woensdag 15 juli 2020

Đóng cửa nhà máy Fessenheim: Dấu mốc cho tương lai điện hạt nhân Pháp + Hàng chục năm để tháo dỡ + Tu sửa các lò phản ứng tốn 70 tỷ euro

Đóng cửa nhà máy Fessenheim: Dấu mốc cho tương lai điện hạt nhân Pháp

Phần âm thanh 09:10
Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim, vùng Alsace, Pháp, được coi là « lá phổi kinh tế » của vùng trong suốt 43 năm hoạt động.
Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim, vùng Alsace, Pháp, được coi là « lá phổi kinh tế » của vùng trong suốt 43 năm hoạt động. © REUTERS - ARND WIEGMANN
Thùy Dương
Vào 23h đêm 30/06/2020, nhà máy điện hạt nhân Fessenheim, vùng Alsace, miền tây nước Pháp, đóng cửa lò hạt nhân số 2. Từng là nhà máy điện hạt nhân có tuổi đời lâu nhất nước Pháp trong số những nhà máy còn hoạt động, sau 43 năm tồn tại, Fessenheim đã chính thức ngắt khỏi lưới điện quốc gia.
Nhà báo Christophe Dansette, trên đài France 24 ngày 30/06, gọi sự kiện đóng cửa lò hạt nhân số 2 của nhà máy Fessenheim là một dấu mốc cho tương lai còn nhiều điều chưa chắc chắn của ngành điện hạt nhân Pháp :
Nhà máy Fessenheim bắt đầu đi vào sản xuất vào năm 1977, có hai lò phản ứng. Lò thứ nhất đã ngưng hoạt động vào ngày 22/02/2020, và giờ đến lượt lò phản ứng thứ hai. Việc đóng cửa nhà máy  Fessenheim nằm trong kế hoạch của chính phủ Pháp giảm nguồn năng lượng hạt nhân, tăng nguồn năng lượng tái tạo, vừa đảm bảo nhu cầu điện, vừa giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, cho dù hiện giờ với 58 lò phản ứng hạt nhân, điện nguyên tử đang chiếm tới 70% tổng sản lượng điện của cả nước.
« Từ nay đến năm 2035, nước Pháp dự tính ngưng thêm 12 lò hạt nhân và giảm tỉ trọng điện hạt nhân  từ 70% xuống còn 50%. Sau thời hạn nói trên, phần lớn các nhà máy điện hạt nhân, tất cả đều được xây dựng trong những năm 1970-1980, cũng sẽ dần dần phải ngừng hoạt động. Đến năm 2060, sẽ không còn nhà máy điện hạt nhân nào vận hành nữa.
Một cách trực tiếp hay gián tiếp, ngành điện hạt nhân hiện nay mang lại công ăn việc làm cho hơn 220.000 người tại Pháp. Thế nhưng, tương lai của điện nguyên tử không được đảm bảo, bởi vì nước Pháp đang phải quyết định có xây các nhà máy điện hạt nhân nữa hay không. 
Hiện giờ, một lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới, lò phản ứng nước áp lực kiểu châu Âu EPR nổi tiếng, đang được xây dựng tại Flamanville, miền bắc nước Pháp, nhưng tiến độ bị chậm tới hơn 10 năm. Lẽ ra nhà máy điện hạt nhân này phải hòa vào mạng lưới điện vào năm 2012, nhưng cuối cùng lại không thể được đưa vào hoạt động trước năm 2022.
Điều này đã khiến chi phí tăng mạnh, hiện đã lên tới hơn 12 tỉ euro, thay vì 3,5 tỉ euro như dự trù ban đầu. Hiện nay, chính phủ muốn chờ đến năm 2023 để xem liệu công nghệ này vận hành có tốt hay thì mới cho xây thêm 6 lò phản ứng mới. Điều này có nghĩa là phải sang đến nhiệm kỳ tổng thống mới thì quyết định này mới được đưa ra ».
Trung bình mỗi năm, nhà máy Fessenheim sản xuất 11 tỉ kwh điện, tương đương 70% nhu cầu điện của cả vùng Alsace với hơn 2 triệu dân. Đối với phe ủng hộ điện nguyên tử, theo kết luận hồi năm 2015 của Cơ quan An ninh Năng lượng của Pháp, nhà máy điện hạt nhân Fessenheim vẫn an toàn và còn có thể hoạt động thêm nhiều năm nữa.
Việc đóng cửa « sớm » lò hạt nhân số 2 của nhà máy điện Fessenhaim có thể đẩy một phần nước Pháp vào cảnh thiếu điện, nhất là trong những ngày hè nóng nực, hoặc mùa đông giá rét, nhu cầu điều hòa nhiệt độ làm mát hay sưởi ấm tăng mạnh, dẫn đến việc nước Pháp phải nhập khẩu điện từ các nước khác ở châu Âu, chẳng hạn Đức, Ba Lan …, vốn thường được sản xuất từ các nhà máy điện than, mà sản xuất điện than thì gây ô nhiễm nhiều hơn sản xuất điện nguyên tử.
Vì thế, họ cho rằng nếu vì mục tiêu bảo vệ môi trường mà quyết định đóng cửa nhà máy, thì đây chỉ là một biện pháp kiểu « nửa vời », thậm chí là gây phản tác dụng, càng làm nghiêm trọng thêm tình trạng Trái đất nóng dần lên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trấn an là sản lượng điện của Pháp rất cao, thậm chí là dư thừa điện, và các phương thức sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cũng đang phát triển mạnh, có thể bù đắp cho lượng điện của nhà máy Fessenheim.
Trên thực tế, vùng Grand Est, miền tây nước Pháp, đứng thứ ba nước Pháp về các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo. Nước Pháp cũng đã có kế hoạch từ nay đến năm 2024, hoặc muộn nhất là năm 2026, sẽ cho đóng cửa 4 nhà máy nhiệt điện than và đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển năng lượng sạch.

Thảm họa kinh tế trước mắt

Trong khi các tổ chức bảo vệ môi trường sinh thái, người dân sống ở miền tây nước Pháp, cũng như phía bên kia biên giới, ở các nước láng giềng Đức và Thụy Sĩ, cảm thấy nhẽ nhõm vì việc nhà máy điện nguyên tử Fessenheim ngưng hoạt động sẽ làm giảm nguy cơ tai nạn hạt nhân, nhiều người tổ chức ăn mừng sự kiện Fessenheim đóng cửa, thì cả chính quyền và người dân thị trấn Fessenheim, nơi có tới 2.000 người lao động làm việc cho nhà máy, lại thấy bức xúc, lo ngại cho tương lai của địa phương, nhất là về « một thảm họa kinh tế ».
Ngày 04/07/2020, đài France Info trích dẫn ông Claude Brender, thị trưởng thành phố Fessenheim :
“Cần phân biệt rõ hai chuyện. Thực tế là có một hệ quả ngay tức khắc : Chúng tôi mất một nguồn thuế, chúng tôi mất một nguồn thu cho địa phương. Rồi thì sau đó phải tính đến chuyện phải tạo ra 2.000 việc làm để bù cho những công việc đã mất quá sớm (tức là so với dự tính ban đầu). Việc này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian. Không có phép màu lạ kỳ nào có thể tạo ra công ăn việc làm cho 2.000 người lao động trong vùng chúng tôi ngay ngày mai, tạo ra ngay 1.000, thậm chí là 500 chỗ làm thôi cũng là điều không thể xảy ra ngay. » 
Mỗi năm, nhà máy điện Fessenheim đóng góp 14 triệu euro thuế cho địa phương và được coi là « lá phổi kinh tế » của vùng trong suốt 43 năm hoạt động. Dẫu là công trường khổng lồ để tháo dỡ nhà máy trong tương lai cũng sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, nhưng có lẽ sẽ không thể bù đắp cho 2.000 việc làm đã mất do nhà máy đóng cửa. Trong khi đó, chính quyền vẫn chưa nhận được câu trả lời rõ ràng của chính phủ về việc hỗ trợ cho địa phương.  Vì thế, đối với thị trưởng Brender, ngày 30/06 là « một ngày buồn của Fessenheim », « một ngày buồn của vùng Alsace ».

Tháo dỡ phức tạp hơn là xây dựng

Đúng là hiện có nhiều ý kiến trái chiều, có người ủng hộ, có người phản đối, nhưng quyết định ngưng hoạt động của nhà máy điện nguyên tử Fessenheim là không thể đảo ngược. Giờ đây, điều công luận đặc biệt quan tâm là công tác tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân sẽ diễn ra thế nào, có đảm bảo an toàn hay không, nước Pháp đã có đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực này hay chưa. Về điểm này, bà Valérie Faudon, đại diện Hiệp hội năng lượng hạt nhân Pháp (SFEN), giải thích trên đài France Inter ngày 30/06 :
« Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim theo công nghệ được gọi là lò phản ứng nước áp lực. Đây là công nghệ sản xuất điện nguyên tử phổ thông nhất trên thế giới. Nước Pháp có giấy phép sử dụng công nghệ này của công ty Mỹ Westinghouse từ những năm 1970. Như vậy có nghĩa là tại Mỹ có rất nhiều lò phản ứng theo công nghệ nước áp lực, và một số lò đã được tháo dỡ hoàn toàn.
Tại Pháp, chúng ta có một lò phản ứng nước áp lực được gọi là Chooz, vùng Ardennes, được xây dựng từ những năm 1960 và hiện nay công việc tháo dỡ đang ở giai đoạn cuối. Vì thế, có thể nói là chúng ta biết cách tháo dỡ các lò phản ứng hạt nhân nước áp lực. Điều này không có nghĩa là không cần có nỗ lực nào khác để tối ưu hóa công việc tháo dỡ lò, nhưng tôi muốn nói là chúng ta biết cách tháo dỡ lò phản ứng theo công nghệ này ».
Theo đại diện Hiệp hội năng lượng hạt nhân Pháp, khác với nhiều ngành nghề khác, trong ngành điện hạt nhân, việc tháo dỡ nhà máy điện nguyên tử phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với quá trình xây dựng. Bà Valérie Faudon giải thích tiếp :
« Chắc chắn là sẽ phải đợi 5 năm để có thể có một lệnh tháo dỡ và đến lúc đó thì công tác tháo dỡ thực thụ mới được bắt đầu. Trong 5 năm đó, người ta sẽ rút các thanh nhiên liệu khỏi nhà máy điện hạt nhân và sẽ dần dần đưa các thanh nhiên liệu này đến một nhà máy tái chế ở Le Hague, vùng Normandie.
Người ta sẽ để cho các thanh nhiên liệu nguội đi trong bồn chứa nước trong nhiều năm và sau đó nó sẽ được đưa vào dây chuyền tái chế nhiên liệu hạt nhân ở Pháp. Chỉ có rất ít người biết rằng 10% sản lượng điện hạt nhân của chúng ta được sản xuất với các vật liệu hạt nhân tái chế. Chúng tôi có những xe tải chuyên dụng và những thùng chuyên dụng để chở nhiên liệu hạt nhân được tháo dỡ đến vùng Normandie ».
Chi phí tháo dỡ lò hạt nhân cũng không hề nhỏ, khoảng 350-500 triệu euro/lò và thời gian sẽ là hàng chục năm. Theo ước tính của tâp đoàn điện lực Pháp, công tác tháo dỡ nhà máy Fessenheim sẽ thải ra 380.000 tấn phế liệu. Còn đối với đại diện Hiệp hội năng lượng hạt nhân Pháp (SFEN), một trong những thách thức lớn trong tương lai tại Pháp là công tác tái chế, tái sử dụng vật liệu hạt nhân đã được tẩy xạ :
« Công việc sẽ kéo dài 15 năm. Đó là theo tiêu chuẩn quốc tế và đó cũng gần bằng thời gian chúng ta tháo dỡ lò phản ứng A ở nhà máy điện hạt nhân Chooz. Sau khi tháo dỡ và di dời các thanh nhiên liệu ra khỏi nhà máy và dọn dẹp, tẩy xạ lò phản ứng, thì có nghĩa là 99% phóng xạ ở nhà máy đã được loại trừ. Hoàn tất công việc nói trên và tẩy xạ các khu vực của nhà máy vốn có tiếp xúc với các thanh nhiên liệu, tức là bể chứa các thanh nhiên liệu, giai đoạn mà chúng tôi gọi là chu trình đầu, thì sẽ thu hồi được nước, bê tông và thép có tính phóng xạ rất yếu.
Đúng là chúng được xếp loại là phế liệu hạt nhân, nhưng độ phóng xạ thì rất thấp. Và một trong những thách thức được đặt ra là làm thế nào để bắt đầu tái chế các vật liệu này, nhất là thép. Ở nước láng giềng Đức, người ta tái chế các loại thép có tính phóng xạ rất thấp này. Thực ra thì chúng không còn nhiễm xạ nữa. Theo tôi, một trong những thách thức trong những năm tới đây là chúng ta phải có một quy chế hiện đại cho phép khai thác giá trị của những loại phế liệu nói trên. »

Nhà máy điện nguyên tử Fessenheim : Hàng chục năm để tháo dỡ

Nhà máy điện nguyên tử Fessenheim, Pháp
Nhà máy điện nguyên tử Fessenheim, Pháp REUTERS/Vincent Kessler/Files
Thanh Phương
3 phút
Khác với bên Đức, 5 năm sau thảm họa Fukushima, người dân Pháp vẫn chưa sẳn sàng từ bỏ năng lượng hạt nhân. Theo kết quả một cuộc thăm dò vừa được công bố hôm nay, 11/03/2016, có đến 62% số người được hỏi không ủng hộ việc từ bỏ năng lượng hạt nhân. Nhưng kể từ sau thảm họa Fukushima, người dân Pháp ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn hạt nhân, nhất là sự an toàn của một trong những nhà máy điện nguyên tử cũ nhất nước Pháp, đó là nhà máy Fessenheim ở vùng Haut-Rhin, miền Đông, nằm gần biên giới giáp với Đức.
Trong thời gian vận động tranh cử, tổng thống François Hollande đã hứa sẽ đóng cửa nhà máy Fessenheim và từ đó cho đến nay, tranh luận về tương lai nhà máy này liên tục diễn ra. Vào tuần trước, báo chí Đức đã khơi dậy cuộc tranh luận khi khẳng định rằng tai nạn xảy ra vào tháng 04/2014 tại nhà máy Fessenheim trầm trọng hơn là mức độ được loan báo.
Nhưng trong khi các địa phương phía Đức lo ngại xảy ra một vụ « Fukushima » bên kia biên giới, thì đa số người dân Fessenheim lại kiên quyết bảo vệ nhà máy của họ, vì nhà máy điện nguyên tử Fessenheim là nguồn thu thuế quan trọng ( 4 triệu euro/năm ) và vẫn bảo đảm công ăn việc làm cho dân địa phương ( nhà máy Fessenheim sử dụng 1.100 người, chưa kể những người làm ăn buôn bán sống nhờ vào hoạt động của nhà máy này). Thị trưởng Fessenheim, ông Claude Brender nay chỉ hy vọng là cánh hữu sẽ thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới và nhà máy điện nguyên tử Fessenheim sẽ được bảo vệ.
Dầu sau thì nếu chính phủ Pháp dứt khoát quyết định tháo dỡ nhà máy hạt nhân Fessenheim đây sẽ là một tiến trình kéo dài hàng chục năm, cụ thể là từ 20 đến 30 năm.
Đầu tiên, công ty khai thác nhà máy Fessenheim là Điện lực Pháp ( EDF ) phải đệ trình yêu cầu tháo dỡ nhà máy lên Cơ quan an toàn hạt nhân của Pháp. Thông thường, việc chuẩn bị hồ sơ phải mất từ 2 đến 3 năm, sau đó, Cơ quan an toàn hạt nhân phải bỏ ra thêm 2 đến 3 năm nữa để xem xét hồ sơ và ra quyết định cho phép tháo dỡ.
Tiến trình tháo dỡ theo dự kiến sẽ mất từ 18 đến 26 năm. Sau khi ngừng nhà máy hoạt động, giai đoạn đầu tiên sẽ là « di tản » những chất nguy hiểm và nhiễm xạ, cũng như nguyên liệu hạt nhân khỏi nhà máy. Những bộ phận không trực tiếp dính đến hạt nhân sẽ được tháo dỡ trong giai đoạn này, kéo dài từ 3 đến 6 năm.
Giai đoạn kế tiếp sẽ là tháo dỡ toàn bộ các thiết bị nhiễm xạ. Riêng bồn của lò phản ứng do nhiễm xạ rất nặng, nên việc tháo dỡ sẽ do người máy ( robot) thực hiện. Giai đoạn này có thể kéo từ 10 đến 15 năm.
Gai đoạn cuối cùng là tẩy rữa chất phóng xạ có thể đã nhiễm trên các nền đất và bức tường của nhà máy, phải mất khoảng 5 năm.
Tại Pháp, nhiều lò phản ứng hạt nhân của công ty EDF cũng đang được tháo dỡ vì đã quá hạn sử dụng. Các nhà máy điện hạt nhân của Pháp đã được đưa vào sử dụng trong khoảng thời gian từ cuối thập niên 1970 đến cuối thập niên 1980. Thời hạn sử dụng của 58 nhà máy điện hạt nhân của Pháp là tối đa 40 năm.

Pháp: Tu sửa các lò phản ứng tốn 70 tỷ euro

Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim, Alsace, cơ sở cũ nhất của EDF tại Pháp
Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim, Alsace, cơ sở cũ nhất của EDF tại Pháp REUTERS
RFI
2 phút
Theo báo chí Pháp, việc nâng cấp để kéo dài thời gian hoạt động các nhà máy điện hạt nhân do Tập đoàn EDF quản lý sẽ tốn ít nhất là 70 tỷ euro, tức là cao hơn mức 55 tỷ được dự kiến ban đầu.
Tạp chí Nouvel Observateur, số ra tuần này, không trích dẫn nguồn tin, cho biết, Tập đoàn điện lực Pháp – EDF – đang xem xét điều chỉnh lại chi phí cho kế hoạch tu sửa và nâng cấp các nhà máy điện hạt nhân, qua đó, các cơ sở này có thể hoạt động được trong vòng 40 – 50 năm, thậm chí 60 năm. Thế nhưng, chi phí cho kế hoạch này tối thiểu là 70 tỷ euro, có thể lên tới 80 tỷ.
EDF từ chối trả lời AFP về thông tin này. Cho đến nay, Tập đoàn điện lực Pháp vẫn nói rằng việc nâng cấp, tu sửa trên quy mô lớn tốn khoảng 45 tỷ euro, cộng thêm khoảng 10 tỷ đầu tư vào vấn đề an toàn hạt nhân, sau thảm họa Fukushima ở Nhật Bản.
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội, hồi tháng Tư vừa qua, Chủ tịch Tổng giám đốc EDF, ông Henry Proglio, vẫn khẳng định kế hoạch nói trên tốn 55 tỷ euro và sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2025.
Trong tháng Năm, Chủ tịch Cơ quan An toàn Hạt nhân – ASN, ông Pierre-Frank Chevet cũng đưa ra con số khoảng 50 tỷ euro, và đây mới chỉ là dự tính ban đầu, được thực hiện trong 15 – 20 năm tới. Ông cũng nhấn mạnh là các khoản đầu tư sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm tại Pháp.
EDF hiện đang khai thác 58 lò phản ứng đặt tại 19 nhà máy điện hạt nhân trên nước Pháp. Hai lò phản ứng ở nhà máy điện Fesseheim, vùng miền trung Alsace, sẽ ngừng hoạt động vào năm 2017, như cam kết của ông François Hollande lúc tranh cử tổng thống.
Cứ 10 năm một lần, Cơ quan An toàn Hạt nhân của Pháp sẽ ra quyết định kéo dài hay không, thời gian hoạt động của từng lò phản ứng. Cơ quan này cũng có quyền ra lệnh ngừng hoạt động của các lò phản ứng.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten