dinsdag 23 juli 2019

Làng nổi Maru Ichi ứng phó biến đổi khí hậu trên sông Cửu Long


Làng nổi Maru Ichi ứng phó biến đổi khí hậu trên sông Cửu Long

Làng nổi Maru Ichi ứng phó biến đổi khí hậu trên sông Cửu Long
Mô hình Maru Ichi, làng nổi cộng sinh cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, của nhóm Maru. Ảnh ghép minh họa.Buil Academy

    Liệu những cụm nhà an toàn, thân thiện với môi trường có thể sẽ dần thay thế cho những con thuyền độc mộc thô sơ hoặc những ngôi nhà thuyền ở vùng sông nước Cửu Long ? Từ ý tưởng nhen nhóm vào năm 2016, dự án làng nổi cộng sinh ứng phó với biến đổi khí hậu của nhóm Maru dần thành hiện thực.

    Mỗi ngôi nhà trong thiết kế Maru Ichi là một tế bào độc lập, đa năng, có thể di chuyển và gắn kết với những ngôi nhà khác nhờ « ba đầu hồi » để tạo thành một cụm nhà hoặc một ngôi làng cộng đồng xanh và bền vững, kết nối với nhau thông qua không gian hành lang.
    Maru Ichi là dự án của nhóm Maru, do Tô Diệu Liên (tốt nghiệp thạc sĩ ngành Chính sách công và Quản lý công ở Mỹ) và Hồ Văn Anh Tuấn (thạc sĩ kiến trúc và xây dựng tốt nghiệp ở Nhật Bản) đồng sáng lập (1).
    Tính thiết thực, khả thi của Maru Ichi được công nhận thông qua những giải thưởng ở nhiều cuộc thi quốc tế : VietChallenge 2016 (cuộc thi ý tưởng kinh doanh cho người Việt toàn cầu), Kiến trúc xanh Spec Gro Gren 2018, Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh 2019. Ngoài ra, còn phải kể đến thành tích Maru Ichi được chọn là một trong 12 dự án thắng giải trong cuộc thi Resilient Homes Design Challenge 2018 (2) do Ngân Hàng Thế Giới đồng tổ chức với Chương trình Nhân cư Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat), Buil Academy, UN GFDRR, AirBnB.
    Nhờ giải thưởng này, ngày 10/07/2019, nhóm Maru đã kí hợp đồng với Ngân Hàng Thế Giới để thí điểm những ngôi nhà đầu tiên ở huyện An Phú, tỉnh An Giang.
    Tô Diệu Liên, nhà đồng sáng lập Maru, đã dành cho RFI Tiếng Việt một buổi phỏng vấn về dự án Maru Ichi, cũng như tiến trình xây dựng những ngôi nhà đầu tiên :
    P.V. Tô Diệu Liên_Đồng sáng lập nhóm Maru 21/07/2019 Nghe
    RFI : Xin chào Diệu Liên, dự án « Làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường » sẽ mang lợi ích gì cho người dân đồng bằng sông Cửu Long, cũng như cho những vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu ?
    Tô Diệu Liên : Nếu nhìn thiết kế của tụi mình thì sẽ thấy là mỗi hình tròn được tạo nên từ 6 nhà nổi. Mỗi nhà nổi được tụi mình gọi là một « cell », tức là một tế bào bởi vì kết cấu của nó gần giống như là mô tế bào benzen. Về ý nghĩa của vòng tròn, tụi mình rất nhấn mạnh văn hóa cộng đồng, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong nền văn hóa sông nước, như ở đồng bằng sông Cửu Long. Và những vòng tròn đó, chính là sự hỗ trợ, cộng sinh cùng nhau trong một cộng đồng và cộng sinh cả với thiên nhiên.
    Với mỗi một ngôi nhà ba cạnh, mà tụi mình gọi là một tế bào, thì ba cạnh đó chính là ba không gian riêng tư của một hộ gia đình, gồm bếp, phòng ngủ và khu vực vệ sinh. Còn phần chính giữa, đó là một điểm khác biệt lớn của Maru Ichi, vì khoảng không gian ở giữa đó rất là rộng, nên người ta có thể sử dụng làm phòng khách. Tuy nhiên, với mô hình Maru Ichi, bên mình rất khuyến khích người dân sử dụng khoảng không ở giữa đó để làm sinh kế.
    Một yếu tố đặc biệt, ưu việt nữa của Maru Ichi là mỗi nhà có thể nối được với bất kỳ ngôi nhà nào khác, tạo ra những hành lang mà người ta có thể đi lại được trên đó, giống như đi trên mặt đất. Và người dân những vùng văn hóa sông nước rất thích sống cộng đồng như thế và rất thích đi qua nhà nhau. Nếu không có những hành lang đó, họ thường nhảy từ thuyền này qua thuyền khác.
    Thực ra, điều đó không phải là cái gì đó quá mới mẻ do tụi mình tự nghĩ ra đâu, mà những người dân trên vùng sông nước Cửu Long đã sống như vậy biết bao đời nay rồi. Chúng mình chỉ sử dụng tất cả những đặc điểm, văn hóa và phong tục tập quán đó để đưa cho người ta một phương án an toàn hơn trong bối cảnh lũ lụt, biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường hơn.
    Có lẽ rất nhiều người biết  Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, vốn hàng năm đã phải chịu rất nhiều thiên tai bão lũ rồi. Và bây giờ, với biến đổi khí hậu, tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của thiên tai bão lụt đó sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn và khó đoán hơn. Và do mực nước biển dâng lên, cho nên một phần lớn lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía nam, hiện là mặt đất nhưng trong 50 năm nữa sẽ là nước.
    Nhóm mình, như vừa nhìn vào thực tại, vừa là chuẩn bị trước làm một mô hình nhà nổi an toàn, đẹp đẽ, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.Và điều rất quan trọng nữa, đó là sẽ giúp cho người dân có thể làm du lịch sinh thái và giúp cải thiện nền kinh tế địa phương.
    RFI : Dự án của nhóm mang tên là « Làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường », Diệu Liên có thể giải thích nhóm sẽ sử dụng vật liệu gì để xây dựng ngôi làng nổi này ?
    Tô Diệu Liên : Đó cũng là một điểm khá ưu việt của Maru Ichi. Theo xu hướng của kiến trúc hiện đại và kiến trúc bền vững, thân thiện với môi trường, nhóm sẽ sử dụng gần như hoàn toàn vật liệu có sẵn ở địa phương, như cây tràm và lá dừa nước, có rất nhiều ở miền tây nam bộ, như vậy sẽ tiết kiệm được công vận chuyển. Như mọi người cũng biết, việc vận chuyển nguyên vật liệu không những là tốn tiền, tốn thời gian mà còn có thể xả ra rất nhiều khí cacbon…
    Và tất cả những phần không yêu cầu trình độ của thợ chuyên nghiệp thì nhóm sẽ tận dụng lao động địa phương, đó chính là những người dân sống trong làng, và kể cả những người sẽ sống trong những ngôi nhà này, họ cũng sẽ tham gia xây dựng nhà.
    Ở mỗi nhà có hai hệ thống lọc nước : một hệ thống lọc nước sông để trở thành nước sạch sinh hoạt được ; và hệ thống lọc thứ hai là nước sinh hoạt cũng phải đi qua một hệ thống lọc nước thải để đưa ra lại sông và không làm ô nhiễm dòng sông. Không như bây giờ, người dân trực tiếp dùng nước sông thực sự rất là bẩn và chỉ dùng những phương pháp lọc rất thô sơ và đó là nguồn cơn gây ra rất nhiều bệnh tật. Và người ta cũng thải ra thẳng ra sông luôn, làm cho sông Mêkông ngày càng ô nhiễm.
    Ngoài ra, mỗi ngôi nhà đó đều có tấm pin năng lượng mặt trời, giúp giải quyết vấn đề năng lượng cho người dân sống ở trên sông.
    Một mặt cắt của thiết kế Maru Ichi.Buil Academy
    RFI : Dự án Maru Ichi của nhóm được trao giải tại nhiều cuộc thi. Vậy từ khi bắt đầu được hình thành năm 2016, dự án đã được triển khai đến đâu ? Khả năng ứng dụng của ngôi làng này như thế nào ? Và nguồn tài chính từ đâu ?
    Tô Diệu Liên : Giải thưởng vừa rồi mà Maru đạt được, là cuộc thi do Ngân Hàng Thế Giới và BCIC đồng tổ chức cùng với chính phủ Anh và Úc, có một tầm quan trọng đáng kể trong quá trình phát triển của Maru. Bởi vì đây là lần đầu tiên một giải thưởng của tụi mình đi kèm với việc có tài trợ để nhóm có thể thực hiện được dự án thí điểm. Đầu tiên sẽ là một ngôi nhà mẫu và sau đó là một dạng thí điểm gồm một cụm nhà nổi ở địa phương mà Maru đã khảo sát và đã chọn ở huyện An Phú, tỉnh An Giang.
    Cả nhóm Maru rất mừng. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chồng chất bởi vì tụi mình không được tài trợ hết toàn bộ chi phí cần thiết để làm cả một cụm nhà nổi. Cho nên là có hai vấn đề, thứ nhất là tất cả mọi người ở trong nhóm Maru từ trước đến giờ vẫn làm việc không lương.
    Và thứ hai là phải có thêm nguồn tài chính để nhóm có thể đủ tiền làm một dự án thí điểm, bởi vì số tiền thưởng đó là chưa đủ. Cần ít nhất là 6 « cell » nhà nổi, thì hiện mới chỉ đủ tiền làm khoảng 3 nhà thôi. Và tất nhiên, sau dự án thí điểm đó, nhóm cũng muốn mở rộng ra nhiều địa phương hơn nữa. Đó sẽ là một quá trình rất là dài, cứ liên tiếp phải tìm những nguồn đầu tư, tìm những nguồn hỗ trợ phân định cho Maru Ichi.
    Điểm thứ ba, đó là với những kinh nghiệm trong lĩnh vực phi chính phủ về phát triển, mình nhận thấy là nếu phát triển Maru theo hướng là tổ chức phi lợi nhuận thì sẽ không bền vững, vì nhóm sẽ phải luôn luôn dựa vào nguồn tiền từ bên ngoài. Chính vì thế, nhóm xây dựng theo dạng doanh nghiệp, bên cạnh các dự án xã hội sẽ có phần thương mại hóa để có nguồn tiền đầu tư lại vào các dự án phi lợi nhuận của Maru.
    Tiếp theo đó là tụi mình hoàn toàn có thể mơ đến ngày vừa làm được việc tốt cho cộng đồng, nhưng vừa có thể sống được, sống ổn với con đường mình chọn. Maru sẽ có ba dòng sản phẩm.
    Dòng thứ nhất có chi phí thấp nhất, chính là dòng mà tụi mình đang thí điểm, dành cho các dự án xã hội và sẽ cần sự chung tay của tất cả các chương trình phát triển trong và ngoài nước… ví dụ, hiện tại là Ngân Hàng Thế Giới đang hỗ trợ tiền để làm.
    Dòng sản phẩm thứ hai, dòng trung cấp, sẽ cung cấp các giải pháp nhà cho các cá nhân hộ gia đình hoặc là những công ty vừa và nhỏ muốn xây dựng nhà nổi để ở hoặc kinh doanh, để làm nhà hàng, câu lạc bộ, quán cà phê nổi trên sông, trên hồ…
    Dòng cao cấp nhất của Maru chính là dòng sẽ làm thành những khu nghỉ dưỡng theo hướng du lịch sinh thái kết hợp với phát triển văn hóa địa phương… Có lẽ cũng phải mất một thời gian dài mới làm được dòng này, vì phải cần đến nguồn đầu tư rất lớn.
    Tô Diệu Liên, đồng sáng lập nhóm Maru, bên cạnh dự án Maru Ichi được triển lãm cùng 11 dự án thắng cuộc khác của cuộc thi Resilient Homes Challenge, tại trụ sở của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), Washington DC, Mỹ.RFI/Tiếng Việt/Maru
    RFI : Diệu Liên có nói là một phần của dự án đã bắt đầu được thí điểm ở huyện An Phú, vậy người dân ở đây đón nhận dự án của Maru như thế nào ?
    Tô Diệu Liên : Tổng cộng là Maru đã về khảo sát ba lần ở huyện An Phú này, một lần là để thiết kế Maru Ichi. Kiến trúc sư và là đồng sáng lập, CTO của Maru là Tuấn, đã về khảo sát để xây dựng mô hình Maru Ichi.
    Lần thứ hai là mình và Tuấn cùng một nhóm cũng về khảo sát để xem thực trạng người dân đang sống như thế nào, nhu cầu của họ ra sao. Lần thứ ba là mới gần đây, nhóm đã làm việc cụ thể với chính quyền và những hộ dân trong diện nghèo nhất của huyện. Nhóm phỏng vấn trực tiếp để hiểu hơn về nhu cầu của họ và cam kết của họ có sẵn sàng tham gia vào một mô hình như vậy : Thứ nhất là nhận nhà, nhưng thứ hai là phải cam kết rằng, ngoài sự giúp đỡ của Maru và các tổ chức khác, người ta phải nỗ lực để thoát nghèo, làm sinh kế ở ngay trên ngôi nhà và phải cam kết về lối sống thân thiện với môi trường theo dự án thí điểm này.
    Tất nhiên, triết lý của Maru là không cho không, bởi vì kinh nghiệm làm dự án cho thấy là khi mình tặng không người dân 100% thì thường người ta không biết quý. Nhưng người dân có thu nhập thấp, thì Maru mong muốn người ta có bao nhiêu sẽ góp bấy nhiêu. Và phần còn lại, Maru sẽ cố gắng hết sức để vận động những nguồn quỹ tài trợ, các chương trình phi chính phủ hay của nhà nước để hỗ trợ họ.
    Nhưng giả sử, gia đình nào có quá ít tiền, thì họ cũng có thể góp sức bằng công lao động. Và công lao động đó cũng được Maru tính ra thành một phần chi phí làm nhà cho họ. Tóm lại, họ phải nỗ lực và họ phải tham gia một cách rất chủ động vào quá trình làm nhà đó.
    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn Tô Diệu Liên, đồng sáng lập nhóm Maru - tác giả dự án « Làng nổi cộng sinh ứng phó biến đổi khí hậu trên sông Cửu Long ».
    Tô Diệu Liên giới thiệu dự án Maru Ichi tại triển lãm "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh", tháng 06/2019, Hà Nội.RFI/Tiếng Việt/Maru
    (1) Maru hiện có thêm nhiều thành viên khác, như Nguyễn Phương Anh, có 20 năm kinh nghiệm trong dự án cộng đồng, cùng với Võ Hương Giang và Tố Nữ. « Maru » trong tiếng Nhật là « hình tròn » tượng trưng cho khả năng mở ra vô tận. Sau dự án Maru Ichi (Hình tròn số 1), nhóm hy vọng sẽ có những « hình tròn » số 2, số 3… cho người dân những vùng thường xuyên bị thiên tai khác.
    (2) Resilient Homes Design Challenge là một cuộc thi lớn, với ban tổ chức gồm nhiều chuyên gia kiến trúc hàng đầu thế giới, kêu gọi tất cả những phương án nhà dành cho mọi dạng thiên tai. Cùng với 11 đội khác được trao giải năm 2018, dự án Maru Ichi đã được triển lãm ở trụ sở của Ngân Hàng Thế Giới ở Washington DC, tiếp theo là ở hai hội thảo của Liên Hiệp Quốc và của Ngân Hàng Thế Giới ở Geneve tháng 05/2019.
    http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190722-maru-ichi-lang-noi-cong-sinh-ung-pho-bien-doi-khi-hau-tren-song-cuu-long

    Đồng Bằng Cửu Long đối phó với nước biển dâng cao

     Đồng Bằng Cửu Long đối phó với nước biển dâng cao
     
    Một cảnh thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (DR)

      Các quốc gia hạ lưu Mekong, bao gồm châu thổ Đồng Bằng Cửu Long Việt Nam (ĐBCLVN) nằm trong khu nhiệt đới, có nền kinh tế nông nghiệp nhưng vì năng suất của các loại hoa màu bị chi phối bởi nhiệt độ và độ ẩm, vì thế bị ảnh hưởng trầm trọng khi nhiệt độ không khí gia tăng và lượng mưa thay đổi. Ngoài ra ĐBCLVN là vùng đất thấp, có độ cao trung bình + 2,0m so với mặt biển, vì thế sẽ gánh thêm những hệ lụy của nước biển dâng cao.

      Nói đến tác động của mực nước biển dâng cao (MNBDC) thì có 6 lãnh vực bị ảnh hưởng: diện tích đất đai, dân số, tổng sản lượng quốc gia GDP, đô thị, nông nghiệp và vùng đất ngập nước. Việt Nam đứng đầu trong 4 lãnh vực và đứng nhì trong 2 lãnh vực còn lại.
      Theo báo cáo của chương trình “Phát triển Con người của Liên Hiệp Quốc” (UNDP, 2007 - 2008) Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi BĐKH và ĐBCL (Việt Nam), châu thổ sông Nile (Ai Cập) và châu thổ sông Ganges/Brahmaputra (Bangladesh) là 3 khu vực chịu những tác động nặng nề nhất của MNBDC. Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC, 2007) dự đoán mực nước biển của toàn cầu sẽ dâng cao 1 - 2m vào cuối thế kỷ.
      Trong một nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới về những tác động của MNBDC trên các quốc gia đang phát triển qua 3 kịch bản 1.0, 3.0 và 5.0 m, đối với châu thổ ĐBCL mực nước biển dâng cao từ 1-3m được xem như gần với thực tế.
      ĐBCL là vựa lúa của Việt Nam hàng năm cung cấp trên 20 triệu tấn gạo, đóng góp 48% tổng sản lượng lương thực của cả nước và 85% sản lượng gạo xuất khẩu, nhưng là vùng đất thấp nên được xem là điểm nóng của BĐKH và MNBDC.
      Để bên ngoài những tranh cãi về sinh hoạt của con người và những thay đổi về nhiệt độ của trái đất, những giải pháp khả thi để giảm thiểu phát thải khí nhà kính hay ảnh hưởng của những tiến trình tan chảy các tản băng, chúng ta phải nhìn nhận MNBDC là một hiện thực, xảy ra dọc theo bờ biển của các quốc gia vùng Đông Nam Á.
      Qua những theo dõi và đo đạt ở 4 trạm quan trắc của Việt Nam thì mực nước biển của Việt Nam từ nhiều năm qua đã dâng cao với tốc độ 1,75 - 2,56 mm/năm (Tường 2001) và mực nước biển ở vịnh Manila (Philippines) dâng cao 20cm trong khoảng thời gian 1960s -1990s (Perez và công sự, 1996).
      Những tổn thất gây ra bởi BĐKH và MNBDC thay đổi tùy theo địa hình của từng địa phương và hoàn cảnh xã hội cùng điều kiện kinh tế của từng quốc gia, nhưng riêng đối với VN và ĐBCL, sẽ rất to lớn nếu không có những biện pháp ứng phó hữu hiệu và kịp thời. RFI phỏng vấn tiến sĩ Huỳnh Long Vân, thuộc Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai & Cửu Long, Úc châu :
      TS Huỳnh Long Vân, Sydney 11/05/2014 Nghe
      RFI : Xin kính chào Tiến sĩ Huỳnh Long. Trước hết xin ông cho biết về những ảnh hưởng của MNBDC trên ĐBCL vào mùa khô (Ngập Triều)?
      TS Huỳnh Long Vân: Mực nước của ĐBCL bị chi phối bởi nguồn nước thượng nguồn sông Mekong và thủy triều Biển Đông và vịnh Thái Lan ở phía Tây. Vào mùa khô, lưu lượng sông Mekong sụt giảm đáng kể (# 2000m3/s gần bằng 1/20 của mùa mưa), mực nước sông Mekong xuống thấp khiến nước mặn xâm nhập vào nội điạ. 1.7 triêu ha đất của ĐBCL, tương đương với 45% diện tích đất canh tác, bị nhiễm mặn; vùng ven biển (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang) bị nước mặn xâm thực trầm trọng do khai thác nước ngầm để canh tác và dùng trong gia đình; đào kinh thủy lợi và xây các đập thủy điện ở thượng nguồn; nước sông Hậu cách Cần Thơ 15km đã có nồng độ muối 10/ 00, so với bình thường độ mặn này phải cách Cần Thơ gần nhứt là 40 - 50km.
      Trong tương lai MNBDC sẽ làm cho tình trạng nước mặn xâm thực trở nên tồi tệ hơn. Vùng ngập mặn vĩnh viễn sẽ lấn sâu vào nội địa 25km trong trường hợp nước biển dâng 20cm và 50km ở kịch bản mực nước biển dâng cao 45cm (Cơ quan Quốc tế Quản lý Môi trường - ICEM) và đến năm 2050, khi mực nước biển dâng cao 30cm cuộc sống của hơn 1 triệu cư dân ĐBCL sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bờ biển bị xói lở và mất đất canh tác, chủ yếu bởi sự sút giảm phù sa của các con sông gây ra bởi các công trình thủy điện thượng nguồn, MNBDC và dông bão gia tăng.
      RFI : Còn về tác động của MNBDC trên ĐBCL vào mùa mưa (Ngập Lũ), thưa Tiến sĩ?
      TS Huỳnh Long Vân : Hàng năm vào cuối tháng 9 đến giữa tháng 10, lưu lượng sông Mekong tăng vọt đến 40 - 50 ngàn m3/s gây ngập lụt sâu 0.5 – 4,0m, kéo dài 2 - 5 tháng. Lũ ĐBCL do nhiều lực tác động: nước từ thượng nguồn sông Mekong đỗ về, gíó mùa, thủy triều và nước biển dâng cao. Nước biển dâng cao làm giảm độ dốc của dòng chảy những con sông, khiến lũ thoát chậm, ngập lụt sâu và kéo dài hơn bình thường.
      Nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (2013) cho thấy:
      * trong trường hợp mực nước biển dâng 50cm, 34% diện tích ĐBCL sẽ bị ngập, trong đó 17% bị ngập thường xuyên > 0,5m và
      * trong kịch bản mực nước biển dâng cao 1,0m, thì 69% diện tích ĐBCL sẽ bị ngập trong đó 41% diện tích sẽ bị ngập sâu > 1,0m và 62% diện tích ĐBCL bị ngập thường xuyên > 0,5m.
      Trong trường hợp có lũ lớn như năm 2000 kết hợp với BĐKH, thì:
      * 84% diện tích ĐBCL có thể bị ngập sâu > 50cm trong kịch bản NBDC 50cm và 96% trong kịch NBDC 100cm so với hiện trạng là 50% diện tích ĐBCL.
      Diện tích ngập nông tăng 1,1 - 1,5 triệu ha.
      Diện tích ngập sâu > 1,0m và kéo dài > 1 tháng tăng 0,34 - 1,6 triệu ha.
      Những kết quả nghiên cứu khoa học sau đây của hai Nhóm Wassmann và Ziedler cho thấy tác động của MNBDC trên ĐBCL trầm trọng hơn.
      Theo nghiên cứu của Nhóm Wassmann: trong truờng hợp mực nước biển dâng cao 20cm tức vào năm 2030 thì phạm vi ngập lụt của đồng bằng Cửu Long vào tháng 8 sẽ mở rộng thêm 15 - 25km hướng về phía biển, ảnh hưởng 69 - 91% của châu thổ và đến 2070 khi mực nước biển dâng cao 45cm thì phạm vi ngập lụt vào tháng 8 sẽ mở rộng thêm 40 - 45km về phiá đông so với hiện nay, làm ngập 86 - 100% đồng bằng Cửu Long.
      Hậu quả là năng xuất của vụ lúa Mùa bị suy giảm, gây trở ngại cho thu hoạch vụ Hè Thu và làm chậm trễ lịch xuống giống vụ Đông Xuân. Cũng theo nghiên cứu này: nếu vụ Hè Thu được bắt đầu sớm hơn tức vào giửa tháng 3 năng xuất cũng giảm 8-18%.Tương tư như vậy xuống giống trễ vụ Đông Xuân cũng có thể gặp phải những khó khăn bởi tình trạng mặn xâm nhập sau vào nội địa vào mùa khô.
      Kết quả nghiên cứu khác của Zeidler (1997) là một hình ảnh ảm đạm đối với ĐBCL: Trong trường hợp MNBDC 1m, toàn thể châu thổ bị ngập úng hàng năm vào mùa mưa. Vì 78% diện tích ĐBCL dùng trong canh tác nông nghiệp nên tổn thất khi toàn vùng ĐBCL bị ngập hàng năm lên đến khoảng 17 tỷ Mỹ kim (Ericson và cộng sự 2006).
      RFI : Riêng về tác động của MNBDC trên các bãi biển Việt Nam?
      TS Huỳnh Long Vân : Ngoài hai tác động trên mực nước của ĐBCL, mực nước biển dâng cao sẽ nâng cao độ dốc của một số bãi biển, lớp cây rừng thiên nhiên bao che bờ biển mất dần (bị hủy hoại và di dời đến những nền đất thích hợp), năng lượng và tác động của sóng biển cũng gia tăng khiến bờ biển ĐBCL (Gò Công, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Rạch Giá) bị xói lở khóc liệt hơn, nếu không có những biệp pháp ứng phó kịp thời.
      Nói tóm lại nước biển dâng sẽ làm cho ruộng đồng và nguồn nước bị nhiễm mặn; một diện tích rộng lớn hơn của ĐBCL bị ngập úng sâu và trong thời gian kéo dài; diện tích canh tác sẽ bị thu hẹp. Cùng với những tác động tiêu cực khác của BĐKH như gia tăng nhiệt độ, hạn hán, thời tiết cực đoan bất thường, nước biển dâng cao sẽ gây thiệt hai cho lãnh vực nộng nghiệp và hệ sinh thái và theo đó cơ cấu xã hội bị tổn thương.
      RFI : Ông có nhận xét thế nào về giải pháp của chính phủ và của người dân ứng phó với MNBDC ?
      TS Huỳnh Long Vân : Để ứng phó với những tác động của MNBDC, Bộ Tài nguyên và Môi Trường của CHXHCNVN đã thiết lập kế họach cấp quốc gia, thực hiện qua 3 giai đoạn:
      2009-2010: Giai đoạn khởi đầu
      2011-2015: Giai đoạn triển khai
      2015- : Giai đoạn phát triển
      với những giải pháp công trình và phi công trình.
      a. Giải pháp công trình
      Một cách tổng quát thì trên toàn thể vùng ĐBCL nhiều kế hoạch đã được thực hiện tập trung vào việc củng cố, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đê, kè song, kè biển, hệ thống công trình thủy lợi nhằm điều tiết lũ, ngăn mặn, giử ngọt v.v...Thí dụ: nâng cấp đê biển ở phía Tây Cà Mau, xây dựng công trình cống sông Kiên (Rạch Giá), hệ thống ngăn triều chống ngập ở Bạc Liêu, nâng cấp đê biển, xây dựng đê bao chống ngập úng vùng trũng, xây dựng hệ thống ngăn mặn ở Sóc Trăng.
      b. Giải pháp phi công trình
      Phát động phong trào vận động dân chúng tham gia bảo vệ môi trường và tài nguyên, uyển chuyển trong sử dụng nguồn nước; xây dựng năng lực nghiên cứu, giám sát BĐKH, dự báo cảnh báo thiên tai; thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản BĐKH và MNBDC cụ thể cho giai đoạn 2030-2050.
      * Ngoài ra Viện Thủy Lợi Miền Nam và Việt Nam cũng đã kiến nghị lên chánh phủ CHXHCN VN đề án “Quy họach Thủy lợi ĐBCL” khởi đầu ở 2 vùng thí điểm: Nam Vàm Nao (chống ngập lũ) và Nam Măng Thít (chống ngập triều).
      * Về phía người dân, trong nhiều năm qua nông dân ĐBCL đã tự thích ứng với những thay đổi của môi trường như đa dạng hóa hệ thống sản xuất và luân chuyển các vụ mùa ở các vùng đất nhiễm mặn: nuôi tôm vào mùa khô và trồng lúa vào mùa mưa thay vì trồng lúa 3 mùa và bắt đầu sử dụng những giống lúa chịu mặn.
      RFI : Theo ông, những bài học cần rút ra từ những biện pháp đối phó đã được thực hiện: ?
      TS Huỳnh Long Vân : Những biện pháp ứng phó do chính phủ đề ra và bản năng thích ứng của người dân với những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên là những động thái rất khích lệ. Tuy nhiên hy vọng khi xây dựng những công trình ứng phó với MNBDC giới hữu trách VN rút được những bài học từ các lỗi lầm trong quá khứ như:
      * Xây dựng các cống ngăn mặn nhằm “Ngọt hoá Bán đảo Cà Mau”, gây mâu thuẩn về quyền lợi giữa người trồng lúa và kẻ nuôi tôm, làm ô nhiễm môi trường, đe doạ cuộc sống của ngưởi dân trong vùng khiến cư dân nửa đêm đứng ra đập phá các công trình này.
      * Đấp đê bao ở vùng Đồng Tháp, Tứ Giác Long Xuyên để làm lúa 3 mùa, gây ra những hậu quả tiêu cực cho môi trường: hệ thống đê bao ngăn lũ làm cho tình trạng ngập úng vào mùa nước lũ trở nên phức tạp hơn: nước ngập cao, thời gian rút chậm, khiến hàng ngàn ha rừng tràm bị chết hàng loạt, và các bờ sông và đường xá bị sạt lở, hư hỏng và hoàn thành những mục tiêu đề ra một cách tốt đẹp.
      Nước biển dâng cao tùy thuộc vào những tiến trình vật lý và sinh học, trong đó mức độ tan chảy của các tảng băng địa cực và các lớp nước đá của địa cầu rất khó tiên liệu vì thế dự đoán MNBDC không được chính xác: có thể dâng cao từ 0,5 đến 7,0 m vào năm 2100 nhưng cũng có thể 1- 2 m, con số mà IPCC cho là gần với thực tế.
      Hơn thế nữa MNBDC diễn tiến từ từ qua từng thập niên nên thiết nghĩ các kế hoạch nhằm hữu hiệu hoá hệ thống kiểm soát và phân phối nguồn nước cần được tiến hành từng bước, dựa vào kết quả của những chương trình nghiên cứu khoa học sâu rộng; những thay đổi về nhiệt độ, mực nước biển dâng cao cần được liên tục theo dõi, đo đạt để từ đó hoàn chỉnh kịch bản BĐKH đối với ĐBCLVN và xây dựng phương án ứng phó thích hợp và kịp thời.
      Lúa gạo và hoa màu ĐBCL đảm bảo lương thực cho cả xứ và BĐKH và MNBDC ảnh hưởng đến năng xuất của châu thổ nên việc nghiên cứu và tìm kiếm các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu đựng thời thiết khắc nghiệt cũng là điều phải quan tâm đến.
      Sau cùng chúng ta trân trọng sự hỗ trợ của:
      * chánh phủ Liên bang Úc châu qua chương trình CLUES: đánh giá và thích ứng với những ảnh hưởng của BĐKH trên sản xuất nông nghiệp ở ĐBCL; ứng dụng kỹ thuật lai giống sinh học để tân tạo và phát triển các giống lúa chịu mặn.
      * chánh phủ Hoa Kỳ qua chương trình “Sáng Kiến Hạ lưu Mekong”, đặc biệt với hệ thống vệ tinh giúp theo dõi và ghi đo mực nước biển vùng ĐBCL.
      * và chánh phủ của một số các quốc gia khác như Nhật Bản, Hòa Lan, Na Uy, Đức .v.v.. về các kế hoạch ứng phó với tình trạng sạt lở bờ biển ĐBCL ngày càng trầm trọng gây ra bởi những ảnh hưởng của BĐKH.

      RFI : Xin cám ơn Tiến sĩ  Huỳnh Long Vân.
      http://vi.rfi.fr/viet-nam/20140515-dong-bang-cuu-long-doi-pho-voi-nuoc-bien-dang-cao

      Đồng bằng Cửu Long: Áp lực di cư do biến đổi khí hậu

      Đồng bằng Cửu Long:  Áp lực di cư do biến đổi khí hậu
       
      Do tác động của biến đổi khí hậu, ngày càng có nhiều nông dân di cư khỏi đồng bằng sông Cửu Long.Reuters

        Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới. Ít nhất 15% tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là đến từ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng vùng có 18 triệu dân này cũng là một trong những khu vực bị biến đổi khí hậu tác động nhiều nhất và chính điều này đang làm gia tăng áp lực về di cư tại đồng bằng sông Cửu Long.

        Tác động của biến đổi khí hậu lên kinh tế
        Trong một báo cáo được công bố ngày 09/01/2018, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt dễ bị tác động của biến đổi khí hậu, bởi vì nước này có bờ biển dài đến gần 3.500 km và phần chủ yếu của tài sản kinh tế quốc gia là nằm ở những vùng đất thấp ven biển. Tính từ năm 1990 đến nay, trung bình hàng năm, thiên tai đã khiến 500 người chết và khiến Việt Nam mất đi 1% GDP.
        Theo thẩm định của IMF, những tác động của biến đổi khí hậu (nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng cao, di cư do khí hậu) có thể khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm đi 10% và ảnh hưởng đến 12% dân số nước này vào năm 2021.
        Trong báo cáo nói trên, IMF cảnh báo: “Biến đổi khí hậu rất có thể sẽ làm gia tăng áp lực lên môi trường: các cơn bão thường xuyên hơn và dữ dội hơn có thể sẽ gây tác hại cho mùa màng, làm giảm thu nhập của nông dân, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và xuất khẩu hàng hóa.” Định chế này dự báo thêm: “ Những nguy cơ đó sẽ tác động nhiều nhất lên người nghèo, buộc họ phải di cư đến những vùng trong nội địa và đến những thành phố lớn hơn.”
        Đồng bằng Cửu Long mất 1 triệu dân
        Theo một nghiên cứu mới đây của giáo sư Alex Chapman, Đại Học Southampton, Anh Quốc và giáo sư Văn Phạm Đăng Trì, Đại Học Cần Thơ, làn sóng di cư hiện đang gia tăng trong một thập niên qua đã khiến vùng đồng bằng sông Cửu Long mất đi 1 triệu dân trên tổng dân số 18 triệu người. Cụ thể là đã có 1,7 triệu dân di cư khỏi vùng này, trong khi chỉ có khoảng 700 ngàn dân đến định cư ở đây. Tỷ lệ di cư này là cao gấp đôi mức trung bình của cả nước.
        Theo nghiên cứu của hai vị giáo sư nói trên, có nhiều yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu thúc đẩy di dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một số người đã phải di cư do nhà của họ bị sập vì nước biển xói mòn vùng bờ biển. Hàng trăm hộ đã phải đi nơi khác kiếm sống do tình trạng ngập mặn. Số khác thì không thể tiếp tục sống ở đây do nạn hạn hán, một hiện tượng khí hậu vừa là do tác động của biến đổi khí hậu, vừa do các đập thủy điện ở thượng nguồn.
        Một nghiên cứu khác do trường Đại Học Văn Lang ở Sài Gòn thực hiện cho thấy biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến 14,5% di dân đi tìm nơi cư trú khác, tức là tương đương với 24 ngàn người mỗi năm. Con số thực tế rất có thể là cao hơn, vì tình trạng di dân còn có quan hệ chặt chẽ với nạn nghèo khó.
        Phần lớn di dân là từ các cánh đồng vùng thấp do tình trạng ngập mặn ngày càng nặng, vì nước biển dâng cao khiến nước mặn tràn sâu hơn vào trong. Tình trạng này càng thêm trầm trọng do việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn, chủ yếu là của Trung Quốc và Lào, cản trở các dòng nước ngọt chảy xuống hạ nguồn, tức là xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nước mặn đã vào sâu đến hơn 80 km trong đất liền khi xảy ra trận hạn hán 2015-2016, trận hạn hán nặng nề nhất trong vòng thế kỷ, phá hủy ít nhất 160 ngàn hectare đất canh tác.
        Chính sách tái định cư còn bất cập
        Chính phủ Việt Nam đã có chính sách tái định cư, ưu tiên cho những hộ nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất, bằng cách cho vay với lãi suất thấp để họ có kinh phí di dời nhà ở và xây nhà mới. Nhưng Viện Brookings của Mỹ, sau khi xem xét việc thực hiện chính sách ở hai tỉnh Đồng Tháp và Long An, đã nhận thấy rằng chương trình này còn thiếu minh bạch. Phần lớn các hộ nói trên cho biết thu nhập của họ đã bị giảm sau khi di dời, vì nơi ở mới không thích hợp, khiến họ không thể trả các khoản vay và thế là lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất.
        Hai giáo sư Alex Chapman và giáo sư Văn Phạm Đăng Trì trong công trình nghiên cứu nói trên cũng đã lên tiếng cảnh báo về cách thức đối phó với biến đổi khí hậu. Đã có những người đã buộc phải di cư do chính những biện pháp được thực hiện nhằm bảo vệ họ trước những tác động của biến đổi khí hậu.
        Hàng ngàn km đê đã được xây dựng khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long để ngăn lũ. Nhưng một số con đê này lại phá hủy hệ sinh thái của vùng. Người nghèo và những người không có đất canh tác không còn kiếm được nguồn thủy sản để mưu sinh. Mặt khác, những con đê này ngăn những chất bổ dưỡng tự nhiên do các nước lũ dẫn về các cánh đồng lúa.
        Trong một bác cáo thực hiện cho Tổ chức Di cư Quốc tế IOM vào tháng 6/2016, hai nhà nghiên cứu Han Entzinger và Peter Scholten, thuộc đại học Eramus, Rotterdam, Hà Lan, cũng đã từng cảnh báo :" Dường như biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến các hình thái di cư quan trọng ở miền Nam Việt Nam (chủ yếu là di cư trong nước). Một hành lang di cư đã được hình thành, nối vùng đồng bằng sông Cửu Long và các thành phố như Cần Thơ và đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh."
        Phân tích của hai nhà nghiên cứu này cho thấy phần lớn hộ gia đình di dân không xem biến đổi khí hậu là lý do chính cho quyết định di dời. Có thể họ không nhìn nhận việc di cư là để ứng phó với biến đổi khí hậu, mà để thích ứng với các yếu tố khác, ví dụ như điều kiện kinh tế. Phần lớn những hộ gia đình xem biến đổi khí hậu là một lý do dẫn đến di cư thường đề cập đến các hiện tượng như xói lở đất đau, bão và lũ lụt (hơn là các hiện tượng như hạn hán và xâm nhập mặn).
        Hơn nữa, các hộ gia đình di cư thường có thu nhập thấp và điều kiện nhà ở kém. Dường như các gia đình dễ tổn thương nhất thì mới phải di cư, trong khi các hộ có điều kiện nhà ở và kinh tế tốt hơn có đủ khả năng bám trụ.
        Hai nhà nghiên cứu Han Entzinger và Peter Scholten dự báo rằng, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng di cư quy mô lớn từ nông thôn lên thành thị, một phần do hệ quả của suy thoái môi trường tác động lên các vùng nông thôn, và một phần do hiệu ứng thu hút của đời sống và kinh tế thành thị.
        Họ cho rằng, phần nào nhu cầu di cư này có thể được giảm thiểu bằng cách đẩy mạnh các nỗ lực chống suy thoái môi trường, giải quyết hiệu quả các hệ lụy, giảm thiểu rủi ro thảm họa và tăng cường khả năng phục hồi sau thảm họa. Tuy nhiên, giải pháp này đôi khi lại không khả thi, và vì vậy di cư sẽ tiếp diễn. Do đó, theo khuyến cáo của hai nhà nghiên cứu Hà Lan, điều quan trọng nhất là phải gỡ bỏ các rào cản hiện hữu đối với di cư trong nước một cách triệt để.
        Ngoài ra, theo họ, các chương trình tái định cư mà Việt Nam đã có kinh nghiệm triển khai nên được tiếp tục và cải thiện nếu phù hợp, đồng thời cũng cần đặc biệt chú ý đến việc tạo ra đầy đủ và đa dạng cơ hội nghề nghiệp lẫn cơ sở vật chất cho học tập, cho các cộng đồng phải tái định cư do suy thoái môi trường.
        Các giải pháp cho Việt Nam theo IMF
        Trong báo cáo ngày 09/01/2018, IMF đã kêu gọi chính phủ Việt Nam nên có chính sách sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nước và rừng, và kiểm soát tốt hơn các phương thức trồng trọt dùng quá nhiều phân bón gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
        Mặt khác, theo IMF, Việt Nam còn là một trong 10 quốc gia bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới, không thua gì tại các thành phố lớn và khu công nghiệp ở Trung Quốc. IMF dự báo là lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính của Việt Nam có thể sẽ tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 2010 đến 2020 và đến 2030 sẽ tăng gấp ba, một phần vì Việt Nam còn dựa nhiều vào các năng lượng hóa thạch. Cụ thể, 35% nguồn năng lượng của Việt Nam hiện nay là đến từ than, tăng so với mức 15% của năm 2000.
        Với nhu cầu năng lượng được dự báo sẽ tăng 2,5 lần vào năm 2035 và do chưa có giải pháp nào thay thế, Việt Nam sẽ lại càng phụ thuộc vào than, cho nên sẽ rất khó mà đạt được mục tiêu cắt giảm 8% lượng khí phát thải vào năm 2030.
        Trong báo cáo nói trên, IMF đã đề nghị Việt Nam một số chính sách để đối phó với tác động của biến đổi khí hậu:
        * Giảm bớt nguồn năng lượng hóa thạch và gia tăng nguồn năng lượng tái tạo để phá vỡ mối liên kết giữa sản lượng và khí phát thải.
        * Cung cấp cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp và chính phủ những công cụ mạnh hơn để tiếp tục tăng trưởng xanh: đánh thuế mạnh trên các loại nhiên liệu hóa thạch để thúc đẩy nhu cầu về năng lượng sạch.
        * Đầu tư vào các cơ sở hạ tầng liên quan đến khí hậu để giúp các hộ gia đình và các doanh nghiệp ứng phó với bão lụt. Thiệt hại do các thiên tai nên được tính trong các phân tích về tính bền vững của nợ công.
        * Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển để gia tăng đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch và cải tiến các công nghệ sạch.
        * Chuyển dần sang việc sử dụng các xe hơi tự động, xe hơi chạy điện và chia sẻ dùng chung xe hơi để giảm nạn kẹt xe và ô nhiễm không khí ở các thành phố.
        http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180219-dong-bang-cuu-long-di-cu-bien-doi-khi-hau

        Năm 2050: Sài Gòn trong nhóm thành phố ven biển thiệt hại vì lụt

        mediaBão nhiệt đới Mangkhut gây ngập lụt tại Hà Nội hôm 08/08/2013.REUTERS/Kham
        Đến năm 2050, 136 thành phố ven biển lớn trên thế giới có thể sẽ bị thiệt hại tới một nghìn tỷ đô la Mỹ bởi lũ lụt nếu không có các biện pháp đối phó quyết liệt. Thành phố Hồ Chí Minh cũng được xếp trong nhóm đầu rủi ro cao. Đây là một số liệu cảnh báo đáng ngại trong một nghiên cứu do các chuyên gia thuộc Ngân Hàng Thế Giới tiến hành vừa được công bố ngày hôm qua 18/08/2013.
        Dựa trên những dữ liệu về dân số cũng như tổn thất về nhà cửa, thương mại hay công nghiệp của 136 thành phố ven biển, bản báo cáo được đăng trên tạp chí Nature Climate Change do nhà kinh tế Stephan Hallegatte cùng các đồng nghiệp thực hiện đã đưa ra con số thiệt hại ngay từ giờ của riêng bốn thành phố Miami, New York, New Orleans (Mỹ) và Quảng Châu (Trung Quốc) đã lên tới có số là 6 tỷ đô la mỗi năm, tức chiếm 43% tổng thiệt hại do lũ lụt của các thành phố biển trên thế giới.
        So sánh tỉ lệ thiệt hại với tăng trưởng dân số thành phố, khả năng phòng vệ trước lũ lụt, mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu ... Nhóm chuyên gia xác định nếu các thành phố biển tăng cường đầu tư các biện pháp chống lũ thì tổng thiệt hại có thể hạn chế được ở mức độ 52 tỉ đô la mỗi năm vào năm 2050. Ngược lại, trong kịch bản không có các biện pháp ứng phó tích cực, tổn thất của hơn một trăm thành phố biển nêu trên có thể vượt quá con số một nghìn tỷ đô la mỗi năm.
        Nghiên cứu cho thấy kể cả khi tăng cường các biện pháp phòng chống lũ lụt, thiệt hại vẫn sẽ gia tăng. Các chuyên gia ước tính, dù có hệ thống đê điều hiện đại, đến 2050, vì lũ lụt hàng năm, các thành phố như Quảng Châu vẫn sẽ thiệt hại 13,2 tỷ, Thẩm Quyến 3,1 tỷ ; các thành phố Ấn Độ như Bombay 6,4 tỷ, Calcutta 3,4 tỷ ; Guayaquil của Ecuador 3,2 tỷ đô la...
        Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam cũng bị xếp vào trong nhóm thiệt hại cao với con số 1,9 tỷ đô la xếp sau Thiên Tân của Trung Quốc, New York và Miami của Mỹ. Một con số quá nặng nề cho thủ phủ kinh tế của Việt Nam, cho dù từ nay đến đó thành phố này có đạt mức tăng trưởng kinh tế như thế nào đi chăng nữa.
        Theo phân loại của nghiên cứu thì các thành phố giàu có được cho có nhiều khả năng đối phó với lũ lụt tốt hơn, các thành phố nghèo thì vẫn là nơi thường xuyên bị thiên tai tàn phá. Lấy thí dụ như trường hợp thành phố Amsterdam của Hà Lan, một thành phố biển giàu có và nổi tiếng với các biện pháp phòng chống hiệu quả, nhưng hàng năm vẫn bị mất đi 3 triệu đô la vì lũ lụt.
        Nhà kinh tế Hallegatte cho biết, 136 thành phố cần phải đầu tư hàng năm khoảng 50 tỷ đô la để cải thiện các biện pháp phòng chống lũ lụt, giảm thiểu thiệt hại hàng năm xuống còn từ 60 đến 63 tỷ đô. Mức tổn thất này được cho là có thể chấp nhận được.
        Trên đây là những số liệu nghiên cứu của các chuyên gia về nguy cơ thiệt hại kinh tế do lũ lụt gây ra cho 136 thành phố ven biển trong tương lai. Nhưng lũ lụt nặng nề đã và vẫn đang xảy ra khắp nơi trên thế giới thường xuyên hơn và dữ dội hơn. Các cơn hồng thủy không chỉ đe dọa các thành phố duyên hải. Đầu mùa hè năm nay, người ta đã chứng kiến sức tàn phá ghê gớm của những trận lũ lụt đổ xuống khắp vùng đông và nam Âu trong suốt nhiều tuần. Ngay lúc này, đó đây ở Trung Quốc, Philippines, Bangladesh, Pakistan hay Nga, những trận lũ lụt vẫn đang liên tiếp hoành hành, cướp đi sinh mạng và đe dọa cuộc sống của hàng nghìn người.
        Có thể hiệu ứng nhà kính, bầu khí hậu nóng lên không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra lũ lụt, nhưng rõ ràng đó là những yếu tố góp phần làm gia tăng nguy cơ của hiện tượng được xếp hàng đầu trong các các tai họa thiên nhiên.
        http://vi.rfi.fr/viet-nam/20130819-nam-2050-thanh-pho-ho-chi-minh-trong-top-dau-cac-thanh-pho-ven-bien-bi-thiet-hai-v

        Cùng chủ đề
        • TẠP CHÍ VIỆT NAM

          Đồng bằng Cửu Long: Áp lực di cư do biến đổi khí hậu
        • PHÂN TÍCH

          Năm 2050: Sài Gòn trong nhóm thành phố ven biển thiệt hại vì lụt
        • TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

          Đồng Bằng Cửu Long đối phó với nước biển dâng cao
        • TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT

          Việt Nam chuẩn bị công bố các kịch bản biến đổi khí hậu cập nhật

        Các lưu trữ
        1. 1
        2. 2
        3. 3
        4. ...
        5. trang sau >
        6. trang cuối >
        7.                 

        Geen opmerkingen:

        Een reactie posten