Mêkông : Mối nguy từ các đập thủy điện ở thượng nguồn
Các đập thủy điện ở thượng nguồn gây nhiều tác động tới các loài cá trên sông Mêkông.@international rivers
Trải dài hơn 4.800 km, sông Mêkông có hệ đa dạng sinh thái nước ngọt lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau hệ sinh thái Amazone, với 1.300 loài cá.
Tại Đông Nam Á, có 70 triệu người, thuộc hơn 100 nhóm sắc tộc sống ở lưu vực sông Mêkông, trong đó có 85% kiếm sống trực tiếp từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của sông Mêkông. Nói cách khác, sông Mêkông giữ vai trò sống còn đối với 60 triệu người trong khu vực.
Tuy nhiên, hiện giờ, tương lai của hạ nguồn sông Mêkông, đoạn chảy qua các nước Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam, đang nằm trong tay các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Hãng tin Anh Reuters ngày 24/07/2019 trích dẫn chuyên gia Premrudee Deoruong của tổ chức bảo vệ môi trường Laos Dam Investment Monitor tại Lào, theo đó « hiện giờ, Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn dòng sông » và « từ nay, có một mối lo ngại là dòng sông sẽ bị các nhà khai thác đập thủy điện kiểm soát ».
Mực nước sông Mêkông thấp kỷ lục tại Thái Lan
Hiện giờ đang là giữa mùa mưa tại Thái Lan, nhưng mực nước sông Mêkông đoạn chảy qua Thái Lan lại ở mức thấp chưa từng có tính từ một thế kỷ qua. Tại tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan, mực nước sông Mêkông xuống chỉ còn 1.5m, mức thấp nhất trong suốt 100 năm qua, so với mực nước 12m cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình 8m hàng năm. Còn ở Nong Khai, mực nước này là 80cm, so với mức 1,5 m của năm 2018.
Một ngư dân làng chài gần 60 năm qua trên sông Mêkông cho Reuters biết là những gì ông chứng kiến năm nay chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ. Các ngư dân giờ đây chỉ đánh được cá nhỏ, bởi vì mực nước xuống thấp như vậy thì không thể có cá to.
Theo Cơ quan quốc gia về nguồn tài nguyên nước, mực nước ở 18 hồ chứa nước cung cấp cho các cánh đồng lúa nước ở miền trung và miền đông Thái Lan chỉ đạt 30%, không đảm bảo đủ lượng nước cho hoạt động trồng lúa nước. Trongn khi cách nay một năm, vào tháng 08/2018, 11 trong số những hồ nước trên đã tích đầy nước.
Đúng là mực nước sông Mêkông và các hồ chứa nước xuống thấp như vậy là do mưa ít, hạn hán nghiêm trọng nhất trong suốt thập kỷ gần đây. Theo trạm thủy văn tỉnh Nakhon Phanom, lượng nước mưa trung bình năm 2019 chỉ đạt 90mm/m3 so với mức 300mm/m3 hồi năm 2018.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khoa học và cư dân trong vùng lo ngại là đợt hạn hán này đặc biệt nghiêm trọng hơn, do các đập thủy điện ở thượng nguồn tạo ra những biến đổi lớn không thể đảo ngược trên dòng sông vốn là nguồn cung cấp nước cho một trong những khu vực trồng lúa nước lớn nhất Đông Nam Á.
Mối nguy từ các đập thủy điện Trung Quốc và Lào
Hiện tại, trên sông Lan Thương (đoạn Mêkông chảy qua Trung Quốc), Trung Quốc đã có 11 đập thủy điện, với tổng sản lượng điện 21.300 megawatt. Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn đang lên kế hoạch xây thêm 8 đập ở lưu vực sông, cả ở dòng chính và trên các nhánh phụ. Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington, ước tính những đập này có thể tạo thêm 6.000 megawatt điện cho Trung Quốc.
Các đập thủy điện tại Lào nhiều, nhưng có quy mô nhỏ hơn so với Trung Quốc : 64 đập hiện mang lại sản lượng chưa tới 6.000 megawatt điện, nhưng 63 đập khác đang được xây dựng hoặc được lên kế hoạch xây dựng. Với tham vọng trở thành nguồn cung cấp năng lượng tại châu Á, Lào còn đề xuất xây thêm hơn 300 đập. Kế hoạch này có thể khiến sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện của Lào trên sông Mêkông vượt Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 07, cơ quan khai thác đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc thông báo giảm xả ½ lượng nước để phục vụ công tác bảo trì trên đoạn sông Mêkông trên lãnh thổ Trung Quốc .
Một nguyên nhân khác là đập thủy điện Xayabury, do một công ty Thái Lan xây dựng tại Lào để cấp điện cho Thái Lan, đã bắt đầu được thử nghiệm từ ngày 15/07.
Vì thiếu nước tưới, chính quyền Thái Lan đã phải yêu cầu nông dân ngưng trồng thêm lúa. Bộ Ngoại Giáo Thái Lan cho Reuters biết họ đã mời đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan đến thảo luận về các biện pháp khắc phục khủng hoảng nước trên sông Mêkông do biến đổi khí hậu và hạn hán. Thái Lan cũng đã kêu gọi Lào mở đập Xayaburi xả nước xuống hạ lưu sông Mêkông. Bộ Ngoại Giao Thái Lan sau đó thông báo Trung Quốc và Lào đã xả nước từ các đập thủy điện và mực nước sông Mêkông tại tỉnh Nakhon Phanom đã dâng lên.
Tuy nhiên, trước đó đại sứ quán Trung Quốc không hồi đáp đề nghị bình luận về tình trạng hạn hán. Còn các chuyên gia môi trường cho rằng tình trạng thiếu nước bất thường như vậy là dấu hiệu đáng ngại cho tương lai của sông Mêkông và hệ động thực vật gắn với dòng sông này.
Trang mạng của cộng đồng người Pháp và người nói tiếng Pháp Le petit journal tại Thái Lan hôm nay cho biết các nhà đấu tranh vì môi trường sinh thái hôm thứ Sáu 26/07 đã đệ đơn kiến nghị lên Tòa hành chính tối cao đề nghị chính phủ Thái Lan đình chỉ các dự án mua điện được sản xuất từ đập thủy điện Xayabury tại Lào. Theo dự kiến, đập này sẽ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 10/2019 với sản lượng điện 1.220 megawatt.
Nỗi lo của ngư dân
Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF cảnh báo khả năng di cư của các loài cá bị xáo trộn, vì các đập thủy điện tác động lên chu kỳ tự nhiên của dòng chảy. Vì thế, WWF kêu gọi hoãn khai thác đập Xayabury cho đến khi có kết quả nghiên cứu mới về tác động của đập này.
Pianporn Deetes giám đốc chiến dịch tại Thái Lan của tổ chức Sông Ngòi Quốc Tế International Rivers than phiền là người ta chỉ quan tâm đến việc khai thác sông Mêkông vì mục đích làm thủy điện, còn cuộc sống và quyền lợi của những người khác sống phụ thuộc vào sông Mêkông đã bị gạt ra ngoài lề.
Theo chuyên gia này, chính tuyên bố của Trung Quốc là các đập thủy điện có thể giúp điều chỉnh mực nước sông Mêkông ở hạ nguồn theo hướng cung cấp thêm nước trong mùa khô và đến mùa mưa thì giữ nước lại đã gây lo ngại về việc con người đang can thiệp vào chu kỳ tự nhiên của sông Mêkông. Việc cố gắng tác động vào dòng chảy của sông qua việc xả nước đập thủy điện có thể tạo ra những thay đổi khó lường.
Hồi tháng 05/2019, tạp chí khoa học Nature trích dẫn kết quả một công trình nghiên cứu của thế giới về tác hại của thủy điện đối với sông ngòi, theo đó tình trạng trên sông Mêkông là đặc biệt nghiêm trọng. Giáo sư Bernhard Lehner, thuộc đại học Canada McGill, cho AFP biết là tính trung bình, ngư dân hàng năm đánh bắt được hơn 1 triệu tấn cá nước ngọt từ sông Mêkông, nhưng hiện giờ có quá nhiều đập thủy điện dự kiến được xây dựng và điều này sẽ rất có thể tác động tiêu cực tới sự sinh sôi phát triển của rất nhiều loài cá.
Hiện nay, ở hạ nguồn sông Mêkông, do không còn nhiều cá to, nhiều ngư dân đã buộc phải dùng những loại lưới có mắt lưới nhỏ hơn để đánh bắt cá nhỏ. Dù không còn thu được nhiều cá như trước đây, nhưng các ngư dân không còn lựa chọn nào khác, vì họ không có nghề nào khác và cũng không có đất để trồng trọt. Họ sống phụ thuộc hoàn toàn vào dòng sông. Mà dòng chảy tự nhiên của sông Mêkông thì nay đang bị tác động ngay chính từ thượng nguồn, đặc biệt là các đập thủy điện khổng lồ của Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190729-ha-nguon-song-mekong-moi-nguy-tu-cac-dap-thuy-dien-o-thuong-nguon
Trung Quốc dùng sông Mêkông làm công cụ bành trướng tại Đông Nam Á
Cảnh sát võ trang Trung Quốc chuẩn bị chuyến tuần tra chung đầu tiên trên sông Mêkông, cảng Quan Lũy, Vân Nam. Ảnh tư liệu ngày 09/12/2011REUTERS
Nhật Bản và 5 nước khu vực sông Mêkông (Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Miến Điện) ngày 09/10/2018 đã họp thượng đỉnh tại Tokyo để thúc đẩy một chính sách mới nhằm phát triển toàn vùng theo hướng kết nối khu vực, lấy trọng tâm là cư dân bên sông và bảo vệ môi trường. Dù không nói ra, nhưng đề án do Tokyo chủ trì là một nỗ lực nhằm hạn chế đà bành trướng của Trung Quốc trên vùng lục địa Đông Nam Á. Đài phát thanh Mỹ NPR ngày 06/10/2018 vừa qua đã có một bài phân tích chi tiết về điều được gọi là « Trung Quốc định hình lại sông Mêkông để tăng cường đà bành trướng – China Reshapes The Vital Mekong River To Power Its Expansion ».
Bài viết của NPR nêu bật một loạt hoạt động của Trung Quốc nhằm « chiếm hữu » dòng sông Mêkông, từ việc cho tàu tuần tra xuống đến tận cửa ngõ vào Thái Lan, tiếng là để bảo vệ an ninh cho tàu bè đi lại trên sông, cho đến việc xây đập vô tội vạ để làm điện, bất chấp tổn hại môi trường cho các nước láng giềng ở hạ nguồn.
Nhận xét đầu tiên của phóng viên đài NPR khi đến Thái Lan, một trong những quốc gia ven bờ Mêkông là tình trạng tràn ngập du khách Trung Quốc, được ghi nhận là đông đảo hơn bất kỳ du khách đến từ nơi khác. Đấy cũng là tình trạng chung tại hầu hết các nước Đông Nam Á khác.
Tàu Trung Quốc tuần tra trên sông: Mục tiêu hù dọa
Vấn đề tuy nhiên không chỉ là du khách : Hàng tháng đều có một vài chiếc tàu Trung Quốc có võ trang, từ cảng Quan Lũy (Guanlei) ở Vân Nam (Trung Quốc), xuôi dòng sông, qua Miến Điện và Lào để đến tận khúc vào Thái Lan.
Chiến thuyền Trung Quốc hụ còi inh ỏi để báo trước sự hiện diện, rồi đánh một vòng chữ U dài ngay sát đường ranh giới với Thái Lan, tàu tuần tra Thái Lan có mặt tại chỗ chỉ lặng yên quan sát. Trước khi rời đi, tàu Trung Quốc lại cho còi hụ một tràng dài và lớn. Đôi khi người ta thấy bóng dáng một chiếc tàu tuần giang của Lào tháp tùng theo tàu Trung Quốc.
Đối với phóng viên đài NPR, khu Tam Giác Vàng khét tiếng là một trung tâm buôn bán ma túy, và theo Bắc Kinh, mục tiêu các chiến dịch tuần tra hàng tháng của lực lượng Trung Quốc, quyết định từ năm 2011, sau vụ 13 thủy thủ bị giết chết, chỉ nhằm « giúp cho dòng sông biên giới an toàn hơn ».
Thế nhưng, theo một số nhà phân tích, lý do bảo đảm an ninh chỉ là cái cớ, còn thực ra mục tiêu chính là hù dọa, răn đe các nước trong vùng.
Chuyên gia Elliot Brennan, thuộc Học Viện Chính Sách Phát Triển và An Ninh, có trụ sở tại Bangkok, cho rằng sự hiện diện của chiến thuyền Trung Quốc trên sông Mêkông chỉ nhằm « nhắc nhở các láng giềng về trọng lượng và uy lực cứng cũng như sắc bén ngày càng tăng của Bắc Kinh… Trung Quốc ».
Đập thủy điện giúp Trung Quốc khống chế láng giềng
Bài phân tích của đài NPR không ngần ngại xem vùng Đông Nam Á là sân sau của Trung Quốc : « Ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc đang gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Đông Nam Á, sân sau của họ. Sáng kiến Một Vành Đai và Một Con Đường đang mở rộng thêm ảnh hưởng của Bắc Kinh, với việc xây dựng đường xá, tàu cao tốc và hải cảng đang được rốt ráo tiến hành ở Đông Nam Á, giúp cho hàng hóa Trung Quốc tiếp cận tốt hơn với các thị trường cả trong khu vực lẫn xa hơn nữa ».
Mặt khác, Trung Quốc cũng đang xây dựng một loạt đập thủy điện trên sông Mêkông, mà theo các nhà phân tích, sẽ sản xuất ra điện cần thiết, nhưng đặt ra các mối đe dọa lớn cho môi trường, và đặc biệt là tiếp tục cho phép Bắc Kinh mở rộng quyền kiểm soát của họ trong khu vực.
Theo NPR, đà bành trướng của Trung Quốc tại Đông Nam Á, đã được cảm nhận và trong nhiều trường hợp, làm dấy lên sự sợ hãi.
Chuyên gia Brennan nhận định : « Việc Trung Quốc đồng thời kiểm soát cả Biển Đông lẫn sông Mêkông, về mặt chiến lược, sẽ kẹp khu vực Đông Nam Á trong gọng kềm ». Đối với ông Brennan, âm mưu của Bắc Kinh nhằm kiểm soát các dòng sông tại Đông Nam Á là « phần nửa còn lại của cái gọi là chiến lược tằm ăn dâu (hay cắt lát xúc xích – salami-slicing) của Trung Quốc trong khu vực. »
Bắc Kinh không có cản lực trong vùng Mêkông
Theo chuyên gia Brennan, điều đáng ngại là trên đất liền Đông Nam Á, Trung Quốc không có đối thủ, trong lúc tại Biển Đông, Bắc Kinh đang vấp phải cản lực từ Mỹ và các đồng minh.
Chiến lược tằm ăn dâu của Trung Quốc ở Biển Đông thể hiện qua việc từng bước bối đắp và xây dựng trên các rạn san hô trong vùng biển có tranh chấp của Biển Đông. Tuy nhiên Hoa Kỳ và các đồng minh hiện đang nhấn mạnh nhu cầu bảo vệ quyền tự do hàng hải trong vùng biển rộng lớn mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Trong hồ sơ Mêkông, Trung Quốc có một lợi thế tự nhiên : Đó là việc con sông – tên tiếng Hoa là Lan Thương Giang - đã bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng thuộc lãnh thổ Trung Quốc, trước khi chảy qua năm nước Đông Nam Á trước khi đổ ra Biển Đông.
Chuyên gia Thitinan Pongsudhirak thuộc Đại Học Chulalongkorn của Thái Lan so sánh như sau : « Không giống như trường hợp Biển Đông, vùng sông Mêkông không có các cường quốc khu vực quan trọng khác… Vì vậy, Trung Quốc không phải tranh đấu với Hoa Kỳ hay Úc hoặc Ấn Độ và tất cả các quốc gia khác, như là ở Biển Đông ».
Từ hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mêkông, trên lãnh thổ của họ. Mười con đập đã được xây xong, với nhiều con đập đã được lên kế hoạch.
Đối với chuyên gia Thitinan, vốn đã nghiên cứu sâu về vấn đề Mêkông và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc dọc theo con sông thì tình trạng đó là một hiểm họa cho các nước Đông Nam Á.
« Tôi thấy rằng đó là một tình huống có thể xấu đi… Nếu có thêm nhiều con đâp được xây dựng, và nước khan hiếm đi thì... Trung Quốc có thể sử dụng vị trí của họ ở thượng nguồn làm phương tiện gây sức ép, thậm chí làm công cụ cưỡng chế » các quốc gia ở hạ nguồn.
Theo ông Thitinan, sinh kế của khoảng 60 triệu người ở khu hạ lưu sông Mêkông - Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam - phụ thuộc vào dòng sông.
Mở rộng con sông để phục vụ lợi ích thương mại
Hiện nay, tác hại của các con đập đã bắt đầu được cảm nhận, nhưng theo NPR, vấn đề không chỉ ngừng ở đó, mà Bắc Kinh còn có kế hoạch mở rộng và đào sâu một số khúc sông để cho tàu bè lớn hơn cho thể di chuyển được, từ Vân Nam xuống đến tận Luang Prabang ở Lào, phục vụ cho lợi ích thương mại của Trung Quốc.
Điều đó có nghĩa là phải phá ghềnh, nạo vét những đoạn sông hẹp, và các nhà môi trường cảnh báo rằng điều đó sẽ làm thiệt hại nhiều hơn cho dòng Mêkông và số cư dân lệ thuộc vào con sông.
Trước phong trào phản đối việc mở rộng con sông, một số đề án đã bị tạm dừng, nhưng chuyên gia Thitinan cho rằng việc dựng sẽ không lâu do việc chính quyền Thái Lan bị sức ép rất lớn từ phía Trung Quốc.
« Đối với Thái Lan, đó là điều mà Trung Quốc ... từng đòi hỏi, và Trung Quốc có một mức giá khá cao buộc (Thái Lan) phải trả nếu không đáp ứng. Áp lực sẽ tiếp tục ».
Vấn đề, theo ông Thitinan, Bangkok hiện đang bị kẹt giữa hai áp lực, vì bản thân các doanh nghiệp Thái Lan cũng muốn có thêm giao dịch với Trung Quốc…
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181010-trung-quoc-dung-song-mekong-lam-cong-cu-banh-truong-tai-dong-nam-a
66 tỉ đô la đầu tư vào Tiểu vùng sông Mêkông
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (G) và các đồng nhiệm Hun Sen (Cam Bốt), Thongloun Sisoulith (Lào) tại Hà Nội ngày 31/03/2018.REUTERS/Kham/Pool
Các nhà lãnh đạo sáu quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mêkông hôm nay 31/03/2018 tại Hà Nội đã thông qua một kế hoạch đầu tư đầy tham vọng, với 227 dự án có tổng vốn 66 tỉ đô la cho năm năm tới. Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) đóng góp ít nhất 7 tỉ đô la, số còn lại từ các chính phủ và tư nhân.
Kế hoạch này được đưa ra nhân Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng lần thứ sáu họp tại Việt Nam, với sự tham dự của các thủ tướng Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Việt Nam, phó tổng thống Miến Điện và ngoại trưởng Trung Quốc.
Chương trình Hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS) được ADB khởi xướng từ năm 1992, đến nay đã huy động được 21 tỉ đô la, đa số dành cho các dự án hạ tầng.
Hãng tin AP dẫn phát biểu của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc: « GMS đang khởi đầu một kỷ nguyên phát triển mới, với những cơ hội và thách thức chưa từng có, đòi hỏi phải có phương cách sáng tạo với tầm nhìn toàn diện lâu dài, nhằm tận dụng sức mạnh của mỗi quốc gia (…) tạo sự cộng hưởng mạnh mẽ thông qua GMS để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, hài hòa với việc phát triển xã hội và bảo vệ môi trường ».
Tiểu vùng sông Mê kông mở rộng gồm năm nước nằm dọc theo lưu vực con sông này cùng với tỉnh Vân Nam và khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc, có 340 triệu dân và tổng GDB 1,3 ngàn tỉ đô la, là một trong những khu vực có kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Xuân Phúc nhận định việc hợp tác tiếp tục là động lực cho sự phát triển của khu vực.
Trung Quốc sẽ nhập 8.000 tỉ đô la hàng trong 5 năm tới
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm nay 31/0/2018 loan báo như trên, nhân hội nghị Tiểu vùng sông Mêkông tổ chức tại Việt Nam. Bên cạnh đó sẽ thu hút 600 tỉ đô la đầu tư ngoại quốc, đồng thời đầu tư 750 tỉ đô la vào các nước khác. Ông Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh ủng hộ « hệ thống thương mại đa phương, cổ vũ cho toàn cầu hóa kinh tế một cách rộng mở và thăng bằng (…), kiên quyết phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ».
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180331-66-ti-do-la-dau-tu-vao-tieu-vung-song-mekong
Cùng chủ đề
Cùng chủ đề
Geen opmerkingen:
Een reactie posten