua, tập đoàn Printemps đã thông báo đóng một phần tư các cửa hàng. Còn tập đoàn Mỹ Neiman Marcus thành lập vào năm 1907, cũng đành phải tuyên bố phá sản.

Theo ông Serge Carreira, giảng viên tại trường cao đẳng Sciences Po Paris, dịch Covid-19 đã làm lộ rõ những khuyết điểm của mô hình kinh doanh truyền thống. Các thương hiệu lớn phụ thuộc nhiều vào hệ thống các cửa hàng buôn bán, nhưng các mặt bằng kinh doanh đòi hỏi một chi phí cố định khá cao, cụ thể là giá thuê, tiền bảo hiểm cũng như các chi phí vận hành. Vấn đề ở đây, theo ông Serge Carreira, là các tên tuổi lớn trong ngành sản xuất và phân phối đã hứng chịu nhiều cuộc khủng hoảng dồn dập : phong trào áo vàng, đợt biểu tình đình công và kế đến nữa là dịch Covid-19 trong năm 2020 đã giáng đòn "chí tử" lên các doanh nghiệp hay công ty vốn đã bị suy yếu : nguồn khách du lịch nước ngoài bị cạn kiệt, trong khi các dịch vụ kinh doanh trên mạng chưa đủ phát triển để đáp ứng lượng khách hàng nội địa, trong thời kỳ có phong tỏa.

Làn sóng chấn động kinh tế nghiêm trọng đến mức ngay cả những tập đoàn thời trang hùng mạnh nhất cũng bị chao đảo, lung lay .Theo ông Arnaud Cadart, giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư Flornoy & Associés, chưa bao giờ có một cú sốc dữ dội đến như vậy, hầu hết các tập đoàn hàng đầu của Pháp như LVMH, Kering hay Hermès đều chứng kiến mức doanh thu giảm mạnh trong quý hai, còn tình hình trong quý ba lạc quan hơn, doanh thu được duy trì nhờ vào sự năng động của thị trường châu Á, nơi đà lây lan của  dịch bệnh có vẻ được kiểm soát tốt hơn. 

Doanh thu các tập đoàn giảm gần một nửa 

Tập đoàn Pháp LVMH, công ty hàng đầu thế giới chuyên về xa xỉ phẩm đã mất khoảng một phần ba doanh thu toàn cầu. Tập đoàn này tập hợp khoảng 70 thương hiệu (Louis Vuitton, Fendi, Dior, Givenchy, Guerlain, Moët Hennessy hay Sephora), nhưng đà phục hồi tương đối của thị trường châu Á vẫn chưa đủ để bù đắp thất thu khổng lồ của các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Brazil hay Trung Đông. Nhiều cửa hàng và địa điểm kinh doanh trên thế giới buộc phải đóng cửa do lệnh phong tỏa, đã khiến cho tập đoàn này mất hàng tỷ euro doanh thu.

Các tập đoàn khác cũng bị sốc tương tự. Mức doanh thu của Kering (-43%) và Richemont (-47%) đều đã giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, trong khi doanh thu của tập đoàn Hermès cũng đã giảm gần một nửa (-45%). Các hiệu thời trang cao cấp của Ý cũng không khá gì hơn : doanh thu của Salvatore Ferragamo giảm 51%, còn hiệu Prada giảm hơn 40%. Tại Vương quốc Anh, các địa điểm mua sắm ở Luân Đôn có tiếng chuyên thu hút thành phần du khách giàu có, cũng mất rất nhiều doanh thu so với năm 2019. Thương hiệu Burberry có từ năm 1856 ngoài việc đóng 38 cửa hàng còn phải sa thải trước mắt từ 500 đến 1000 nhân viên. Các cửa hàng lớn tại Luân Đôn Selfridges hay Harrods, do hoạt động sút giảm, đành phải cắt giảm từ 450 đến 750 việc làm. Tại Hoa Kỳ, dịch Covid-19 đã buộc tập đoàn Neiman Marcus phải tuyên bố phá sản. Hơn 110 năm sau ngày ra đời, cửa hàng dây chuyền này phải tổ chức lại toàn bộ cơ cấu, tìm nguồn vốn tài trợ khác, nếu không muốn bị đóng cửa vĩnh viễn và sa thải hơn 14.000 nhân viên.

Theo cô Audrey Depraeter-Montacel, chuyên gia ngành xa xỉ phẩm tại công ty tư vấn Accenture, trong mùa dịch Covid-19, các công ty có thể cầm cự được lâu chính là những doanh nghiệp có nguồn vốn dự trữ và đã bắt đầu chuyển đổi sang công nghệ số. Trước đại dịch, các dịch vụ bán hàng trực tuyến chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu của các thương hiệu cao cấp. Rất nhiều doanh nghiệp đã chần chừ bởi vì công nghệ số đòi hỏi nhiều chi phí đầu tư nhưng các khoản lợi nhuận lại khá thấp, ít ra là trong thời gian đầu. Trong một thập niên qua, chỉ có các tập đoàn lớn mới làm được chuyện này, trong khi các công ty cỡ trung bình và nhỏ lại không có đủ tiền mặt để đầu tư vào khâu dịch vụ trực tuyến.  

Thị trường châu Âu giảm mạnh đến 36%

Trước khi có đại dịch, dịch vụ kinh doanh trên mạng đối với các công ty thời trang chỉ tương đương với 12% doanh thu. Trong thời kỳ phong tỏa, mức doanh thu nhờ các dịch vụ trực tuyến đã nhân lên gấp ba, gấp bốn lần tức khoảng 35% đến 45%. Các doanh nghiệp đã chuyển đổi số kịp thời đã được trang bị tốt hơn để ứng phó với tình huống mới, nhờ vào doanh số bán hàng trực tuyến mà bù đắp thất thu.  

Dịch Covid-19 chẳng những đã thay đổi cung cách kinh doanh, mà hẳn chắc sẽ cho thay đổi cục diện của ngành phân phối thời trang cao cấp. Tập đoàn Thụy Sĩ Richemont và mạng thời trang Farfetch chuẩn bị được sáp nhập, liên kết với nhau để có thêm khả năng vượt qua giông bão. Theo giảng viên Serge Carreira, diện mạo của ngành sản xuất và phân phối thời trang cao cấp đang được vẽ lại.

Theo khảo sát gần đây của công ty thăm dò thị trường Bain and Company, thị trường xa xỉ phẩm trên toàn cầu đã giảm một phần tư trong năm 2020, mức độ thiệt hại còn tùy theo từng châu lục.    

Tại châu Âu, mức giảm lên tới mức cao nhất là 36%, thị trường Bắc Mỹ giảm 27%, Nhật Bản mất 24%, phần còn lại của châu Á (ngoài Trung Quốc) giảm 35%. 

Tình hình vẫn còn nhiều rủi ro trong thời gain tới và giới chuyên gia trong ngành hy vọng châu Á sớm phục hồi để kích thích trở lại toàn chuỗi cung ứng, do các nước châu Á tương đương với 30% doanh thu toàn cầu của ngành xa xỉ phẩm. Tuy nhiên theo công ty Bain and Company, ngành này tìm lại mức doanh thu của năm 2019 sớm lắm là vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Từ đây cho tới đó, các ngành sản xuất bị tác động dài lâu nhất vẫn là đồ da, trang sức, đồng hồ, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm và nước hoa.

Covid-19 : Ngành xa xỉ phẩm cũng bị chao đảo (rfi.fr)

Covid-19: Ngành bán đồ chơi Noël tại Pháp bị thất thu 770 triệu euro

Một cửa hàng đồ chơi tại Paris phải đóng cửa trong thời gian phong tỏa chống dịch Covid-19 tại Pháp. Ảnh chụp ngày 02/11/2020.
Một cửa hàng đồ chơi tại Paris phải đóng cửa trong thời gian phong tỏa chống dịch Covid-19 tại Pháp. Ảnh chụp ngày 02/11/2020. AFP - JOEL SAGET
Tuấn Thảo
6 phút

Nước Pháp bị phong tỏa lần thứ nhì trong suốt tháng 11/2020 và lệnh phong tỏa có khả năng được triển hạn trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục đà lây lan. Nhưng theo truyền thống, tháng 11 lại là mùa đi mua sắm quà tặng dành cho những ngày lễ cuối năm. Do vậy, thị trường đồ chơi Noël tại Pháp năm nay sẽ bị mất 770 triệu euro doanh thu.

Theo khảo sát gần đây của công ty thăm dò thị trường NPD Group, sau đợt phong tỏa đầu tiên, ngành sản xuất đồ chơi đã dần dần được phục hồi, để rồi tìm lại một mức doanh thu khả quan (+0,4%) vào cuối tháng 10/2020. Thế nhưng, việc nước Pháp ban hành lệnh tái phong tỏa đã lật ngược thế cân bằng, vốn đã mong manh. Các chuyên gia trong ngành bày tỏ nỗi lo ngại và hy vọng rằng chính phủ Pháp nới lỏng các biện pháp, càng sớm càng tốt.

1,7 tỷ euro doanh thu trong hai tháng

Cũng cần biết rằng vào mùa Noël doanh thu của ngành đồ chơi tương đương 1,7 tỷ euro. Từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 12, các cửa hiệu đồ chơi kiếm được 48%, tức hầu như một nửa số doanh thu trong cả năm. Để chuẩn bị cho ngày lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch, người tiêu dùng ở Pháp mua tổng cộng 81 triệu món đồ chơi (trong vòng gần hai tháng trời) để làm các món quà tặng cuối năm.

Tháng 11 chính là thời điểm khai mạc mùa mua sắm, một điều chắc chắn là năm nay sẽ không còn ‘‘Black Friday’’. Chính cũng vì thế, theo cô Frédérique Tutt, chuyên gia nghiên cứu thị trường làm việc cho công ty NPD Group, bốn tuần lễ tháng 11 lại tương đương với hơn 15% doanh thu cả năm, tức từ 500 triệu đến 700 triệu euro.

Lệnh phong tỏa lần thứ nhì khiến cho giới sản xuất cũng như phân phối đồ chơi tại Pháp vừa lo lắng, vừa tức giận. Đồ chơi không được chính phủ Pháp xem như là một ‘‘nhu yếu phẩm’’. Tất cả các cửa hàng chuyên phân phối đồ chơi như JouéClub, King Jouet hay La Grande Récré đãnh phải đóng cửa, buông màn, và kể từ ngày 03/11 trở đi (tức 4 ngày sau khi lệnh tái phong tỏa bắt đầu có hiệu lực) đến phiên toàn bộ các siêu thị ở Pháp cũng bị cấm bán đồ chơi để tránh vi phạm luật cạnh tranh.

Covid-19 buộc dân Pháp thay đổi cung cách mua sắm

Thế nhưng, theo ông Franck Mathais, đại diện của các cửa hàng JouéClub, giới chuyên ngành hy vọng chính phủ sẽ nới lỏng, thay vì siết chặt các biện pháp phong tỏa, nhất là trong bối cảnh các cửa hàng bán đồ chơi áp dụng kỹ lưỡng chặt chẽ các quy định giãn cách xã hội sau lần phong tỏa đầu tiên. Trước mắt, lệnh phong tỏa lần thứ nhì buộc các hộ gia đình ở Pháp thay đổi hẳn cung cách mua sắm. Hầu hết các thành phần người tiêu dùng sẽ phải đặt mua trên mạng, và sau đó được giao hàng tận nhà hay là chọn hình thức ‘‘click & collect’’ tức chọn khung giờ ấn định để đến lấy hàng tại cửa hiệu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của công ty NPD Group, các vụ giao dịch trực tuyến này cũng chưa đủ để bù đắp các khoản thất thu trong lãnh vực kinh doanh đồ chơi. Vào năm 2019, chỉ có một phần ba các vụ mua bán đồ chơi Noël được thực hiện trên mạng và đa số các dịch vụ trực tuyến có lợi cho các tập đoàn lớn như Amazon, Alibaba hoặc là Cdiscount. Các dây chuyền cửa hàng với thương hiệu nổi tiếng như JouéClub, King Jouet hay La Grande Récré cũng thường bội thu vào mùa Giáng Sinh, chỉ còn các cửa hàng nhỏ không có đủ phương tiện, đành phải chịu nhiều thiệt thòi nhất, do các dịch vụ mua bán trực tuyến không được phát triển bằng các cửa hiệu lớn.

Pháp khắt khe nhất trong các nước châu Âu

So với các nước châu Âu láng giềng, Pháp là quốc gia duy nhất đã ra lệnh đóng cửa các cửa hiệu ở trung tâm các thành phố, cũng như các gian hàng bán đồ chơi tại các đại siêu thị trên toàn lãnh thổ. Tại Ý, các cửa hàng kinh doanh đều phải đóng cửa trong đợt phong tỏa thứ nhì, thế nhưng đồ chơi, sách đọc cũng như quần áo trẻ em lại được xếp là ‘‘sản phẩm thiết yếu’’, không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Đối với người Ý, các trung tâm thương mại vẫn bị đóng cửa vào dịp cuối tuần để tránh thu hút quá đông đảo người tiêu dùng đi mua sắm quà Giáng Sinh.

Tại Anh, chính phủ cũng đã ra lệnh đóng cửa các cửa hàng ‘‘không thiết yếu’’ vào ngày 05/11/2020, nhưng các đại siêu thị vẫn tiếp tục bày bán các món đồ chơi. Tại Đức, chính quyền tăng cường các biện pháp để đảm bảo tối đa quy định giãn cách xã hội, nhưng hầu hết các cửa hàng vẫn tiếp tục hoạt động, chứ không hề bị đóng cửa. Còn tại Tây Ban Nha, ngoại trừ thủ phủ Barcelona và toàn vùng Cataluna đã đóng cửa các siêu thị trong đợt phong toả thứ nhì, Tây Ban Nha vẫn duy trì việc mở cửa các cửa hàng, tuy với nhiều điều kiện ràng buộc, để tránh gây tổn thất nạng nề cho nhiều ngành kinh tế.

Chỉ còn 6 tuần nữa là đến ngày lễ Giáng sinh, thế nhưng đợt phong tỏa lần thứ nhì lại được ban hành ngay vào lúc giới chuyên ngành chuẩn bị lao vào cuộc chạy đua quan trọng nhất trong năm, khi chọn mở hầu hết các cửa hàng ngay cả vào những ngày chủ nhật. Thế nhưng, dịch Covid-19 đã làm tiêu tan hầu như mọi niềm hy vọng của ngành sản xuất và phân phối đồ chơi tại Pháp.

Covid-19: Ngành bán đồ chơi Noël tại Pháp bị thất thu 770 triệu euro (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten