donderdag 1 februari 2018

Liên Hiệp Quốc báo động tình trạng lạm dụng kháng sinh ở Đông Nam Á + Một thế kỷ sau dịch cúm ''Tây Ban Nha'' : Mối họa đại dịch mới

Liên Hiệp Quốc báo động tình trạng lạm dụng kháng sinh ở Đông Nam Á

mediaẢnh minh họa: Các chủng loại thuốc chưa kháng sinh ngày càng nhiều.MYCHELE DANIAU / AFP
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, hôm nay 31/01/2018, đã lên tiếng báo động về tình trạng kháng sinh bị sử dụng quá đà, bừa bãi trong lương thực thực phẩm đang tăng vọt ở Đông Nam Á. Tình trạng này có nguy cơ tác hại nghiêm trọng đến con người và động vật, do việc vi rút sẽ có sức đề kháng cao hơn chống lại thuốc kháng sinh.
Một viên chức FAO, Juan Lubroth, đưa ra lời cảnh báo này bên lề hội nghị quốc tế về sức đề kháng của virus trước các loại kháng sinh, tổ chức tại Bangkok.
Theo ông Juan Lubroth, hiện có một số nơi mà sức đề kháng của virus rất mạnh, như tại các thành phố lớn Châu Á, tập trung dân cư cao, và sản xuất lương thực, thực phẩm cao. Vùng Đông Nam Á là một « điểm nóng » vì dân số tăng nhanh, theo đà đô thị hóa và sản xuất lương thực cũng tăng nhanh.
Theo một báo cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, khoảng 500.000 người trên thế giới (ở 22 quốc gia) bị nhiễm virus có sức chống lại kháng sinh.
FAO hiện chủ trương hướng dẫn nông dân về các mối nguy hiểm của việc dùng kháng sinh nuôi gia súc hay tôm cá, và yêu cầu tôn trọng nghiêm ngặt hơn những quy định trong việc sản xuất lương thực.
Năm 2016, một báo cáo của kinh tế gia Anh Jim O’Neill, theo yêu cầu của chính quyền Anh Quốc, đã kết luận rằng sẽ có 10 triệu người chết do việc virus lờn thuốc kháng sinh trong 35 năm tới đây nếu không có biện pháp khắc phục nhanh chóng.
Theo ông Lubroth, 90% ca tử vong sẽ là ở các quốc gia đang phát triển.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180131-lien-hiep-quoc-bao-dong-tinh-trang-lam-dung-khang-sinh-o-dong-nam-a

Một thế kỷ sau dịch cúm ''Tây Ban Nha'' : Mối họa đại dịch mới

mediaVirus thuộc chủng H1N1, nguồn gốc đại dịch cúm Tây Ban NhaẢnh : Wikipedia
SARS, Ebola, Zika…, những dịch bệnh nghiêm trọng vẫn tiếp tục gia tăng, một trăm năm đã trôi qua sau trận đại dịch cúm « Tây Ban Nha » làm hơn 50 triệu người chết. Trong thế giới cực kỳ kết nối, nguy cơ đối mặt một cơn đại dịch mới dường như là không thể tránh khỏi. Đây là lời cảnh báo của giới chuyên gia tại Diễn Đàn Kinh Tế Davos, Thụy Sĩ.
Câu hỏi « Liệu chúng ta đã sẵn sàng để đối phó với dịch bệnh sắp tới hay chưa ? » đã được các chuyên gia, các bên tham gia diễn đàn bàn thảo một cách nghiêm túc. Theo bà Sylvie Briand, chuyên gia về rủi ro lây nhiễm thuộc Tổ Chức Y Tế Thế Giới OMS, người ta biết rằng dịch bệnh sẽ đến, nhưng lại « không có một khả năng nào để ngăn chặn cả ».
Năm nay cũng khá đặc biệt quan trọng, bởi vì năm 2018 đánh dấu 100 năm trận dịch cúm mang tên « Tây Ban Nha », cơn đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại cho đến giờ. Chỉ trong vòng có hai năm 1918-1919, dịch cúm này do những người lính Mỹ đến chiến đấu tại Châu Âu du nhập vào, đã nhanh chóng lây lan ra toàn thế giới.
Theo ước tính có khoảng từ 40-50 triệu người chết vì dịch bệnh, cao hơn số người chết trong Đệ Nhất Thế Chiến và trong trận « đại dịch hạch đen » thế kỷ XVI. Vào thời kỳ đó, Ấn Độ mất đi 5% dân số. Đây là giai đoạn duy nhất trong lịch sử Ấn Độ có dân số giảm, theo như lời thuật của ông Richard Hatchett, giám đốc Liên minh Đối phó Dịch bệnh.
Một thế kỷ đã trôi qua, nhưng kịch bản về một loại virus lạ lẫm nào đó vẫn ám ảnh giới chuyên gia. Bà Sylvie Briand giải thích : « Cúm, chính là một loại virus hô hấp lây lan rất dễ dàng và người ta có bị lây nhiễm trước khi có các biểu hiện bệnh. Do vậy, không dễ gì kiểm soát ».
Quả thật, những trận dịch gần đây cho thấy con người dễ bị tấn công đến dường nào. Dịch bệnh SARS (triệu chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng) năm 2003 đã làm hơn 700 người chết. Dịch Ebola tại các nước châu Phi năm 2014-2015 đã cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người. Hay như dịch virus Zika tại Nam Mỹ vẫn còn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ tương lai vì những biến dạng bào thai.
Thế nhưng, tìm đáp án cho câu hỏi phía trên cũng không dễ chút nào. Mỗi một trận dịch không chỉ để lại hậu quả nghiêm trọng về nhân mạng mà còn cả vấn đề tài chính. Nhưng chi phí để dự phòng tốn kém cũng không ít. Người ta ước tính « chi phí tổng cộng để dự phòng một trận dịch là khoảng 3,4 tỷ đô la/năm ».
Bởi vì, theo giải thích của ông Peter Piot, hiệu trưởng trường London School of Hygiene and Tropical Medecine, để có thể chế tạo ra một loại vắc-xin, phải mất ít nhất từ 4-6 tháng và cần phải chi ra từ 100-200 triệu đô la cho nhiều xét nghiệm. Nhiêu đó thôi cũng đủ làm nản lòng nhiều hãng chế biến dược phẩm.

 http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180125-mot-the-ky-sau-tran-dich-cum-%C2%AB-tay-ban-nha-%C2%BB-moi-hoa-dai-dich-moi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten