vrijdag 31 juli 2020

Trung Quốc và phương Tây : « Chiến tranh lạnh mới» đã khơi mào ?

Trung Quốc và phương Tây : « Chiến tranh lạnh mới» đã khơi mào ?

Phần âm thanh 11:02
Ảnh minh họa: Hoa Kỳ dồn dập gây sức ép với các nước đồng minh hòng ngăn chận Hoa Vi tham gia phát triển mạng viễn thông 5G.
Ảnh minh họa: Hoa Kỳ dồn dập gây sức ép với các nước đồng minh hòng ngăn chận Hoa Vi tham gia phát triển mạng viễn thông 5G. POOL/AFP
Minh Anh

Trung Quốc đang là tâm điểm của mọi căng thẳng với phương Tây. Chỉ trong vòng có vài tuần, Bắc Kinh mở nhiều mặt trận đối đầu với Mỹ, Canada, Úc, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, kể cả với Ấn Độ vì những tranh chấp lãnh thổ ở biên giới. Cuộc chiến 5G còn làm cho mối quan hệ Trung Quốc – phương Tây thêm phần gay gắt. Phải chăng chiến tranh lạnh mới, như người ta dự đoán từ nhiều năm, giờ đã khai diễn?Những căng thẳng ngoại giao do đại dịch Covid-19, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, gây ra vẫn còn chưa tạm lắng, và bất chấp những cảnh báo của nhiều nước phương Tây về những hậu quả có thể có cho Hồng Kông, chính quyền Bắc Kinh kiên quyết áp đặt luật an ninh mới lên đặc khu hành chính này.

Trung Quốc đe bên ngoài để « rắn » bên trong

Phương Tây dồn dập lên án Trung Quốc đã vi phạm cam kết « Một quốc gia, Hai chế độ » do chính Trung Quốc đưa ra vào thời điểm Anh Quốc trao trả thuộc địa năm 1997. Úc, Canada và Anh Quốc đã có những phản ứng mạnh mẽ, đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông. Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút quy chế đặc biệt đối với đặc khu.

Căng thẳng còn gia tăng thêm một nấc khi Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng phô diễn sức mạnh quân sự ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn đi xa hơn với những tuyên bố cứng rắn, cho rằng những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển rộng 3,5 triệu km2 mà Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với nhiều nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines… là « bất hợp pháp ».

Trước đó, quân đội Trung Quốc còn đối đầu với Ấn Độ ở vùng cao nguyên Ladakh, trên dãy Himalaya. Những cuộc va chạm đẫm máu đã làm thiệt mạng hàng chục binh sĩ ở cả hai phía.

Ông Emmanuel Lincot, giáo sư Viện Công giáo Paris, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, trên đài RFI, nhận định rằng những sự kiện gần đây cho thấy Trung Quốc đang dùng vũ lực để khẳng định thế cường quốc: 

« Chúng ta hoàn toàn trong một logic chiến tranh, nghĩa là lợi dụng dịch Covid-19, chúng ta thấy là tầu chiến Trung Quốc đối đầu với tầu chiến Đài Loan, hay như quý vị đã biết cách đây ba tuần hay một tháng, nhiều cuộc đối đầu đẫm máu đã xảy ra ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đây chỉ là một vài yếu tố trong nhiều yếu tố khác.

Quả thật chính quyền Trung Quốc đã trở nên cực đoan hơn và điều này được thể hiện bằng một quyết định về mặt tư pháp là áp đặt lên Hồng Kông luật an ninh quốc gia. Đạo luật này trên thực tế còn vượt ngoài khuôn khổ Hồng Kông, được áp đặt cho cả nước Trung Quốc.

Vì sao ? Bởi vì những gì truyền thông phương Tây chưa nói hết chính là Trung Quốc, do đại dịch Covid-19, đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, với hàng chục triệu người thất nghiệp. Thế nên chính quyền Bắc Kinh tìm cách ngăn ngừa mọi mầm mống phản đối trong những tuần hay những tháng sắp tới. »

Hoa Vi : Tai mắt bên ngoài cho chính phủ Trung Quốc ?

Cuộc chiến 5G mà Hoa Vi – Tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc – trong tầm ngắm, còn làm cho cuộc đọ sức giữa phương Tây và Trung Quốc trở nên dữ dội hơn bao giờ hết. Giới quan sát không ngần ngại ví cuộc đối đầu này như là một cuộc "chiến tranh lạnh mới".

Nước Anh, dưới áp lực của Mỹ, sau một thời gian do dự đã quyết định đi theo các nước còn lại trong nhóm Five Eyes (Anh, Úc, Canada, New Zealand, Mỹ), gạt Hoa Vi hoàn toàn ra khỏi dự án phát triển mạng 5G, được cho là có một vai trò chiến lược cốt lõi cho các nền kinh tế trong tương lai. Nước Pháp trong thế « đu dây » thì tuyên bố nhẹ nhàng hơn « không hoàn toàn cấm Hoa Vi », nhưng không triển hạn giấy phép tạm thời từ 3-8 năm cho những hãng khai thác viễn thông nào đã sử dụng các trang thiết bị của Hoa Vi.

Vì sao như vậy ? Bộ Ngoại Giao Mỹ cáo buộc Hoa Vi có tham gia vào các hoạt động dọ thám cho chế độ cộng sản Trung Quốc. Ông Emmanuel Lincot, khi trả lời phỏng vấn trang mạng Atlantico, nhắc lại trong một bài viết đăng hồi tháng 11/2018, tờ The Australian dẫn một số nguồn tin từ các cơ quan tình báo Úc xác nhận Hoa Vi đã cung cấp mã khóa và các dữ liệu đăng nhập cho cơ quan tình báo Trung Quốc, cho phép họ thâm nhập vào một « hệ thống mạng nước ngoài ».

Những cáo buộc mà bà Chunyan Li, sáng lập viên Feida Consulting, trong chương trình Tranh Luận của kênh truyền hình quốc tế France 24, đã mạnh mẽ phản bác, cho rằng vụ việc đã bị chính trị hóa:

« Tôi cho rằng đằng sau những quyết định này còn có một thách thức chính trị giữa các nước khác nhau. Bởi vì quốc gia nào cũng có các cơ quan tình báo riêng của mình, và chẳng qua là nước này có nhiều phương tiện hơn nước khác mà thôi. Trên các kênh truyền thông phương Tây, người ta nghe nói nhiều về Hoa Vi, họ cáo buộc Hoa Vi có hoạt động dọ thám hay nhiều vấn đề an ninh khác nữa. Nhưng cho đến tận lúc này, người ta cũng chưa có được một bằng chứng nào về mối lo đó.

Nếu chúng ta có thể nói đến các vụ Snowden, Facebook…, liệu các doanh nghiệp Mỹ có mang lại nhiều an toàn và có sẽ trấn an chúng ta được về tính bảo mật các dữ liệu hơn là các hãng Trung Quốc hay không ? Tôi nghĩ là câu trả lời không dễ chút nào, tuyệt đối là sẽ không rõ ràng. Theo tôi, vụ việc này đã bị chính trị hóa. »

Ba lý do

Ông Bruno Tertrais, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), cũng trong chương trình Tranh Luận của France 24, không đồng tình với quan điểm của bà Chunyan Li. Ông đưa ra ba lý do giải thích cho sự quay ngoắc 180° của chính phủ Luân Đôn đối với Hoa Vi:

« Thật ra theo tôi, có ba lý do để giải thích cho thái độ quay ngoắc 180° của nước Anh. Thứ nhất, không nên bỏ qua bối cảnh. Chúng ta nói nhiều đến Hồng Kông. Đặc khu hành chính này là một hồ sơ cực kỳ nhạy cảm đối với Anh Quốc. Chúng ta biết rõ là Vương Quốc Anh đã có phản ứng nhanh chóng sau khi luật an ninh quốc gia được thông qua, nhanh hơn rất nhiều so với các nước còn lại của châu Âu. Và điều đó đã tạo ra một bối cảnh bất lợi cho các mối quan hệ với Bắc Kinh.

Lý do thứ hai mang tính chính trị, nhưng theo nghĩa an ninh mạng. Nói một cách khác, đấy không chỉ đơn giản là một nguy cơ gián điệp, các cơ quan điều phối viễn thông của Anh Quốc đánh giá là các trang thiết bị của Hoa Vi chưa đủ bảo đảm về an ninh, nếu phải trao cho Hoa Vi chiếc chìa khóa 5G của nước Anh.

Yếu tố thứ ba, và tôi chỉ xếp yếu tố này vào hàng thứ ba, quả thật đó còn vì mối quan hệ với Mỹ, và ở đây đúng là một quyết định chính trị, và có thể bàn cãi thêm. Có thể là hơi thực dụng, nhưng dẫu sao đó cũng là một quyết định chiến lược – chính trị. Ngay khi Hoa Kỳ đã chọn một hướng đi, Vương Quốc Anh cho rằng đi theo cùng một hướng với Hoa Kỳ chưa hẳn là tồi. »

Theo phương Tây, việc Hoa Vi có liên kết với các hoạt động của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc là chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Trong một chế độ độc tài do Đảng-Nhà Nước kiểm soát, ranh giới giữa lĩnh vực dân sự và quân sự gần như là không có. Nhà báo Dorian Malovic, phụ trách mục Châu Á cho nhật báo Công Giáo La Croix, cũng trên kênh France 24 nhận xét thêm rằng việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới lên Hồng Kông còn làm gia tăng thêm nỗi ngờ vực về mối liên hệ giữa Hoa Vi với chế độ cộng sản Trung Quốc:

« Con virus này đã là một chiếc máy gia tốc thảm hại cho Hồng Kông, bởi vì Trung Quốc đã thật sự gia tăng gây áp lực. Dịch Covid-19 đồng thời cũng làm gia tăng mối nghi kỵ từ thế giới phương Tây : Úc, New Zealand, Canada… về những phương thức vận hành của Trung Quốc.

Đối với vụ Hoa Vi, cần phải cẩn trọng trong các cuộc đối đầu, bởi vì nếu công khai chỉ trích Hoa Vi, quý vị có thể bị kiện về tội vu khống. Ở đây, doanh nghiệp Trung Quốc đương nhiên trong tình trạng hiện nay còn có nghĩa vụ phải tuân thủ luật an ninh quốc gia của Trung Quốc nữa. Và nếu chính quyền nước này đòi phải cung cấp bất kể gì đi chăng nữa, thì doanh nghiệp này buộc phải thực hiện mệnh lệnh này. »

Chip bán dẫn : Đòn giáng « chí tử » của Mỹ nhắm vào Hoa Vi ?

Đại dịch Covid-19 đã làm cho phương Tây mở mắt trước mối họa của chế độ độc tài Trung Quốc và các nước châu Âu bắt đầu có những phản ứng mạnh. Cuộc chiến 5G này còn thêm phần gây cấn khi hãng TSMC (Taiwan Semiconductor Manufactoring Company) – hãng sản xuất con chip bán dẫn điện tử hàng đầu thế giới – ngày 16/07/2020 thông báo trước mối nguy bị áp lệnh trừng phạt của Mỹ, đã bắt đầu ngưng nhận đơn đặt hàng cung cấp chip điện tử cho Hoa Vi kể từ trung tuần tháng 5.

Nếu như trên đài France 24, bà Chunyan Li không ngớt lời ca ngợi kỳ tích của Hoa Vi, bỏ xa các nước khác trong lĩnh vực công nghệ viễn thông từ 2-3 năm, thì quyết định này của TSMC đang đe dọa đến sự sống còn của Hoa Vi, bởi vì nguồn cung ứng thay thế là rất hiếm.

Theo báo Pháp Le Monde ngày 21/07/2020, ngoài TSMC, trên thế giới hiện chỉ có Samsung là đủ khả năng sản xuất loại chip điện tử Kirin dùng để sản xuất các loại điện thoại thông minh. Tuy nhiên, Hoa Kỳ hồi tháng 5/2020 thông báo trừng phạt bất kỳ doanh nghiệp nào sử dụng các linh kiện của Mỹ để bán cho Hoa Vi.

Giải pháp duy nhất cho Hoa Vi là quay về với hãng SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation) ở trong nước. Thế nhưng, công nghệ của hãng điện tử hàng đầu Trung Quốc này chỉ có khả năng khắc những con chip silicium có độ mỏng 14 nanomet so với những con chip mỏng 5 nanomet của Đài Loan và Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là Trung Quốc bị chậm đến 4 năm.

Như để chặn mọi đường tiến của Hoa Vi, chính quyền Donald Trump còn gây áp lực với Hà Lan để hãng ASML không bán cho SMIC của Trung Quốc các loại máy móc tân tiến nhất để khắc những loại chip điện tử thế hệ mới.

Câu hỏi lớn nhất hiện nay : Hoa Kỳ còn những chiêu bài nào để chống Hoa Vi ? Liệu rằng với những đòn này, Hoa Kỳ cũng như phương Tây có chặn được tham vọng Made in China 2025, theo đó 80% các sản phẩm trong mười lĩnh vực chủ chốt sẽ phải được sản xuất ở Trung Quốc ?

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200723-trung-quoc-phuong-tay-chien-tranh-lanh-hoa-vi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten