vrijdag 17 juli 2020

Đài Loan tập trận với kịch bản đẩy lùi ý đồ xâm lược + Su-35 của Trung Quốc tập trận bao vây Đài Loan, Hoa Kỳ quan ngại

Đài Loan tập trận với kịch bản đẩy lùi ý đồ xâm lược


Tổng thống Thái Anh Văn (bìa trái) thị sát cuộc tập trận thường niên Hán Quang (Han Kuang) tại Đài Trung (Taichung), Đài Loan, ngày 16/07/2020.
Tổng thống Thái Anh Văn (bìa trái) thị sát cuộc tập trận thường niên Hán Quang (Han Kuang) tại Đài Trung (Taichung), Đài Loan, ngày 16/07/2020. REUTERS - ANN WANG
Thu Hằng
2 phút
Đài Loan huy động ba lực lượng không quân, hải quân và lục quân tiến hành 5 ngày tập trận bắn đạn thật theo kịch bản đẩy lùi một cuộc xâm lược kể từ ngày 16/07/2020. Cuộc tập trận hàng năm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc và cho thấy quyết tâm bảo vệ hòn đảo, mà Trung Quốc vẫn coi là một tỉnh nổi loạn.
Theo Reuters, cuộc tập trận « Hán Quang » (Han Kuang) diễn ra ở một vùng ven biển gần Đài Trung (Taichung), miền trung Đài Loan, huy động nhiều xe tăng, máy bay F-16 và chiến đấu cơ Ching-kuo do Đài Loan sản xuất và khoảng 8.000 quân nhân.
Phát biểu trước các lực lượng tham gia tập trận, tổng thống Thái Anh Văn nhắc lại : « Cuộc tập trận Hán Quang là một sự kiện quan trọng hàng năm đối với quân đội Đài Loan nhằm đánh giá sự phát triển khả năng chiến đấu, ngoài ra còn cho phép thế giới biết quyết tâm và nỗ lực của chúng ta (Đài Loan) trong việc bảo vệ lãnh thổ ».
Từ đầu năm 2020, Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự quanh hòn đảo. Đài Loan đã phải huy động lực lượng không quân lên « đuổi » chiến đấu cơ và máy bay ném bom áp sát hòn đảo mà Bắc Kinh luôn coi là vùng lãnh thổ không thể chia cắt được.
Reuters nhắc lại, dù quân đội Đài Loan được huấn luyện và trang bị tốt, chủ yếu là trang thiết bị do Mỹ sản xuất, nhưng Trung Quốc có lợi thế về lực lượng, cũng như thiết bị quân sự tiên tiến, trong đó có máy bay tàng hình và nhiều loại tên lửa đạn đạo mới.
Theo tin mới nhất của AFP, ngay trong ngày tập trận đầu tiên, hai phi công Đài Loan đã bị thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay trực thăng Bell Oh-58D khi trên đường về căn cứ Tân Trúc (Hsinchu).
https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200716-%C4%91%C3%A0i-loan-t%E1%BA%ADp-tr%E1%BA%ADn-v%E1%BB%9Bi-k%E1%BB%8Bch-b%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BA%A9y-l%C3%B9i-%C3%BD-%C4%91%E1%BB%93-x%C3%A2m-l%C6%B0%E1%BB%A3c

Su-35 của Trung Quốc tập trận bao vây Đài Loan, Hoa Kỳ quan ngại

Chiến đấu cơ đa nhiệm Sukhoi Su-35. Ảnh chụp nhân Triển lãm hàng không không gian MAKS 2017 tại Zhukovsky, ngoại ô Matxcơva, ngày 21/07/2017.
Chiến đấu cơ đa nhiệm Sukhoi Su-35. Ảnh chụp nhân Triển lãm hàng không không gian MAKS 2017 tại Zhukovsky, ngoại ô Matxcơva, ngày 21/07/2017. REUTERS/Sergei Karpukhin
Thụy My
3 phút
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm qua 11/05/2018 đã bày tỏ quan ngại về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc, và một lần nữa phản đối nỗ lực thay đổi hiện trạng tại eo biển Đài Loan. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Bắc Kinh cho oanh tạc cơ và chiến đấu cơ tập trận bao vây Đài Loan, trong đó có Su-35 hiện đại lần đầu tham gia.
Theo CNA, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khi trả lời báo chí Đài Bắc cho biết : « Hoa Kỳ luôn quan ngại vì sự thiếu minh bạch về khả năng quân sự đang tăng lên của Trung Quốc, cùng với các ý đồ chiến lược liên quan. Hoa Kỳ phản đối các hành động đơn phương của bất kỳ bên nào nhằm thay đổi hiện trạng, kể cả việc dùng vũ lực hoặc bất cứ hình thức cưỡng bức nào khác ».
Reuters dẫn thông cáo của không quân Trung Quốc nói rằng hôm qua các máy bay ném bom H-6K, cùng với các phi cơ trinh sát, đã bay thao dượt quanh Đài Loan nhằm « tăng cường khả năng chiến đấu ». Đây là lần đầu tiên chiến đấu cơ Su-35 được huy động đến eo biển Ba Sĩ (Bashi) nằm giữa Philippines và Đài Loan, một trong các eo biển nối Biển Đông với Thái Bình Dương.
The Diplomat cũng dẫn nguồn từ không quân Trung Quốc cho biết cụ thể, một phi đội đã bay qua eo biển Miyako (nằm giữa các đảo Miyako và Okinawa của Nhật) rồi qua eo biển Ba Sĩ vòng quanh Đài Loan, còn một phi đội khác bay theo hướng ngược lại rồi quay về căn cứ.
Tham gia cuộc diễn tập đường dài này, bên cạnh các phi cơ tiêm kích hạng nặng tầm xa Su-35S còn có các oanh tạc cơ H-6K (Tây An H-6), phi cơ tiêm kích J-11 (Thẩm Dương J-11), máy bay vận tải quân sự tầm trung Shaanxi Y-8 (Thiểm Tây Y-8), máy bay trinh sát điện tử Tupolev Tu-154MD, KJ-2000 (Không Cảnh).
Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc hôm qua tuyên bố : « Không quân có quyết tâm, sự tự tin và khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ ». Phát ngôn viên này khẳng định không quân Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các phi vụ đường dài, phù hợp với lịch tập luyện.
Để đáp trả, Đài Loan đã cho các chiến đấu cơ phản lực đa nhiệm F-16 Fighting Falcon lên bảo vệ không phận. Về phía Nhật Bản cũng điều các máy bay chiến đấu lên ngăn chận.
Trước đó, vào ngày 26/04/2018, Bắc Kinh cũng đã huy động oanh tạc cơ và chiến đấu cơ bay vòng quanh Đài Loan để « thực tập tác chiến chống lại các lực lượng đòi độc lập ».
The Diplomat lưu ý, trong trường hợp có xung đột với Đài Loan hay Nhật Bản, nếu khống chế được eo biển Miyako và Ba Sĩ, Trung Quốc sẽ gây trở ngại cho sự can thiệp của bên thứ ba (như Hoa Kỳ chẳng hạn).

Geen opmerkingen:

Een reactie posten