Biển Đông : Mỹ tố cáo Bắc Kinh khiêu khích, yêu cầu chấm dứt quấy nhiễu
Một tàu hải cảnh Trung Quốc gần một tàu của cảnh sát biển Việt Nam trên Biển Đông ngày 14/05/2014.REUTERS/Nguyen Minh/Files
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm nay 20/07/2019 bày tỏ quan ngại về « những hành động khiêu khích liên tục » của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí của các nước láng giềng ở Biển Đông, đặc biệt là tại vùng biển được Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Trong thông cáo hôm nay được AFP và Reuters trích dẫn, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Morgan Ortagus nhận định : « Những vụ khiêu khíchlặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm ngăn trở việc triển khai các hoạt động dầu khí ngoài khơi các nước khác đang đe dọa an toàn năng lượng của khu vực ».
Bản thông cáo nhắc nhở, như ngoại trưởng Mike Pompeo đã « lưu ý » hồi đầu năm, « Trung Quốc với các biện pháp cưỡng bức đã ngăn chận các nước thành viên ASEAN tiếp cận nguồn năng lượng trị giá trên 2.500 tỉ đô la ».
Cụ thể hơn, bà Ortagus tố cáo Bắc Kinh « sử dụng lực lượng dân quân biển để gây áp lực và đe dọa các quốc gia khác ». Hoa Kỳ « kiên quyết phản đối việc cưỡng bức và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ ». Washington cũng yêu cầu Bắc Kinh « chấm dứt việc quấy nhiễu này ».
Hôm qua Việt Nam tố cáo một tàu khảo sát của Trung Quốc mang tên Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 cùng với các tàu hộ tống đã xâm nhập bất hợp pháp vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và trong suốt nhiều ngày đã tiến hành khoan thăm dò ở bãi Tư Chính gần quần đảo Trường Sa. Tàu tuần duyên Trung Quốc còn hung hăng đe dọa các tàu Việt Nam bảo vệ giàn khoan do Rosneft khai thác ở lô dầu 06.1.
Trước đó vài ngày, Trung Quốc tuy không xác nhận vụ xâm nhập, khẳng định vùng biển thuộc « chủ quyền » của mình – mặc dù yêu sách « đường lưỡi bò » cách đây đúng ba năm (ngày 12/07/2016) đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye bác bỏ vì không có cơ sở pháp lý.
Trên Twitter hôm nay, giáo sư về Luật Biển quốc tế James Kraska của trường Hải Chiến Hoa Kỳ bình luận về sự kiện ở bãi Tư Chính : « Vi phạm trắng trợn UNCLOS ! Việt Nam nên kiện Trung Quốc theo phụ lục VII của Công ước, sẽ thắng ».
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190720-bien-dong-my-to-cao-bac-kinh-khieu-khich-yeu-cau-cham-dut-quay-nhieu
Biển Đông : Mỹ tố cáo yêu sách chủ quyền "phi pháp" của Trung Quốc
A Vietnamese sinking boat (L) which was rammed and then sunk by Chinese vessels near disputed Paracels Islands, is seen near a Marine Guard ship (R) at Ly Son island of Vietnam's central Quang Ngai province May 29, 2014.REUTERS/Stringer
Chính quyền của tổng thống Donald Trump đã có một cách đặc biệt để đánh dấu sự kiện Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết Biển Đông bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ vùng biển này.
Hôm qua, 11/07/2019, một hôm trước kỷ niệm ba năm ngày Tòa La Haye ra phán quyết, bộ Ngoại Giao Mỹ đã có tuyên bố lên án Trung Quốc phản bội lời hứa không quân sự hóa Biển Đông mà chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra năm 2015. Mỹ đồng thời tái khẳng định việc Washington cực lực phản đối các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền « bất hợp pháp » ở Biển Đông.
Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, bà Morgan Ortagus, « việc Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn tại vùng đang tranh chấp ở Biển Đông đã phản bội cam kết năm 2015 của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là không tiến hành những hoạt động đó ».
Trong một cuộc hợp báo, bà Ortagus nhắc lại rằng đó là những hành vi « khiêu khích, phức tạp hóa việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, đe dọa an ninh của các quốc gia khác và làm suy yếu sự ổn định khu vực ».
Việc Mỹ tiếp tục gọi những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là « phi pháp » đã có cơ sở pháp lý là phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, phủ nhận « đường chín đoạn » mà Trung Quốc vẽ ra để tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông.
Trong phát biểu hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ nhắc lại rằng Hoa Kỳ kêu gọi tất cả các bên tranh chấp Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, dựa trên luật pháp, chứ không phải bằng vũ lực.
Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN bàn về Biển Đông
Vấn đề Biển Đông cũng được các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN thảo luận trong hội nghị thường niên vào hôm qua 11/07/2019 tại Bangkok (Thái Lan).
Theo hãng tin Nhật Kyodo, tuyên bố chung kết thúc hội nghị hoan nghênh cuộc thao diễn hải quân đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc được tiến hành vào năm ngoái, cũng như cuộc tập trận giữa Hải Quân ASEAN và Mỹ, dự trù vào cuối năm nay.
Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon, người chủ trì cuộc họp, cho biết trong một cuộc họp báo rằng các bộ trưởng đã nhắc lại tầm quan trọng của việc sớm kết thúc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu quả theo thời hạn được các bên thống nhất.
Các bộ trưởng cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tìm kiếm một giải pháp tranh chấp hòa bình đúng theo luật pháp quốc tế và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190712-bien-dong-my-to-cao-yeu-sach-chu-quyen-phi-phap-cua-trung-quoc
Trung Quốc phản đối tuyên bố của Mỹ về vụ Tư Chính
Ảnh chụp các đảo Trường Sa từ trên không, ngày 21/04/2017.Ted ALJIBE / AFP
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, ngày 22/07/2019 chỉ trích Mỹ "vu khống" Trung Quốc qua việc Washington lên án Bắc Kinh cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông.
Họp báo sáng nay tại Bắc Kinh, ông Cảnh Sảng chỉ trích Mỹ "thóa mạ" Trung Quốc về sự cố tại bãi Tư Chính. Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, việc chỉ trích Bắc Kinh ngăn cản các quốc gia trong khu vực khai thác năng lượng tại Biển Đông là nhằm mục đích đổ thêm dầu vào lửa, trong lúc mà Trung Quốc Trung Quốc và các nước láng giềng đang "nỗ lực san bằng những bất đồng" về tranh chấp chủ quyền.
Ông Cảnh Sảng kêu gọi Washington ngưng đưa ra những tuyên bố "vô trách nhiệm" như trên và nên "tôn trọng những nỗ lực của Trung Quốc cùng các nước ASEAN giải quyết bất đồng bằng đối thoại, vì hòa bình và ổn định tại Biển Đông".
Hãng tin Anh, Reuters nhắc lại, hôm 20/07/2019 bộ Ngoại Giao Mỹ ra thông cáo bày tỏ quan ngại về những "hành động khiêu khích liên tục" của Bắc Kinh, đặc biệt là trong vùng biển mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền. Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc "ngưng các hành vi quấy nhiễu và đe dọa các quốc gia trong khu vực".
Ngoại trưởng Mike Pompeo đầu năm 2019 từng trực tiếp lên án Trung Quốc "cưỡng bức, ngăn chận các quốc gia thành viên ASEAN tiếp cận với các nguồn năng lượng trị giá hơn 2.500 tỷ đô la".
Hà Nội hôm 19/07/2019 cáo buộc một tàu khảo sát của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam khi tiến vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông. Tàu của Trung Quốc đã tiến hành thăm dò ở bãi Tư Chính, quần đảo Trường Sa. Tàu hải cảnh Trung Quốc còn đe dọa các tàu Việt Nam bảo vệ giàn khoan do tập đoàn Nga Rosneft khai thác ở lô dầu 06-1.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190722-trung-quoc-phan-doi-tuyen-bo-cua-my-ve-su-co-tai-bai-tu-chinh
Bãi Tư Chính: Tại sao Trung Quốc “đánh” Việt Nam vào lúc này?
Sơ đồ hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 (màu đỏ) sách nhiễu tàu Việt Nam ở bãi Tư Chính, thời gian từ 16/06-10/07/2019.AMTI(CSIS)
Năm năm sau cơn sốt 2014, khi việc Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương 981 vào cắm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam làm dấy lên cả một phong trào phản đối quyết liệt từ phía Việt Nam, từ tháng Sáu vừa qua, Bắc Kinh lại bất ngờ gây sự trở lại với Việt Nam, lần này bằng cách cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, được cả một đoàn tàu hải cảnh và tàu dân quân biển hộ tống, tiến vào khảo sát một khu vực rộng lớn nằm sâu bên trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, ngoài khơi bờ biển phía nam Việt Nam
Không những thế một chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc còn liên tục chạy đến khiêu khích và sách nhiễu công việc khai thác dầu khí của Việt Nam tại một vùng mỏ cũng ở trong vùng thềm lục địa mà Việt Nam đã khai thác từ lâu.
Câu hỏi mà nhiều nhà quan sát đặt ra là tại sao Trung Quốc lại gây sự với Việt Nam vào lúc này, tức là lúc mà quan hệ hai bên đang bình thường hóa trở lại. Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, chuyên gia Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Học Viện Quốc Phòng Úc thuộc trường Đại Học New South Wales, cho rằng tùy theo cấp thẩm quyền tại Trung Quốc đã ra lệnh tấn công Việt Nam, nguyên do có thể khác nhau.
Việc cho triển khai tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 xuống Biển Đông, theo giáo sư Thayer, có thể là quyết định của cấp điều hành công việc thường nhật, xuất phát từ lý do thương mại. Năm 2012, tập đoàn Dầu Khí Hải Dương Quốc Gia Trung Quốc (CNOOC) đã quy định một số lô khai thác dầu khí nằm bên trong đường chín đoạn của Trung Quốc, chồng chéo với các lô dầu khí của Việt Nam trong khu vực. Cho đến nay, không có công ty dầu khí nước ngoài nào đáp ứng lời gọi thầu của CNOOC.
Tưởng lầm rằng Việt Nam sẽ tiếp tục lùi như trong vụ Repsol
Vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, Việt Nam đã lùi bước trước sức ép của Trung Quốc và đình chỉ hoạt động thăm dò dầu khí tại hai lô trong khu vực Bãi Tư Chính. Theo giáo sư Thayer, rất có thể là các quan chức dầu khí Trung Quốc đã kết luận rằng họ có thể yên tâm tận dụng tình trạng này. Chỉ có hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tàu khảo sát, trái ngược với tám mươi chiếc hoặc nhiều hơn nữa tháp tùng giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển tranh chấp vào năm 2014…
Tổ chức Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI cho rằng Trung Quốc tìm cách “trừng phạt” Việt Nam vì đã bật đèn xanh cho chi nhánh tại Việt Nam của tập đoàn Nga Rosneft tiếp tục thăm dò tại lô 06.1. Tuy nhiên, theo giáo sư Thayer, cho đến giờ, giả thuyết này vẫn chỉ là suy đoán, vì chưa được bằng chứng công khai nào xác nhận.
Hành động của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính cũng có thể là kết quả của một tính toán chiến lược ở cấp cao. Theo giáo sư Thayer, trong trường hợp này, có thể cho rằng “Trung Quốc đang tìm cách chống lại thái độ quyết đoán mới của Mỹ bằng cách gây áp lực lên các quốc gia trong khu vực để Hoa Kỳ hụt chân".
Lý do chiến lược : Ép Việt Nam để phá Mỹ
Thái độ quyết đoán mới của Hoa Kỳ được thể hiện qua việc tăng cường các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải, tăng cường sự hiện diện và các chuyến tuần tra của oanh tạc cơ, của tàu hải quân, và bán vũ khí cho Đài Loan. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã xác nhận rằng Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương năm 1951 với Philippines bao gồm Biển Đông trong phạm vi áp dụng, trong lúc một đô đốc Mỹ cao cấp tuyên bố rằng một cuộc tấn công của dân quân biển Trung Quốc sẽ được coi là một cuộc tấn công bằng lực lượng Hải Quân.
Kể từ khi công bố Chiến Lược Ấn Độ-Thái Bình Dương vào giữa năm nay, Hoa Kỳ đã ưu tiên nhiều hơn cho việc tranh thủ Việt Nam làm đối tác an ninh. Một số nguồn tin quân sự và ngoại giao đã cho biết riêng là Hoa Kỳ đã đề nghị với Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương từ hàng đối tác toàn diện lên hàng đối tác chiến lược và Việt Nam đã đồng ý cho hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Việt Nam hàng năm.
Nhìn dưới góc độ chiến lược, thì có vẻ như là Trung Quốc đang sử dụng áp lực ở mức độ thấp đối với Việt Nam để phá hoại những nỗ lực của Hoa Kỳ muốn hình thành mạng lưới các đồng minh và đối tác chiến lược trong khu vực để đối phó với Trung Quốc.
Dụng tâm chiến lược kể trên được thấy trong phản ứng gay gắt của Bắc Kinh vào hôm nay, 22/07, sau khi bị Washington công khai vạch mặt chỉ tên về hành vi« bức hiếp » các láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, trên vấn đề khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên án Mỹ vu khống Trung Quốc, đồng thời nhắc lại lập luận cố hữu của Bắc Kinh là Hoa Kỳ và « nhiều thế lực bên ngoài » khác cố tình khuấy động tình hình Biển Đông, phá hoại các « cố gắng của Trung Quốc và các nước ASEAN đang giải quyết bất đồng bằng đối thoại » để duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190722-bai-tu-chinh-tai-sao-trung-quoc-“danh”-viet-nam-vao-luc-nay
Trung Quốc đưa chiến đấu cơ Su-35 đến diễn tập trên Biển Đông
Chiến đấu cơ Sukhoi Su-35 của Nga bay biểu diễn ở triển lãm hàng không MAKS 2017, ở Zhukovsky, ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 21/07/2017. Ảnh minh họa.REUTERS/Sergei Karpukhin
Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích tạp chí PLA Pictorial của quân đội Trung Quốc hôm 22/07/2019 loan tin lữ đoàn không quân thuộc Quân khu phía Nam vừa tham gia cuộc diễn tập trên Biển Đông, nhằm thử nghiệm khả năng tác chiến trên biển của các chiến đấu cơ Su-35 do Nga sản xuất.
Theo PLA Pictorial, một phi đội gồm 3 chiếc Su-35 đã luyện tập tấn công vào một mục tiêu trên biển, phối hợp tác chiến và hoạt động về đêm.
Su-35 là chiến đấu cơ được cải tiến từ Su-27 được sử dụng từ thời Liên Xô vào năm 1985. Theo South China Morning Post, Trung Quốc hiện có 24 chiến đấu cơ Su-35, toàn bộ thuộc lữ đoàn đóng tại tỉnh Quảng Đông, nơi đặt bộ tư lệnh Quân khu Phía Nam phụ trách các chiến dịch tại Biển Đông. Su-35 được coi là một trong những vũ khí chủ lực của Nga. Trung Quốc là khách hàng nước ngoài đầu tiên đặt mua loại chiến đấu cơ này, cụ thể là mua 24 chiếc Su-35 từ năm 2015 với giá 2,5 tỷ đôla.
Thông tin về cuộc diễn tập của chiến đấu cơ Su-35 được đưa ra vào lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng thêm do việc tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, được nhiều tàu hải cảnh của Trung Quốc hộ tống, vào đầu tháng 7 đã đi vào khu vực Bãi Tư Chính, Trường Sa.
Việt Nam đã lên án Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Theo tuyên bố của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng ngày 19/07/2019, đây là vùng biển « hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên ». Hà Nội đã yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ các tàu nói trên khỏi vùng biển Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/07 cũng đã ra thông cáo bày tỏ quan ngại trước hành vi can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong khu vực, bao gồm các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam. Nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ tuyên bố của Mỹ, xem đây là những lời « vu khống » Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190723-trung-quoc-dua-chien-dau-co-su-35-den-dien-tap-tren-bien-dong
Cùng chủ đề
Cùng chủ đề
Geen opmerkingen:
Een reactie posten