woensdag 15 juli 2020

Pháp duy trì lễ pháo hoa mừng Quốc Khánh 14/07 tại Tháp Eiffel + không có diễu binh vì Covid-19

Pháp duy trì lễ pháo hoa mừng Quốc Khánh 14/07 tại Tháp Eiffel

Bắn pháo hoa bên cạnh Tháp Eiffel, Paris, nhân Quốc Khánh Pháp, 14/07/2019
Bắn pháo hoa bên cạnh Tháp Eiffel, Paris, nhân Quốc Khánh Pháp, 14/07/2019 AFP - GEOFFROY VAN DER HASSELT
Tuấn Thảo
5 phút
Bắn pháo hoa là một sinh hoạt truyền thống nhân Lễ Quốc khánh Pháp. Hầu hết các thành phố ở Pháp nhân ngày 14/07 hàng năm đều tổ chức sự kiện này. Nếu thực sự có một tiết mục không thể bỏ qua, chính là lễ bắn pháo hoa tại Tháp Eiffel. Theo thông cáo hôm qua của Tòa đô chính, năm nay Paris duy trì cùng lúc buổi hòa nhạc cổ điển cũng như lễ bắn pháo hoa ngay tại chân Tháp Eiffel.
Hàng năm, cả hai sự kiện này thu hút hơn nửa triệu người xem tại chỗ cũng như hàng triệu lượt khán giả truyền hình do buổi lễ được phát sóng trực tiếp. Thông thường, khán giả chủ yếu tụ họp trên quảng trường Champ de Mars hay là đứng từ quảng trường ở phía đối diện Trocadéro để có độ nhìn toàn cảnh của Tháp Eiffel, rực rỡ muôn màu lung linh sắc pháo.
Tuy nhiên, do các quy tắc an toàn liên quan đến việc phòng chống dịch Covid-19, cả hai sự kiện này được tổ chức với một số điều kiện ràng buộc. Do lệnh cấm tập hợp đông đảo ở những nơi công cộng vẫn còn có hiệu lực, cho nên mọi thành phần khán giả sẽ không được quyền đến gần khu vực Tháp Eiffel. Cả hai sự kiện sân khấu biểu diễn nhạc cổ điển tại quảng trường Champ de Mars cũng như màn bắn pháo hoa ngay bên chân Tháp Eiffel, chỉ có thể được theo dõi từ xa, xem trên đài truyền hình hay là qua mạng Internet. 
Trong bản thông cáo công bố hôm 08/07 vừa qua, Tòa đô chính Paris cho biết là hầu hết các khu vực xung quanh Tháp Eiffel đều cấm người qua lại. Biện pháp triệt để này là nhằm tránh để cho tái diễn các cuộc tập hợp đông đảo như vào Ngày hội Âm nhạc (La Fête de la Musique) 21/06 vừa qua, vào lúc giới chuyên gia y tế vẫn luôn cảnh báo về nguy cơ của một làn sóng lây nhiễm thứ nhì ở Pháp vào cuối mùa hè năm 2020.
Một cách cụ thể hơn, Sở Cảnh sát Paris đã ra lệnh hạn chế giao thông trong các khu vực xung quanh Tháp Eiffel vào hôm 14/07 ngay từ lúc 11 giờ sáng. Kể từ 4 giờ chiều trở đi, quảng trường Trocadéro và các đại lộ xung quanh cầu Iéna sẽ dần dần bị phong tỏa, do đó là những nơi đám đông thường tập hợp lại để xem bắn pháo hoa. Vào 7 giờ tối, toàn bộ khu vực, đi từ cầu Grenelle cho đến cầu Alma, tức là trên khoảng 2 cây số rưỡi cũng hoàn toàn cấm dân chúng qua lại. Chỉ có các cư dân địa phương, giới nhân viên các hàng quán, khách sạn hay làm việc cho các du thuyền dọc hai bờ sông Seine, có thể vào bên trong các khu vực bị phong tỏa này, nhưng họ phải chứng minh địa chỉ cư trú hay là trình giấy phép của các công ty có cơ sở hoạt động tại chỗ.
Một khi toàn bộ khu vực xung quanh chân Tháp Eiffel vắng hẳn bóng người qua lại, buổi hòa nhạc cổ điển trên quảng trường Champ de Mars sẽ mở màn vào lúc 9 giờ tối dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Kim Eun Sun. Nhạc trưởng Hàn Quốc từng nổi danh nhờ chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Frankfurt, dàn nhạc của nhà hát lớn Houston và cũng là phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm giám đốc âm nhạc của nhà hát opera thành phố San Francisco.
Được mời sang Paris lần này, cô Kim Eun Sun sẽ điều khiển 65 nghệ sĩ thuộc Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Pháp, cùng với dàn hợp xướng của Đài phát thanh Pháp Radio France. Buổi trình diễn này còn có nhiều vị khách mời nổi tiếng, họ đều là những nghệ sĩ chuyên nghiệp của làng kịch opera, trong đó có hai giọng ca soprano Sonya Yoncheva và Fatma Said. Còn về phía nam, có giọng ca baryton Ludovic Tézier và danh ca tenor Benjamin Bernheim. 
Được tổ chức 8 năm liên tiếp nhờ vào sự hợp tác của Tòa Đô chính Paris với nhiều cơ quan văn hóa Pháp, Buổi hòa nhạc cổ điển nhân Lễ Quốc Khánh sẽ được phát sóng trực tiếp trên đài phát thanh France Inter cũng như trên đài truyền hình France 2. Trong năm 2019, buổi hòa nhạc cổ điển này đã lập kỷ lục với hơn 3 triệu người xem chỉ riêng tại Pháp. Bên cạnh đó, hơn 10 quốc gia châu Âu cũng đã mua lại quyền phát sóng sự kiện và cho dù buổi trình diễn năm nay không có khán giả tại chỗ, nhưng lại có khả năng thu bút cả trăm triệu khán giả truyền hình, do được phát sóng cùng lúc tại nhiều quốc gia trên mạng truyền hình châu Âu EBU-Eurovision.
Về phía Hội đồng thành phố Paris, việc duy trì buổi hòa nhạc cũng như lễ bắn pháo hoa nằm trong kế hoạch nối lại từng bước với các sinh hoạt văn hóa trong thời hậu phong tỏa. Quyết định này cũng mang thêm một ý nghĩa kinh tế. Đa số các công ty chuyên sản xuất pháo hoa và tổ chức các ‘‘sự kiện’’ nhân dịp các buổi lễ lớn, đều làm việc với các cơ quan hàng đầu như Sở Du lịch Paris hay là ban quản lý lâu đài Versailles. Phần lớn thu nhập của các công ty phụ thuộc khá nhiều vào các hợp đồng quan trọng này. Duy trì lễ bắn pháo hoa năm nay cũng là một cách để củng cố quan hệ đối tác kinh doanh cho nhiều năm tới.

Pháp tổ chức Quốc Khánh 14/07 không có diễu binh vì Covid-19

Đại diện các binh chủng quân đội Pháp tham gia lễ mừng Quốc Khánh, quảng trường Concorde, Paris, ngày 14/07/2020
Đại diện các binh chủng quân đội Pháp tham gia lễ mừng Quốc Khánh, quảng trường Concorde, Paris, ngày 14/07/2020 AFP - LUDOVIC MARIN
Thu Hằng
3 phút
Lần đầu tiên từ năm 1945, Pháp tổ chức mừng Quốc Khánh mà không có lễ diễu binh quy mô lớn trên đại lộ Champs-Elysées và không có công chúng.
Theo quy định cấm tụ tập trên 5.000 người đề phòng dịch Covid-19, lễ Quốc Khánh ngày 14/07/2020 trên quảng trường Concorde Paris chỉ có 2.200 người tham dự, trong đó có khoảng 1.400 nhân viên y tế và nhân viên những ngành nghề thiết yếu vẫn hoạt động trong gần ba tháng phong tỏa chống Covid-19.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì buổi lễ bắt đầu từ 10 giờ 45 (giờ Pháp) với chủ đề « một Quốc gia dấn thân, thống nhất và đoàn kết » nhằm vinh danh đội ngũ nhân viên y tế, những người trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 cũng như lực lượng quân đội tham gia chiến dịch « Résilience » tham gia chống virus corona.
Lễ diễu binh năm 2020 không có màn trình diễn của chiến xa, xe bọc thép, tuy nhiên công chúng vẫn có thể được ngắm qua màn hình màn trình diễn trên không với khoảng 20 máy bay trực thăng và khoảng 50 máy bay, trong đó có máy bay vận tải A400M và một máy bay tiếp liệu A330 của Không Quân được sử dụng trong đợt khủng hoảng để chuyên chở bệnh nhân Covid-19 nhằm giảm tải cho các vùng bị tác động nặng nhất. Đội bay « Patrouille de France » sẽ bay qua hai lần, lần đầu thả khói ba mầu cờ Pháp vào lúc 11 giờ 11, lần thứ hai là mầu trắng để vinh danh đội ngũ nhân viên y tế.
Đức, Thụy Sĩ, Áo và Luxembourg là bốn nước khách mời danh dự tại lễ Quốc Khánh Pháp vì đã giúp Pháp tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 khi nhiều bệnh viện của Pháp bị quá tải.
Sau buổi lễ chính thức, tổng thống Emmanuel Macron trả lời trực tiếp trong vòng 45 phút hai đài truyền hình TF1 và France 2 để nêu ra những ưu tiên trong giai đoạn hai của nhiệm kỳ tổng thống. Cũng chính tổng thống Macron là người hủy truyền thống trả lời truyền thông sau lễ diễu binh hàng năm. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, phát biểu trước công chúng có lẽ là cơ hội để nguyên thủ Pháp lấy lại niềm tin của người dân trong khi còn rất nhiều hồ sơ cải cách đang chờ trong 600 ngày còn lại của nhiệm kỳ.
Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình sau lễ Quốc Khánh, tổng thống Macron cho rằng nước Pháp nên bắt buộc người dân đeo khẩu trang tại tất cả những nơi công cộng trong không gian kín, để ngăn chận sự lây lan của virus corona, vào lúc dịch Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Ông Macron cũng tuyên bố là nước Pháp sẽ sẵn sàng đối phó trong trường hợp có làn sóng dịch thứ hai. Tổng thống Pháp còn bảo đảm là mùa nhập học tháng 9 tới sẽ diễn ra gần như bình thường, nhưng nếu tốc độ lây lan của virus tăng lên trong tháng 8 thì chính phủ sẽ phải xem xét lại việc tổ chức nhập học.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten