dinsdag 9 juli 2019

Trung Quốc, châu Âu và tham vọng lên Mặt Trăng định cư + Người Âu lên vũ trụ cũng phải học tiếng Trung

TQ, châu Âu và tham vọng lên Mặt Trăng định cư

  • 19 tháng 2 2019

Getty Images Bản quyền hình ảnhGetty Images

Năm 1975, ba năm sau chuyến cuối cùng đáp xuống Mặt Trăng của Apollo, chương trình truyền hình Space: 1999 lần đầu tiên được phát sóng ở nước Anh.
Nó bắt đầu với vụ nổ hạt nhân làm rung chuyển Mặt Trăng, và một cụm dân cư quốc tế gồm hơn 300 người trên Mặt Trăng rời khỏi quỹ đạo Mặt Trăng, bắt đầu một hành trình không rõ vào vũ trụ.
Loạt chương trình truyền hình này gây ấn tượng mạnh lên cậu thiếu niên Elon Musk hồi đó.
Phẫu thuật trên vũ trụ thế nào?
Khám phá vũ trụ bằng tàu ngầm
Những thứ kỳ quặc con người vứt lại Mặt Trăng
Khi nhà sáng lập ra SpaceX hồi 8/2017 tiết lộ các kế hoạch tạo ra một cụm dân cư sinh sống trên Mặt Trăng, ông đã gọi đó là Moonbase Alpha (Căn cứ Alpha trên Mặt Trăng) dựa theo những gì được nêu trong Space: 1999. "Show truyền hình đó thật sến," Musk viết trên Twitter, "nhưng mà tôi thích."
SpaceX không phải là chương trình duy nhất muốn đưa con người trở lại Mặt Trăng.
Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc (China National Space Administration - CNSA) đã tuyên bố về những giai đoạn tới của các sứ mệnh khám phá Mặt Trăng, Hằng Nga, diễn ra thành công - ngay sau khi Hằng Nga 4 trở thành phi thuyền đầu tiên đáp xuống được phần tối ở phía xa của Mặt Trăng.
Hằng Nga 5 và 6 sẽ thử nghiệm các sứ mệnh trở về trong lúc Hằng Nga 7 sẽ khảo sát Nam Cực của Mặt Trăng, nơi được đặc biệt quan tâm về khả năng có thể sinh sống của con người, bởi nơi đó có nước đá.
"Chúng tôi hy vọng rằng Hằng Nga 8 sẽ giúp thử nghiệm một số công nghệ và thực hiện một số cuộc thám hiểm," phó giám đốc CNSA Ngô Yên Hoa nói hồi tháng Giêng, "để xây dựng một căn cứ chung trên Mặt Trăng cho nhiều quốc gia sử dụng."
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có tham vọng này. Trên toàn cầu, 50 năm sau những cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng, tính khả thi của việc có một căn cứ trên Mặt Trăng đang dần được hình thành.
Điều trớ trêu là trong lúc chỉ duy nhất có Hoa Kỳ từng lưu lại dấu vết con người trên Mặt Trăng, nhưng nay nước này đang ở vị trí phải đuổi bám.
Những tác phẩm nghệ thuật trôi trong vũ trụ
Nga lên Mặt Trăng trước người Mỹ?
Khi nào nhân loại chuyển lên Mặt Trăng?
Mỹ cho tới tận 8/2018 đã không tiết lộ các kế hoạch có một căn cứ dài hạn trên Mặt Trăng. Mục tiêu căn bản của Nasa cho tới khi đó vẫn là sao Hoả.

Làng Mặt Trăng

Cơ quan Không gian châu Âu (Esa) đã đi trước một bước.
Esa công bố các kế hoạch về một căn cứ dài hạn trên Mặt Trăng vào năm 2016.
Đi tiên phong là tân tổng giám đốc Esa, Jan Woerner, người có viễn kiến về một 'làng Mặt Trăng' gồm những cư dân đa dạng - từ các khoa học gia cho tới các nghệ sỹ - và gồm cả các tổ chức công lẫn các hãng tư nhân.
Điều này có thể sẽ phục vụ cho công tác nghiên cứu vũ trụ, du lịch hoặc cho khả năng khai thác các loại khoáng chất mà Trái Đất khan hiếm.
Ariel Ekblaw, nhà sáng lập của Sáng kiến Thám hiểm Không gian thuộc Phòng thí nghiệm MIT Media Lab, cũng muốn "dân chủ hoá vũ trụ". Vì mục tiêu này, Ekblaw đã quy tụ các nhóm nghiên cứu khác nhau, từ giới chuyên về robot và sinh học thần kinh tổng hợp cho tới những người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, nghệ thuật, không gian và thiết kế.

Getty Images Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Bất kỳ khu định cư cố định nào trên Mặt Trăng cũng sẽ phải được xây dựng ngầm dưới bề mặt để tránh được phóng xạ độc hại từ vũ trụ
Không phải ai cũng từng nghĩ theo cách này, nhưng cố vấn khoa học của Esa là Aidan Cowley thì hoan nghênh ý tưởng của Woerner, bởi ông là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về công nghệ trên Mặt Trăng tại Trung tâm Vũ trụ châu Âu của Esa tại Cologne, Đức.
"Ban đầu, mọi người nhìn tôi như thể tôi có hai cái đầu vậy," Cowley cười lớn, "cho nên với tôi thì tôi rất hài lòng khi thấy có sự gia tăng mối quan tâm với vấn đề này trên Mặt Trăng. Jan đã dự đoán được tương lai."
Không giống như Nasa, vốn có chính sách không hợp tác với Trung Quốc trong các chuyến bay vào không gian, Esa phối hợp với CNSA.
Người Âu lên vũ trụ cũng phải học tiếng Trung
48 giờ bất hạnh thử làm phi hành gia
Người ngoài hành tinh nào đang đợi chúng ta?
"Năm ngoái các phi hành gia của chúng tôi là Matthais Maurer và Samanthan Cristoforretti đã tham gia cùng các đồng nghiệp Trung Quốc trong hoạt động thực tập cứu hộ và sinh tồn trên biển," Cowley nói.
Nasa muốn đưa các phi hành gia đáp xuống bề mặt Mặt Trăng vào năm 2030 và đang có kế hoạch tạo một trạm bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng, gọi là Gateway.
Các công ty tư nhân cũng đang hướng tới Mặt Trăng. Chẳng hạn như Blue Origin đang hợp tác với OHB và MT Aerospace trong việc đưa chuyến tàu vận tải Blue Moon của mình đáp xuống Mặt Trăng.
Nhưng bất kể tổ chức nào tới đích đầu tiên thì vấn đề được ưu tiên hàng đầu sẽ là khả năng sinh tồn.
Thời gian dài nhất mà con người từng sống trên Mặt Trăng cho đến nay mới chỉ là ba ngày. Để ở lại với thời gian dài hơn thì Mặt Trăng không phải là địa điểm thuận lợi cho lắm.

Đích đến là Mặt Trăng

Mặt Trăng có nhiệt độ từ -127 đến -173 độ C. Ở đây còn có phóng xạ và lực hấp dẫn thấp, chỉ bằng một phần sáu của Trái Đất.
Một ngày trên Mặt Trăng bằng khoảng 29 ngày trên Trái Đất, nghĩa là hai tuần sáng rồi tới hai tuần tối, một vấn đề cho pin mặt trời. Do đó, bất kỳ công nghệ mới nào cho tiền đồn trên Mặt Trăng cũng sẽ phải được tính toán cho phù hợp với các điều kiện đó.
Nhằm nỗ lực hướng tới mục tiêu này, một số tổ chức, trong đó có Blue Origin, Airbus Defense and Space, và Esa, gần đây đã hỗ trợ thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên là The Moon Race (Cuộc đua tới Mặt Trăng).
Cuộc thi toàn cầu này nhằm khuyến khích các công ty phát triển công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất, tạo năng lượng, các nguồn lực (như dùng nước có sẵn trên Mặt Trăng) và sinh học (duy trì bền vững nhà kính đầu tiên trên Mặt Trăng). Cuộc thi sẽ chính thức bắt đầu vào 10/2019, tại Hội nghị Vũ trụ Quốc tế.
"Chúng tôi sẽ ra cẩm nang và các quy định trong tháng tới," kỹ sư không gian của Airbus đóng tại Đức, đồng thời là đồng sáng lập Moon Race, Pierre-Alexis Joumel, nói. "Cuộc thi sẽ kéo dài trong năm năm bởi tham vọng của The Moon Race là đưa ý tưởng của đội xuất sắc nhất lên Mặt Trăng."
Các nguyên mẫu công nghệ được lựa chọn để thử nghiệm trong các điều kiện trên Mặt Trăng sẽ được đem theo trong một sứ mệnh lên Mặt Trăng.
"Các sứ mệnh mà chúng tôi đang nhắm tới hầu hết là của các cơ quan nghiên cứu không gian. Một sứ mệnh đang được lên kế hoạch thực hiện vào năm 2024-2025."

Xây một ngôi nhà

Bất chấp nghệ thuật tưởng tượng đầy lý thuyết về những căn cứ ban đầu trên Mặt Trăng, thực tế diễn ra sẽ ở mức căn bản hơn nhiều. Và xám xịt.
Việc đi lên Mặt Trăng là chuyện tốn kém. Càng chở theo nặng, chuyến đi sẽ càng ngốn nhiều năng lượng và chi phí sẽ càng cao.
Việc xây dựng được một nơi để con người có thể sinh sống trên Mặt Trăng dựa vào những nguồn lực có sẵn trên đó là chuyện hợp lý.
Việc sử dụng các ống dung nham, những đường hầm được hình thành từ các vụ núi lửa phun trào trước kia trên Mặt Trăng làm nơi trú ngụ, có thể tới được nguồn nước đông đá nằm dưới bề mặt, là chuyện có thể được.
Nhưng kế hoạch trước mắt hơn là phải xây được một nơi sinh sống bằng cách dùng tầng phong hoá (tức lớp đất trên bề mặt) của Mặt Trăng - đây là phần cát xám basalt sẫm, rất mịn, tương tự như cát núi lửa trên Trái Đất.

Getty Images Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Lên được Mặt Trăng đã là một sứ mệnh khó khăn, làm thế nào để chúng ta xây dựng được một nơi trú ngụ trên đó?
Giáo sư Matthias Sperl từ Đại học Cologne làm việc với Cơ quan Không gian Đức, DLR, dùng bột núi lửa để làm các viên gạch. Thành phần giống như tầng phong hoá trên Mặt Trăng được giữ kết dính với nhau qua một tiến trình gọi là thiêu kết, theo đó ánh sáng mặt trời hoặc các tia laser hội tụ vào một điểm, khiến cho chúng kết dính vào nhau.
Ông dùng máy in 3D để tạo ra những viên gạch có hình dạng khác nhau nhằm tìm ra loại thích hợp nhất.
"Chúng tôi có thể xây dựng bằng cách để các vật liệu xây dựng cài khớp vào nhau dựa trên các công nghệ và hình dáng hiện thời," Sperl nói. "Chúng tôi không chơi trò xếp hình Lego mà là tạo ra các viên gạch có khả năng cài khớp vào nhau."
Những viên gạch này sẽ "xây dựng thứ gì đó như kiểu lều tuyết igloo, sau đó sẽ được gia cố để đủ mạnh, chịu được áp lực từ trên xuống."
Áp lực có thể là một lớp phủ bụi mịn dày khoảng 1 mét của tầng phong hoá chưa được kết dính chặt chẽ thành khối với nhau, nhằm tạo một lớp bảo vệ tự nhiên đối với phóng xạ; trên Mặt Trăng không có gió cho nên lớp bao phủ này sẽ không bị thổi bay đi.
"Bạn cần mang theo một kính lớn cỡ một mét vuông gì đó để thu ánh sáng mặt trời phục vụ việc thiêu kết và in 3D ra các sản phẩm từ bụi mặt trăng," Sperl nói. "Rồi bạn cần một phi hành gia hoặc nhiều khả năng hơn là một robot đưa các khối sản phẩm đó cài khớp vào nhau để tạo ra một khu định cư."
Tuy nhiên, việc xây dựng một cấu trúc như thế sẽ là một tiến trình chậm chạp. "Mất khoảng 5 giờ đồng hồ mới tạo ra được một viên gạch," Sperl nói, "và bạn cần 10 ngàn viên gạch để xây một cái lều igloo. Sẽ phải mất vài tháng."
Thời gian này có thể được rút ngắn nếu như có thêm nhiều kính hoạt động cùng lúc và việc xây dựng do robot đảm nhận, và đây là một kế hoạch khả thi. "Tầng phong hoá trên Mặt Trăng có thể xây dựng được những thứ vững chắc như xi-măng," Sperl nói. "Các công nghệ hiện nay chỉ đem tới cho bạn một phần năm sức mạnh đó, cỡ như độ bền của thạch cao thôi, cho nên cần có sự đầu tư thêm nữa để tìm hiểu về độ bền thích hợp nhất."
Giai đoạn tiếp theo là tăng kích cỡ. May mắn là việc xây dựng sẽ bắt đầu vào cuối năm nay, trên một cơ sở nghiên cứu của Esa nhằm giúp công tác chuẩn bị cho cả công nghệ và việc sinh sống trên Mặt Trăng.

Sinh tồn

Kể từ khi có bằng chứng cho thấy đã phát hiện được nước đông đá trên các đầu cực của Mặt Trăng, điều mà Nasa rốt cuộc đã xác nhận vào hồi tháng Tám năm ngoái, bất kỳ căn cứ nào trên Mặt Trăng, nếu được xây dựng thì sẽ đều nằm ở các địa điểm đầu cực này.
Không phải ngẫu nhiên mà xe tự hành Thỏ Ngọc của Hằng Nga 4 hiện đang thu thập thông tin về Lưu vực Aitken ở Nam Cực. Nước đá được tìm thấy trên bề mặt của phần tối vĩnh viễn này của Mặt Trăng.
Oxi có trong tầng phong hoá của Mặt Trăng cũng có thể được chiết xuất ra để con người hít thở. Nguồn tài nguyên có lẽ có sẵn nhất là khoáng chất ilmenit (FeTiO3), là chất mà khi kết hợp với hydro ở nhiệt độ khoảng 1.000 độ C sẽ tạo ra hơi nước, là thứ cần được tách ra để tạo thành hydro và oxi.

Getty Images Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Việc phi thuyền Hằng Nga 4 của Trung Quốc đáp xuống được ca ngợi là một kỷ nguyên mới của tiến trình khám phá Mặt Trăng
Để khởi đầu, các phi hành gia sẽ cần đem theo đồ ăn, nước uống. Hằng Nga 4 đã tạo nên sự phấn khích với việc cho nảy mầm và đâm chồi một hạt giống, thế nhưng việc sản xuất ra thực phẩm có tính bền vững trong vũ trụ không phải là ý tưởng mới mẻ.
Ý tưởng này đã được bắt đầu từ 1982, khi các phi hành gia Liên Xô trồng cải xoong tai chuột (Arabidopsis thaliana), một loại cây thuộc họ nhà cải, trên trạm không gian Salyut 7.
Năm 2010, Đại học Arizona đã phát triển một mẫu 'nhà kính trên Mặt Trăng' - một hệ thống thuỷ canh sử dụng ống dẫn được bọc màng nhầy 5,5m, các đèn natri được làm mát bằng nước, và các 'phong bì' giữ hạt giống, sử dụng khí carbon dioxide từ hơi thở của các phi hành gia, và dùng nước tiểu của họ để tưới. Các sợi dây cáp quang thì cung cấp ánh sáng mặt trời.

Năng lượng

Các công nghệ năng lượng mới sẽ là chìa khoá cho việc sinh sống trên Mặt Trăng. Các thanh năng lượng trên Trái Đất đòi hỏi phải có phản ứng hoá học giữa hydro và oxi (thường là từ không khí) để tạo ra điện, và cũng tạo ra sản phẩm phụ là nước. Trên Mặt Trăng thì không có khí quyển, nhưng mà có các nguyên liệu trên.
"Bạn có thể tách nước mà chúng ta có trên Mặt Trăng và trong đêm lại tái kết hợp các thành phần của nó để tạo ra điện," Cowley nói. Ông là người đang phát triển công nghệ mới này.
"Trong thời gian ban ngày thì có rất nhiều năng lượng mặt trời, có lẽ là thừa đủ để phân tách nước thành hydro và oxi, cho nên đây là một công cụ độc đáo mà chúng ta có thể dùng trên Mặt Trăng để duy trì một sứ mệnh có thời gian kéo dài."
Cũng có khả năng có chỗ tích trữ nhiệt lượng bằng cách dùng một tiến trình tương tự như các bơm nhiệt.
"Trên Mặt Trăng, chúng tôi không có các điều kiện thông thường như trên Trái Đất. Bởi vì không có gió cho nên nhiệt từ Mặt Trời chiếu đến sẽ ở lại trên tầng phong hoá," Cowley nói. "Chúng tôi có thể dùng một mắt kính hoặc một tấm gương để hội tụ ánh mặt trời vào nền đất và dùng nó làm nguồn nhiệt giữ ấm cho căn cứ của chúng ta hoặc để tạo ra điện năng."
Một khi những công nghệ này được hoàn thiện và được thử nghiệm để đảm bảo sẽ hoạt động ổn định trong điều kiện cụ thể ở Mặt Trăng, các phi hành gia sẽ có thể xây dựng một căn cứ tại đây. Và điều đó sẽ xảy ra sớm hơn là bạn tưởng.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Tin liên quan

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-47201556

Người Âu lên vũ trụ cũng phải học tiếng Trung

  • 29 tháng 7 2018
Getty Images Bản quyền hình ảnhGetty Images
Đó là điều Matthias Maurer không ngờ khi ông đăng ký khóa tập huấn sống sót trên biển với các phi hành gia Trung Quốc.
"Chương trình rất dễ chịu và thư giãn," phi hành gia từ Cơ quan Không gian Đức - Châu Âu (Esa) cho biết. "Tôi trôi dạt trên bè cứu sinh, nhìn ngắm bầu trời - chỉ cần có thêm âm nhạc tôi sẽ có cảm giác thực sự như đang đi nghỉ ở Hawaii."
Cách phát hiện tàu đánh cá bất hợp pháp
Vào hầm chống bom hạt nhân ở Albania
Vẫn tử hình nhưng sao cho nhân đạo
Bài huấn luyện được thực hiện năm ngoái tại một trung tâm huấn luyện mới xây gần thành phố biển Yên Đài, cách Bắc Kinh khoảng một giờ bay về hướng đông nam.
Trong hai tuần, Maurer và một đồng nghiệp phi hành gia ở Esa tên là Samantha Cristoforetti sống và làm việc bên cạnh những đồng sự người Trung Quốc.
"Chúng tôi tập huấn cùng nhau, sống trong cùng tòa nhà với các phi hành gia Trung Quốc, ăn cùng thức ăn và trải nghiệm đó khá nồng nhiệt," Maurer nói. "Cảm giác như thể chúng tôi là một thành viên trong gia đình - điều này hoàn toàn khác so với thời ở Houston, nơi tôi thuê một căn hộ và chỉ gặp đồng nghiệp trong khoảng hai hoặc ba giờ huấn luyện cùng nhau."
Trong khi các cơ quan hàng không khác thực hiện các bài tập xây dựng đội ngũ đặc biệt để giúp phi hành gia có thể làm việc cùng nhau, Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận căn bản hơn.
"Các phi hành gia Trung Quốc thậm chí còn đi nghỉ cùng nhau, họ biết về nhau rất sâu sắc như thể là anh chị em," Mauer kể lại. "Khi chúng tôi sống ở đó, chúng tôi cảm thấy được chào đón vào gia đình họ thật ấm áp."
Getty Images Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Trung Quốc đã công bố kế hoạch thám hiểm không gian đầy tham vọng, bao gồm cả nhiệm vụ đến phần tối của Mặt Trăng
Tàu vũ trụ Thần Châu của Trung Quốc lần đầu tiên đưa phi hành gia (người Trung Quốc gọi là Taikonaut) vào quỹ đạo năm 2003, là tàu được thiết kế cho phi hành đoàn ba người.
Tàu được thiết kế dựa trên công nghệ tàu không gian Soyuz của Nga và cực kỳ giống trạm này.
Nhưng tàu Soyuz đã chở phi hành gia trong 50 năm và được thiết kế quanh một hỏa tiễn lần đầu tiên được sử dụng vào thời kỳ đầu của ngành công nghiệp không gian. Tàu Thần Châu là sản phẩm của Thế kỷ 21.
"Tôi rất ngạc nhiên với kích cỡ," Maurer kể lại. "Nó có đường kính lớn hơn tàu con thoi Soyuz và cao hơn - họ đã có quan sát rất tốt với kỹ thuật từ Nga, họ học hỏi những phần tốt và xem xét những phần có thể cải tiến."
Ví dụ như nếu tàu vũ trụ đáp trên mặt biển, thiết kế của tàu Thần Châu khiến toàn bộ quá trình thay trang phục phi hành gia thành trang phục cứu hộ trước khi phi hành gia trèo khỏi khoang tàu đang rung lắc dễ dàng hơn nhiều.
"Không gian rất rộng rãi, chúng tôi thậm chí còn có cả xuồng cao su bằng hơi, thứ không có trên tàu Soyuz," ông cho biết. "Trong bài huấn luyện sống sót trên biển của Nga, bạn nhảy xuống nước, không có xuồng gì cả - trời rất lạnh và vất vả, vất vả hơn rất nhiều.
Anh Quốc: Bãi thử tên lửa bí mật hồi sinh
Sẽ ra sao nếu thế giới không còn súng đạn?
'Bảo tàng không gian bay trong quỹ đạo'
Maura chỉ vừa mới đủ tiêu chuẩn trở thành phi hành gia, nhưng đã từng làm việc tại Trung tâm Phi hành gia Châu Âu ở Cologne, Đức trong vai trò phát triển quan hệ với một chương trình không gian có người lái của Trung Quốc, là chương trình từng là bí mật từ năm 2012. Ông tham quan trung tâm huấn luyện tại Bắc Kinh một năm sau đó để quan sát cơ sở vật chất và các thiết bị mô phỏng. Và, đến năm 2016, một phi hành gia Trung Quốc tham gia vào một trong những đợt thám hiểm hang động thường xuyên của Esa.
Cùng với Cristoforetti và phi hành gia người Pháp Thomas Pesquet, Mauer đã học tiếng Quan Thoại. "Cũng khá tốt rồi nhưng tôi còn cần học thêm," ông thú thật. Ông cho tôi biết tên của ông trong tiếng Trung được phiên dịch thành "Thiên Mã".
Getty Images Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Chương trình đã đưa một số phi hành gia của trung tâm Esa tham gia huấn luyện thoát hiểm trên biển với những đồng sự người Trung Quốc
Hoa Kỳ sẽ không ủng hộ hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực không gian - thậm chí cả với Trạm Không gian Quốc tế ISS. Nhưng Eas đã mở ra khả năng này trong vấn đề đưa phi hành gia vào quỹ đạo và đi xa hơn nữa.
Nếu Trung Quốc giữ đúng tiến độ phóng trạm không gian toàn phần đầu tiên của họ vào năm 2023, và với nhiệm vụ phóng tàu robot của quốc gia này vào phần xa của Mặt Trăng cuối năm nay, quyết định của Esa khi vẫn duy trì quan hệ với người Mỹ và người Nga và cùng lúc hợp tác với cường quốc không gian mới nổi sẽ có vẻ là động thái khôn ngoan.
"Esa đã là một cơ quan hợp tác giữa 23 quốc gia thành viên, vì thế chúng tôi hiểu điều gì sẽ đưa các đối tác lại gần nhau hơn," Mauer cho biết. "Chúng tôi nói rất nhiều ngôn ngữ, chúng tôi có sự thấu hiểu liên văn hóa và chúng tôi là chất keo gắn bó chặt chẽ đưa Trung Quốc vào gia đình không gian quốc tế to lớn này."
Trung Quốc vừa ký một thỏa thuận với Văn phòng Liên hiệp quốc về Vấn đề Không gian để mở trạm không gian đầu tiên cho nghiên cứu quốc tế. Điều này có thể mở rộng ra tới mức đưa phi hành gia, theo cách tương tự mà chương trình Intercosmos của Liên bang Xô-viết vào thập niên 1970 và 1980, khi nhiều phi hành gia từ các quốc gia đồng minh như Mông Cổ, Cuba, Afghanistan và Syria bay vào trạm không gian vũ trụ của Nga.
"Ấn tượng của tôi là bất cứ quốc gia nào trên thế giới muốn đưa phi hành gia vào không gian có thể liên hệ với Trung Quốc qua Liên hiệp quốc và có khả năng sẽ bay vào không gian được," Maurer nói. "Không chỉ có người châu Âu, mà cả những quốc gia đang phát triển hiện thời chưa có chương trình cho phi hành gia."
Châu Âu đang dẫn đầu cuộc chơi, và trong những tháng tới, phi hành gia của Esa sẽ bắt đầu huấn luyện trong tàu không gian của Trung Quốc, hi vọng một trong số họ sẽ trở thành phi công phụ lái trong một nhiệm vụ tương lai.
Nasa Bản quyền hình ảnhNASA
Image caption Hoa Kỳ không cho phép phi hành gia người Trung Quốc lên trạm ISS
"Trên tàu Soyuz, ghế lái bên trái là ghế cho phi công phụ, và vì thế chúng tôi đến Trung Quốc và nói chúng tôi sẽ đàm phán mạnh tay để đảm bảo mình có được ghế bên trái," Maurer giải thích. "Và họ nói, 'ồ, okay, không có vấn đề gì'… và chúng tôi nghĩ thế thì quá dễ… cho đến khi chúng tôi nhận ra [trên tàu Thần Châu] ghế bên phải mới là ghế cho phi công phụ lái."
Maurer hi vọng sẽ có chuyến bay vào không gian đầu tiên lên trạm ISS vào năm 2020. Sau đó ông sẽ ở vị trí tốt để trở thành một trong những phi hành gia nước ngoài đầu tiên bay cùng với phi hành gia Trung Quốc lên trạm không gian của Trung Quốc vào khoảng năm 2023.
Một phần vì chính sách ngoại giao của chính phủ Hoa Kỳ đương thời, Nasa không có vẻ như sẽ sớm hợp tác cởi mở với chương trình không gian của Trung Quốc. Tuy nhiên, về lâu dài, khi cả Mỹ và Trung Quốc đều nghĩ đến việc quay lại Mặt Trăng và, trên hết, là nhiệm vụ đưa con người lên thám hiểm Sao Hỏa, câu hỏi là liệu các cường quốc không gian sẽ tiếp tục là địch thủ của nhau hay cuối cùng họ sẽ cần phải hợp tác với nhau.
"Khi ta nhìn xa hơn ngoài quỹ đạo Trái Đất tới Mặt Trăng hay Sao Hỏa, chúng ta cần phải có tất cả đối tác mình có thể tìm được trên hành tinh này vì nhiệm vụ càng lúc càng khó khăn hơn, đắt đỏ hơn và chúng ta cần công nghệ tốt nhất," Maurer nói. "Chúng tôi định sẽ đưa người Trung Quốc vào gia đình và đến trạm nghiên cứu mặt trăng trong tương lai - chúng ta càng có thêm nhiều thành viên trong gia đình, chúng ta sẽ càng trở nên tốt hơn."
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten