Căng thẳng biên giới: Thủ tướng Ấn gọi Bắc Kinh là kẻ « bành trướng »
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Vùng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc tiếp tục căng thẳng. Sau cuộc đụng độ đẫm máu giữa tháng 6/2020, hai bên trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong lúc thủ tướng Ấn gọi Bắc Kinh là kẻ « bành trướng », bộ Ngoại Giao Trung Quốc kêu gọi New Delhi đừng « tính toán sai » về phản ứng của Bắc Kinh tại vùng biên giới.
Hôm qua, 03/07/2020, trong chuyến thị sát bất ngờ tại một đơn vị quân đội ở vùng biên giới với Trung Quốc, thủ tướng Ấn Độ đã gián tiếp gọi Bắc Kinh là quân bành trướng, và cổ vũ tinh thần sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ. Ông Narendra Modi nói : « thời kỳ của chủ nghĩa bành trướng đã qua rồi. Chủ nghĩa bành trướng là mối đe dọa cho hòa bình thế giới. Bây giờ là thời kỳ của phát triển. Các thế lực bành trướng hoặc sẽ thua, hoặc buộc phải lùi bước ».
Theo báo mạng Úc abc.net.au, hôm qua, 03/07/2020, phát ngôn viên đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ lên tiếng khẳng định việc thủ tướng Ấn Độ gọi Bắc Kinh là « bành trướng » là không có cơ sở. Quan chức này khẳng định Trung Quốc đã giải quyết được các tranh chấp biên giới « với 12 trong số 14 nước láng giềng bằng con đường thương thuyết hòa bình ».
Về phần mình, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) kêu gọi Ấn Độ « hợp tác với Trung Quốc để duy trì quan hệ hữu nghị toàn cục », đồng thời lên án các hành động chống lại doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động tại Ấn Độ, là vi phạm các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Theo người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có các trả đũa để « bảo vệ quyền lợi hợp pháp » của các doanh nghiệp Trung Quốc trên đất Ấn.
Không muốn một mình đối mặt với Trung Quốc, New Delhi tiếp tục vận động ngoại giao tìm kiếm ủng hộ. Hôm qua, 03/07/2020, đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Satoshi Suzuki đưa lên Twitter một thông điệp khẳng định « phản đối mọi hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng » tại Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) tại biên giới Ấn - Trung.
Tuyên bố được đưa ra sau khi đại sứ Nhật gặp ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Shringla. Một số nguồn tin ẩn danh cho biết trước đó, ngoại trưởng Ấn Độ cũng thông báo chủ đề này với các đặc phái viên hay các đồng nhiệm Hoa Kỳ, Nga, Pháp và Đức.
Đại sứ Nhật Satoshi Suzuki đưa ra quan điểm ủng hộ nói trên, sau khi Ấn Độ và Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc họp của giới ngoại giao và quân sự, nhưng đàm phán vẫn bế tắc.
Căng thẳng Ấn-Trung : Thủ tướng Modi bất ngờ thăm vùng Himalaya
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Ngày 03/07/2020, thủ tướng Ấn Độ Nadrendra Modi đã bất ngờ đến thị sát tình hình ở Ladakh, thuộc vùng núi Himalaya sát biên giới với Trung Quốc. Đây là nơi đã diễn ra vụ đụng độ chết người giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc vào ngày 15/06.
Theo AFP, ông Modi đã gặp gỡ các quân nhân trong một doanh trại tại vùng Nimu (ở độ cao hơn 3.300 mét). Sau đó, ông đến thăm những quân nhân bị thương trong vụ ẩu đả hiện được điều trị tại một bệnh viện ở Leh, thủ phủ vùng Ladakh. Tháp tùng thủ tướng Modi có tham mưu trưởng, tướng Bipin Rawat và tư lệnh quân đội, tướng MM Naravan.
Hãng tin Reuters cho biết, ông Modi bất ngờ đến thăm vùng biên giới này do bị áp lực trong nước là phải đáp trả việc Trung Quốc xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ. Vụ đụng độ gây chết người ngày 15/06 ở Ladakh được coi là sự cố nghiêm trọng nhất trong vòng 45 năm qua. Phía Ấn Độ có 20 lính tử vong, Trung Quốc không đưa ra bất kỳ con số nào. Cả hai bên đổ lỗi cho nhau nhưng đều khẳng định muốn giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình.
Trong những tuần gần đây, chính quyền New Delhi đã tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực. Vụ đụng độ cũng khiến làn sóng bài Trung Quốc trỗi dậy ở Ấn Độ. Ngoài việc kêu gọi tẩy chay hàng hóa, ngày 29/06, New Delhi thông báo cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc (TikTok, Weibo, WeChat, CamScanner…) vì lý do an ninh quốc gia. Bản thân thủ tướng Modi cũng đóng ứng dụng Weibo của ông.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten