vrijdag 26 juli 2019

Trung Quốc, châu Âu và tham vọng lên Mặt Trăng định cư + Đưa người lên Mặt Trăng: canh bạc đầy rủi ro của Mỹ

TQ, châu Âu và tham vọng lên Mặt Trăng định cư

  • 19 tháng 2 2019
Getty Images Bản quyền hình ảnhGetty Images
Năm 1975, ba năm sau chuyến cuối cùng đáp xuống Mặt Trăng của Apollo, chương trình truyền hình Space: 1999 lần đầu tiên được phát sóng ở nước Anh.
Nó bắt đầu với vụ nổ hạt nhân làm rung chuyển Mặt Trăng, và một cụm dân cư quốc tế gồm hơn 300 người trên Mặt Trăng rời khỏi quỹ đạo Mặt Trăng, bắt đầu một hành trình không rõ vào vũ trụ.
Loạt chương trình truyền hình này gây ấn tượng mạnh lên cậu thiếu niên Elon Musk hồi đó.
Phẫu thuật trên vũ trụ thế nào?
Khám phá vũ trụ bằng tàu ngầm
Những thứ kỳ quặc con người vứt lại Mặt Trăng
Khi nhà sáng lập ra SpaceX hồi 8/2017 tiết lộ các kế hoạch tạo ra một cụm dân cư sinh sống trên Mặt Trăng, ông đã gọi đó là Moonbase Alpha (Căn cứ Alpha trên Mặt Trăng) dựa theo những gì được nêu trong Space: 1999. "Show truyền hình đó thật sến," Musk viết trên Twitter, "nhưng mà tôi thích."
SpaceX không phải là chương trình duy nhất muốn đưa con người trở lại Mặt Trăng.
Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc (China National Space Administration - CNSA) đã tuyên bố về những giai đoạn tới của các sứ mệnh khám phá Mặt Trăng, Hằng Nga, diễn ra thành công - ngay sau khi Hằng Nga 4 trở thành phi thuyền đầu tiên đáp xuống được phần tối ở phía xa của Mặt Trăng.
Hằng Nga 5 và 6 sẽ thử nghiệm các sứ mệnh trở về trong lúc Hằng Nga 7 sẽ khảo sát Nam Cực của Mặt Trăng, nơi được đặc biệt quan tâm về khả năng có thể sinh sống của con người, bởi nơi đó có nước đá.
"Chúng tôi hy vọng rằng Hằng Nga 8 sẽ giúp thử nghiệm một số công nghệ và thực hiện một số cuộc thám hiểm," phó giám đốc CNSA Ngô Yên Hoa nói hồi tháng Giêng, "để xây dựng một căn cứ chung trên Mặt Trăng cho nhiều quốc gia sử dụng."
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất có tham vọng này. Trên toàn cầu, 50 năm sau những cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng, tính khả thi của việc có một căn cứ trên Mặt Trăng đang dần được hình thành.
Điều trớ trêu là trong lúc chỉ duy nhất có Hoa Kỳ từng lưu lại dấu vết con người trên Mặt Trăng, nhưng nay nước này đang ở vị trí phải đuổi bám.
Những tác phẩm nghệ thuật trôi trong vũ trụ
Nga lên Mặt Trăng trước người Mỹ?
Khi nào nhân loại chuyển lên Mặt Trăng?
Mỹ cho tới tận 8/2018 đã không tiết lộ các kế hoạch có một căn cứ dài hạn trên Mặt Trăng. Mục tiêu căn bản của Nasa cho tới khi đó vẫn là sao Hoả.

Làng Mặt Trăng

Cơ quan Không gian châu Âu (Esa) đã đi trước một bước.
Esa công bố các kế hoạch về một căn cứ dài hạn trên Mặt Trăng vào năm 2016.
Đi tiên phong là tân tổng giám đốc Esa, Jan Woerner, người có viễn kiến về một 'làng Mặt Trăng' gồm những cư dân đa dạng - từ các khoa học gia cho tới các nghệ sỹ - và gồm cả các tổ chức công lẫn các hãng tư nhân.
Điều này có thể sẽ phục vụ cho công tác nghiên cứu vũ trụ, du lịch hoặc cho khả năng khai thác các loại khoáng chất mà Trái Đất khan hiếm.
Ariel Ekblaw, nhà sáng lập của Sáng kiến Thám hiểm Không gian thuộc Phòng thí nghiệm MIT Media Lab, cũng muốn "dân chủ hoá vũ trụ". Vì mục tiêu này, Ekblaw đã quy tụ các nhóm nghiên cứu khác nhau, từ giới chuyên về robot và sinh học thần kinh tổng hợp cho tới những người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, nghệ thuật, không gian và thiết kế.
Getty Images Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Bất kỳ khu định cư cố định nào trên Mặt Trăng cũng sẽ phải được xây dựng ngầm dưới bề mặt để tránh được phóng xạ độc hại từ vũ trụ
Không phải ai cũng từng nghĩ theo cách này, nhưng cố vấn khoa học của Esa là Aidan Cowley thì hoan nghênh ý tưởng của Woerner, bởi ông là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về công nghệ trên Mặt Trăng tại Trung tâm Vũ trụ châu Âu của Esa tại Cologne, Đức.
"Ban đầu, mọi người nhìn tôi như thể tôi có hai cái đầu vậy," Cowley cười lớn, "cho nên với tôi thì tôi rất hài lòng khi thấy có sự gia tăng mối quan tâm với vấn đề này trên Mặt Trăng. Jan đã dự đoán được tương lai."
Không giống như Nasa, vốn có chính sách không hợp tác với Trung Quốc trong các chuyến bay vào không gian, Esa phối hợp với CNSA.
Người Âu lên vũ trụ cũng phải học tiếng Trung
48 giờ bất hạnh thử làm phi hành gia
Người ngoài hành tinh nào đang đợi chúng ta?
"Năm ngoái các phi hành gia của chúng tôi là Matthais Maurer và Samanthan Cristoforretti đã tham gia cùng các đồng nghiệp Trung Quốc trong hoạt động thực tập cứu hộ và sinh tồn trên biển," Cowley nói.
Nasa muốn đưa các phi hành gia đáp xuống bề mặt Mặt Trăng vào năm 2030 và đang có kế hoạch tạo một trạm bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng, gọi là Gateway.
Các công ty tư nhân cũng đang hướng tới Mặt Trăng. Chẳng hạn như Blue Origin đang hợp tác với OHB và MT Aerospace trong việc đưa chuyến tàu vận tải Blue Moon của mình đáp xuống Mặt Trăng.
Nhưng bất kể tổ chức nào tới đích đầu tiên thì vấn đề được ưu tiên hàng đầu sẽ là khả năng sinh tồn.
Thời gian dài nhất mà con người từng sống trên Mặt Trăng cho đến nay mới chỉ là ba ngày. Để ở lại với thời gian dài hơn thì Mặt Trăng không phải là địa điểm thuận lợi cho lắm.

Đích đến là Mặt Trăng

Mặt Trăng có nhiệt độ từ -127 đến -173 độ C. Ở đây còn có phóng xạ và lực hấp dẫn thấp, chỉ bằng một phần sáu của Trái Đất.
Một ngày trên Mặt Trăng bằng khoảng 29 ngày trên Trái Đất, nghĩa là hai tuần sáng rồi tới hai tuần tối, một vấn đề cho pin mặt trời. Do đó, bất kỳ công nghệ mới nào cho tiền đồn trên Mặt Trăng cũng sẽ phải được tính toán cho phù hợp với các điều kiện đó.
Nhằm nỗ lực hướng tới mục tiêu này, một số tổ chức, trong đó có Blue Origin, Airbus Defense and Space, và Esa, gần đây đã hỗ trợ thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên là The Moon Race (Cuộc đua tới Mặt Trăng).
Cuộc thi toàn cầu này nhằm khuyến khích các công ty phát triển công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất, tạo năng lượng, các nguồn lực (như dùng nước có sẵn trên Mặt Trăng) và sinh học (duy trì bền vững nhà kính đầu tiên trên Mặt Trăng). Cuộc thi sẽ chính thức bắt đầu vào 10/2019, tại Hội nghị Vũ trụ Quốc tế.
"Chúng tôi sẽ ra cẩm nang và các quy định trong tháng tới," kỹ sư không gian của Airbus đóng tại Đức, đồng thời là đồng sáng lập Moon Race, Pierre-Alexis Joumel, nói. "Cuộc thi sẽ kéo dài trong năm năm bởi tham vọng của The Moon Race là đưa ý tưởng của đội xuất sắc nhất lên Mặt Trăng."
Các nguyên mẫu công nghệ được lựa chọn để thử nghiệm trong các điều kiện trên Mặt Trăng sẽ được đem theo trong một sứ mệnh lên Mặt Trăng.
"Các sứ mệnh mà chúng tôi đang nhắm tới hầu hết là của các cơ quan nghiên cứu không gian. Một sứ mệnh đang được lên kế hoạch thực hiện vào năm 2024-2025."

Xây một ngôi nhà

Bất chấp nghệ thuật tưởng tượng đầy lý thuyết về những căn cứ ban đầu trên Mặt Trăng, thực tế diễn ra sẽ ở mức căn bản hơn nhiều. Và xám xịt.
Việc đi lên Mặt Trăng là chuyện tốn kém. Càng chở theo nặng, chuyến đi sẽ càng ngốn nhiều năng lượng và chi phí sẽ càng cao.
Việc xây dựng được một nơi để con người có thể sinh sống trên Mặt Trăng dựa vào những nguồn lực có sẵn trên đó là chuyện hợp lý.
Việc sử dụng các ống dung nham, những đường hầm được hình thành từ các vụ núi lửa phun trào trước kia trên Mặt Trăng làm nơi trú ngụ, có thể tới được nguồn nước đông đá nằm dưới bề mặt, là chuyện có thể được.
Nhưng kế hoạch trước mắt hơn là phải xây được một nơi sinh sống bằng cách dùng tầng phong hoá (tức lớp đất trên bề mặt) của Mặt Trăng - đây là phần cát xám basalt sẫm, rất mịn, tương tự như cát núi lửa trên Trái Đất.
Getty Images Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Lên được Mặt Trăng đã là một sứ mệnh khó khăn, làm thế nào để chúng ta xây dựng được một nơi trú ngụ trên đó?
Giáo sư Matthias Sperl từ Đại học Cologne làm việc với Cơ quan Không gian Đức, DLR, dùng bột núi lửa để làm các viên gạch. Thành phần giống như tầng phong hoá trên Mặt Trăng được giữ kết dính với nhau qua một tiến trình gọi là thiêu kết, theo đó ánh sáng mặt trời hoặc các tia laser hội tụ vào một điểm, khiến cho chúng kết dính vào nhau.
Ông dùng máy in 3D để tạo ra những viên gạch có hình dạng khác nhau nhằm tìm ra loại thích hợp nhất.
"Chúng tôi có thể xây dựng bằng cách để các vật liệu xây dựng cài khớp vào nhau dựa trên các công nghệ và hình dáng hiện thời," Sperl nói. "Chúng tôi không chơi trò xếp hình Lego mà là tạo ra các viên gạch có khả năng cài khớp vào nhau."
Những viên gạch này sẽ "xây dựng thứ gì đó như kiểu lều tuyết igloo, sau đó sẽ được gia cố để đủ mạnh, chịu được áp lực từ trên xuống."
Áp lực có thể là một lớp phủ bụi mịn dày khoảng 1 mét của tầng phong hoá chưa được kết dính chặt chẽ thành khối với nhau, nhằm tạo một lớp bảo vệ tự nhiên đối với phóng xạ; trên Mặt Trăng không có gió cho nên lớp bao phủ này sẽ không bị thổi bay đi.
"Bạn cần mang theo một kính lớn cỡ một mét vuông gì đó để thu ánh sáng mặt trời phục vụ việc thiêu kết và in 3D ra các sản phẩm từ bụi mặt trăng," Sperl nói. "Rồi bạn cần một phi hành gia hoặc nhiều khả năng hơn là một robot đưa các khối sản phẩm đó cài khớp vào nhau để tạo ra một khu định cư."
Tuy nhiên, việc xây dựng một cấu trúc như thế sẽ là một tiến trình chậm chạp. "Mất khoảng 5 giờ đồng hồ mới tạo ra được một viên gạch," Sperl nói, "và bạn cần 10 ngàn viên gạch để xây một cái lều igloo. Sẽ phải mất vài tháng."
Thời gian này có thể được rút ngắn nếu như có thêm nhiều kính hoạt động cùng lúc và việc xây dựng do robot đảm nhận, và đây là một kế hoạch khả thi. "Tầng phong hoá trên Mặt Trăng có thể xây dựng được những thứ vững chắc như xi-măng," Sperl nói. "Các công nghệ hiện nay chỉ đem tới cho bạn một phần năm sức mạnh đó, cỡ như độ bền của thạch cao thôi, cho nên cần có sự đầu tư thêm nữa để tìm hiểu về độ bền thích hợp nhất."
Giai đoạn tiếp theo là tăng kích cỡ. May mắn là việc xây dựng sẽ bắt đầu vào cuối năm nay, trên một cơ sở nghiên cứu của Esa nhằm giúp công tác chuẩn bị cho cả công nghệ và việc sinh sống trên Mặt Trăng.

Sinh tồn

Kể từ khi có bằng chứng cho thấy đã phát hiện được nước đông đá trên các đầu cực của Mặt Trăng, điều mà Nasa rốt cuộc đã xác nhận vào hồi tháng Tám năm ngoái, bất kỳ căn cứ nào trên Mặt Trăng, nếu được xây dựng thì sẽ đều nằm ở các địa điểm đầu cực này.
Không phải ngẫu nhiên mà xe tự hành Thỏ Ngọc của Hằng Nga 4 hiện đang thu thập thông tin về Lưu vực Aitken ở Nam Cực. Nước đá được tìm thấy trên bề mặt của phần tối vĩnh viễn này của Mặt Trăng.
Oxi có trong tầng phong hoá của Mặt Trăng cũng có thể được chiết xuất ra để con người hít thở. Nguồn tài nguyên có lẽ có sẵn nhất là khoáng chất ilmenit (FeTiO3), là chất mà khi kết hợp với hydro ở nhiệt độ khoảng 1.000 độ C sẽ tạo ra hơi nước, là thứ cần được tách ra để tạo thành hydro và oxi.
Getty Images Bản quyền hình ảnhGetty Images
Image caption Việc phi thuyền Hằng Nga 4 của Trung Quốc đáp xuống được ca ngợi là một kỷ nguyên mới của tiến trình khám phá Mặt Trăng
Để khởi đầu, các phi hành gia sẽ cần đem theo đồ ăn, nước uống. Hằng Nga 4 đã tạo nên sự phấn khích với việc cho nảy mầm và đâm chồi một hạt giống, thế nhưng việc sản xuất ra thực phẩm có tính bền vững trong vũ trụ không phải là ý tưởng mới mẻ.
Ý tưởng này đã được bắt đầu từ 1982, khi các phi hành gia Liên Xô trồng cải xoong tai chuột (Arabidopsis thaliana), một loại cây thuộc họ nhà cải, trên trạm không gian Salyut 7.
Năm 2010, Đại học Arizona đã phát triển một mẫu 'nhà kính trên Mặt Trăng' - một hệ thống thuỷ canh sử dụng ống dẫn được bọc màng nhầy 5,5m, các đèn natri được làm mát bằng nước, và các 'phong bì' giữ hạt giống, sử dụng khí carbon dioxide từ hơi thở của các phi hành gia, và dùng nước tiểu của họ để tưới. Các sợi dây cáp quang thì cung cấp ánh sáng mặt trời.

Năng lượng

Các công nghệ năng lượng mới sẽ là chìa khoá cho việc sinh sống trên Mặt Trăng. Các thanh năng lượng trên Trái Đất đòi hỏi phải có phản ứng hoá học giữa hydro và oxi (thường là từ không khí) để tạo ra điện, và cũng tạo ra sản phẩm phụ là nước. Trên Mặt Trăng thì không có khí quyển, nhưng mà có các nguyên liệu trên.
"Bạn có thể tách nước mà chúng ta có trên Mặt Trăng và trong đêm lại tái kết hợp các thành phần của nó để tạo ra điện," Cowley nói. Ông là người đang phát triển công nghệ mới này.
"Trong thời gian ban ngày thì có rất nhiều năng lượng mặt trời, có lẽ là thừa đủ để phân tách nước thành hydro và oxi, cho nên đây là một công cụ độc đáo mà chúng ta có thể dùng trên Mặt Trăng để duy trì một sứ mệnh có thời gian kéo dài."
Cũng có khả năng có chỗ tích trữ nhiệt lượng bằng cách dùng một tiến trình tương tự như các bơm nhiệt.
"Trên Mặt Trăng, chúng tôi không có các điều kiện thông thường như trên Trái Đất. Bởi vì không có gió cho nên nhiệt từ Mặt Trời chiếu đến sẽ ở lại trên tầng phong hoá," Cowley nói. "Chúng tôi có thể dùng một mắt kính hoặc một tấm gương để hội tụ ánh mặt trời vào nền đất và dùng nó làm nguồn nhiệt giữ ấm cho căn cứ của chúng ta hoặc để tạo ra điện năng."
Một khi những công nghệ này được hoàn thiện và được thử nghiệm để đảm bảo sẽ hoạt động ổn định trong điều kiện cụ thể ở Mặt Trăng, các phi hành gia sẽ có thể xây dựng một căn cứ tại đây. Và điều đó sẽ xảy ra sớm hơn là bạn tưởng.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-47201556

Đưa người lên Mặt Trăng: canh bạc đầy rủi ro của Mỹ

  • 7 tháng 1 2019
NASA Bản quyền hình ảnhNASA
Đó là ngày 21/12/1968, vào lúc 7.50 sáng tại Mũi Kennedy, bang Florida, Mỹ.

Phi hành đoàn của phi thuyền Apollo 8, gồm Frank Borman, Jim Lovell và Bill Anders, được buộc dây an toàn vào ghế ở vị trí cách mặt đất khoảng 110 mét trên đỉnh tên lửa đầu tiên có người lái, Saturn 5, cỗ máy mạnh nhất từng được chế tạo.
Những anh hùng thầm lặng giải cứu Apollo 13
Tsar Bomba: Trái bom 'thần thánh' của Liên Xô
Chiến tranh hạt nhân: Nhân loại đã sẵn sàng tới đâu?
Chiếc phi cơ bay nửa vòng Trái đất trong 30 phút
Khi đồng hồ đang chạy những giây cuối cùng đến giờ phóng thì họ không còn gì để nói và cũng không còn có thể làm gì được.
Khoảng bốn triệu lít nhiêu liệu sắp sửa khai hỏa phía dưới họ. Đúng như lời bình luận viên trên BBC TV đã nói: "Họ đang ngồi trên một thứ tương đương với một quả bom khổng lồ."

Quyết định táo bạo

Có rất nhiều lý do để quan ngại. Trong lần phóng thử Saturn 5 không có người kèm theo được thực hiện trước đó vài tháng, những rung lắc nghiêm trọng và lực G không lâu sau khi phóng có thể đã giết chết tất cả mọi người trên khoang.
Mặc dù kể từ đó tên lửa này đã được điều chỉnh, vợ của Borman đã được Nasa kín đáo cảnh báo rằng chồng bà chỉ có cơ hội sống sót là 50/50.
Tên lửa Saturn 5 hoạt động như thế nào không phải là điều duy nhất khiến các lãnh đạo Nasa lo lắng.
Phi thuyền Apollo 8 là sứ mạng của những cái đầu tiên - một bước nhảy vọt trong cuộc đua đưa con người lên Mặt Trăng.
Nó là phi thuyền có người đầu tiên rời khỏi quỹ đạo Trái Đất, phi thuyền đầu tiên đi vào quỹ đạo Mặt Trăng và phi thuyền đầu tiên trở lại Trái Đất với vận tốc không ngờ là 40.000km/h.
Sứ mạng này là ván bài có tính toán của Nasa để chiến thắng trước Liên Xô trong cuộc đua đến hành tinh gần nhất của chúng ta.
"Đó là một quyết định rất, rất táo bạo," ông Teasel Muir-Harmony, người quản thủ về Apollo tại Bảo tàng Không gian và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.
NASA Bản quyền hình ảnhNASA
"Mọi người ở Nasa đều biết đó là một sứ mạng đặc biệt rủi ro và đã có rất nhiều chỉ trích, nổi tiếng nhất là lời chỉ trích của phi hành gia Anh Bernard Lovell, cho rằng nước Mỹ đã đánh cược với tính mạng con người."
Thật ra, chương trình Apollo 8 không bao giờ có mục tiêu tham vọng như thế. Ban đầu, nó được trù tính như là thử nghiệm đầu tiên đưa tàu đổ bộ Apollo vào quỹ đạo Trái Đất, nhưng việc sản xuất tàu đổ bộ đã bị chậm trễ.
Trên hết, CIA cảnh báo rằng thông tin tình báo cho thấy Liên Xô đang sắp thử nghiệm chuyến bay có người lái của họ vòng quanh Mặt Trăng.

Cuộc đấu trong Chiến tranh Lạnh

"Mọi người quên rằng chương trình Apollo không phải là hành trình thám hiểm hay khám phá khoa học gì hết, đó là một cuộc đấu trong Chiến tranh Lạnh," Borman nói, "và chúng tôi là những chiến binh Chiến tranh Lạnh."
Bất chấp những dằn vặt của các thượng cấp ông, và chỉ sau bốn tháng huấn luyện với cường độ cao, Borman, một cựu phi công chiến đấu của không quân, nói rằng ông không hề nghi ngờ gì và tin rằng sứ mạng này sẽ thành công.
"Chúng tôi buộc phải thay đổi chương trình để có thể đưa người lên Mặt Trăng trước khi kết thúc thập kỷ, đó là điều mà Tổng thống Kennedy đã hứa," Borman nói. "Theo ý kiến của tôi sứ mạng này cực kỳ quan trọng không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với người dân tự do ở khắp nơi."
Người rèn kiếm 'samurai' đang thiết kế tàu vũ trụ
Người Âu lên vũ trụ cũng phải học tiếng Trung
'Bảo tàng không gian bay trong quỹ đạo'
Khi động cơ đã được khởi động và tiến trình đếm ngược đã chạm đến con số không, Saturn 5 từ từ cất mình lên khỏi bệ phóng và tăng tốc bay vào bầu trời Florida trong xanh.
"Tôi cảm giác như là chúng tôi nằm trên mũi kim vậy," Borman nói. "Tiếng ồn khiến chúng tôi có ấn tượng về sức mạnh cực lớn - tôi có cảm giác mình đang được đưa đi chứ không phải là đang ở vị trí kiểm soát."
"Rất khó để thở, gần như không thể vận động và đôi mắt bị kéo giãn ra do đó tầm nhìn của bạn trở thành đường hầm," ông nhớ lại, "đó là một cảm lạ thường."
Khoảng tám phút sau họ đã vào quỹ đạo. Sau một vòng rưỡi bay quanh quỹ đạo, họ khai hỏa động cơ giai đoạn ba của hỏa tiễn và nó vọt ra xa Trái Đất đi về hướng Mặt Trăng.
Sau đó, sau hai ngày và 402.000 km, vào lúc 8h55 giờ GMT vào đêm Giáng Sinh, Borman thực hiện công đoạn đốt động cơ quan trọng để đưa phi thuyền vào quỹ đạo Mặt Trăng.
"Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã khai hỏa động cơ trong khoảng bốn phút để hãm tốc vừa đủ để đi vào quỹ đạo Mặt Trăng," Borman nhớ lại. "Vào khoảng ba phần tư hành trình, chúng tôi nhìn xuống và thấy Mặt Trăng."

Khoảnh khắc tuyệt diệu

Phi hành đoàn này là những người đầu tiên từng nhìn thấy tận mắt phía bên kia của Mặt Trăng.
"Tôi không nghĩ bất cứ những gì tôi đã học giúp tôi biết trước về tính chất thật sự gồ ghề của bề mặt Mặt Trăng - nó hỗn độn đến mức khó tin," Borman nói. "Tôi thấy hết sức bức bối với nào là lỗ, miệng núi lửa và tàn tích núi lửa. Đó là cái nhìn đầu tiên thú vị về một thế giới khác."
NASA Bản quyền hình ảnhNASA
Và đó không chỉ là quang cảnh duy nhất của Mặt Trăng đã khiến họ kinh ngạc. Khi phi thuyền đã bay được khoảng 75 giờ 48 phút, Anders nhìn thấy chấm xanh của Trái Đất nhô lên phía chân trời của Mặt Trăng và ông đã cố lục tìm phim màu để ghi lại khoảnh khắc đó.
"Sự tương phản giữa Mặt Trăng buồn tẻ và Trái Đất màu xanh tươi đẹp thật là tuyệt diệu. Trái Đất là nơi duy nhất trong toàn vũ trụ có màu sắc," Borman nói. "Anh có thể thấy mây trắng, những lục địa có màu xám hồng… chúng ta thật sự rất may mắn được sống trên hành tinh này."
Sứ mạng với mục đích ban đầu là một cuộc thử nghiệm đầy rủi ro về khả năng sáng tạo kỹ thuật của con người và lòng can đảm của phi hành gia đã trở thành một trải nghiệm đầy xúc cảm không ngờ đối với những người liên quan.
Cho đến khi Apollo 8 trở về Trái Đất thì bức ảnh Earthrise (Trái Đất nhô lên) mới được tung ra, nhưng cho mùa Giáng Sinh năm 1968 phi hành đoàn đã có món quà khác cho Trái Đất.

'Nói điều gì đó thích hợp'

"Trước chuyến bay, các nhân viên phụ trách quan hệ công chúng của Nasa nói với Borman rằng họ dự đoán có khoảng một tỷ người - tức một phần tư dân số thế giới - sẽ bật đài lên nghe buổi phát sóng của họ từ quỹ đạo Mặt Trăng," ông Muir-Harmony nói.
"Số người nghe buổi phát sóng của họ là nhiều hơn bất cứ buổi phát sóng nào khác trong lịch sử và ông ấy được dặn dò là phải nói điều gì đó thích hợp."
"Đó là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của một đất nước tự do," Borman nói. "Anh có thể tưởng tượng nếu như người Liên Xô lên đến đó thì chúng ta sẽ nói về Lenin và Stalin và chúng tôi đã được nhắc là nói điều gì đó phù hợp."
Tuy nhiên tìm ra 'điều gì đó phù hợp' để nói không hề dễ dàng chút nào. "Cả ba người chúng tôi và vợ chúng tôi cố gắng suy nghĩ," Borman nói. "Chúng tôi không nghĩ ra."
Ông tìm đến một người bạn và người này lại đi hỏi cựu phóng viên chiến trường Joe Layton. "Theo tôi hiểu, ông ấy thức suốt đêm ném đi những tờ giấy bị vò nát khi vợ ông bước ngang qua. Vợ ông là cựu chiến binh cuộc kháng chiến Pháp, bà ấy đề xuất là tại sao không bắt đầu ở điểm khởi đầu?"
NASA Bản quyền hình ảnhNASA
Với máy quay bắt đầu chạy và khi phi thuyền tiến gần đến bình minh trên Mặt Trăng vào đêm Giáng Sinh (theo giờ Mỹ), phi hành đoàn bắt đầu đọc một đoạn từ Sách Sáng Thế: "Vào thuở khởi đầu…" Anders bắt đầu đọc. Borman kết thúc buổi phát sóng bằng câu: "Chúc ngủ ngon. Chúc may mắn. Chúc mừng Giáng Sinh và Chúa ban phước cho tất cả quý vị, tất cả mọi người trên Trái Đất an lành."
"Chúng tôi rất tin rằng đó là câu thích hợp nhất để nói bởi vì ít nhất bản thân tôi có cảm giác choáng ngợp rằng vũ trụ lớn hơn tất cả chúng ta," Borman nói.

Quà Giáng Sinh

Tuy nhiên, sứ mạng còn lâu mới xong. Vào ngày Giáng Sinh, Borman khai hỏa động cơ một lần nữa để rời khỏi quỹ đạo Mặt Trăng.
Cuộc tập trận suýt dẫn tới Thế Chiến III
Ông già Noel bí mật tặng quà trong không gian
Tăng nỗ lực tìm người ngoài hành tinh
"Việc chạy động cơ để đi vào quỹ đạo Trái Đất được hoàn tất ở phía xa của Mặt Trăng, không liên hệ với bộ phận kiểm soát ở mặt đất - nếu nó thất bại thì tôi vẫn bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng."
"Thông báo, có ông già Nô-en!" Lovell thốt lên khi họ tái thiết lập liên lạc với mặt đất. Và ông già Nô-en thậm chí còn phát quà. Gói quà được bọc bằng cái nơ trang trí không cháy được thiết kế đặc biệt, phi hành đoàn tháo món quà của họ do bộ phận kiểm soát gửi lên: bữa tối gà tây với nước sốt.
"Sếp chúng tôi Deke Slayton cũng đã lén đưa ba cốc rượu brandy lên phi thuyền nhưng chúng tôi không uống," Borman nói. "Chúng tôi không muốn nếu có bất kỳ trục trặc gì thì người ta đổ cho nó cho nên chúng tôi đem nó trở về Trái Đất."
Vào ngày 27/12, phi hành đoàn trở về Trái Đất - tiếp xuống mặt nước khá sát với địa điểm dự kiến ở Thái Bình Dương đến nỗi con tàu cứu hộ chờ sẵn phải di chuyển ra xa. Đó là kết thúc hoàn hảo cho một sứ mạng hoàn hảo, bằng chứng cho thấy ván cược đưa người lên Mặt Trăng sẽ được đền đáp.
"Apollo 8 không chỉ là một thành tựu khoa học kỹ thuật vĩ đại," Muir-Harmony nói. "Nó mở rộng giới hạn trải nghiệm của người, nó ảnh hưởng đến cách chúng ta trân trọng Trái Đất và vị trí của chúng ta trong vũ trụ."
Đối với Đại tá Borman, nay đã 90 tuổi và vẫn là một chiến binh Chiến tranh Lạnh ngoan cường, thành tích vĩ đại của sứ mạng cuối cùng của ông là đưa nước Mỹ đến gần Mặt Trăng thêm một bước.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-46775203

Tin liên quan

Geen opmerkingen:

Een reactie posten