Bỉ cảnh báo nguy cơ gián điệp từ sinh viên Trung Quốc
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Thứ Năm, 02/07/2020, cơ quan an ninh nội địa Bỉ (phản gián - La Sureté de l'Etat) công bố báo cáo hàng năm cảnh báo những mối nguy gián điệp sinh viên Trung Quốc trong ngành công nghệ quốc phòng.
Theo bản báo cáo thường niên của Cơ quan An ninh Quốc gia, các trường đại học Bỉ là được xem như là « mỏ vàng » trên phương diện nghiên cứu. « Những sinh viên và nghiên cứu sinh này sau đó mang tất cả những kiến thức tích lũy được tại các trường đại học Bỉ để phục vụ cho quân đội trong nước. Hiện tại, có khoảng vài chục sinh viên quân sự đang học tập tại các trường đại học Bỉ ».
Tuy nhiên, cơ quan phản gián Bỉ không cho biết cụ thể con số sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Bỉ, nhưng nhân vật số hai của cơ quan này, ông Pascal Pétry, « úp mở » thừa nhận rằng Bỉ đặc biệt thu hút sự chú ý của sinh viên Trung Quốc vì nước này có nhiều trụ sở chính của các định chế Liên Hiệp Châu Âu.
Trả lời phỏng vấn nhật báo La Libre Belgique, được AFP trích dẫn, ông Pétry khẳng định « ý đồ của Trung Quốc là thúc đẩy các nhà nghiên cứu trẻ thâm nhập vào những cơ quan hấp dẫn tại Bỉ và chiêu dụ họ trở về nước nếu họ mang về những thông tin hữu ích ».
Cơ quan phản gián Bỉ cảnh báo « chính những sinh viên này là nguồn cội của việc mất quyền sở hữu trí tuệ, gây ra những tác động cho việc tài trợ nghiên cứu khoa học của đất nước. Trên thực tế, khi một số công nghệ mũi nhọn không thể được tăng giá trị, trường đại học mất nguồn thu ».
Để giải quyết vấn đề này, cơ quan tình báo đề xuất một chương trình đánh động nhằm hỗ trợ giới hàn lâm bảo vệ tốt hơn các nghiên cứu khoa học tiềm tàng và nhất là trong việc mở cửa đón sinh viên nước ngoài.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200704-b%E1%BB%89-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-nguy-c%C6%A1-gi%C3%A1n-%C4%91i%E1%BB%87p-t%E1%BB%AB-sinh-vi%C3%AAn-trung-qu%E1%BB%91c
Bỉ quyết ra tay chống gián điệp Trung Quốc
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Le Monde ngày 18/05/2020 cho biết, nước Bỉ đang quyết liệt chống lại gián điệp Trung Quốc. Từ một năm qua, chính quyền Bỉ liên tục có các biện pháp đối phó với các hoạt động thù địch của Bắc Kinh trên lãnh thổ nước mình.
Sau khi cấm cư trú đối với Tống Tân Ninh (Song Xinning), giám đốc Viện Khổng Tử đặt tại trường đại học tiếng Hà Lan ở Bruxelles (VUB) năm 2019, Bỉ vừa có quyết định tương tự với một quan chức phụ trách văn hóa của Trung Quốc tại Bruxelles. Ngoài ra, Ủy ban kiểm soát tình báo an ninh, được mệnh danh là « Ủy ban R », còn mở điều tra về nghi vấn Trung Quốc xâm nhập cả vào cơ quan tình báo Bỉ.
Vụ Viện Khổng Tử đã đánh dấu một bước ngoặt về mặt các tuyên bố công khai của Bỉ. Nước này vốn rất dè dặt khi phản ứng trước một chủ đề nhạy cảm như gián điệp Trung Quốc trên đất nước mình. Cơ quan an ninh Bỉ từ năm 2016 đã bày tỏ quan ngại trước sự xuất hiện của viện này, khi hoạt động của Viện Khổng Tử không chỉ giới hạn trong lãnh vực văn hóa mà cả chính trị. Viện Khổng Tử trực thuộc bộ Văn Hóa Trung Quốc, và tình báo Bỉ nghi ngờ ông Tống Tân Ninh che giấu các hoạt động khác, phía sau tư cách giáo sư.
Hợp đồng tư vấn
Cuộc điều tra cho thấy giám đốc Viện Khổng Tử tiếp xúc với hai thành viên đại sứ quán Trung Quốc ở Bruxelles, báo cáo công việc tuyển mộ các nhân vật có thể gây ảnh hưởng thân Bắc Kinh.
Những cái loa mang tuyên bố của Bắc Kinh đến rao giảng ở châu Âu đa số là từ cộng đồng người Hoa sống tại Bỉ. Nhưng người ta còn nhận ra sự hiện diện của những người châu Âu, là sinh viên hoặc giảng viên, được Trung Quốc mời sang tham quan văn hóa.
Khi trở về Bỉ, họ nhận được số tiền hoàn trả vượt xa chi phí chuyến đi, rồi sau đó là những món quà đắt tiền, và dần dần trở nên bị chi phối. Những hợp đồng tư vấn cũng được ký kết với các giảng viên và chuyên gia với các điều kiện hào phóng, khiến họ trở nên phụ thuộc.
Ông Jonathan Holslag, giáo sư chính trị quốc tế ở trường đại học VUB, nhớ lại một người « rất lịch sự và có văn hóa, đôi khi phát biểu chỉ trích chế độ Trung Quốc, có lẽ là để trấn an người đối thoại và âm thầm tiến lên… ». Đối với vị giáo sư chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, « vấn đề nằm ở chỗ phản gián Bỉ còn yếu trong khi nguy cơ liên quan đến toàn châu Âu ; chúng ta chỉ có thể thắng được khi cùng nỗ lực. Trung Quốc tập trung vào các chủ đề kinh tế : công nghệ 5G, vấn đề kết nối, cơ sở hạ tầng, giao thông, ‘con đường tơ lụa’… ».
Cơ quan di trú Bỉ hôm 30/07 đã báo cho Tống Tân Ninh việc ông bị từ chối gia hạn giấy phép cư trú có thời hạn 8 năm. Biện pháp này có giá trị tại tất cả các nước thuộc không gian Schengen. Tống Tân Ninh chối cãi việc làm gián điệp. Trả lời báo chí Hoa lục, ông ta khẳng định rằng quyết định trên đây có liên quan đến việc hồi tháng 4/2019 ông đã từ chối lời mời của một nhà ngoại giao Mỹ làm gián điệp chống lại Trung Quốc, và bị đe dọa sẽ trả đũa.
Được Le Monde chất vấn, đại sứ quán Trung Quốc ở Bruxelles cũng bác bỏ cáo buộc gián điệp. Tòa đại sứ cho rằng « cựu giám đốc Viện Khổng Tử của VUB, ông Tống Tân Ninh, đã kiện cơ quan di trú Bỉ ra trước tòa án vì đã cấm ông di chuyển trong khu vực Schengen ».
Giả dạng nhà báo
Giờ đây những nghi ngờ còn liên quan đến các cơ sở công và tư, các trường đại học và cơ quan tư vấn có liên quan đến Trung Quốc. Chẳng hạn Collège d’Europe ở Bruges, được tình báo Bỉ coi là « gót chân Achille và là ngõ vào của ảnh hưởng Trung Quốc tại châu Âu ». Quan hệ của các chính khách Bỉ cũng được quan sát kỹ.
Cuối năm 2018, nhà lãnh đạo cực hữu Filip Dewinter đã trở thành « cố vấn » cho một công ty Trung Quốc tại Anvers, do Thiệu Thường Thuần (Shao Changchun), một người chuyên tổ chức các sự kiện văn hóa làm giám đốc. Chi phí xăng dầu, ăn uống, khách sạn và đi nước ngoài đều được công ty chi trả. Đổi lại, ông ta thường gặp gỡ giám đốc cảnh sát liên bang Bỉ, theo yêu cầu của Trung Quốc. Cựu bộ trưởng Nội Vụ Jan Jambon cũng có mặt trong một bức hình chụp năm 2014 với Thiệu Thường Thuần.
Đối với cơ quan an ninh Bỉ, những khuôn mặt tình báo Trung Quốc rất đa dạng : các điệp viên dưới vỏ bọc nhà ngoại giao, nhiều nhà báo giả hiệu đăng ký hoạt động tại Bruxelles, sinh viên Trung Quốc thực chất làm việc cho chính quyền Bắc Kinh, các chương trình hợp tác đại học đáng ngờ, và việc thành lập những công ty khởi nghiệp nhằm xâm nhập mạng lưới kinh tế.
Một người có trách nhiệm của cơ quan tình báo Bỉ cho biết : « Các doanh nhân hay nhà ngoại giao Trung Quốc thường có những thái độ khả nghi : ngay khi vừa đến nơi là họ thay đổi phòng ở, thậm chí cả khách sạn ; sửa đổi thời điểm chuyến đi, và liên tục thay đổi hành trình ».
Quá bức xúc, cơ quan an ninh Bỉ năm 2019 đã tuyên bố : « Tình báo Trung Quốc cố gắng gây ảnh hưởng lên quan hệ song phương với Bỉ để các nhà lãnh đạo phải thuận theo tham vọng của Bắc Kinh. Do một lượng lớn chính khách và viên chức Bỉ sang làm việc cho các định chế quốc tế, cơ quan tình báo Trung Quốc rất quan tâm đến cá nhân của những người này, vào giai đoạn họ mới khởi đầu sự nghiệp, nhằm xây dựng mối quan hệ lâu dài với họ ».
Nhân cuộc tranh cãi về việc thiết trí mạng lưới 5G của tập đoàn Hoa Vi (Huawei) ở Bỉ và châu Âu, ông Jaak Raes, người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia hôm 30/01 đã làm đậm thêm vấn đề trước Quốc Hội liên bang. Theo ông : « Gián điệp công nghệ thông qua việc lạm dụng cơ sở hạ tầng 5G mang lại những khả năng chưa từng có (…). Đó là vấn đề bảo vệ dữ liệu của chính quyền và bí mật kinh doanh, cuộc sống riêng tư cũng như các cơ sở hạ tầng thiết yếu ».
Gián điệp sinh học Trung Quốc
Một lãnh vực khác cũng gây nhiều lo ngại là « gián điệp sinh học ». Trang web EUobserver hôm 06/05 tiết lộ báo cáo của tình báo Bỉ về các hoạt động của Trung Quốc liên quan đến các chuyên gia về vaccin và nhân tố sinh học, dược phẩm, công nghệ cao. Các thông tin trong tài liệu này chủ yếu về thời kỳ 2010-2016, nhưng những công dân Trung Quốc liên can tình nghi là gián điệp vẫn đang hiện diện trên lãnh thổ Bỉ.
Tình báo Trung Quốc hoạt động trong khuôn khổ một chương trình bí mật của Bắc Kinh về vũ khí sinh học, vừa mang tính chất « thủ » (ngăn dịch) vừa « công (sản xuất vũ khí sinh học). Một công ước quốc tế cấm vũ khí sinh học có hiệu lực từ năm 1975 và được 180 quốc gia phê chuẩn, nhưng hiệu quả rất hạn chế vì Mỹ phản đối và không có cơ chế kiểm tra.
Các nhà khoa học tại Bỉ nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh. Một trong số đó, ông Jean-Luc Gala, cựu quân nhân và là chuyên gia về virus Ebola, phụ trách Trung tâm công nghệ phân tử ứng dụng (CTMA) chuyên nghiên cứu về các nhân tố sinh học nguy hiểm và phương tiện trị liệu. Hai công ty Trung Quốc được cho là khả nghi đã đặt trụ sở gần văn phòng ông Gala ở trường đại học Công giáo Louvain (UCL). Giám đốc của một trong hai công ty này có quan hệ với bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc.
Louvain-la-Neuve cũng là nơi được chọn để đặt Trung tâm Công nghệ Bỉ-Trung (CBTC), với khoảng 20 công ty chuyên về khoa học đời sống và trí tuệ nhân tạo. Về lâu về dài, khoảng 800 chuyên gia Trung Quốc đến làm việc tại đây. Theo tình báo Bỉ, CBTC được Tập Cận Bình khánh thành năm 2014, là « nguy cơ gián điệp kinh tế gây thiệt hại cho các trường đại học và nhiều công ty công nghệ cao ».
Các nguồn tin lưu ý là CBTC còn nằm gần một nhà máy của GlaxoSmithKline (GSK) Biological, trong đó có trung tâm nghiên cứu vaccin của tập đoàn đa quốc gia Anh. GSK vừa thỏa thuận với Sanofi để tìm kiếm vaccin chống virus corona chủng mới. Đã từng nhiều lần là mục tiêu gián điệp của Trung Quốc tại Thụy Sĩ và Hoa Kỳ, tập đoàn khẳng định đã có những biện pháp bảo vệ thích hợp.
Một nhà khoa học Bỉ khác được Trung Quốc đặc biệt quan tâm là Martin Zizi, - chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lãnh vực vũ khí sinh học, cựu giáo sư VUB - hiện đang lãnh đạo một công ty ở California. Một trong những nữ sinh viên cũ của ông, được cho là gián điệp Trung Quốc, cố gắng lôi kéo, nhưng ông Zizi luôn tỏ ra cảnh giác, ý thức rằng công việc của ông thu hút sự chú ý của nhiều nước.
Tất nhiên là phái đoàn Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu ở Bruxelles chối bỏ tất cả những hoạt động bất hợp pháp. Theo tờ La Libre Belgique, cơ quan an ninh Bỉ bối rối vì các báo cáo được tiết lộ do một cựu nhân viên tình báo đã từ chức năm 2018 soạn thảo - người này bất mãn vì cấp trên im lặng trước các hồ sơ rất nhạy cảm. Tuy nhiên lãnh đạo tình báo Bỉ khẳng định vẫn thường xuyên lưu ý chính quyền về nguy cơ gián điệp kinh tế từ Bắc Kinh.
Dù sao thì vụ này cũng khiến Ủy Ban Châu Âu rất lưu tâm, sắp tới sẽ công bố những đường hướng chỉ đạo cho các trường đại học để tự vệ trước sự xâm nhập của Trung Quốc.
Bóng đen gián điệp Trung Quốc phía sau đại sứ quán Malta ở Bruxelles
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Nhật báo Le Monde số ra chiều 15/05/2020 đăng bài điều tra, báo động từ nhiều năm qua cơ quan tình báo Bỉ vẫn canh cánh nỗi lo đối với đại sứ quán Malta nằm đối diện với trụ sở Ủy Ban Châu Âu, được Trung Quốc bỏ tiền ra tân trang.
Đó là một vị trí quan sát trong mơ để theo dõi trung tâm quyền lực châu Âu ở Bruxelles. Nằm ở số 25 đường Archimède, đại sứ quán Malta, được gọi là « Dar Malta », nhìn sang tòa nhà kiên cố là trụ sở Ủy Ban Châu Âu. Ngay phía sau là đại bản doanh của Hội Đồng Liên Hiệp Châu Âu.
Từ năm 2007, một tòa nhà siêu hiện đại 9 tầng là nơi trú ngụ của đoàn đại biểu Malta và đại diện của nước này tại Liên Hiệp Châu Âu (EU), cùng với một lãnh sự quán. Một địa chỉ có giá trị độc đáo. Nhưng theo tình báo Bỉ, đây còn là địa điểm lý tưởng cho hoạt động gián điệp.
Từ đầu những năm 2010, cơ quan an ninh Bỉ tố cáo đại sứ quán này chứa đầy những phương tiện kỹ thuật do tình báo Trung Quốc lắp đặt để dọ thám các định chế châu Âu. Một hoạt động mà theo tình báo Bỉ có thể kéo dài đến ngày nay. Thông tin được Alain Winants - lãnh đạo tình báo vương quốc cho đến năm 2014 - chuyển cho bộ Ngoại Giao Bỉ.
Được Le Monde chất vấn, phát ngôn viên bộ này chỉ tuyên bố chừng mực là « phải hết sức giữ bí mật về nội dung những báo cáo này và các hành động liên quan », nhưng không phủ nhận thông tin. Còn ông Winants, nay là thẩm phán Tòa Phá án, từ chối trả lời, và người kế nhiệm của ông là Jaak Raes cũng thế.
Về phần phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Malta, Daniel Attard, nói với Le Monde : « Malta duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc cũng như với các nước khác, nhất là về mặt hợp tác ». Chính trong khuôn khổ hợp tác mà « năm 2006-2007 bộ Tài Chính Malta và chính quyền Trung Quốc đã ký một thỏa thuận về việc tôn tạo toàn bộ đại sứ quán Malta ở Bruxelles ».
Ngược lại, phát ngôn viên này tránh bình luận về lời tố cáo của tình báo Bỉ, cũng như việc Trung Quốc sử dụng tòa nhà này để dọ thám các định chế châu Âu, kể cả khi Malta không hay biết.
Trung Quốc bỏ tiền mua và tân trang đại sứ quán Malta
Với những tin tức được tình báo chuyển giao, chính quyền Bỉ không chọn cách công khai can thiệp, hoặc điều lực lượng cảnh sát đến đại sứ quán – mà cũng như tất cả các cơ quan ngoại giao đoàn, được quyền miễn trừ. Theo thông tin của Le Monde, tuy vậy đã có các tiếp xúc không chính thức giữa các cơ quan chính quyền.
Bộ Ngoại Giao Bỉ nói rằng « các báo cáo của tình báo luôn được các cơ quan hữu quan theo dõi, có các kênh phù hợp để chuyển giao những thông tin hữu ích cho các đối tác liên quan trong báo cáo, kể cả những nước đồng minh hay các định chế quốc tế ».
Một nguồn tin từ bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xác nhận với Le Monde là đại sứ quán Mỹ ở Bruxelles đã được thông báo về các phát hiện của tình báo Bỉ trong vụ này. Những người thân cận của ông John Demers, thứ trưởng Tư Pháp Mỹ phụ trách an ninh quốc gia đã từng đến Bruxelles tháng 11/2019 để tố cáo hoạt động gián điệp của Trung Quốc, tỏ ý tiếc rằng châu Âu đã ít phản ứng về kiểu « tấn công » này. Chính phủ Pháp và Ủy Ban Châu Âu không nhớ gì về những cáo buộc của tình báo Bỉ liên quan đến tòa đại sứ Malta ở Bruxelles.
Năm 2007, khi Malta gia nhập EU đã được ba năm, Trung Quốc đồng ý tài trợ cho tòa đại sứ mới của Malta : trả tiền mua tòa nhà và các chi phí để nâng cấp toàn bộ, tổng cộng 21 triệu euro. Phát ngôn viên công ty CIT Blaton phụ trách việc xây dựng cho biết cụ thể : « Chúng tôi bắt đầu từ bộ khung sườn bê-tông của tòa nhà và làm lại tất cả, từ sàn, trần, vách ngăn…Công trình hoàn thành khá hiện đại, vật liệu cách âm và an toàn tương đương với những gì đã thực hiện cho NATO ».
Kính chống đạn và camera khắp nơi
Thực tế đây là một công trình cao cấp. Liên kết với văn phòng kiến trúc Dethier, CIT Blaton giám sát việc lắp đặt các khung nhôm giữ nhiệt, kính hai lớp và những tấm chống nắng cho các bề mặt bên ngoài. Toàn bộ đại sứ quán được bảo vệ bằng những camera giám sát, đầu đọc thẻ từ. Các thiết bị phát hiện sự hiện diện của con người được lắp đặt khắp nơi, kể cả trong các thang máy và bãi đậu xe. Mỗi khu vực có một mức độ an ninh riêng, và khu trung tâm trang bị kính chống đạn. Một lớp kính chống đạn thật dày khác được dựng lên ở bức tường ngăn với tòa nhà bên cạnh.
Giới ngoại giao ở Bruxelles ngạc nhiên khi quốc gia nhỏ bé này lại đi mua một tòa nhà thay vì thuê, đặc biệt là nhất định mua ở một địa điểm có thể dòm ngó các định chế châu Âu. Đại sứ quán các quốc gia thành viên khác cũng như các đại cường ở gần đó không cần bỏ ra một chi phí lớn như thế cho một tòa nhà đồ sộ. Hơn nữa, Malta còn tìm cách cho thuê những tầng còn trống.
Quan hệ giữa CIT Blation và Trung Quốc không dừng lại ở đây. Năm 2019, công ty này và hai đối tác khác kết thúc công trình xây dựng China-Belgium Technological Center ởLouvain-la-Neuve. Đây là một phức hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm hội nghị, bãi đậu xe trị giá trên 100 triệu euro. Được hỏi về việc bố trí các vật liệu khả nghi tại đại sứ quán Malta, ban giám đốc CIT Blaton nói rằng họ chỉ phụ trách việc xây dựng, còn Dethier Architecture không muốn trả lời Le Monde.
Lợi dụng cái vỏ hợp tác để xâm nhập
Cơ quan tình báo Bỉ không phải là nơi duy nhất xới lên vụ này. Tình báo Anh đã báo động trước đó về sự hiện diện của tình báo Trung Quốc phía sau công trình tòa đại sứ. Trong quá trình điều tra, trước khi chuyển kết luận cho chính quyền, tình báo Bỉ vẫn tiếp tục dựa vào chuyên môn và phương tiện của các đồng nghiệp Anh. Tình báo quân đội Bỉ và cơ quan an ninh cũng góp sức để tố cáo gián điệp Trung Quốc.
Hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Bỉ trở nên dồn dập cho đến nỗi tình báo Bỉ rốt cuộc phải lên tiếng vào năm 2019. « Các định chế châu Âu nằm trong số các ưu tiên của tình báo Trung Quốc (…), họ muốn có thông tin về những quyết định, kế hoạch chiến lược, những tuyên bố chính trị có thể ảnh hưởng đến Trung Quốc ».
Theo phía Bỉ, tình báo Trung Quốc (gồm bộ Công An và tình báo quân đội) chủ yếu tìm cách lợi dụng sự chia rẽ của các quốc gia Liên Hiệp Châu Âu, và tìm hiểu các dự án của EU. Họ muốn biết các quyết định về thương mại có thể nguy hiểm cho đầu tư của họ. « Tình báo Trung Quốc làm mọi cách để gây ảnh hưởng lên các nhà lãnh đạo châu Âu, vì quyền lợi Trung Quốc ». Hoạt động gây ảnh hưởng này chủ yếu thông qua các quan hệ gầy dựng với một số nước thành viên EU.
Một quan chức cao cấp châu Âu giấu tên xác nhận : « Trong nội bộ liên hiệp, sự yếu kém của một số nước thành viên gây nguy hiểm cho tất cả, việc các nước này dễ dàng cho bên ngoài xâm nhập là vấn đề chính. Trung Quốc rất quyết tâm đối với các nước nhỏ như Malta, đó là điều chắc chắn, nhưng Bắc Kinh còn dùng chiến lược này ở Trung Âu dưới cái vỏ hợp tác kinh tế và thương mại ».
Malta-Trung Quốc « vận mệnh tương quan » ?
Reno Calleja, chủ tịch hội hữu nghị Trung Quốc-Malta ở La Valette, thủ đô Malta có cách giải thích khác. Ông này nói với Le Monde : « Không như những nước khác, Malta biết cách gắn liền định mệnh với Trung Quốc vốn không muốn phụ thuộc vào ai. Chúng tôi là một ngoại lệ ».
Sau khi đảng Lao Động lên nắm quyền năm 2013, chính phủ Malta còn siết chặt hơn các quan hệ trong lãnh vực năng lượng, viễn thông, vận tải, du lịch và cả thể thao. Malta là nước đầu tiên nhập cảng công nghệ 5G của Trung Quốc. Một hợp đồng khung ký năm 2015 cho phép tập đoàn Hoa Vi (Huawei) thử nghiệm mạng 5G và lắp đặt mạng kỹ thuật số trên toàn bộ lãnh thổ Malta.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Bruxelles tỏ ra lạnh nhạt trước cáo buộc của tình báo Bỉ. Tòa đại sứ khẳng định : « Chúng tôi chẳng biết gì về vụ trùng tu đại sứ quán Malta. Gián điệp Trung Quốc tại Bỉ ? Chỉ là tưởng tượng. Bất chấp thực tế và các khác biệt về hệ thống chính trị, Trung Quốc và châu Âu có quan hệ song phương dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi. Làm hại cho sự hợp tác này đi ngược lại với tiến triển của thế giới hiện nay. Châu Âu là một sức mạnh quan trọng trên trường quốc tế. Trung Quốc luôn coi EU là đối tác chính, và là một trong những ưu tiên về đối ngoại ».
Geen opmerkingen:
Een reactie posten