vrijdag 24 juli 2020

Đọ sức Trung–Mỹ ở Biển Đông: Thế trung dung đầy rủi ro của Việt Nam

Đọ sức Trung–Mỹ ở Biển Đông: Thế trung dung đầy rủi ro của Việt Nam

Một dấu hiệu về thái độ cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc: Chiến hạm Mỹ USS Gabrielle Giffords (phía trên) bám sát tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 4 trên Biển Đông ngày 01/07/2020. Ảnh US Navy.
Một dấu hiệu về thái độ cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc: Chiến hạm Mỹ USS Gabrielle Giffords (phía trên) bám sát tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 4 trên Biển Đông ngày 01/07/2020. Ảnh US Navy. © Command Destroyer Squadron 7 - Petty Officer 2nd Class Brenton
Minh Anh
5 phút
Hoa Kỳ và Trung Quốc thời gian gần đây liên tiếp phô diễn sức mạnh trên Biển Đông, đồng thời ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng Hoa Kỳ không còn giữ thái độ trung lập trong các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Theo giới quan sát được Asia Times ngày 20/07/2020 trích dẫn, cuộc đọ sức giữa hai ông khổng lồ tại Biển Đông đang đẩy Việt Nam vào một thế trung dung khó xử.
Điều làm cho Asia Times chú ý là phản ứng rất dè dặt của chính quyền Việt Nam sau khi ngoại trưởng Mỹ mạnh mẽ phản đối những đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là « bất hợp pháp », một tuyên bố lẽ ra đối với Hà Nội phải là một thắng lợi. Thế nhưng, trong thông cáo ngày 15/07/2020, bộ Ngoại Giao Việt Nam không hề nhắc đến lập trường mới của Mỹ, mà chỉ ghi rằng « Việt Nam hoan nghênh quan điểm của các nước về vấn đề Biển Đông, theo quy định của luật quốc tế ».
Asia Times còn ghi nhận các phương tiện truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý phần lớn « im lặng » về tuyên bố của Mỹ, chỉ tường thuật vụ việc nhưng không phân tích cũng như bình luận về sự thay đổi chiến lược này của Mỹ. Vì sao ?
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, Hà Nội bị kẹt trong một vị thế mà ở đó « ngoại giao là giải pháp đầu tiên và cuối cùng ». Bởi vì nếu các cuộc thương lượng – đó cũng là những gì chính phủ Việt Nam đang làm mỗi khi có những sự cố xảy ra – thất bại, nguy cơ bùng nổ xung đột là điều rất có thể xảy ra.
Ông Bill Hayton, chuyên gia về Biển Đông tại Chatham House, Vương Quốc Anh, nhận xét, trong trường hợp phải chận đà bành trướng của Trung Quốc, Việt Nam có thể tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng, nhằm vào một vùng nhỏ ở Biển Đông, để ngăn chận xung đột leo thang và như vậy Hà Nội có thể đạt được mục tiêu đặt ra là « buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán và duy trì nguyên trạng càng lâu càng tốt ».
Một quan điểm cũng được phần đông chuyên gia Việt Nam tán đồng cho rằng kịch bản tốt nhất cho Hà Nội là không có sự thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, vì thay đổi sẽ không có lợi cho Việt Nam. Do vậy, với ông Nguyễn Thế Phương, cộng tác viên cho Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế, đối với Việt Nam, « giải pháp quân sự là lằn ranh phòng thủ sau cùng, chỉ sử dụng đến khi các thành tố khác của chiến lược phòng thủ đã thất bại ».
Thái độ dè dặt này của Hà Nội cũng vì một phần lo ngại trước những chính sách an ninh chiến lược bất định của Hoa Kỳ. Tuyên bố mạnh mẽ của Mike Pompeo rất có thể là một ý định vạch ra một lằn ranh đỏ, một lời đe dọa hiển nhiên rằng Washington có thể can thiệp nếu Bắc Kinh chiếm đóng thêm lãnh thổ hay có những hành động gây hấn nhắm vào những nước Đông Nam Á khác có đòi hỏi chủ quyền.
Chỉ có điều đã bao lần Hoa Kỳ vạch ra lằn ranh đỏ để rồi không bao giờ thực hiện nghiêm túc về mặt quân sự mỗi khi các đối thủ vượt qua giới hạn được ấn định. Vụ Damas sử dụng vũ khí hóa học tấn công thường dân ở Syria và việc Trung Quốc chiếm đóng bãi cạn Scarborough, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines năm 2012 là những bài học kinh nghiệm không thể nào bỏ qua. Cả hai sự kiện này đều diễn ra dưới thời tổng thống Barack Obama.
Từ những quan sát này, giới phân tích cùng có chung một nhận định, Việt Nam đang trở thành một « chiến trường để khởi động » lý tưởng cho Trung Quốc. Câu hỏi lớn nhất đối Bắc Kinh hiện nay là liệu Hoa Kỳ có thật sự ủng hộ Việt Nam hay không và ngược lại. Bắc Kinh chắc chắn sẽ có những phản ứng khác nhau tùy theo việc Hà Nội phản ứng độc lập, hay là để cho Washington « giật dây ».
Về phần mình, Hà Nội cũng phải đánh giá xem liệu Hoa Kỳ có thật sự đến bảo vệ Việt Nam hay không trong trường hợp xảy ra xung đột. Việt Nam và Hoa Kỳ chưa phải là những đối tác an ninh, và Hà Nội chẳng có được một bảo đảm nào là sẽ có được một sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ, đặc biệt là dưới một chính quyền đầy bất định của tổng thống Donald Trump hiện nay.
Do vậy, theo quan điểm của ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích về quốc phòng cho RAND Corporation, « Việt Nam là một nước có đủ sự tự tin, từng đánh bại và chiến thắng Pháp, Mỹ và ngay cả Trung Quốc. Nếu trong tương lai xảy ra xung đột, tôi cho rằng Hà Nội chỉ đơn giản muốn Washington ủng hộ về mặt ngoại giao và trong một chừng mực nào đó là giúp một chút trang thiết bị quân sự ».

Geen opmerkingen:

Een reactie posten