donderdag 18 juli 2019

Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình chế tạo máy bay tàng hình F-35 vì mua Tên lửa S-400 của Nga


Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35

mediaMột chiến đấu cơ Lockheed Martin F-35 tại triển lãm hàng không ở Berlin, Đức, ngày 25/04/2018.REUTERS/Axel Schmidt/File Photo
Sau nhiều lần đe dọa, ngày 17/07/2019, Nhà Trắng chính thức thông báo đình chỉ mọi hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến các hợp đồng mua bán và sản xuất chiến đấu cơ tối tân của Mỹ F-35, vì lý do Ankara mua tên lửa của Nga. Washington lo ngại tình báo Nga đánh cắp thông tin về công nghệ vũ khí tối tân của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, bộ Quốc Phòng Mỹ gia hạn cho Thổ Nhĩ Kỳ đến ngày 31/07/2019 để từ bỏ hợp đồng mua tên lửa S-400 của Nga. Vấn đề đặt ra là từ một tuần qua, Ankara đã bắt đầu nhận được những lô hàng đầu tiên từ Matxcơva chở qua.
Thông tín viên đài RFI từ Istanbul, Anne Andlauer, cho biết thêm về thất vọng và những thiệt hại đối với kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trên hồ sơ này.
"Việc bị loại ra khỏi chương trình chế tạo máy bay tàng hình F-35 là một vố đau đối với Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù đây là điều đã được dự báo trước. Ankara đặt mua 100 chiếc F-35, nhiều công ty Thổ Nhĩ Kỳ đang sản xuất phụ tùng loại máy bay này. Bộ Ngoại Giao lên án một quyết định "đơn phương", "bất công" và "không tôn trọng tinh thần của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương". Ankara kêu gọi Washington "chuẩn bị đối phó với hậu quả từ sai lầm này, bởi quyết định đó sẽ làm xấu đi quan hệ chiến lược giữa hai nước".
Một cách cụ thể, việc Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển F-35 khiến các phi công Thổ Nhĩ Kỳ đang được đào tạo tại Hoa Kỳ sẽ bị trục xuất. Hoa Kỳ hủy kế hoạch giao bốn chiếc F-35 mà Ankara đã mua và có thể là hủy luôn cả hợp đồng gia công đã ký kết với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ. Một số người lao động tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị mất việc, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt hại.
Ankara đã đầu tư hơn một tỷ đô la cho dự án hợp tác này. Theo một số dự phóng, Thổ Nhĩ Kỳ đang hy vọng thu về một khoản tiền cao gấp chín lần so với vốn bỏ ra. Từ đầu tháng, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã coi việc Mỹ hủy hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ không hơn không kém là một vụ "lừa đảo" và ông đã dự trù kiện Washington ra trước một tòa án trọng tài quốc tế".
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190718-my-loai-tho-nhi-ky-khoi-chuong-trinh-phat-trien-chien-dau-co-f-35

Tên lửa S-400 của Nga : Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết thách thức Hoa Kỳ

mediaHệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất được triển khai tại thị trấn Gvardeysk, gần Kaliningrad, Nga, ngày 11/03/2019.REUTERS/Vitaly Nevar
Những chiếc tên lửa phòng không S-400 đầu tiên đã rời lãnh thổ Nga hôm qua (07/07/2019) và đến Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này, bất chấp các đe dọa của Hoa Kỳ ngưng cung cấp chiến đấu cơ tàng hình F-35. Theo giới quan sát, trong hồ sơ này, Washington khó có thể gây áp lực với Ankara.
Quả thật Hoa Kỳ lo ngại với thương vụ mua bán vũ khí này, kể từ giờ Nga có thể tiếp cận được các bí mật công nghệ máy bay tàng hình của Mỹ và như vậy có thể làm phương hại đến khả năng phòng thủ của Mỹ cũng như của các thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO.
Hoa Kỳ nhiều lần lên tiếng cảnh báo và đe dọa gạt Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình chế tạo F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế. Thế nhưng, những lời dọa dẫm đó đã không làm cho tổng thống Recep Tayyip Erdogan chùn bước.
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ lại có thể ngang nhiên đối đầu với Mỹ trong hồ sơ này, trong khi Ankara lại là đồng minh của Mỹ và là thành viên của khối NATO ? Giới quan sát đưa ra nhiều lý do.
Thứ nhất, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dường như tin rằng nguyên thủ Mỹ, Donald Trump, hiện đang leo thang chống Iran, sẽ không dám mở mặt trận thứ hai chống Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh thiết yếu của NATO tại vùng Cận Đông.
Thứ hai, khi tổng thống Recep Tayyip Erdogan lớn tiếng cho rằng việc ngưng cung cấp F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ chẳng khác gì một hành động « ăn cắp », bởi vì, trên thực tế, Ankara đã chi trả 1,4 tỷ đô la để mua 116 chiếc chiến đấu cơ này. Với con số này, Thổ Nhĩ Kỳ là khách hàng lớn thứ ba của Mỹ, sau Nhật Bản và Anh Quốc.
Thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ còn là một nhà cung cấp quan trọng trong chương trình chế tạo F-35. Ước tính có đến 936 loại linh kiện được chế tạo tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong trường hợp Mỹ ban hành lệnh cấm vận, Lockheed Martin sẽ phải khó khăn tìm các nhà cung cấp khác và như vậy có thể làm chậm mất một năm các dự án giao hàng.
Cuối cùng, một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng và có tính chất thiết yếu cho an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, chính là « bước ngoặt Syria ». Cuộc chiến tại đây đã cho thấy rõ hiệu quả hiển nhiên của hệ thống phòng không Nga. Sự sống còn của chế độ Bachar Al Assad cũng nhờ một phần lớn vào hệ thống tên lửa địa đối không này, răn đe những chiếc tiêm kích nào có ý định bay vào không phận Syria.
Tên lửa Nga hiệu quả, giá thành rẻ hơn hai lần so với tên lửa Patriot của Mỹ và nhất là được bán mà không cần những ràng buộc sử dụng rõ ràng là những lợi thế không thể bỏ qua. Không chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, hơn một chục nước khác, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ cũng muốn sở hữu loại tên lửa S-400 này.
Trong bối cảnh này, Hoa Kỳ ra tối hậu thư đến hết ngày 31/07 để Ankara xem lại dự án. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết đi đến cùng, Washington đành phải đình chỉ các chương trình huấn luyện phi công và nhân viên kỹ thuật cho F-35. Liệu lời dọa dẫm này có làm cho Ankara lung lay hay không ? Hạ hồi phân giải, chỉ biết rằng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ hợp tác với Nga sản xuất loại tên lửa đời mới nhất S-500.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190708-ten-lua-s-400-cua-nga-tho-nhi-ky-kien-quyet-thach-thuc-hoa-ky

Cùng chủ đề
Cùng chủ đề

Geen opmerkingen:

Een reactie posten