woensdag 10 juli 2019

Việt Nam sắp có thêm hãng hàng không Vinpearl Air và trường đào tạo phi công

Việt Nam sắp có thêm hãng hàng không và trường đào tạo phi công


Thị trường hàng không Việt Nam sắp có sự tham gia của hãng hàng không mới. (Hình: Q.D./Người Việt)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tập Đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng không chỉ gây bất ngờ với việc thành lập Hãng Hàng Không Vinpearl Air mà còn tham vọng mở trường đào tạo phi công.
Hôm 9 Tháng Bảy, 2019, báo Người Lao Động dẫn tin từ Cổng Thông Tin Quốc Gia Về Đăng Ký Doanh Nghiệp, thuộc Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, cho hay Công Ty Cổ Phần Hàng Không Vinpearl Air được thành lập từ 22 Tháng Tư, 2019, có trụ sở chính tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Vinpearl Air có ba cổ đông sáng lập gồm Công Ty Cổ Phần Phát Triển Du Lịch VinAsia góp vốn 45%; ông Hoàng Quốc Thủy góp vốn 30% và ông Phạm Khắc Phương góp vốn 25%, với tổng vốn điều lệ 1,300 tỷ đồng (hơn $55.9 triệu).
Theo báo Zing, “Vinpearl Air được đăng ký hoạt động dưới dạng công ty cổ phần và người đại diện có tên Nguyễn Thanh Hương, sinh năm 1972. Theo hồ sơ mới nhất, bà Hương giữ vị trí chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty trong khi trước đó bà nắm giữ vị trí tổng giám đốc.”
“Bà Nguyễn Thanh Hương đồng thời đang là đại diện pháp luật của Công Ty Cổ Phần Nhất Nam và Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Nhất Nam. Đây là doanh nghiệp sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart và chuỗi bán lẻ điện thoại Viễn Thông A, được Vingroup mua lại cuối năm 2018,” cũng theo Zing.
Cũng theo báo Người Lao Động, tối 9 Tháng Bảy, để chuẩn bị hành trình “cất cánh” của Vinpearl Air, đại diện Tập Đoàn Vingroup vừa ký kết với Tập Đoàn CAE (Canada) thỏa thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm “cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới.”
Vừa lập hãng bay, Vingroup tuyên bố mở trường đào tạo phi công. (Hình: Zing)
Dự trù, mỗi năm sẽ có 400 phi công và thợ máy “đạt tiêu chuẩn quốc tế” của CAAV (Cục Hàng Không Việt Nam), FAA (Cục Hàng Không Liên Bang Mỹ) và IASA (Ủy Ban An Toàn Hàng Không Châu Âu) được cung ứng ra thị trường để góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực phi công và kỹ thuật bay.
Theo Vingroup, đơn vị này cũng đã ký hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy thành lập Trường Đào Tạo Nhân Lực Kỹ Thuật Cao Ngành Hàng Không (VinAviation School) và Trung Tâm Huấn Luyện Bay Vinpearl Air (VPA Training Centre) tại Việt Nam.
Báo Zing trích lời ông Nguyễn Việt Quang, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập Đoàn Vingroup, cho biết: “Tình trạng khan hiếm phi công và kỹ thuật bay đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới. Vì thế, Vingroup đặt mục tiêu góp phần giải quyết được bài toán khan hiếm phi công trong nước, đồng thời tiến tới xuất cảng phi công ra thế giới, nhằm tham gia phát triển các nguồn lực quốc gia, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ và đóng góp ngoại tệ cho đất nước.”
Hiện ở Việt Nam đang có năm hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, Vasco và mới nhất là Bamboo Airways.
Trước đó, cũng có hai doanh nghiệp đang muốn tham gia cuộc đua hàng không là Thiên Minh Group và Vietravel. Trong khi Vietravel lập hãng hàng không, muốn tập trung bán chuyến phục vụ lữ hành thì Thiên Minh Group muốn tham gia vào thị trường hàng không chung sau khi thất bại trong việc thành lập liên doanh với AirAsia.(Tr.N)
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/viet-nam-sap-co-them-hang-hang-khong-va-truong-dao-tao-phi-cong/

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Geen opmerkingen:

Een reactie posten