maandag 29 juli 2019

Biển Đông: Lãnh đạo đối ngoại Hạ Viện Mỹ Eliot L. Engel...lên án Trung Quốc xâm lấn Việt Nam

Biển Đông: Lãnh đạo đối ngoại Hạ Viện Mỹ lên án Trung Quốc xâm lấn Việt Nam

mediaChủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ Eliot L. Engel.Copie écran
Vụ Trung Quốc cho tàu vào khảo sát và sách nhiễu giàn khoan dầu của Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính, phía nam Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiếp tục bị tố cáo. Sau bộ Ngoại Giao Mỹ, ngày hôm qua 26/07/2019, đến lượt Hạ Viện Mỹ lên tiếng. Chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ đã ra tuyên bố ủng hộ Việt Nam và lên án hành vi “xâm lấn” của Trung Quốc.
Trong một bản thông cáo về vụ “Trung Quốc can thiệp vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát, dân biểu bang New York thuộc đảng Dân Chủ Eliot L. Engel, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ trước hết ghi nhận rằng: “Hành vị xâm lấn mới đây của Trung Quốc ở Biển Đông là một minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai chà đạp luật pháp quốc tế”.
Đối với vị dân biểu Mỹ, căn cứ vào Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các hành động của Trung Quốc “đã cấu thành tội vi phạm chủ quyền và các quyền chính đáng của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)”. Theo nhân vật này, quan trong không kém là hành vi của Trung Quốc cũng đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ hoạt động trong khu vực.
Chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Hoa Kỳ nhắc lại rằng vào tuần trước, đã có nhiều thông tin về việc tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đã liên tiếp đòi Trung Quốc rút đi nhưng bị Bắc Kinh làm ngơ.
Theo ông Engel: “Kiểu sách nhiễu mà Trung Quốc thực hiện là một mối đe dọa đối với Việt Nam và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng. Những sự cố như thế chứng tỏ Trung Quốc đã ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế.
Bản thông cáo kết luận: “Tôi sát cánh cùng Việt Nam và các đối tác khu vực của Mỹ để lên án hành vị xâm lược này. Cộng đồng quốc tế phải tiếp tục duy trì trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế.”
Người phụ trách Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc “lập tức rút ngay mọi tàu thuyền ra khỏi lãnh hải của các nước láng giềng và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp đó”.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190727-bien-dong-lanh-dao-doi-ngoai-ha-vien-my-len-an-trung-quoc-xam-lan-viet-nam

Biển Đông: Việt Nam cưỡng lại áp lực Trung Quốc

mediaGiàn khoan JDC Hakuryu-5 của Nhật ngoài khơi Vũng Tàu. Ảnh chụp ngày 29/04/2018.REUTERS/Maxim Shemetov
Giàn khoan Nhật Bản Hakuryu-5 tiếp tục hoạt động tại Nam Côn Sơn đến ngày 15/09/2019, thêm một tháng rưỡi so với dự kiến, theo thông báo của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam hôm qua 25/07/2019. Mọi tàu bè qua lại « ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam » được yêu cầu tránh xa, trong bối cảnh Trung Quốc đưa tàu hải cảnh vào quấy phá.
Theo South China Morning Post, Việt Nam vừa có thêm một cử chỉ không lùi bước trước áp lực Trung Quốc tại biển Đông. Từ bốn tuần nay, Bắc Kinh đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm nhập bãi Tư Chính-Vũng Mây, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tàu Hải Cảnh trang bị vũ khí nặng đến khiêu khích giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật tại lô 06.1, thuộc dự án Nam Côn Sơn của liên doanh Nga-Việt. Thay vì nhượng bộ như nhiều lần trong quá khứ, lần này Việt Nam tỏ ra cứng rắn hơn.
Biện pháp mới nhất là duy trì hoạt động của giàn khoan Nhật Bản thêm sáu tuần lễ, đồng thời kêu gọi Trung Quốc rút tàu hải cảnh vũ trang ra xa khu vực, theo thông cáo của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam.
Phản ứng của Việt Nam trong vụ lô 06.1 thuộc dự án Nam Côn Sơn được xem là thể hiện quyết tâm không lùi trước sức ép của Bắc Kinh. Trong khu vực bãi Tư Chính, tàu cảnh sát biển Việt Nam vẫn tiếp tục đối đầu với tàu hải cảnh vũ trang của Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam, qua lời phát ngôn viên bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm qua, đã khẳng định chủ quyền quốc gia và yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi bãi Tư Chính.
Theo nhà phân tích chiến lược Collin Koh, đại học Singapore, từ sau vụ nhượng bộ Bắc Kinh, hủy bỏ dự án ở bãi Tư Chính với đối tác Tây Ban Nha năm 2018, Hà Nội cảm thấy không thể lui được nữa vì Trung Quốc được đằng chân lân đằng đầu gây thiệt hại cho các dự án dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.  Đó là lý do cần tỏ thái độ dứt khoát. Lý do thứ hai là, ngoài việc xoa dịu công luận Việt Nam vốn rất  căm ghét chế độ Bắc Kinh, giới lãnh đạo Hà Nội cũng cần thu hút sự quan tâm và trợ giúp của cộng đồng quốc tế, cho nên không thể im lặng mãi.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190726-bien-dong-viet-nam-keo-dai-thoi-gian-khao-sat-dau-khi-o-nam-con-son-trong-boi-canh

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc lập tức rút tàu ra khỏi bãi Tư Chính

mediaPhát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh họp báo ngày 25/07/2019.REUTERS/Kham
Hà Nội hôm nay 25/07/2019 yêu cầu Trung Quốc « rút ngay lập tức » chiếc tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang thăm dò trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm nay tuyên bố : « Việt Nam đã có nhiều biện pháp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, các lực lượng chức năng Việt Nam đã triển khai các biện pháp theo đúng pháp luật. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức các tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ».
Bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định : « Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, đúng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế ».
Đây là lần thứ ba trong vòng 10 ngày qua Hà Nội lên tiếng phản đối việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, và ngày càng tỏ ra kiên quyết hơn.
Giáo sư Ryan Martinson, trường Hải Chiến Hoa Kỳ hôm nay 25/7 ghi nhận tàu Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 vẫn tiếp tục hoạt động tại bãi Tư Chính, ngoài ra còn có thêm sự hiện diện của một tàu hải cảnh Trung Quốc 5.000 tấn mang số hiệu 3501.
Báo chí trong nước cho biết thêm, giàn khoan Hakuryu-5 đang hoạt động tại lô 06.1 bể Nam Côn Sơn ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam sẽ kéo dài hoạt động thêm một tháng rưỡi, đến hết ngày 15/9, thay vì rút đi vào ngày 30/7 như dự kiến. Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam đề nghị tàu bè cần di chuyển cách xa giàn khoan.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Cục Địa Chất Trung Quốc từ ngày 3/7 thăm dò tại khu vực bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.
Cũng theo CSIS, trước khi phát hiện được chiếc thăm dò tàu này, các tàu tuần duyên cỡ lớn trang bị vũ khí hạng nặng của Trung Quốc cũng đã lao thẳng vào giữa hai tàu Việt Nam đang bảo vệ một giàn khoan Rosneft liên doanh với Nga tại lô 06.1 một cách nguy hiểm, nhằm đe dọa.
Cuối tuần rồi Hoa Kỳ đã yêu cầu Trung Quốc và đội ngũ « dân quân biển » chấm dứt việc quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của các nước khác tại Biển Đông. Bắc Kinh tố cáo Washington « vu khống ».
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190725-bien-dong-viet-nam-yeu-cau-trung-quoc-rut-tau-ngay-lap-tuc-khoi-bai-tu-chinh

Tư Chính : Bắc Kinh sẽ còn quấy nhiễu nếu quốc tế không lên tiếng

mediaBáo chí Việt Nam bắt đầu lên tiếng về vụ tàu Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính, sau khi được cởi trói.DR
Cho đến hôm nay 24/07/2019, các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục hiện diện gần giàn khoan ở phía tây bãi Tư Chính của Việt Nam. Nhà nghiên cứu Swee Lean Collin Koh, Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng thuộc trường đại học Nanyang, Singapore nhận định, sự đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại bãi Tư Chính dường như không có hồi kết.
Với việc yêu cầu Bắc Kinh rút hết các tàu, trong đó có Hải Dương Địa Chất 8, ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, lần này Việt Nam tỏ ra cứng rắn. Thêm vào đó, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã ra thông cáo báo chí chỉ trích việc Trung Quốc cưỡng bức, gây phương hại đến hoạt động khai thác dầu khí của các nước khác.
Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á (ADMM) mới đây không hề đề cập đến việc Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa Biển Đông. Có vẻ như Trung Quốc đã thành công trong việc khẳng định lập luận của mình là đang có hòa bình và ổn định tại Biển Đông, không cần đến sự can thiệp từ bên ngoài.
Phải chăng cuộc đối đầu ở bãi Tư Chính đã đập tan luận điệu của Bắc Kinh ?
Muốn hiểu được hành động của Trung Quốc, trước hết cần xem lại cơ sở yêu sách của họ. Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, nhưng cũng trong khu vực « đường lưỡi bò » mà Trung Quốc tự vẽ. Rõ ràng là phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye (PCA) ngày 12/07/2016, khẳng định đường 9 đoạn này là bất hợp pháp, không có tác động đối với những tính toán của Bắc Kinh. Chính sách bành trướng của Trung Quốc không hề thay đổi, và Bắc Kinh chưa bao giờ công nhận hay tuân thủ phán quyết của PCA.
« Đường lưỡi bò » vẫn hiện diện
Theo cách lý sự của Trung Quốc, tất cả các hoạt động liên quan đến dầu khí trong đường 9 đoạn, kể cả bãi Tư Chính của Việt Nam và bãi cạn Luconia của Malaysia, đều là bất hợp pháp vì trong « vùng biển tranh chấp », bất chấp yêu sách đường lưỡi bò này đã bị khẳng định là vô căn cứ, cách đây ba năm.
Tuy nhiên, theo UNCLOS – vốn là cơ sở cho trật tự quốc tế trên biển, mà Bắc Kinh liên tục cho rằng mình tuân thủ - thì các quốc gia ven biển như Việt Nam đang thực thi các quyền chủ quyền hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Rõ ràng là bất kỳ nhượng bộ nào theo phán quyết PCA sẽ làm phương hại cho tính chính danh của của giới chóp bu Bắc Kinh, nhất là Tập Cận Bình, vốn dùng đường lưỡi bò làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Nếu lùi bước, thì không chỉ Tập Cận Bình, mà đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng phải trả một cái giá chính trị, lâu nay vẫn lớn tiếng trên các diễn đàn và kích thích tinh thần dân tộc.
Nhưng đằng sau các hành động quấy nhiễu việc khai thác dầu của Việt Nam tại bãi Tư Chính còn có một ttông điệp: không ai có thể thăm dò và khai thác dầu khí tại « vùng biển tranh chấp » nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc. Nói một cách đơn giản : cho dù Bắc Kinh không thò tay được vào nguồn năng lượng này, thì cũng không ai được đụng tới.
Những thay đổi trên thực địa
Thái độ này không có gì mới. Cuộc xung đột dữ dội với Việt Nam năm 2014 trước đây, khi Trung Quốc tự tiện kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du (HYSY) 981 đến vùng biển Hoàng Sa, là phản ứng của Bắc Kinh trước hoạt động dầu khí của Hà Nội, hợp tác với công ty Ấn Độ ONGC Videsh Limited.
Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều rút ra những bài học từ vụ đối đầu kéo dài nhiều tháng trời này, và sau đó đã thỏa thuận « xử lý đúng đắn các vấn đề trên biển », hàm ý là đôi bên sẽ tìm cách kềm chế tình cảm dân tộc chủ nghĩa, âm thầm giải quyết.
Đó là một sự thay đổi kể từ năm 2014. Nhưng còn có một thay đổi quan trọng khác, mà người ta có thể thấy rõ trong vụ bãi Tư Chính : chương trình xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo đã mang lại kết quả. Các tàu Trung Quốc, đặc biệt là tàu tuần duyên và dân quân biển, có thể duy trì sự hiện diện ở bãi Tư Chính nhờ được tiếp liệu tại các đảo nhân tạo này, thay vì quay lại các căn cứ xa tắp ở đại lục.
Bắc Kinh tính toán những gì ?
Bắc Kinh có thể đã đánh giá nhiều yếu tố cho phép họ dùng đến biện pháp cưỡng bức để đạt được mục tiêu tại Biển Đông. Trước hết là các « tiền đồn » ở Trường Sa, thứ hai là nhận định các đối thủ Đông Nam Á  không dám công khai các vụ bị bức hiếp, vì sợ sự việc sẽ trở nên nguy hiểm. Nhất là ASEAN và Bắc Kinh gần đây đang có những tiến triển về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), cũng như đã có cuộc tập trận chung đầu tiên hồi năm ngoái.
Cuối cùng, Trung Quốc tin rằng có thể tiếp tục luận điệu xưa nay là chỉ phản ứng trước những khiêu khích, tố ngược lại các nước khác đã gây phương hại cho tiến trình hòa bình trên Biển Đông.
Ban đầu Bắc Kinh cho rằng nhận định trên là đúng, sau khi phá rối giàn khoan Sapura Esperanza của Malaysia ngoài khơi bãi cạn Luconia mà báo chí chính thức nước này không đưa tin, chỉ có mạng xã hội Malaysia lên tiếng. Hà Nội cũng đã buộc báo chí trong nước phải im lặng, cho đến tuần trước. Đây là nỗ lực của hai chính phủ Đông Nam Á để không làm bùng nổ tình hình, âm thầm giải quyết sự cố.
Nhưng tất cả đã thay đổi, với tuyên bố của bộ Ngoại Giao Việt Nam và việc tháo gỡ những cấm đoán đối với báo chí về sự kiện trên, chứng tỏ Hà Nội không còn chịu đựng nổi việc Trung Quốc cứ lì lợm, bám riết bãi Tư Chính để quấy nhiễu.
Như vậy, tiếp đến Bắc Kinh sẽ phải thay đổi chăng ? Theo tác giả, có lẽ là không. Trung Quốc sẽ không rút nhóm tàu ra khỏi bãi Tư Chính, trừ phi có cách thức nào đó để giữ thể diện. Nhưng ít nhất, giờ đây đã phức tạp hơn cho Bắc Kinh : tình cảm dân tộc trỗi dậy khiến Trung Quốc phải dè chừng nguy cơ leo thang.
Điều này có nghĩa là các tàu Trung Quốc có thể vẫn ở lại bãi Tư Chính, nhưng có những chỉ thị rõ ràng nhằm tránh mọi hành động gây căng thẳng tình hình. Đồng thời, cũng giống như hồi năm 2014, sẽ có những hoạt động ngoại giao hậu trường, đặc biệt là giữa hai đảng.
Quốc tế hóa tranh chấp ?
Một nhận xét thú vị : thông cáo báo chí của bộ Ngoại Giao Việt Nam bày tỏ mong muốn « các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm duy trì và bảo vệ lợi ích chung này ». Điều này có ý nghĩa quan trọng, là Hà Nội dường như rất muốn quốc tế hóa vụ xung đột ở bãi Tư Chính, và như vậy sẽ tác động đến toàn bộ những tranh chấp ở Biển Đông.
Động thái này đi ngược lại chủ trương lâu nay của Trung Quốc là chống lại mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Bất kỳ diễn biến xấu nào ở bãi Tư Chính cũng có thể khiến một bên thứ ba có thể can thiệp, nhân danh an toàn và tự do hàng hải. Nói cách khác, Bắc Kinh có thể hiểu thông cáo của Việt Nam là lời mời gọi bên ngoài vào can thiệp.
Hành động này có thể không làm cho Bắc Kinh rút ngay khỏi bãi Tư Chính, nhưng ít nhất cũng khiến Trung Quốc phải chùn tay, không dám đi xa hơn việc duy trì đội tàu tại vùng biển này. Tuy nhiên rõ ràng là vẫn chưa đủ. Chừng nào Bắc Kinh còn ý thức được là không từ đe dọa tiến đến sử dụng sức mạnh quân sự, thì vẫn còn có thể bảo đảm là không có hành động nào từ bên ngoài để đuổi tàu của họ ra khỏi bãi Tư Chính.
Thúc giục Trung Quốc thối lui ?
Điều gì có thể buộc Bắc Kinh kêu gọi đình chiến và rút khỏi bãi Tư Chính ? Ít nhất, trước hết ASEAN cần phải có quan điểm thống nhất và rõ ràng trong vấn đề này. Theo Nikkei, dự thảo tuyên bố của ASEAN có ghi hành động của Trung Quốc tại Biển Đông làm « xói mòn lòng tin ». Từ ngữ này là mạnh mẽ và trực tiếp hướng về phía Bắc Kinh, nhưng nếu không được thống nhất, có thể làm loãng đi tác động.
ASEAN cần phải cảnh báo Bắc Kinh là mọi hành động bức hiếp như ở bãi Tư Chính là đi ngược lại các tiêu chuẩn và quy định quốc tế hiện có, làm phương hại đến những tiến bộ đã đạt được trong hai năm qua, trong đó có tiến trình đàm phán COC. Vụ Tư Chính phải là phép thử cho khả năng của ASEAN trong vấn đề an ninh khu vực, và bây giờ là lúc để chứng tỏ, sau thất bại hồi tháng 7/2012.
Các cường quốc và định chế quốc tế chủ chốt như Liên Hiệp Châu Âu chẳng hạn, vốn lâu nay cổ vũ cho một trật tự trên cơ sở luật pháp, cũng có thể tác động vào. Hoa Kỳ là cường quốc đầu tiên phản ứng trước các hành vi mới đây của Trung Quốc. Dự luật của Thượng Viện Mỹ về việc trừng phạt các hành động liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông năm 2019, được đưa ra vào cuối tháng Năm, có thể « ra đòn » về sự kiện này. Một khi được thông qua, các biện pháp trừng phạt có thể khiến Trung Quốc phải trả giá và buộc lòng phải thay đổi.
Chống lại hành động cưỡng bức
Chuyên gia Swee Lean Collin Koh kết luận, đã đến lúc cộng đồng quốc tế và đặc biệt là các quốc gia thành viên ASEAN phải nhìn nhận, sau nhiều lần cố gắng, là việc vận động Trung Quốc không mang lại kết quả nào. Một mặt tỏ ra muốn thương lượng về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, mặt khác Bắc Kinh tiếp tục sử dụng biện pháp cưỡng bức để đạt cho được mục tiêu, bất chấp các quyền hợp pháp của nước khác. Những cơ sở mà Trung Quốc dựng lên tại Biển Đông đã tạo điều kiện chưa từng thấy cho việc bắt nạt các láng giềng.
Trừ phi cộng đồng quốc tế có hành động cứng rắn trước những quấy nhiễu của Trung Quốc tại bãi Tư Chính, những hành vi tương tự sẽ còn lặp đi lặp lại trong những năm tới. Đơn giản là Bắc Kinh nhận ra, cưỡng ép sẽ mang lại kết quả. Tình trạng này sẽ khiến không chỉ Trung Quốc, mà cả một số nước khác trong hoặc ngoài khu vực, bình thường hóa việc cưỡng bức.
Tác giả nhấn mạnh, như lịch sử đã chứng minh, sự nhường nhịn chỉ làm kẻ tấn công thêm hung hăng, nếu kẻ ấy không biết giới hạn của tham vọng là gì.
 http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190724-bai-tu-chinh-bac-kinh-se-con-quay-nhieu-neu-quoc-te-khong-len-tieng

Chống Trung Quốc ở Biển Đông: Việt Nam làm gương cho Duterte ?

mediaMột tầu hải cảnh Trung Quốc (trắng) gần một con tầu của cảnh sát biển Việt Nam tại Biển Đông, khoảng 210 km (130 hải lý) ngoài khơi Việt Nam, ngày 14/05/2014.REUTERS / Nguyễn Minh
Trong những ngày qua, thời sự Biển Đông nổi cộm với vụ Trung Quốc vào đầu tháng cho tàu vào khảo sát khu vực Bãi Tư Chính gần Trường Sa, đồng thời sách nhiễu tàu tiếp tế phục vụ cho một giàn khoan dầu cho Việt Nam. Đây là khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đã lập tức cho tàu chấp pháp của mình ra ngăn chặn, và đã công khai lên tiếng đòi Trung Quốc rút tàu đi.
Trong lúc Việt Nam có phản ứng dứt khoát nhằm ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc, Philippines, một nước Đông Nam Á khác mà vùng đặc quyền kinh tế (gần đây nhất là tại khu vực Bãi Cỏ Rong) bị Trung Quốc xâm phạm, lại không nói gì. Thậm chí, trong thông điệp gởi toàn quốc hôm 22/07/2019, tổng thống Duterte lại công khai nhắc lại quan điểm “chủ bại” của ông khi cho rằng Trung Quốc đã “chiếm hữu và kiểm soát” được Biển Đông rồi, sức mạnh quân sự của Trung Quốc lại hùng hậu hơn Philippines gấp bội, vì thế không nên đụng với Bắc Kinh.
Trước hai cách phản ứng chống lại các hành động áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, nhiều chuyên gia đã cho rằng, thay vì có phản ứng khiếp nhược trước Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, Manila nên học tập cách ứng phó của Việt Nam.
Thói thường của Trung Quốc : Mềm nắn, rắn buông
Trong bài viết : “Malaysia và Việt Nam cho thấy là Philippines có thể kháng lại Trung Quốc - Malaysia, Vietnam show PH can stand up to China”, tờ báo mạng Philippines Rappler ngày 23/07/2019 đã trích lời chuyên gia Gregory Poling, giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược CSIS tại Washington, cho rằng : “Khi các nước có yêu sách chủ quyền (trên Biển Đông) chủ động vùng lên và không để mình bị hù dọa, trong đa số trường hợp, Bắc Kinh đều lùi bước, thay vì dùng võ lực”.
Ghi nhận trước tiên của tờ Rappler là Malaysia và Việt Nam vẫn tiếp tục các hoạt động dầu khí ở Biển Đông bất chấp các cuộc chạm trán căng thẳng với tàu Hải Cảnh Trung Quốc trong vùng biển của mình. Điều đó cho thấy là Philippines có thể chống lại các hoạt động xâm lược của Trung Quốc khi Bắc Kinh cho thăm dò dầu khí ở Biển Đông (mà Manila đã cải tên thành Biển Tây Philippines).
Trả lời phỏng vấn của trang mạng Rappler, ông Poling nêu bật sự kiện là cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Malaysia với Trung Quốc hiện đang diễn ra gần các giàn khoan dầu nằm ở bên trong vùng đặc quyền kinh tế của hai nước Đông Nam Á.
Dù bị TQ sách nhiễu, giàn khoan Việt Nam vẫn hoạt động
Liên tưởng đến khu vực Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) của Philippines, được cho là có trữ lượng dầu khá lớn mà Manila rất muốn khai thác, chuyên gia Mỹ cho rằng nếu thúc đẩy việc thăm dò khu vực này mà không được phép của Trung Quốc, thì chắc chắc Philippines sẽ bị “những kiểu sách nhiễu tương tự”.
Bãi Cỏ Rong là một khu vực ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa, trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, hiện do Manila kiểm soát, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền.
Diễn biến tình hình hiện nay giữa Malaysia và Việt Nam với Trung Quốc, theo ông Poling, có thể giúp cho Philippines một bài học : Đó là “trong cả hai trường hợp Malaysia và Việt Nam, hành vi quấy rối của Trung Quốc đã không thể ngăn các giàn khoan Malaysia và Việt Nam hoạt động”.
Duterte cần học cách phản ứng cứng rắn của Aquino và Việt Nam
Nhận định về các hành vi quấy nhiễu của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam và Malaysia, giám đốc AMTI cho rằng điều đó cho thấy là chiến lược của Trung Quốc chỉ là sách nhiễu và hù dọa chứ không phải là dùng võ lực.
Trong chiều hướng đó, ông Poling khẳng định rằng nếu bị kháng cự, Bắc Kinh sẽ lùi bước. Chuyên gia Mỹ nhắc lại rằng vào năm 2014, thời tổng thống Aquino, chính quyền Philippines đã chống lại việc Trung Quốc phong tỏa Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal, mà người Philippines gọi là Ayungin), và “đó là điều mà chính quyền Malaysia và Việt Nam đang làm”.
Không chống lại Trung Quốc sẽ phải trả giá
Theo các nhà phân tích, nếu không làm gì để chống lại các hành vi sách nhiễu của Trung Quốc, Philippines tất nhiên sẽ phải trả giá.
Theo Rappler, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhiều lần tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng gây chiến với Philippines nếu nước này khẳng định quyền của mình ở Biển Đông. Đối với các chuyên gia, đây là một lập luận sai lạc. Mặc dù vậy, ông Duterte tiếp tục nhắc lại các mối đe dọa về nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc mà Philippines chắc chắn sẽ bị thảm bại trong bài diễn văn gởi toàn quốc hôm 22 tháng 7 vừa qua.
Theo ông Poling, cho dù việc Philippines tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình ở Biển Đông hàm chứa một số rủi ro, nhưng Manila sẽ phải trả giá nặng nề hơn khi từ bỏ việc khẳng định các quyền hợp pháp của mình trong vùng biển của mình.
Chuyên gia Mỹ xác định nguyên văn như sau : “Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro không phải là không làm gì cả, mà là củng cố thêm quan hệ liên minh với Hoa Kỳ, làm cho rõ rằng bất kỳ một cuộc tấn công nào của Trung Quốc vào Philippines sẽ dẫn đến sự can thiệp của Mỹ, đồng thời bền bỉ khẳng định chủ quyền của mình để Trung Quốc hiểu rằng bắt nạt sẽ không có kết quả”.
Lời kết luận của ông Poling rất rõ ràng khi ông nhắc đến cách đối phó của Việt Nam : “Người ta sẽ không bao giờ nghe thấy các quan chức Việt Nam công khai than thở rằng họ không thể khẳng định các quyền của nước họ, vì họ không thể chiến đấu chống lại Trung Quốc. Ngược lại là khác, người Việt Nam đã chiến đấu chống Trung Quốc, đồng thời cho rằng bản thân Trung Quốc cũng không muốn chiến tranh như mọi nước khác”.
Biển Đông : Bắc Kinh không đối xử được với Hà Nội như với Philippines
Khác biệt trong đối sách Trung Quốc của Việt Nam và Philippines cũng đã được nhật báo Mỹ Forbes chú ý khi vừa xuất hiện những thông tin đầu tiên về vụ Việt Nam đưa tàu ra ngăn chặn tàu Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính.
Trong bài viết ngày 13/07 mang tựa “Biển Đông : Bắc Kinh không thể đối xử với Việt Nam như là đối với Philippines - Beijing Shouldn't Treat Vietnam Like The Philippines”, tờ báo Mỹ đã đăng ý kiến riêng của chuyên gia Panos Mourdoukoutas, công tác viên của Forbes.
Theo chuyên gia này, Bắc Kinh cũng muốn áp dụng chính sách chiêu dụ Hà Nội như đã thành công khi thuyết phục được ông Duterte “trở cờ”, và lặng thinh nhìn Trung Quốc hoành hành tại vùng biển mà Manila tuyên bố chủ quyền. Thế nhưng Bắc Kinh đã thất bại.
Theo ông Mourdoukoutas, liên quan đến tranh chấp Biển Đông, chính sách chiêu dụ của Bắc Kinh không thành công với Việt Nam, và Hà Nội không xem Bắc Kinh là một người « bạn », giống như cách mà Tổng thống Rodrigo Duterte đã bày tỏ. Điều này đã được thấy khi Việt Nam triển khai lực lượng để đối đầu với tàu Trung Quốc thâm nhập vào vùng biển mà Bắc Kinh tranh chấp với Hà Nội.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190725-chóng-trung-quóc-ỏ-biẻn-dong-viẹt-nam-làm-guong-cho-duterte

Bãi Tư Chính: Tại sao Trung Quốc “đánh” Việt Nam vào lúc này?

mediaSơ đồ hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 (màu đỏ) sách nhiễu tàu Việt Nam ở bãi Tư Chính, thời gian từ 16/06-10/07/2019.AMTI(CSIS)
Năm năm sau cơn sốt 2014, khi việc Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương 981 vào cắm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam làm dấy lên cả một phong trào phản đối quyết liệt từ phía Việt Nam, từ tháng Sáu vừa qua, Bắc Kinh lại bất ngờ gây sự trở lại với Việt Nam, lần này bằng cách cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, được cả một đoàn tàu hải cảnh và tàu dân quân biển hộ tống, tiến vào khảo sát một khu vực rộng lớn nằm sâu bên trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, ngoài khơi bờ biển phía nam Việt Nam
Không những thế một chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc còn liên tục chạy đến khiêu khích và sách nhiễu công việc khai thác dầu khí của Việt Nam tại một vùng mỏ cũng ở trong vùng thềm lục địa mà Việt Nam đã khai thác từ lâu.
Câu hỏi mà nhiều nhà quan sát đặt ra là tại sao Trung Quốc lại gây sự với Việt Nam vào lúc này, tức là lúc mà quan hệ hai bên đang bình thường hóa trở lại. Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, chuyên gia Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Học Viện Quốc Phòng Úc thuộc trường Đại Học New South Wales, cho rằng tùy theo cấp thẩm quyền tại Trung Quốc đã ra lệnh tấn công Việt Nam, nguyên do có thể khác nhau.
Việc cho triển khai tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 xuống Biển Đông, theo giáo sư Thayer, có thể là quyết định của cấp điều hành công việc thường nhật, xuất phát từ lý do thương mại. Năm 2012, tập đoàn Dầu Khí Hải Dương Quốc Gia Trung Quốc (CNOOC) đã quy định một số lô khai thác dầu khí nằm bên trong đường chín đoạn của Trung Quốc, chồng chéo với các lô dầu khí của Việt Nam trong khu vực. Cho đến nay, không có công ty dầu khí nước ngoài nào đáp ứng lời gọi thầu của CNOOC.
Tưởng lầm rằng Việt Nam sẽ tiếp tục lùi như trong vụ Repsol
Vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018, Việt Nam đã lùi bước trước sức ép của Trung Quốc và đình chỉ hoạt động thăm dò dầu khí tại hai lô trong khu vực Bãi Tư Chính. Theo giáo sư Thayer, rất có thể là các quan chức dầu khí Trung Quốc đã kết luận rằng họ có thể yên tâm tận dụng tình trạng này. Chỉ có hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống tàu khảo sát, trái ngược với tám mươi chiếc hoặc nhiều hơn nữa tháp tùng giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển tranh chấp vào năm 2014…
Tổ chức Sáng Kiến ​​Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI cho rằng Trung Quốc tìm cách “trừng phạt” Việt Nam vì đã bật đèn xanh cho chi nhánh tại Việt Nam của tập đoàn Nga Rosneft tiếp tục thăm dò tại lô 06.1. Tuy nhiên, theo giáo sư Thayer, cho đến giờ, giả thuyết này vẫn chỉ là suy đoán, vì chưa được bằng chứng công khai nào xác nhận.
Hành động của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính cũng có thể là kết quả của một tính toán chiến lược ở cấp cao. Theo giáo sư Thayer, trong trường hợp này, có thể cho rằng “Trung Quốc đang tìm cách chống lại thái độ quyết đoán mới của Mỹ bằng cách gây áp lực lên các quốc gia trong khu vực để Hoa Kỳ hụt chân".
Lý do chiến lược : Ép Việt Nam để phá Mỹ
Thái độ quyết đoán mới của Hoa Kỳ được thể hiện qua việc tăng cường các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải, tăng cường sự hiện diện và các chuyến tuần tra của oanh tạc cơ, của tàu hải quân, và bán vũ khí cho Đài Loan. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã xác nhận rằng Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương năm 1951 với Philippines bao gồm Biển Đông trong phạm vi áp dụng, trong lúc một đô đốc Mỹ cao cấp tuyên bố rằng một cuộc tấn công của dân quân biển Trung Quốc sẽ được coi là một cuộc tấn công bằng lực lượng Hải Quân.
Kể từ khi công bố Chiến Lược Ấn Độ-Thái Bình Dương vào giữa năm nay, Hoa Kỳ đã ưu tiên nhiều hơn cho việc tranh thủ Việt Nam làm đối tác an ninh. Một số nguồn tin quân sự và ngoại giao đã cho biết riêng là Hoa Kỳ đã đề nghị với Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương từ hàng đối tác toàn diện lên hàng đối tác chiến lược và Việt Nam đã đồng ý cho hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Việt Nam hàng năm.
Nhìn dưới góc độ chiến lược, thì có vẻ như là Trung Quốc đang sử dụng áp lực ở mức độ thấp đối với Việt Nam để phá hoại những nỗ lực của Hoa Kỳ muốn hình thành mạng lưới các đồng minh và đối tác chiến lược trong khu vực để đối phó với Trung Quốc.
Dụng tâm chiến lược kể trên được thấy trong phản ứng gay gắt của Bắc Kinh vào hôm nay, 22/07, sau khi bị Washington công khai vạch mặt chỉ tên về hành vi« bức hiếp » các láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, trên vấn đề khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên án Mỹ vu khống Trung Quốc, đồng thời nhắc lại lập luận cố hữu của Bắc Kinh là Hoa Kỳ và « nhiều thế lực bên ngoài » khác cố tình khuấy động tình hình Biển Đông, phá hoại các « cố gắng của Trung Quốc và các nước ASEAN đang giải quyết bất đồng bằng đối thoại » để duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190722-bai-tu-chinh-tai-sao-trung-quoc-“danh”-viet-nam-vao-luc-nay

Geen opmerkingen:

Een reactie posten