Biển Đông: Mỹ không để cho Trung Quốc « một mình một chợ »
Đăng ngày:
Hai cụm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan và USS Nimitz đang tiến hành tại Biển Đông các cuộc tập trận lớn nhất từ nhiều năm qua, khi Bắc Kinh vừa kết thúc đợt thao dượt quân sự ở Hoàng Sa, quần đảo mà Bắc Kinh chiếm của Việt Nam từ năm 1974, hành động mà Washington chưa bao giờ chấp nhận. Tham gia tập trận có oanh tạc cơ chiến lược Stratofortress B-52. Qua cuộc tập trận hải không quân, Hoa Kỳ cho thấy họ không muốn để Trung Quốc «một mình một chợ» ở Biển Đông.
Trong thời gian qua, lợi dụng lúc quốc tế, nhất là Hoa Kỳ, tập trung đối phó với đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện tại hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là trên các đảo nhân tạo được xây dựng rõ ràng với mục đích quân sự. Nay gần như đã khống chế được dịch virus corona, Bắc Kinh lại càng gia tăng các hoạt động tại Biển Đông.
Cho tới nay Washington không bao giờ công nhận các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và thường xuyên đưa các chiến hạm đến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của vùng biển này. Nhưng qua việc gởi hai cụm tàu sân bay tấn công đến tập trận ở Biển Đông để biểu dương sức mạnh, chính quyền Donald Trump cho thấy là bất chấp dịch Covid-19, Hoa Kỳ không để cho Trung Quốc mặc sức tung hoành ở khu vực này. Vài ngày trước cuộc tập trận của hai cụm tàu sân bay Mỹ, ngoại trưởng Mike Pompeo đã viết trên mạng Twitter: “Trung Quốc không được phép hành xử trên Biển Đông như là đế chế hàng hải của họ”.
Theo thông báo của hải quân Hoa Kỳ, hoạt động của hai cụm tàu sân bay nói trên nhằm thể hiện cam kết của Mỹ bảo vệ quyền của mọi quốc gia tự do lưu thông trên không, trên biển, tự do hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép. Về phần chỉ huy chiến dịch, chuẩn đô đốc George Wikoff, ông tuyên bố: “ Mục đích của cuộc tập trận là bắn một tín hiệu rõ ràng đến các đối tác và các đồng minh của chúng tôi rằng Hoa Kỳ vẫn cam kết bảo vệ an ninh và ổn định khu vực”. Vị chỉ huy này nói thêm là các cuộc thao dượt nhằm thử nghiệm khả năng tấn công của các chiến đấu cơ thuộc hàng không mẫu hạm Mỹ.
Điểm đáng chú ý, như ghi nhận của đài CNN hôm nay, 07/07/2020, đó là hiếm khi nào mà hai cường quốc hàng đầu thế giới huy động một lực lượng hải quân hùng hậu như thế và tại những địa điểm gần nhau như thế. Vào lúc mà Donald Trump vẫn bị đối thủ Joe Biden qua mặt trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, chủ nhân Nhà Trắng càng không muốn bị xem là mềm yếu trước Trung Quốc, nên lại càng phải biểu dương sức mạnh quân sự ở Biển Đông.
Vấn đề trọng tâm ở đây, theo nhận định của đài truyền hình Mỹ CNN, chính là Hoa Kỳ dám thách thức trực tiếp Trung Quốc đến mức độ nào, trong bối cảnh mà Bắc Kinh tỏ rõ quyết tâm thống trị khu vực bằng sức mạnh của vũ khí, và đã liên tục dọa rằng mọi vụ va chạm không cố tình đều có thể nhanh chóng leo thang thành xung đột quân sự.
Trước mắt, Bắc Kinh có vẻ xem thường cuộc biểu dương lực lượng của Mỹ ở Biển Đông, xem hai hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ chỉ là "những con hổ giấy". Tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm thứ Bảy vừa qua đã khoe là Trung Quốc có trong tay các tên lửa DF-21D và DF-26, mệnh danh là “những sát thủ tàu sân bay” và khẳng định di chuyển của mọi hàng không mẫu hạm Mỹ đều nằm trong tầm kiểm soát của quân đội Trung Quốc.
CNN nhắc lại, trước đây các chiến dịch quy mô lớn của Mỹ ở Biển Đông đã không giúp ngăn chận Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo các đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo này. Trong khi đó, Bắc Kinh đã nỗ lực xây dựng một lực lượng hải quân có khả năng thách thức thế thượng phong của Mỹ ở vùng Thái Bình Dương, đồng thời giúp tăng cường sự kiểm soát của họ ở vùng Biển Đông.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten