vrijdag 17 juli 2020

Covid-19: Do đâu các nước Đông Nam Á "Phật Giáo" ít bị tác hại + Đông Nam Á : Giải mã quy mô “khiêm tốn” của dịch Covid-19

Covid-19: Do đâu các nước Đông Nam Á "Phật Giáo" ít bị tác hại

Cảnh khử trùng trên một chiếc xe búyt ở sân bay Nội Bài, Hà Nội, Việt Nam. Ảnh tư liệu chụp ngày 21/02/2020.
Cảnh khử trùng trên một chiếc xe búyt ở sân bay Nội Bài, Hà Nội, Việt Nam. Ảnh tư liệu chụp ngày 21/02/2020. REUTERS - Nguyen Huy Kham
Mai Vân
7 phút
Một trong những điều khó hiểu nhất của đại dịch Covid-19 toàn cầu nằm ở vùng Đông Nam Á. Mặc dù nằm sát nơi xuất phát dịch bệnh là Trung Quốc, và rất gần một trong những ổ dịch lớn hiện nay là Ấn Độ, thế nhưng những quốc gia mà phần đông dân cư theo Phật Giáo là Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam lại không mấy bị tổn hại. Do đâu mà các nước này lại “ít” bị dịch so với các nước còn lại trong khu vực?
Tuần báo Anh The Economist ngày 11/07/2020 vừa qua đã nêu lên một số yếu tố có thể giải thích thực tế nêu trên.
Thống kê của Đại Học Mỹ Johns Hopkins, tính đến hết ngày 15/07/2020, cho thấy là đứng đầu Đông Nam Á về số ca nhiễm là Indonesia (hơn 80.000), Philippines (gần 59.000), Singapore (gần 47.000) và cách xa phía sau là Malaysia (gần 9.000). Trong lúc đó, trong khối “Phật Giáo”, cao nhất là Thái Lan cũng chỉ có hơn 3.000 ca nhiễm, xa ở phía sau là Việt Nam (hơn 380 ca), Miến Điện (337) Cam Bốt (165) và Lào (19).
Số trường hợp tử vong cũng vậy: Đầu bảng vẫn là Indonesia, với 3.797 người chết, theo sau là Philippines với 1.305 người, Malaysia, với 122 người. Trong khối “Phật Giáo”, bị tử vong nhiều nhất là Thái Lan, nhưng chỉ có 58 ca, theo sau là Miến Điện với 6 người chết, còn ba nước Việt Nam, Cam Bốt và Lào hoàn toàn không ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào.
Việt Nam thành công nhờ luôn luôn nghi kỵ Trung Quốc
Bài phân tích của The Economist nêu bật ví dụ Việt Nam, quốc gia có đến 97 triệu dân, nhưng theo thông báo chính thức không có ca tử vong nào do Covid-19.
Tuần báo Anh hóm hỉnh cho rằng: “Nếu gác qua một bên lời giải thích là Việt Nam được “Ơn trên ban phước lành” - vì lẽ giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam trên nguyên tắc là vô thần -  thì trường hợp thành công của Việt Nam cũng dễ giải thích”.
Theo The Economist, Việt Nam luôn nghi kỵ người láng giềng Trung Quốc to lớn của mình, một thái độ bắt rễ từ lịch sử nghìn năm. Ngay từ đầu năm, khi dịch bệnh bùng lên tại Vũ Hán, Hà Nội đã không tin vào những lời nói của Bắc Kinh về dịch bệnh, thậm chí còn dùng đến tin tặc để thâm nhập máy tính Trung Quốc để có thông tin về bệnh dịch.
Phản ứng trên hiện trường của Việt Nam cũng mạnh mẽ: Đóng cửa biên giới, phong tỏa, cách ly, truy tìm những ca có tiếp xúc với người đã bị lây nhiễm. Đây là điều mà Trung Quốc cũng làm để dập tắt dịch bùng lên tại nước họ.
Thái Lan có một hệ thống y tế tốt
Một ví dụ thứ hai được tuần báo Anh nêu lên là Thái Lan, nước có 70 triệu dân, nhưng chỉ bị 58 trường hợp tử vong và không có ca lây nhiễm tại chỗ trong suốt 40 ngày gần đây.
Đối với The Economist, tại Đông Nam Á, ít có chính phủ nào vừa có quyền lực bao quát vừa có một hệ thống y tế có hiệu quả, để có thể phản ứng chống dịch hữu hiệu như Trung Quốc và Việt Nam, nhưng Thái Lan với một nền dân chủ đang bị các tướng lãnh kiểm soát, có lẽ là nước gần giống nhất.
Chất lượng tốt của hệ thống y tế Thái Lan từng giúp cho nước này trở thành một nơi du lịch y tế được ưa chuộng. Hơn nữa, chính quyền Bangkok cũng  đã nhanh chóng thành lập một lực lượng đặc nhiệm triệt để đối phó với virus corona. Thái Lan thành công mặc dù có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, vào tháng Ba chẳng hạn, Thái Lan vẫn đón du khách Trung Quốc.
Theo The Economist, luồng người qua lại đông đảo giữa các nước Đông Nam Á lục địa với Trung Quốc từng khiến giới quan sát lo ngại lây nhiễm lan rộng, đã không diễn ra.
Ví dụ được tờ báo Anh nêu lên là trường hợp của Lào, một nước quá nhỏ để cưỡng lại sự cám dỗ của Trung quốc, hay Miến Điện, nước phải chịu trận với các con buôn và kẻ cắp Trung Quốc, hoặc là Cam Bốt, nơi mà thủ tướng Hun Sen là một trong những lãnh đạo khu vực hồ hởi nhất với Trung Quốc.
Các công trình xây dựng của Trung Quốc đầy rẫy tại 3 nước này, và tạo ra sức ép buộc họ không được đóng cửa biên giới với Trung Quốc cho dù bệnh dịch lan rộng. Thủ tướng Hun Sen đã sang Bắc Kinh vào tháng Hai, vào lúc mà bệnh dịch bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Người qua lại rất đông đảo ở biên giới Miến Điện -Trung Quốc.
Không có bằng chứng là các nước che giấu tình trạng dịch bệnh
Câu hỏi là tại sao số khách từ Trung Quốc như kể trên lại không khiến cho bệnh dịch lây lan dữ dội hơn nữa ở các nước này?
Một trong mối nghi ngờ được chia sẻ rộng rãi là bệnh dịch trong thực tế rất nghiêm trọng, nhưng bị che giấu, không ghi nhận trong thông báo chính thức. Tại những nước như Cam Bốt, Lào, Miến Điện, việc xét nghiệm virus rất hạn chế.
Frank Smithuis thuộc tổ chức Medical Action Myanmar, có một số bệnh viện ở Miến Điện, giải thích là nếu có lây lan ở mức độ cao thì dứt khoát tổ chức từ thiện của ông sẽ biết. Theo ông, không có khả năng này, vì không thể che giấu tình trạng Covid-19 bộc phát, đặc biệt là ở Miến Điện, nước “ngồi lê đôi mách số một thế giới”.
Các chuyên gia ở Cam Bốt, Thái lan và Việt Nam cũng không thấy bằng chứng về việc dịch bệnh lây lan rộng, như tình trạng các bệnh viện bị tràn ngập bệnh nhân.
Ngay cả những nước nghèo nhất cũng tích cực chống dịch
Điều được The Economist nhấn mạnh là ngay cả những nước nghèo nhất cũng đưa ra những biện pháp khống chế virus corona lây lan.
Thitinan Pongsudhirak, Đại học Chulalongkorn, Bangkok, nêu lên sự kiện người lao động Miến Điện, từ Thái Lan trở về làng của họ, thường bị cách ly 14 ngày trong một lán trại bên ngoài làng.
Các chuyên gia y tế còn nêu một số yếu tố khác, trong đó có hiện tượng là đông đảo dân chúng sống ở nông thôn hơn là ở các thành phố đông nghẹt người, họ sống với quạt máy, cửa mở thoáng khí hơn là với máy lạnh, dân chúng khu vực tương đối trẻ, lại có thói quen từ lâu là đeo khẩu trang.
Bên cạnh đó cũng có một yếu tố tôn giáo - văn hóa, như tập tục sự chấp tay vái chào trong Phật Giáo, giúp ích cho việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch.
Câu hỏi hiện nay là thành công kể trên của các quốc gia “Phật Giáo” này có thể giúp họ tránh được làn sóng dịch bệnh thứ 2 hay thứ 3 hay không. Nhất là khi con đường lây nhiễm ở châu Á đã đổi hướng, giờ đây đến từ mọi nơi trên thế giới chứ không chỉ từ Trung Quốc.
Cảnh tượng chùa chiền đông nghẹt người đến lễ vào tuần qua khi mùa chay bắt đầu, là lời cảnh báo là nếu không cẩn thận thì rào chắn Covid-19 tại các nước này dễ dàng sụp đổ.

Đông Nam Á : Giải mã quy mô “khiêm tốn” của dịch Covid-19

Ảnh minh họa : Ton Tam Rap Thai, một nhà hàng nổi tiếng đón du khách Trung Quốc tại Bangkok, đóng cửa do thiếu vắng khách vì dịch Covid-19. Ảnh 06/03/2020.
Ảnh minh họa : Ton Tam Rap Thai, một nhà hàng nổi tiếng đón du khách Trung Quốc tại Bangkok, đóng cửa do thiếu vắng khách vì dịch Covid-19. Ảnh 06/03/2020. REUTERS/Chalinee Thirasupa
Mai Vân
7 phút
Điều được ghi nhận đầu tiên về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Đông Nam Á, là những con số rất khiếm tốn về ca nhiễm, nhìn chung chỉ từ vài người cho đến vài chục người.

Đây quả là một điều rất khác thường đối với một vùng là láng giềng sát cạnh Trung Quốc, nơi xuất phát của dịch Covid-19 vốn đã lan rộng ra toàn thế giới, với nhiều nơi có số ca nhiễm đã vượt mức 1000. Càng khác thường hơn nữa là một số nước có biên giới chung với Trung Quốc, cho đến cuối tháng Giêng, vẫn tiếp đón những chuyến bay thẳng thường nhật từ tâm dịch là thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc.
Giới quan sát đã bước đầu tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới những con số nhỏ bé đó để cho rằng chính quyền một số nước, vì những động cơ chính trị, đã cố tình giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của tình hình.
Theo những con số được chính thức thông báo cho đến hết ngày hôm qua, 09/03/2020, Singapore là nước Đông Nam Á ghi nhận số ca bị nhiễm virus corona cao nhất, với 150 trường hợp, theo sau là Malaysia với 99 ca, kế đến là Thái Lan với 50 ca lây nhiễm, Việt Nam 31 ca.
Và ở tận cuối bảng, người ta ghi nhận 7 trường hợp ở Philippines, 4 trường hợp ở Indonesia, 2 trường hợp ở Cam Bốt. Còn ở Lào, Miến Điện và Brunei, hoàn toàn không có một trường hợp lây nhiễm nào.
Những lời giải thích “trời ơi” từ một số nước
Theo Carole Isoux, thông tín viên đài RFI và nhật báo Libération tại Bangkok, không thiếu cách diễn giải của một số chính quyền tại chỗ về tình trạng miễn dịch, hay ít bị lây lan của nước họ.
Tiêu biểu nhất là lời giải thích của bộ trưởng Y Tế Indonesia. Nhân vật này đã không ngần ngại giải thích công khai rằng: “Chính những lời cầu nguyện đã bảo vệ chúng tôi khỏi virus”.
Còn tại Thái Lan, lời giải thích không đến nỗi siêu hình, nhưng rất vô tư: Đó là do thói quen sạch sẽ của người Thái, thường tắm nhiều lần trong ngày. Mặt khác, đó cũng là do cách chào của người Thái, chỉ chắp tay vái chứ không bắt tay, hay ôm hôn.
Tại Việt Nam, cụ thể là ở miền Nam, lập luận cho rằng con virus corona, cũng như một số virus khác, rất sợ trời nóng, vì thế đã tránh Việt Nam!
Hệ thống y tế yếu kém
Nhưng đối với giới chuyên môn, những con số lây nhiễm cực thấp tại nhiều nước phản ánh một hệ thống y tế yếu kém.
Một báo cáo gần đây của một nhóm bác sĩ và nhà toán học thuộc đại học Mỹ Harvard cho rằng căn cứ vào các dữ liệu thống kê về những dịch bệnh khác, đối với các quốc gia Đông Nam Á, nhất là Indonesia, Thái Lan và Cam Bốt, số các ca nhiễm Covid-19 trong thực tế không thể thấp như vậy.
Marc Lipsitch, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Động Lực Các Loại Bệnh Truyền Nhiễm, đại học Mỹ Harvard khẳng định: “Có nhiều ca nhiễm bị bỏ qua không bị phát hiện trong vùng”.
Dẫu sao thì tại các nước phát triển, các giới chức y tế đã hiểu rất rõ tình trạng đó. Mặc dù có số liệu chính thức về các ca nhiễm Covid-19 rất thấp, Thái Lan và Cam Bốt chẳng hạn, đều bị đưa vào danh sách các quốc gia nguy hiểm và những người trở về từ hai quốc gia đó đã được khuyến cáo là nên chịu một thời gian cách ly.
Tại các quốc gia mà phần đông người dân sống mấp mé ngưỡng nghèo khó, do thiếu bảo hiểm y tế, nhiều người không đi khám bệnh khi chỉ có những triệu chứng giống như bệnh cúm. Ngay cả khi có đi khám, thì họ gặp phải tình trạng thiếu phương tiện xét nghiệm, chỉ được dành cho những ca rất nặng hay những người vừa đến từ những nước có nguy cơ cao. Những người bị ho và sốt thì được cho về với thuốc kháng sinh.
Lãnh đạo y tế thành phố Phuket ở Thái Lan chẳng hạn, mới đây đã công nhận trước các phóng viên là ông không được phép cung cấp cho nhà báo thông tin về chuyển biến của dịch Covid-19!
Ngân sách y tế hạn hẹp
Trong khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore được đánh giá cao và được giới chuyên gia khen ngợi về cách xử lý khủng hoảng, các nước ASEAN còn lại chỉ dành ngân sách tối thiểu cho hệ thống y tế của mình.
Một ví dụ điển hình là Miến Điện, nước chia sẻ đường biên giới dài 1.400 cây số với Trung Quốc, với người và hàng hóa tự do qua lại dọc theo biên giới này. Cho đến ngày 20/02 vừa qua, đất nước này không có thiết bị thử nghiệm của mình mà các mẫu xét nghiệm phải gởi sang Thái Lan phân tích. Hàng năm ngân sách Miến Điện dành cho y tế chỉ là 600 triệu euro. Để so sánh, ngân sách y tế của Pháp lên đến 20 tỷ.
Ngoài ra còn có vấn đề ưu tiên khiến cho dịch Covid-19 không được coi trọng. Theo Carole Isoux, vào lúc Đông Nam Á đang phải vật lộn với một đợt dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của khu vực, một số nước còn phải đối phó với bệnh lao đang trỗi dậy trở lại. Vấn đề tử vong trẻ sơ sinh, nạn suy dinh dưỡng vẫn luôn là yếu tố bình thường trong cuộc sống thường ngày ở nhiều vùng. Trong tình hình đó, theo như phân tích của bác sĩ Somnak Kongchathai, ở Surat Thani, miền nam Thái Lan thì “việc hoảng hốt trước virus corona, thẳng thắn mà nói, chỉ là vấn đề của nước giàu mà thôi”.
Giấu bệnh để thu hút du khách
Tầm quan trọng của ngành du lịch cũng giải thích phần nào những báo cáo về số liệu ít ỏi người nhiễm virus corona.
Ngày 02/03, bộ trưởng Y Tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã công bố trên mạng xã hội một tài liệu theo đó những người đến từ Pháp và Đức cam kết sẽ tuân thủ một thời gian tự cách ly trong phòng khách sạn của họ. Trước làn sóng phản ứng, ông đã phải lùi bước ; đất nước Thái Lan không thể làm phật lòng số ít du khách còn lại với những biện pháp cứng rắn hay số liệu quá thật.
Theo bộ trưởng Du Lịch Thái Lan, du khách Trung Quốc giảm đến 86%, ngành thua thiệt đến 7,5 tỷ euro. Ở những nơi trong vùng Đông Nam Á, các bãi biển hầu như hoang vắng, những địa điểm du lịch như đền Angkor ở Cam Bốt hay vịnh Hạ Long ở Việt Nam cũng trống vắng. Du khách Trung Quốc mang lại ít ra một phần tư thu nhập cho ngành du lịch trong khu vực.
Không muốn làm Trung Quốc mếch lòng
Ngoài ra, theo giới quan sát, cũng có tính toán chính trị. Nhiều nước trong vùng không muốn cho thấy là họ quá sốt sắng trong việc thông báo quá sát về số lượng người nhiễm virus để khỏi làm mếch lòng người láng giềng Trung Quốc hùng mạnh mà kinh tế cả vùng đều lệ thuộc vào, nhưng lại là nơi phát tán con virus độc hại.
Một ví dụ điển hình. Ngay đầu tháng Hai, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã đến Trung Quốc và đã tuyên bố trong một tin nhắn Twitter rằng: “Người ta không thể bỏ bê một người bạn trong cơn khó khăn”.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten