Tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông: Bước ngoặt của Trung Quốc ?
Hình ảnh vệ tinh được Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (CSIS) cho là Trung Quốc triển khai nhiều loại vũ khí mới trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Ảnh chụp ngày 12/05/2018.Courtesy CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe
Trung Quốc vừa cho tiến hành một loạt vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông. Phía Mỹ vào hôm qua, 02/07/2019 đã khẳng định điều này, trong lúc Bắc Kinh hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Thực hư ra sao chưa rõ, nhưng theo các nhà quan sát, nếu đúng là Trung Quốc đã cho thử loại vũ khí này ở Biển Đông, thì điều đó đánh dấu một bước mới trong kế hoạch quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.
Theo bản tin của NBC, kênh truyền hình Mỹ đầu tiên tiết lộ vụ thử nghiệm tên lửa mới của Trung Quốc tại Biển Đông, thì cuộc bắn thử đầu tiên xảy ra vào cuối tuần trước, và điểm rơi của tên lửa là một vùng ở Biển Đông, nơi mà chính quyền khu vực duyên hải Trung Quốc đã khoanh thành một vùng cấm tàu thuyền qua lại để tổ chức một đợt tập trận bắn đạn thật.
Theo các nhà quan sát, cho đến nay, phía Mỹ vốn rất thạo tin, chưa từng công khai nói đến việc Trung Quốc triển khai xuống Biển Đông các loại tên lửa đạn đạo chống hạm, như loại DF-21D, có tầm bắn 1.500 km, luôn được mệnh danh là sát thủ chống tàu sân bay, một loại vũ khí được cho là chuyên dùng để đối phó với các hàng không mẫu hạm Mỹ.
Việc triển khai này trên nguyên tắc rất dễ dàng, vì tên lửa được thiết kế dưới dạng di động, có thể dễ dàng được triển khai tới các đảo Trung Quốc ở Hoàng Sa hoặc bảy đảo nhân tạo của họ ở khu vực Trường Sa.
Tuy nhiên, về các loại tên lửa thông thường hơn, kể từ năm ngoái 2018, các quan chức Mỹ đã chính thức xác nhận rằng Trung Quốc đã triển khai trên các « tiền đồn » của họ ở Trường Sa các loại tên lửa hành trình chống hạm - loại YJ-12B - và tên lửa đất đối không.
Bên cạnh đó, có nhiều thông tin cho biết là loại tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 cũng được Trung Quốc triển khai đến đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa.
Vấn đề là lần này, Trung Quốc được cho là đã bắt đầu thử loại tên lửa đạn đạo chống hạm, một bước mới hơn so với tên lửa hành trình.
Đối với chuyên gia Ankit Panda trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 02/07, cuộc thử nghiệm tên lửa mà Trung Quốc vừa tiến hành có lẽ đã được thực hiện từ đất liền, với mục tiêu là vị trí đã được khoanh vùng ngoài Biển Đông.
Nếu căn cứ vào các tọa độ của khu vực cấm qua lại gần quần đảo Trường Sa được Trung Quốc loan báo cho cuôc tập trận mới đây, thì khu vực đó có thể được chọn làm điểm đặt mục tiêu cho tên lửa DF-21D bắn đi từ đảo Hải Nam hoặc từ lục địa Trung Quốc.
Yếu tố mới trong cuộc thử nghiệm lần này là mục tiêu nhắm bắn. Cho đến nay, loại tên lửa DF-21D chỉ mới được thử nghiệm trên các mục tiêu cố định trên bộ, điều mà Bắc Kinh đã tiến hành trên vùng sa mạc Gobi ở Nội Mông. Còn chưa thấy Bắc Kinh bắn thử loại tên lửa này vào các mục tiêu đi động trên mặt nước.
Việc Trung Quốc tập sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm tại Biển Đông được cho là sẽ đánh dấu một bước mới trong kế hoạch quân sự hóa của Trung Quốc.
Theo quan chức Mỹ được NBC trích dẫn, thông tin về vụ thử nghiệm còn chưa rõ ràng, chưa thể xác định những tên lửa chống hạm đang được Trung Quốc thử nghiệm có phải loại vũ khí thể hiện năng lực quân sự mới của quân đội Trung Quốc hay không. Cho dù vậy, đó là một sự kiện đáng quan ngại.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190703-ten-lua-dan-dao-chong-ham-o-bien-dong-buoc-ngoat-cua-trung-quoc
Geen opmerkingen:
Een reactie posten