Một kế sách triệt để nhằm ngăn Trung Quốc nuốt trọn Biển Đông
Đăng ngày:
Trong những ngày gần đây, Trung Quốc càng lúc càng có thêm nhiều hành động nhằm áp đặt quyền kiểm soát trên Biển Đông, từ việc triển khai chiến đấu cơ trên đảo Phú Lâm, liên tiếp tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, lần gần đây nhất là từ ngày 15-17/07/2020, đến việc phái tàu khảo sát xuống Trường Sa, và liên tục cho tầu hải cảnh đến sách nhiễu các mỏ dầu khí của Việt Nam.
Cụ thể là vụ chiếc Hải Cảnh 5402 hoành hành gần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ của Việt Nam ngoài khơi bờ biển phía nam Việt Nam trong những ngày 12, 15 và 18/07.
Trong bài viết “Làm sao để ngăn chặn Trung Quốc hoàn tất việc chiếm cứ Biển Đông - How to stop China completing its takeover of the South China Sea” đăng trên website của Viện Chính Sách Chiến Lược Úc (ASPI) ngày 21/07/2020, nhà nghiên cứu Jeff Becker cho rằng trước việc Trung Quốc rõ ràng là đang đẩy mạnh chiến dịch nuốt trọn Biển Đông, các nước có lợi ích trong việc duy trì một vùng Biển Đông thông thoáng cần phải có biện pháp triệt để hơn để ngăn không cho Trung Quốc hoàn tất mưu đồ của họ.
Tiền đồn ở Biển Đông: Bàn đạp để đòi chủ quyền toàn vùng
Bài viết trước hết nêu bật nguy cơ đến từ các tiền đồn quân sự mà Trung Quốc đã xây dựng trên các thực thể mà họ đã chiếm đóng tại vùng Biển Đông.
Theo Jeff Becker, việc Bắc Kinh quân sự hóa các đảo đá trong tay họ ở Hoàng Sa và Trường Sa đã giúp Trung Quốc gia tăng đáng kể khả năng khống chế các thực thể khác ở Biển Đông, mà còn cho phép Bắc Kinh áp đặt trong tương lai quyền kiểm soát toàn bộ vùng biển và bầu trời bên trên. Cho đến nay, Trung Quốc luôn lớn tiếng phản đối việc các nước khác thực hiện quyền đi lại vô hại hay có những hoạt động quân sự khác bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Trên bình diện ngoại giao, Bắc Kinh ra sức áp đặt nguyên tắc đàm phán song phương với từng quốc gia tranh chấp, qua đó phá vỡ trong thực tế nỗ lực của khối ASEAN trong việc tìm kiếm đối sách chung.
Bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ tính chất hợp pháp của yêu sách chủ quyền “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc, chiến lược của Bắc Kinh là xây dựng lực lượng và cơ sở trong vùng để trong dài hạn có thể áp đặt quyền chủ quyền trên cả Biển Đông.
Tham vọng quá lớn của Trung Quốc đe dọa toàn thế giới
Đối với tác giả bài viết, các yêu sách của Trung Quốc tác động đến cả những quốc gia ngoài vùng Biển Đông. Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ cùng nhiều nước khác có quyền lợi thiết yếu trong việc sử dụng vùng biển này cho những mục tiêu kinh tế, khoa học cũng như quân sự của mình. Khẩn cấp hơn nữa là phải duy trì được các quyền tự do di chuyển trên vùng biển khơi và trong tương lai, trên không trung.
Tham vọng chủ quyền nói trên của Trung Quốc mang một quy mô to lớn chưa từng thấy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, cũng như chưa từng thấy trong luật pháp quốc tế. Đây chính là một kịch bản tồi tệ mà giới hoạch định kế hoạch quân sự và chiến lược thế giới phải tránh không cho xẩy ra.
Theo nhà nghiên cứu Jeff Becker, không làm gì là đồng nghĩa với việc nhường cho Trung Quốc quyền kiểm soát thường xuyên các hoạt động kinh tế, quân sự trên một vùng đại dương rộng lớn có tính then chốt và chiến lược.
Biển Đông rộng hơn Địa Trung Hải đến 1/3, và lớn hơn gấp đôi Vịnh Mêhicô. Công nhận đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc trên một vùng rộng lớn như thế sẽ làm tăng nguy cơ những vùng biển chung rộng lớn của quốc tế bị những nước riêng lẻ chiếm dụng và kiểm soát.
Cộng đồng quốc tế phải chọn lựa giữa việc duy trì những vùng biển chung tự do, rộng mở, và bảo vệ luật quốc tế hoặc là để yên cho Trung Quốc chiếm đoạt Biển Đông, với nguy cơ dẫn đến những đòi hỏi tương tự trên tất cả các đại dương của thế giới. Để ngăn chận viễn cảnh đó, cần phải tâp hợp càng nhiều quốc gia càng tốt để có phản ứng cứng rắn, mạnh bạo ngăn cản Trung Quốc.
Phải cấm Trung Quốc sử dụng vùng EEZ của nước khác
Về biện pháp cụ thể, nhà nghiên cứu Jeff Beck cho rằng Hoa Kỳ cùng với các tất cả các đồng minh và đối tác phải công khai gắn liền việc Trung Quốc sử dụng vùng biển chung của thế giới với cách hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Washington đã tuyên bố rằng các đòi hỏi của Bắc Kinh về Biển Đông là bất hợp pháp, và đã nhấn mạnh tuyên bố này bằng cách phái hai tàu sân bay và nhóm tàu hộ tống vào thao diễn trong khu vực.
Đây là một bước đầu tốt, nhưng Trung Quốc lại có lợi thế hiện trường ở Biển Đông, vì thế Hoa Kỳ và tất cả các đồng minh, đối tác trong cộng đồng quốc tế phải bắt đầu thực hiên biện pháp tăng cường các hạn chế về hành chánh và kỹ thuật đối với sản phẩm mà Trung Quốc vận chuyển trên biển, trên không, quá cảnh qua những vùng đặc quyền kinh tế của các nước tham gia hành động chung.
Việc giới hạn quyền quá cảnh kinh tế, quân sự và thăm dò khoa học phải được lên kế hoạch trước và dễ điều chỉnh để có thể tương xứng với hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Một khi quốc tế làm được như vậy, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn không ít, sẽ thấy được cái giá cực cao, những khó khăn phức tạp để tiếp cận vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương và những nơi khác.
Cộng đồng quốc tế phải mạnh dạn đối phó với Trung Quốc
Một ví dụ: Nếu Nhật Bản và Philippines cùng với Hoa Kỳ áp dụng biện pháp hạn chế tiếp cận, thì Trung Quốc không thể có đường ra thẳng Tây Thái Bình Dương. Biện pháp này nên được thông báo cho Trung Quốc, nếu Bắc Kinh dùng sức mạnh áp đặt chủ quyền và quyền kiểm soát ở Biển Đông.
Tuy nhiên, đối với chuyên gia Jeff Beck, việc bảo đảm ở mức độ cao nhất quyền tự do tiếp cận các vùng biển chung của thế giới phải là mục tiêu tối hậu của nỗ lực quốc tế này.
Việc giới hạn quyền của Trung Quốc đi qua các vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác phải đi kèm theo việc bảo đảm là các vùng này vẫn được mở cho các quốc gia tham gia chiến dịch đáp trả. Hơn nữa những biện pháp đối với Trung Quốc sẽ phải uyển chuyển, có thể bỏ đi dễ dàng khi Trung Quốc xét lại hành động của mình ở Biển Đông,
Cho dù chiến lược đáp trả ý đồ hung hăng nhất của Trung Quốc ở Biển Đông như vừa kể có vẻ rất mạnh bạo, các quốc gia cùng ý chí trên thế giới nên sẵn sàng gây cú sốc, buộc Trung Quốc phải cân nhắc lợi hại trước việc giới hạn quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và việc tự do sử dụng vùng biển chung của thế giới.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten