donderdag 22 februari 2018

Senkaku/Điếu Ngư : Cửa ngõ đưa Trung Quốc ra Thái Bình Dương cạnh tranh với Mỹ + Tokyo tố cáo Bắc Kinh cho tàu ngầm hạt nhân áp sát lãnh hải Nhật Bản

Senkaku: Cửa ngõ đưa Trung Quốc ra Thái Bình Dương cạnh tranh với Mỹ

mediaSenkaku/Điếu Ngư : Vùng tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc.Reuters
Trung Quốc không ngừng xâm nhập vào vùng lãnh hải Nhật Bản từ 6 năm nay. Trước sự bành trướng quân sự của Bắc Kinh trong khu vực, mà Tokyo coi là mối đe dọa, Nhật Bản sẵn sàng triển khai lực lượng bộ binh trên hòn đảo Ishigaki, cách 170km quần đảo Senkaku bị Trung Quốc đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Đây chính là « những hòn đảo gây căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc ».
Theo đặc phái viên Dorian Malovic của nhật báo Công giáo La Croix, cuộc sống của 50.000 dân trên hòn đảo du lịch nổi tiếng sẽ phải quen với sự hiện diện quân sự của lực lượng phòng vệ Nhật Bản từ giờ đến 2 năm nữa. Vì « những hành động khiêu khích không ngừng của Trung Quốc trong lãnh hải thuộc chủ quyền của chúng tôi chỉ làm gia tăng căng thẳng », theo phát biểu của ông Yoshitaka Nakayama, thị trưởng Ishigaki. Cụ thể là cách đây vài tháng, tầu sân bay Liêu Ninh (Liaoning) của Trung Quốc đã đi qua vịnh Miyako, và vào tháng 01/2018, một tầu ngầm Trung Quốc đã xuất hiện gần Ishigaki.
Nhật quốc hữu hóa Senkaku, Trung Quốc đòi chủ quyền ở Điếu Ngư
Quần đảo trở thành chủ đề tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh từ năm 2012, sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa Senkaku. Giải thích với nhà báo của La Croix, nhà sử học Kuniyoshi Makomo, ở Naha, thủ phủ của Okinawa, khẳng định chủ quyền của Nhật Bản với quần đảo Senkaku : « 5 hòn đảo và 3 bãi đá trong quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) được ngư dân trong vùng biết đến từ thế kỷ XVI. Nhưng chính người Nhật đến sinh sống ngay từ năm 1885 để đánh bắt và thu lượm lông chim hải âu ».
Ngay năm 1879, Nhật Bản đã sáp nhập quần đảo Ryukyu (trong đó có quần đảo Senkaku) và sau trở thành tỉnh Okinawa. Trong cuộc chiến ở Thái Bình Dương, Senkaku bị người Mỹ sáp nhập và trở thành trường huấn luyện và mục tiêu của các chiến dịch hải quân. Quần đảo được trả lại cho Tokyo vào năm 1972. Chính vì vậy, thị trưởng Ishigaki khẳng định « kiên quyết bảo vệ việc quần đảo Senkaku thuộc về lãnh thổ Nhật Bản, theo luật pháp quốc tế ». Đồng thời, ông cũng quan ngại trước « các vụ thâm nhập hàng hải của Trung Quốc, không ngừng tăng kể từ năm 2012 và sẽ còn tăng thêm vì Trung Quốc muốn dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng ».
Ngoài nguồn tài nguyên dồi dào (dầu lửa và khí đốt) song chưa được kiểm chứng, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lên nắm quyền từ năm 2012, nhận thấy cơ hội theo đuổi chiến lược bành trướng chiến lược ở biển Hoa Đông, nơi trở thành cửa ngõ hàng hải hướng đến vùng Thái Bình Dương, để trở thành một cường quốc cạnh tranh với Hoa Kỳ.
Trung Quốc nắn gân Nhật Bản ở Senkaku/Điếu Ngư
Trước mối đe dọa sát sườn này, « Senkaku trở thành vấn đề an ninh quốc gia đối với Nhật Bản ». Lực lượng bộ binh được triển khai ở Ishigaki sẽ là chiến tuyến quân sự gần quần đảo nhất. Theo kế hoạch, được thị trưởng Ishigaki cho biết, « một hệ thống radar cố định được lắp ở phía đông Ishigaki, ngoài ra còn có một hệ thống tên lửa phòng thủ địa đối hải và địa đối không tầm ngắn, không nhắm đến Trung Hoa lục địa, nằm cách đó 330 km. Sẽ không có lính Mỹ đồn trú ở đây, họ sẽ vẫn ở Okinawa ».
Ngoài ra, Ishigaki cũng trở thành căn cứ quan trọng thứ ba của lực lượng hải cảnh Nhật Bản, sau Hiroshima và Yokohama. Từ 3 tầu tuần tra, hiện họ có 16 tầu có khả năng cứu hộ, được trang bị súng máy, súng canon phun nước dập lửa, bãi đáp trực thăng… Nhưng theo ông Hisaki Masadori, chỉ huy lực lượng hải cảnh trên đảo Ishigaki, mục tiêu chỉ là để cảnh báo « xua đuổi tầu Trung Quốc, bảo vệ ngư dân Nhật Bản », chứ không tìm cách đối đầu hay khiêu chiến và ngư dân trong vùng cũng được lệnh « không đối đầu với người Trung Quốc ».
Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chủ yếu mang tính chiến lược. Theo ông Yoshiyuki Toita, một người phụ trách nhóm dân phòng trên đảo Ishigaki, « Trung Quốc không ngừng muốn thử chúng tôi. Kế hoạch của Bắc Kinh rất rõ : sáp nhập Senkaku và biến khu vực này thành một căn cứ quân sự tiền tuyến ở Thái Bình Dương. Nếu không làm gì, không phản ứng gì, không cho họ thấy là chúng tôi phản đối sẽ là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng. Thực vậy, chúng tôi đã nhìn thấy những gì Trung Quốc làm ở Biển Đông ; họ xâm chiếm quần đảo Trường Sa, xây dựng căn cứ quân sự mà không nước nào phản ứng ».
Đối với chính quyền Ishigaki, tiền tuyến quan trọng của Nhật Bản ở Đông Thái Bình Dương, mục tiêu rất rõ : kìm hãm hàng hải Trung Quốc trong vùng lãnh hải của Nhật Bản, ngăn chặn họ vượt qua quần đảo nhỏ bé này, nhưng được coi là bức tường thành tự nhiên cho các mục tiêu bành trướng quân sự của Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180221-senkaku-cua-ngo-dua-trung-quoc-ra-thai-binh-duong-canh-tranh-voi-my

Tokyo tố cáo Bắc Kinh cho tàu ngầm hạt nhân áp sát lãnh hải Nhật Bản

mediaQuần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Ảnh tư liệu chụp tháng 09/2012.Reuters
Chính quyền Nhật Bản ngày 15/01/2018 chính thức xác nhận: chiếc tàu ngầm “lạ” bị phát hiện ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông vào tuần trước là một trong những loại tàu hạt nhân tấn công mới của Trung Quốc. Tokyo đã tố cáo một hành vi khuấy động tình hình căng thẳng trong khu vực.
Ngay từ thứ Năm tuần trước, 11/01/2018, Nhật Bản đã chính thức lên tiếng phản đối Trung Quốc sau khi phát hiện một tàu khu trục hạm lớp Giang Khải II của Trung Quốc và một tàu ngầm “lạ” trong vùng biển bao quanh các hòn đảo dưới quyền quản lý của Tokyo.
Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hôm nay đã xác định công khai rằng chiếc tàu ngầm bị phát hiện là loại tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Thương của Trung Quốc, mà theo ông có thể được trang bị tên lửa hành trình tầm xa.
Đối với ông Onodera, chính quyền Tokyo “hết sức quan ngại trước việc tàu ngầm đi qua vùng biển tiếp giáp lãnh hải” của Nhật Bản, và xem đấy là “một hành động đơn phương làm tăng căng thẳng”.
Xin nhắc lại là vùng tiếp giáp là vùng biển rộng 12 hải lý nằm sát bên ngoài vùng lãnh hải của một quốc gia. Trung Quốc dĩ nhiên không thừa nhận đã phái tàu ngầm đến vùng Senkaku/Điếu Ngư.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết là ba tàu “Hải Cảnh” của họ đã tiến hành tuần tra tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Theo ông Lục Khảng vào tuần trước, “tàu Hải Quân Trung Quốc đã tiến hành việc giám sát các hoạt động của phía Nhật Bản” và nhắc lại rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc chủ quyền Trung Quốc. Riêng về chiếc tàu ngầm, phát ngôn viên Trung Quốc khẳng định không có thông tin.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180115-tokyo-bac-kinh-tau-ngam-hat-nhan-lanh-hai-nb

Geen opmerkingen:

Een reactie posten