Hai tầu sân bay Mỹ trở lại tuần tra chung ở Biển Đông
Đăng ngày:
Lần thứ hai liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng, hai nhóm tầu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và USS Nimitz trở lại tuần tra chung ở Biển Đông ngày 17/07/2020. Bộ chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ khẳng định cuộc tuần tra nằm trong khuôn khổ chiến dịch “ủng hộ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Hai đội tầu sân bay Mỹ có lực lượng hùng hậu gồm hơn 12.000 quân nhân và nhân viên, chở 120 máy bay thực hiện các bài tập phòng không chiến lược “để duy trì khả năng chuẩn bị và năng lực chiến đấu”, theo thông cáo của Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ.
Chuẩn đô đốc Jim Kirk, chỉ huy nhóm tầu sân bay Nimitz, khẳng định trong một thông cáo rằng hoạt động của hai nhóm tầu Nimitz và Reagan tại những khu vực ở Biển Đông nơi luật pháp quốc tế cho phép “nhằm tăng cường cam kết của Hoa Kỳ về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dựa trên trật tự quốc tế được hình thành theo luật pháp, cũng như đối với các đồng minh và đối tác trong vùng của Hoa Kỳ”.
Còn theo thông cáo của Hải Quân Mỹ, “sự hiện diện của hai tầu sân bay ở Biển Đông không nhằm đáp trả bất kỳ sự kiện chính trị đặc biệt nào và nằm trong khuôn khổ diễn tập thường xuyên để phát triển khả năng tác chiến”.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể lo lắng về cường độ các cuộc tuần tra của Hải Quân Mỹ ở Biển Đông. Trang CNN nhắc lại hai nhóm tầu sân bay Ronald Reagan và USS Nimitz từng tuần tra chung ở Biển Đông vào đầu tháng 07/2020. Đây là cuộc tuần tra chung đầu tiên của hai tầu sân bay Mỹ kể từ năm 2014 và là lần thứ hai từ năm 2001.
Phản ứng về sự kiện này, Hoàn Cầu Thời Báo gọi hai tầu sân bay Mỹ là “chẳng khác gì những con hổ giấy bên ngoài cửa ngõ Trung Quốc” mà Bắc Kinh hoàn toàn có thể dùng hỏa lực để bảo vệ đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.
Mỹ tuyên bố ủng hộ những nước bị Trung Quốc lấn lướt ở Biển Đông
Đăng ngày:
Hai hôm sau khi chính thức bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc tại vùng Biển Đông, bị xem là hoàn toàn bất hợp pháp, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào hôm qua, 15/07/2020 tuyên bố rằng Mỹ sẽ ủng hộ các nước đang tin rằng Trung Quốc đã vi phạm các yêu sách chủ quyền của họ tại Biển Đông. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ cũng cho hiểu là Washington sẽ dùng biện pháp ngoại giao thay vì quân sự.
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu trong cuộc họp báo, ông Mike Pompeo đã xác định rằng Mỹ « sẽ ủng hộ các quốc gia trên khắp thế giới đang bị Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ cũng như lãnh hải hợp pháp của họ », và « sẽ cung cấp cho họ sự hỗ trợ có thể có được, bất kể đó là trong các tổ chức đa phương, trong ASEAN, hay thông qua các phản ứng pháp lý ».
Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông. Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt, tố cáo Mỹ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trái với Trung Quốc, Việt Nam vào hôm qua 15/07 đã phản ứng thuận lợi trước việc Mỹ bác bỏ các yêu sách quá đáng của Trung Quốc về Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng xác định : « Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương ».
Đối với Việt Nam : « Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, có trách nhiệm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó ».
Thủ tướng Úc vào hôm nay 16/07 cũng gián tiếp ủng hộ Mỹ khi khẳng định rằng Canberra « sẽ tiếp tục lập trường nhất quán là ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải trên Biển Đông ».
Theo Reuters, thủ tướng Scott Morrison đã cho biết như trên khi được các nhà báo hỏi về việc Mỹ bác bỏ hầu hết yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc trong tuyên bố lập trường mới.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten