donderdag 23 juli 2020

Chiến lược mới Ngân hàng Thế giới ( WB ) giúp Việt Nam phát triển điện Mặt trời

Chiến lược mới giúp Việt Nam phát triển điện Mặt trời

Phần âm thanh 09:45
Ảnh minh họa: Một nhà máy điện Mặt trời tại bang California, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 29/05/2020.
Ảnh minh họa: Một nhà máy điện Mặt trời tại bang California, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 29/05/2020. REUTERS - Bing Guan
Thanh Phương
Việt Nam là một trong những quốc gia có rất nhiều tiềm năng về điện Mặt trời, do có nhiều nắng nóng. Phát triển các dự án điện mặt trời là một yếu tố quan trọng giúp chính phủ Việt Nam đạt các mục tiêu về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng lồng kính và giảm nhu cầu phát triển các dự án điện than mới. Thế nhưng, cho tới nay, việc phát triển loại năng lượng này vẫn gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là do vấn đề giá điện Mặt trời.
“ Việt Nam có một lợi thế rất lớn đó là nằm ở một khu vực có tiềm năng về năng lượng Mặt trời rất  tốt, cả về bức xạ Mặt trời lẫn thời gian nắng trong một năm. Nếu quý vị có cơ hội xem bản đồ tiềm năng về Mặt trời do Ngân hàng Thế giới công bố cách đây khoảng hơn một năm, chúng ta có thể thấy rõ Việt Nam có một tiềm năng khá là tốt, với bức xạ toàn phần từ 3 đến 5,62 kWh/1m2.
Việt Nam có những lợi thế ra sao về phát triển điện Mặt trời, trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại từ Việt Nam, ông Trần Hồng Kỳ, chuyên gia cao cấp về năng lượng của Ngân hàng Thế giới ( WB ), cho biết :
Một lợi thế nữa là chúng ta có tiềm năng năng lượng Mặt trời ở gần khu vực có nhu cầu năng lượng rất cao, đó là miền nam Việt Nam. Do vậy chúng ta có thể huy động tiềm năng năng lượng Mặt trời đó để đáp ứng ngay cho khu vực, và như vậy giảm được chi phí tải điện.”
Để giúp Việt Nam trong lĩnh vực này, Ngân hàng Thế giới ngày 12/02/2020 đã công bố một báo cáo có tiêu đề Chiến lược và khung đấu thầu cạnh tranh dự án điện Mặt trời ở Việt Nam. Theo thông cáo của Ngân hàng Thế giới, đây là kết quả hợp tác kĩ thuật giữa định chế quốc tế này và chính phủ Việt Nam trong hai năm qua “nhằm mở rộng quy mô và quản lý hiệu quả nguồn năng lượng Mặt trời dồi dào tại Việt Nam”. Trong báo cáo nói trên, Ngân hàng Thế giới dự đoán là Việt Nam có thể tăng công suất điện Mặt trời từ 4,5 gigawatt hiện nay lên hàng chục gigawatt trong mười năm tới, đồng thời tạo thêm hàng ngàn việc làm, nếu áp dụng phương pháp tiếp cận mới trong đấu thầu để lựa chọn và triển khai các dự án điện Mặt trời.
Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang cân nhắc việc chuyển từ chính sách giá bán điện mặt trời ưu đãi cố định (FIT – Feed-in Tariffs) sang đấu thầu cạnh tranh cho các dự án điện mặt trời để giảm chi phí sản xuất điện. Trong những năm gần đây, nhờ chính sách FIT mà Việt Nam đã thành công trong việc thúc đẩy triển khai nhanh các dự án điện Mặt trời, theo lời ông Trần Hồng Kỳ:
“ Cách đây hơn 2 năm, chúng ta có áp dụng chính sách giá FIT, tức là chính sách giá bán điện cố định. Tất cả các dự án năng lượng Mặt trời đáp ứng được những tiêu chuẩn kỹ thuật để được đưa vào tổng sơ đồ phát triển điện thì đều có thể bán điện với mức giá cố định như vậy. Phải nói rằng giá FIT không phải là hoàn toàn mới đối với quốc tế.
Trong giai đoạn đầu, giá FIT đó rõ ràng là có tác động rất lớn, thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo và đặc biệt là năng lượng Mặt trời ở Việt Nam. Trong vòng hai năm, chúng ta đã có thể xây dựng được trên 5.000 megawatt. Đây là một thành công ngoài sự tưởng tượng. Ngay cả đối chúng tôi, những người theo sát quá trình phát triển năng lượng Mặt trời ở Việt Nam, và có lẻ gần như cả thế giới cũng rất ngạc nhiên, vì có rất ít nước, nếu không muốn nói là không có nước nào khác, đạt được tốc độ phát triển nhanh như vậy.
Một báo cáo gần đây của EVN ( Tập đoàn điện lực quốc gia Việt Nam ) cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện từ năng lượng Mặt trời chiếm khoảng 3,2 tỷ kwh điện, tương đương với sản lượng trong một năm của một nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất 500-600 MW, đã đáp ứng rất tốt nhu cầu điện của Việt Nam, đặc biệt là trong miền nam, tiết kiệm được một lượng dầu, khí từ việc sử dụng năng lượng Mặt trời, qua đó giảm thiểu được chi phí vận chuyển điện, cũng như giảm thiểu được tác động về môi trường.”
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới, thành công này cũng làm phát sinh những vấn đề mới, trong đó có rủi ro “giảm phát”: các dự án điện mặt trời phải hoạt động dưới công suất phát điện lắp đặt. Ông Trần Hồng Kỳ giải thích:
“ Thứ nhất, giá FIT đó được tính dựa trên dựa trên những đầu vào về chi phí đầu tư, về chi phí giải phóng mặt bằng, về chi phí vận hành, cũng như rũi ro của nhà đầu tư. Chính vì cách tính toán như vậy cho nên rất khó phản ánh được chi phí sản xuất điện là bao nhiêu, vì chúng ta không bao giờ biết được toàn bộ các chi phí của sản xuất. Khả năng hấp thụ rủi ro của nhà đầu tư cũng khác với cân nhắc của chính phủ. Do đó rất khó tính được một giá FIT phản ánh đúng chi phí thị trường.
Thứ hai là giá thành sản xuất giảm rất nhanh, nếu giá FIT cứ cố định như vậy thì sẽ không theo đúng thị trường, do vậy không phản ánh được chi phí. Trong 2 năm vừa qua, chính phủ áp dụng giá 9,35 cent/kWh và hiện nay giảm xuống còn 7,09 cent. Rất nhiều người đồng ý rằng cái giá 9,38 cent đó dường như khá cao không chỉ so với mặt bằng chung trên thế giới, mà cả so với chi phí sản xuất năng lượng Mặt trời ở Việt Nam.
Chúng ta đã thấy rõ là mặc dù ban đầu chỉ đề ra mục tiêu 800MW cho năm 2020, thế mà bây giờ đã đạt 5.000 MW, gấp 7, 8 lần mục tiêu ban đầu, chứng tỏ là giá FIT rất hấp dẫn. Cái giá cao như vậy rõ ràng đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điện của EVN và những chi phí đó sẽ do người tiêu thụ cuối cùng gánh chịu.
Khi áp dụng giá FIT thì chúng ta không có một công suất giới hạn. Chúng ta đã đề ra mục tiêu 800MW, nhưng lại không quy định là tất cả các nhà máy điện Mặt trời không được vượt quá 800MW, do vậy chúng ta đã để cho sự phát triển bùng nổ, vượt quá xa so với mục tiêu ban đầu, lên đến 5.000MW. Lưới điện không thể đáp ứng được sự bùng nổ như vậy.
Thứ hai, chúng ta cũng có một sự lệch giữa quy hoạch và thực tiễn. Trong quy hoạch, chúng ta có quy định những vùng nào là tốt cho năng lượng Mặt trời, tuy nhiên sự phát triển lại bị lệch. Khi chúng ta áp dụng giá FIT cố định như vậy, thì các nhà đầu tư luôn luôn hướng đến các khu vực có tiềm năng năng lượng Mặt trời tốt, gần lưới điện, để giảm chi phí, và điều này không phù hợp với kế hoạch phát triển lưới điện và do vậy, vấn đề lớn nhất của các nhà máy điện Mặt trời ở Việt Nam là phải tiết giảm công suất, tức là không phát được đủ công suất hiện có. Thường là các nhà máy này phải tiết giảm từ 20 đến 30% công suất, thậm chí một số dự án tiết giảm còn nhiều hơn nữa.
Đây là một vấn đề rất lớn của Việt Nam, vì chúng ta đang lãng phí một đầu tư về lãnh thổ rất là lớn. Rất nhiều dự án được đầu tư, nhưng không lại không mang lại toàn bộ hiệu quả của đầu tư. Một số nhà đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc trã lãi vốn vay, vì họ đầu tư mà lại không bán hết điện. Và có nguy cơ là các dự án này sẽ được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Khi chúng ta có một tình trạng như vậy thì rõ ràng là lòng tin của thị trường sẽ bị xói mòn, từ người cho vay đến nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Nếu chúng ta không nhanh chóng khắc phục thì điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài, bền vững của năng lượng Mặt trời tại Việt Nam.”
Trong báo cáo công bố ngày 12/02/2020, Ngân hàng Thế giới đã kiến nghị hai phương án mới triển khai dự án: “đấu thầu cạnh tranh công viên điện mặt trời” và “đấu thầu cạnh tranh theo trạm biến áp”. Hai hình thức đấu thầu này là như thế nào, ông Trần Hồng Kỳ giải thích:
“ Đấu thầu cạnh tranh theo trạm biến áp thực ra là mô hình mà chúng tôi xây dựng để giải quyết những vướng mắc ở Việt Nam mà chúng ta vừa thảo luận ở trên. Mô hình thứ hai là mô hình công viên điện Mặt trời thì tương đối là theo tiêu chuẩn của quốc tế, không có nhiều sự khác biệt với các nước khác.
Nguyên tắc của đấu thầu theo trạm biến áp là chúng ta sẽ đấu thầu một lượng công suất cố định, theo một lịch trình được đặt sẳn và ở một khu vực đã được mua trước. Tức là chúng ta phải trả lời cho các câu hỏi: Cần bao nhiều công suất đưa vào lưới điện? Trình tự thời gian mua lượng điện mới là như thế nào? Khuyến khích phát triển năng lượng Mặt trời ở đâu? Khi chúng ta trả lời được 3 câu hỏi đó thì chúng ta sẽ giải quyết được những vướng mắc mà tôi vừa nêu ở trên.
Qua việc đấu thầu như vậy thì quá trình lựa chọn dự án cũng sẽ trở nên minh bạch hơn, mang tính cạnh tranh, đồng thời cũng thu hút được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, và do đó chúng ta hy vọng sẽ có một giá điện hợp lý hơn.
Chúng ta sẽ xác định khu vực nào có tiềm năng về phát triển năng lượng Mặt trời, dựa trên nhu cầu năng lượng, tiềm năng bức xạ Mặt trời, khả năng hấp thụ của lưới điện và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, để đề xuất là ở khu vực A hay ở tỉnh B, chúng ta có thể lập kế hoạch đấu thầu, với mục tiêu 500 hay 1.000MW chẳng hạn. Tất cả các nhà máy điện trong khu vực đó sẽ phải đấu giá để có thể được đưa vào trong mục tiêu 500-1.000MW đó và chúng ta sẽ lựa chọn các dự án từ thấp đến cao.
Thế còn cạnh tranh theo công viên năng lượng Mặt trời thì khác hơn một chút. Chúng ta sẽ xác định một mảnh đất tương đối lớn để xây dựng một dự án 200,300, 500MW. Tại vùng đất đó, chúng ta sẽ giải phóng mặt bằng, xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng. Các nhà đầu tư sẽ đấu thầu để được quyền xây dựng các nhà máy điện trên mảnh đất đã được giải phóng và các cơ sở hạ tầng đã được xây dựng.
Hiện nay việc thiết kế hai quy trình đó đã được hoàn thành và Ngân hàng Thế giới đang tiếp tục cùng với bộ Công Thương hoàn thiện khung pháp lý, cũng như về kỹ thuật, ví dụ như chuẩn bị hồ sơ mời thầu, chuẩn bị các kế hoạch đấu thầu, để có thể tiến hành đấu thầu theo hai hình thức này trong giai đoạn 2020-2021, với mục tiêu là sẽ đấu thầu khoảng 500 – 1000MW trong vòng hai năm tới.”
Đợt đấu thầu thí điểm đầu tiên theo hai phương án “đấu thầu cạnh tranh công viên điện mặt trời” và “đấu thầu cạnh tranh theo trạm biến áp” dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2020 với hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Ngân hàng Thế giới.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten