Bắc Kinh khẩn cấp ra luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Hôm nay, 30/06/2020, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc đã thông qua luật liên quan đến an ninh quốc gia cho Hồng Kông. Luật được ban hành ngay trước ngày kỉ niệm 23 năm Hồng Kông được Anh trao lại cho Trung Quốc, ngày 01/07/1997.
Đối với Bắc Kinh, luật cho phép bảo vệ Hồng Kông chống lại các hoạt động « lật đổ », « ly khai », « khủng bố ». Đối với giới bảo vệ nhân quyền, với luật này, Bắc Kinh có thể thẳng tay đàn áp mọi hình thức đối lập về chính trị tại cựu thuộc địa Anh Quốc.
Luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông được soạn thảo chỉ trong vòng sáu tuần. Hơn 7 triệu người Hồng Kông không hề hay biết về nội dung của luật. Việc thông qua luật liên quan đến Hồng Kông, nhưng hoàn toàn không có sự tham gia của cơ quan lập pháp Hồng Kông. Đây là điều chưa từng có.
Lãnh đạo đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) giữ im lặng vào thời điểm luật được Quốc Hội Trung Quốc thông qua, trong lúc các đảng phái, báo chí thân Bắc Kinh ở Hồng Kông, cũng như rất nhiều báo địa phương khác, đồng loạt đăng tải thông tin này.
Đối lập Hồng Kông lo sợ trước viễn cảnh luật về an ninh quốc gia nói trên sẽ được sử dụng để bóp nghẹt mọi tiếng nói phản kháng, chà đạp các quyền tự do cơ bản và quy chế bán tự trị mà đặc khu Hồng Kông đang được hưởng.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
Theo báo South China Morning Post, trong vòng chưa đầy 15 phút đồng hồ, 162 thành viên của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc đã hoàn toàn nhất trí thông qua dự thảo luật, trong lần xem xét thứ hai. Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội là cơ quan lập pháp có thẩm quyền cao nhất.
Trước đó, Quốc Hội Trung Quốc đã họp ít nhất hai lần, trong hai tuần lễ, để hoàn tất việc biên soạn dự luật, bị Washington và Bruxelles, cũng như những người tranh đấu cho dân chủ tại Hồng Kông lên án. Tuy nhiên, đối với các phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc, luật này là biện pháp rất cần thiết để « bảo vệ an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính Hồng Kông ».
Ông Wu Qiang, một nhà bình luận chính trị ở Bắc Kinh, giải thích : « Nếu như các đại biểu Quốc Hội quyết định họp lại một cách gấp gáp như vậy, rõ ràng là vì Bắc Kinh đang sốt ruột. Luật sẽ có hiệu lực ngay sau cuộc bỏ phiếu này. Mục tiêu là để kịp ngăn chặn các phản kháng trước dịp 23 năm ngày Hồng Kông được trao lại cho Trung Quốc.
Và một mặt nào đó, đối với chính quyền Trung Quốc, với việc thông qua luật về an ninh quốc gia này, coi như là ‘‘Hồng Kông trở về với Trung Quốc lần thứ hai’’. Luật cho phép chính quyền trung ương gia tăng quyền lực, với việc thiết lập một cơ quan phụ trách an ninh, các tòa án đặc biệt, cũng như một ủy ban an ninh quốc gia. Bộ luật này rất quan trọng với chính quyền Trung Quốc.
Hiện tại, mới chỉ có một vài đại biểu Hồng Kông trong Quốc Hội Trung Quốc có điều kiện đọc được văn bản này, theo báo South China Morning Post. Đối với các dân biểu khác, dự kiến sẽ có một buổi thông tin về luật vào hôm nay, trước khi thảo luận về việc đưa các biện pháp mới này vào phụ lục III của « Luật Cơ bản », tên gọi chính thức của Hiến pháp Hồng Kông ».
Đảng Demossito giải thể do sợ bị luật an ninh nhắm đến
Theo AFP, chỉ vài giờ sau khi luật an ninh quốc gia áp dụng cho Hồng Kông được Trung Quốc thông qua, đảng Demossito đã tuyên bố giải thể do lo ngại bị luật mới nhắm đến. Trước đó, bốn nhà lãnh đạo trẻ của đảng là Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Chu Đình (Agnes Chow), La Quán Thông (Nathan Law) và Jeffrey Ngo, đã từ chức.
Sau Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu lấy làm tiếc về việc Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông và lo ngại về những hậu quả của đạo luật mới này đối với đặc khu hành chính. Trong khi đó, Đài Loan cảnh báo công dân về những rủi ro có thể xảy ra khi đến Hồng Kông, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân đặc khu hành chính.
Cảnh sát Hồng Kông thông báo vụ bắt giữ đầu tiên chiếu theo luật an ninh quốc gia
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Hôm nay, 01/07/2020, ngày cựu thuộc địa Anh Quốc được trao trả cho Trung Quốc, cảnh sát Hồng Kông thông báo vụ bắt giữ đầu tiên trong khuôn khổ luật an ninh quốc gia vừa được thông qua.
Trên mạng Twitter, cảnh sát Hồng Kông cho biết một người đàn ông có mang theo lá cờ biểu tượng cho nền độc lập của Hồng Kông đã bị bắt tại khu Causeway Bay hôm nay, vì bị xem là vi phạm luật an ninh quốc gia mới. Cảnh sát Hồng Kông nhấn mạnh đây là vụ bắt giữ đầu tiên kể từ khi luật này có hiệu lực. Luật vừa được chủ tịch Tập Cận Bình ký ban hành sau khi được Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc thông qua hôm qua.
Mặc dù có lệnh cấm tập hợp, hôm nay, một nhóm người biểu tình đã tập trung tại khu Causeway Bay. Theo hãng tin AFP, cảnh sát Hồng Kông đã dùng vòi rồng để giải tán nhóm người này.
Hôm nay, trong buổi lễ đánh dấu 23 năm ngày Hồng Kông được trao lại cho Bắc Kinh, trưởng đặc khu hành chính Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho rằng luật an ninh quốc gia là « sự kiện quan trọng nhất » đối với Hồng Kông kể từ năm 1997. Nhưng phe dân chủ Hồng Kông lo ngại là luật này sẽ triệt tiêu các quyền tự do và nền tự trị mà đặc khu này vẫn được hưởng theo quy chế « một quốc gia, hai chế độ ».
Cụ thể nội dung luật này là như thế nào, thông tín viên RFI trong khu vực Stéphane Lagarde tường trình :
Với luật an ninh quốc gia áp đặt lên Hồng Kông, thế giới biết được là 1 tỷ 400 triệu người dân Trung Quốc sống trong một chế độ như thế nào. Văn bản luật, được công bố ngay trước nửa đêm qua, bao gồm 6 chương, 66 điều khoản, quy định 4 nhóm tội danh mà dân Hồng Kông mới biết khi vừa thức giấc sáng nay : hoạt động lật đổ, ly khai, khủng bố và cấu kết với các thế lực nước ngoài. Đó là những tội danh rất mơ hồ, để có thể áp dụng rộng rãi, nhưng cảnh sát Hồng Kông đã cụ thể hóa luật này ngay từ hôm nay, thứ Tư.
Các thông báo bằng tiếng Quan Thoại, tiếng Quảng Đông và tiếng Anh đã được phổ biến rộng rãi trên các mạng xã hội : « Chú ý, những ai mang theo cờ, hô các khẩu hiệu, giương các biểu ngữ hay có ý định ly khai, lật đổ sẽ đều bị xem là vi phạm luật an ninh quốc gia ». Những người phạm tội nặng nhất có thể lãnh án tù chung thân. Luật quy định những hình phạt đặc biệt, cấp thẩm quyền xét xử đặc biệt. Theo lời một quan chức cao cấp của Trung Quốc, đối với những vụ án « phức tạp », các nghi can sẽ bị đem sang Hoa lục để xét xử. Nhưng quan chức này không nói rõ thế nào là vụ án « phức tạp ».
Mỹ bắt đầu dỡ bỏ quy chế đặc biệt cho Hồng Kông
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Để trả đũa việc Bắc Kinh ra luật về an ninh Hồng Kông, chính quyền Mỹ kể từ ngày 29/06/2020, bắt đầu dỡ bỏ quy chế đặc biệt dành cho đặc khu, trước hết với việc đình chỉ xuất khẩu sang Hồng Kông các vũ khí, thiết bị quân sự và các công nghệ lưỡng dụng, có thể sử dụng cho mục tiêu dân sự và quốc phòng.
Theo AFP, trước ngày Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc thông qua luật an ninh cho Hồng Kông (30/06), ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua ra thông báo cho biết bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẽ không cho phép bán các phương tiện phòng vệ, các thiết bị quân sự, sang Hồng Kông, tương tự như với Trung Quốc. Theo lãnh đạo ngoại giao Mỹ, Washington cũng sẽ có các biện pháp để giới hạn việc xuất khẩu các công nghệ quốc phòng và các công nghệ lưỡng dụng, tương tự như với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ giải thích: « Việc Đảng Cộng Sản Trung Quốc phủ nhận các quyền tự do của Hồng Kông bắt buộc chính quyền Donald Trump phải xem xét lại chính sách đối với vùng lãnh thổ này ». Ông Pompeo cho biết chính quyền Mỹ đang xem xét các biện pháp khác.
Hồi tháng trước, tổng thống Mỹ đã đưa ra cảnh báo rút Quy chế đặc biệt của Hồng Kông, nếu chính quyền Trung Quốc ra luật an ninh quốc gia, can thiệp trực tiếp vào đặc khu, từ bỏ nguyên tắc « Một quốc gia, hai chế độ », quay lưng lại với các cam kết quốc tế của Bắc Kinh về Hồng Kông.
Phản ứng lại quyết định của Mỹ, hôm nay, 30/06, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) khẳng định « Hoa Kỳ sẽ không bao giờ có thể cản trở được Trung Quốc thúc đẩy việc cải thiện nền lập pháp Hồng Kông về phương diện an ninh quốc gia ». Bắc Kinh cũng đe dọa sẽ có cách trả đũa.
Trả lời Reuters, cựu tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Hồng Kông, ông Kurt Tong cho biết hiện tại quyết định trừng phạt nói trên không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ thương mại của Mỹ với Hồng Kông, bởi kinh tế Hồng Kông về cơ bản là một nền kinh tế dựa vào dịch vụ hơn là sản xuất.
Theo giới chuyên gia, việc tước bỏ hoàn toàn Quy chế đặc biệt với Hồng Kông là một quyết định rất khó khăn, bởi cũng sẽ mang lại các tổn thất lớn cho chính nước Mỹ. Hiện tại, khoảng 1.300 công ty Hoa Kỳ hoạt động tại Hồng Kông, trong đó có nhiều tập đoàn tài chính lớn, và 85.000 công dân Mỹ sinh sống tại đặc khu hành chính này.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten