maandag 12 februari 2018

Vụ con trai Fidel Castro tự sát và hoàng hôn của chế độ Cuba + Fidel Castro, biểu tượng lớn cuối cùng của Cộng sản quốc tế

Vụ con trai Fidel Castro tự sát và hoàng hôn của chế độ Cuba

media"Fidelito", con trai cả của cố chủ tịch Cuba Fidel Castro, tự sát ở tuổi 68.ADALBERTO ROQUE / AFP
Tác giả Christian Makarian trong bài viết « Vụ tự sát trong gia đình Castro » đăng trên L’Express nhận định: việc người con trai của lãnh tụ Cuba Fidel Castro tự kết liễu cuộc đời là một chỉ dấu chính trị.
Đó là người nối dõi duy nhất có ngoại hình giống y Fidel Castro. Trong số những người con trong và ngoài giá thú mà lãnh tụ Cuba để lại, Fidelito cũng là người duy nhất tìm đến cái chết ở tuổi 68. Người ta biết được sự kiện này qua một thông cáo ngắn gọn : « Tiến sĩ khoa học Fidel Castro Diaz-Balart, đã được một nhóm bác sĩ chăm sóc từ nhiều tháng qua do bị trầm cảm nặng nề, đã tự sát sáng nay 01/02/2018 ».
Theo tác giả, bản thân vụ tự tử này cho thấy sự trượt dốc của chế độ Castro - dường như không thể nào vực dậy được nếu không thay đổi triệt để đường lối. Cuộc đời của Fidelito là sự tóm lược kinh nghiệm thảm hại của chủ nghĩa mác-xít Cuba. Cái chết của ông như một sự biểu hiện về chính trị, nhấn mạnh đến sự vô nghĩa của một ý thức hệ cằn cỗi mà một giai cấp phải bám vào – một viễn cảnh tuyệt vọng.
Fidelito được biết đến rất sớm. Năm 1959, trong một cuộc phỏng vấn hết sức nổi tiếng do kênh truyền hình CBS thực hiện, nhà cách mạng có bộ râu quai nón đang thách thức Hoa Kỳ, xuất hiện trên màn hình với bộ pyjama. Để trấn an công chúng Mỹ, Fidel bỗng dưng bế cậu bé Fidelito, cũng đang mặc đồ ngủ, giơ lên cao.
Nhưng tình phụ tử chỉ ở ngoài mặt… Fidel không quan tâm lắm đến con cái, ngược lại với chủ tịch hiện nay, ông Raul Castro là người cha rất có trách nhiệm của bốn đứa con. Raul cũng có một thời gian mang cháu Fidelito về chăm sóc.
Sau khi học ngành vật lý nguyên tử ở Liên Xô dưới một cái tên giả, trong một trường đại học dành riêng cho con cái quan chức lớn, Fidelito trở về Cuba, tiếp tục làm công tác nghiên cứu khoa học và đến năm 1980 trở thành người lãnh đạo CEA (Trung tâm nghiên cứu về nước Mỹ). Nói thạo tiếng Nga, ông cưới cô Olga Smirnova, có hai con là Fidel Antonio và Mirta Maria.
Năm 1992, Fidelito bỗng dưng bị chính cha mình tước chức vụ. Fidel Castro tuyên bố một cách nghiêm khắc : « Fidelito không phải từ chức mà bị cách chức : Cuba không phải là một nước quân chủ ! ». Sau đó nhà khoa học bị trầm cảm nặng, kéo theo một chuỗi ngày suy sụp, dù người ta đã cho ông một chức vụ ngồi chơi xơi nước là phó chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Cuba.
Số phận của Fidelito cho thấy sự thô bạo của chế độ cộng sản Cuba. Mẹ ông, bà Mirta Diaz-Balard, vợ đầu của Fidel Castro vốn là thành viên một gia đình đông đúc. Do đó Fidelito có người anh em họ là dân biểu Mỹ Mario Diaz-Balart, một nhân vật chống chế độ Castro kịch liệt. Ông Mario rất ủng hộ Donald Trump, gần đây tuyên bố « mọi người đã đánh giá không đúng về tổng thống Trump » - người mà hồi tháng 6/2017 đã hủy bỏ thỏa thuận xích gần lại với Cuba do ông Barack Obama ký kết.
Tác giả Christian Makarian kết luận, như một thách thức cuối cùng đối với người cha đã đưa ra khẩu hiệu nổi tiếng « Tổ quốc hay là chết », Fidelito đã chọn cái chết lạnh lẽo, thay cho Tổ quốc xã hội chủ nghĩa dưới ánh mặt trời nhiệt đới.
Trí thức Pháp bị Mao mê hoặc như thế nào ?
Cũng liên quan đến ý thức hệ cộng sản, Le Point có bài phỏng vấn chuyên gia François Hourmant, tác giả cuốn « Những năm tháng mao-ít tại Pháp ». Nhiều trí thức Pháp trong thời kỳ từ 1966 đến 1976 đã bị Mao Trạch Đông mê hoặc như thế nào ?
Theo ông Hourmant, từ khi khởi đầu cuộc Trường Chinh, Mao trở thành một biểu tượng cách mạng, một con người hành động theo kiểu Fidel Castro hoặc Che Guavara. Việc phổ biến quyển Sách Đỏ tại Pháp với giá rất rẻ cũng giúp nâng Mao Trạch Đông lên hàng lý thuyết gia cách mạng, bên cạnh Lênin và Stalin.
Cuộc chiến tranh Việt Nam mang lại một luống gió mới « chống đế quốc ». Vụ Budapest và bản báo cáo Khrouchtchev năm 1956 đã khiến Liên Xô gây thất vọng nơi những người mác-xít. Cuộc Cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông tung ra năm 1966 mang lại tia hy vọng : được tuyên truyền là một phong trào đột xuất của quần chúng, chiến dịch này giúp Trung Quốc gây tiếng vang lớn, qua mặt cả Cuba. Mốt cổ áo kiểu Mao được nhiều nhà tạo mốt lừng danh của Pháp lăng-xê.
Nhiều trí thức, chính khách tên tuổi Pháp được mời sang Trung Quốc, được Bắc Kinh hậu đãi. Đa số khám phá ra rằng giấc mơ bình đẳng mà trong sâu thẳm tâm hồn họ luôn tin, vẫn chỉ là giấc mơ, nhưng « há miệng mắc quai ». Bên cạnh đó, một số vẫn còn ảo tưởng. Tác giả Simon Leys sau khi can đảm tung ra cuốn « Bộ áo mới của Mao chủ tịch » năm 1971, tố cáo sự tàn bạo của Cách mạng văn hóa và sự mù quáng của những người tôn sùng Mao, đã bị đả kích dữ dội.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180210-vu-con-trai-fidel-castro-tu-sat-va-hoang-hon-cua-che-do-cuba

Fidel Castro ở Cuba: Không tượng đài, nhưng huyền thoại còn nguyên

mediaNgười dân Cuba tại Las Tunas mang chân dung Fidel Castro chờ đón đoàn xe tang mang tro cốt lãnh tụ. Ảnh chụp ngày 02/12/2016.REUTERS/Carlos Barria
 Raul Castro đã khẳng định như đinh đóng cột : sẽ không có tượng đài nào dành cho Fidel. Nhưng từ khi qua đời ở tuổi 90 đến nay, chưa bao giờ khuôn mặt huyền thoại của cha đẻ cách mạng Cuba lại được vinh danh đến thế.
Tối thứ Bảy 03/12/2016, một hôm trước lễ tang người anh từ trần ngày 25/11, Raul Castro loan báo sẽ tôn trọng ý nguyện của Fidel Castro, rằng « nhà lãnh đạo cách mạng, cho đến giờ phút cuối cùng, không muốn bất kỳ hình thức sùng bái cá nhân nào ». Tên và ảnh của ông cũng không được sử dụng để đặt cho các định chế, quảng trường, đại lộ hay các địa điểm công cộng khác ; không có bất kỳ đài kỷ niệm, tượng bán thân hay toàn thân được dựng lên.
Loan báo này tuy được nhiều người chờ đợi, nhưng trái ngược hẳn với sự nhiệt thành bao trùm đảo quốc xung quanh hình ảnh của « Comandante » (Tổng tư lệnh) sau khi ông chết.
Từ chín ngày qua, truyền thông Cuba do Nhà nước kiểm soát đặc biệt tập trung cho tang lễ. Truyền hình liên tục chiếu các phóng sự, phim tài liệu và các cuộc tranh luận, ca ngợi vinh quang của « đồng chí Fidel », hiện thân của hòn đảo trên vịnh Caribê từ hơn nửa thế kỷ.
Fidel chặt mía, Fidel đi thực địa trong những trận bão, Fidel chuẩn bị bánh pizza, Fidel chiến đấu trong trận đổ bộ Vịnh Con Heo của CIA năm 1961, Fidel chơi bóng chày, bóng rổ, chơi gôn…không có hoạt động nào bị bỏ quên.
Tương tự, các đài truyền thanh và truyền hình liên tục phát bài hát « Trên lưng ngựa với Fidel », điệu nhạc thơ mộng do ca sĩ nổi tiếng Cuba, Raul Torres sáng tác. Trên các đường phố, chân dung của ông được treo cùng khắp với những lá quốc kỳ. Trên vách tường các tòa nhà, balcon, cửa sổ, bậc cửa, khuôn mặt Fidel Castro chưa bao giờ hiện diện ồ ạt như thế kể từ khi ông chết.
Celia Gomez, nhà tâm lý học ở Sancti Spiritus (miền trung đông), trước một tấm áp-phích với ba tấm ảnh của Fidel Castro - chàng tuổi trẻ nóng tính, nhà lãnh đạo thanh thản và khi đã về già - khẳng định : « Fidel là hình mẫu luôn sống mãi đối với tất cả người dân Cuba ». Ted Piccone, chuyên gia về châu Mỹ la-tinh của trung tâm nghiên cứu Mỹ Brookings nhận định : « Tính đến tác động to lớn tại Cuba và trong khu vực, đây không hẳn là vĩnh biệt, mà kỷ niệm của Fidel còn bao trùm lên Cuba lâu dài ».
Từ hồi tháng Tám, nhân sinh nhật 90 tuổi của Fidel, truyền thông Cuba đã tung ra chiến dịch « Fidel ở giữa chúng ta », gồm nhiều bài báo, hình ảnh, tài liệu và phỏng vấn. Một trường đại học ở tỉnh Santa Clara thậm chí còn tạo ra một ứng dụng điện thoại cùng tên, tập hợp các thông tin về tiểu sử, những phát biểu và các câu chuyện nổi tiếng, dù tại Cuba rất khó truy cập internet.
Trong số 285 viện bảo tàng ở Cuba, không có nơi nào chính thức dành riêng cho Fidel Castro, nhưng lãnh tụ vẫn hiện diện ở nhiều nơi, như Bảo Tàng Cách Mạng La Habana có tượng điêu khắc của ông.
Năm 2006, khi trả lời nhà báo Pháp Ignacio Ramonet, Fidel Castro khoe rằng : « Không có một trường học hay nhà máy, một bệnh viện hay công trình nào mang tên tôi ». Thực tế đúng là trên các đường phố La Habana, vật duy nhất có thể gắn với Comandante là một tấm biển nhỏ đặt trên một công trình điêu khắc mô tả Fidel và những người bạn chiến đấu trong sự kiện Vịnh Con Heo.
Nhưng nhiều thế hệ người Cuba đã lớn lên với Fidel và hình ảnh lãnh tụ, vốn xuất hiện nhan nhản trên truyền thông Nhà nước ; cho dù thời gian sau này Fidel sống ẩn dật sau khi nhường ngôi cho người em Raul năm 2006.
« Có người Cuba nào mà không giữ ở nhà, trên bàn làm việc, trong phòng ngủ, trên bàn thờ…một tấm ảnh của Fidel ? Ông đã đi vào cuộc sống chúng ta mãi mãi ». Carlos Miranda Martinez, điều phối viên quốc gia của Ủy ban Cách mạng (CDR), tổ chức dân sự được coi là « tai mắt của chế độ », nhấn mạnh trong bài diễn văn tối thứ Bảy.
Còn Daniela Lozano Diaz, bà nội trợ 52 tuổi đã treo ảnh của Fidel Castro trên tường phòng khách, cho biết : « Fidel đã yêu cầu không tôn sùng cá nhân, nhưng tôi vẫn giữ hình ảnh ông trong nhà ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161205-khong-co-tuong-dai-cho-fidel-castro-o-cuba-nhung-huyen-thoai-van-nguyen-ven

Fidel Castro, nhà xuất khẩu Cách mạng Cuba

mediaÔng Fidel Castro trong một hội nghị về chống khủng bố tại La Habana ngày 03/06/2005.REUTERS/Mariana Bazo/ảnh tư liệu
Cuba dưới thời Fidel Castro được biết đến như là tiền đồn của chủ nghĩa Cộng sản chống đế quốc Mỹ ở tây bán cầu. Nhưng Lider Maximo còn muốn người dân của “hòn đảo tự do” trở thành những người lính xung kích đi khắp thế giới làm « nghĩa vụ quốc tế » phục vụ tham vọng xuất khẩu cuộc Cách mạng Cuba ra toàn cầu.
Năm 2006, khi đã rút khỏi quyền lực vì sức khoẻ suy yếu, lãnh tụ cách mạng Cuba đã tự hào nhìn lại thành quả của mình khi tuyên bố :« Hơn một triệu rưỡi người Cuba đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trên cương vị là kỹ thuật viên hay chiến sĩ. Chúng ta đã tạo ra văn hoá của chủ nghĩa quốc tế chống lại chủ nghĩa Sô Vanh nước lớn ».
Dưới cái nhìn của Fidel Castro, kẻ thù duy nhất, ở khắp nơi luôn chỉ là Hoa Kỳ. Ngay từ ngày đầu lên nắm quyền 1959, ông đã biến Cuba thành vùng đất rộng mở đón tiếp, huấn luyện cho tất cả các lực lượng du kích quân bị các chế độ độc tài thân Hoa Kỳ ở các nước nam Mỹ truy đuổi.
Cuba của Fidel Castro, trong thập niên 1960 đã là nơi cung cấp vũ khí, cố vấn quân sự, tiền bạc, chuyên gia y tế giáo dục cho những du kích quân ở Venezuela năm 1960, những người nổi dậy ở Algeri năm 1961, ở Achentina năm 1963. Với chế độ miền bắc Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Fidel đã có tuyên bố : « Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu ». Thực tế chính quyền Fidel Castro đã rất hào hiệp giúp đỡ Hà Nội trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cả về con người cũng như vật chất. Cho đến giờ, các thế hệ lãnh đạo Cộng sản ở Hà Nội vẫn luôn giành sự biết ơn và kính trọng đặc biệt với ông Fidel Castro.
Năm 1955, Fidel Castro gặp vị bác sĩ người Achentina Ernesto Che Guevara trong thời kỳ lưu vong tại Mêhicô, sau trở thành một trong những người hùng của cuộc Cách mạng Cuba và là thần tượng của phong trào giải phóng ở các nước thế giới thứ 3. Che đã được Fidel cử đi gây dựng phong trào kháng chiến ở tận Congo trước khi thất bại hoàn toàn ở Bolivia và bị hành quyết tại đó năm 1967.
Năm 1963, người Maroc bất ngờ thấy đối mặt với họ ở cuộc xung đột biên giới với Algeri là một lữ đoàn xe tăng với 2000 lính Cuba. Đó chính là kết quả của sự giúp đỡ quốc tế của La Habana với chính quyền Algeri vừa giành được độc lập từ thực dân Pháp, đang ngả theo Liên Xô để trở thành hạt nhân phong trào cách mạng dân tộc ở châu Phi.
Ngay từ năm 1965, các cơ quan tình báo của Bồ Đào Nha đã nhận thấy, cán bộ của các phong trào kháng chiến tại những nước thuộc địa của Bồ Đào Nha như Angola, Guiné Bissau đều được huấn luyện tại La Habana. Trong những năm 1960, thủ đô của Cuba có thể được coi như là « thánh địa » của những nhà cách mạng trên thế giới. Fidel sau này thừa nhận đã khuấy động « cách mạng » ở khắp nơi trên thế giới.
Trợ thủ đắc lực cho Fidel Castro trong sứ mệnh xuất khẩu cách mạng này là « tư lệnh » Manuel Pineiro, biệt danh là « Râu Đỏ », một gián điệp bậc thầy và bên cạnh đó là các nhân viên đặc biệt trong « Vụ châu Mỹ » của đảng Cộng sản Cuba.
Với Fidel Castro, trang sử hoành tráng nhất của tinh thần quốc tế cộng sản chính là chiến trường Angola. Tại đó hơn 400 000 quân của Cuba đã tham gia trong 15 năm chiến đấu cho Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola (MPLA) chống lại lực lượng nổi dậy UNITA của Jonas Savimbi, được Nam Phi hậu thuẫn. Quân đội Cuba cũng đã để lại những dấu ấn trong các cuộc xung đột ngắn ở Ethiopia (1977-1978) hay tại Congo thuộc địa Bỉ năm (1965).
Trở về khu vực Trung Mỹ, tại Nicaragua năm 1979. Cuba đã đưa rất nhiều cố vấn hỗ trợ cho lực lượng, Mặt trận Sandino, mở cuộc tấn công cuối cùng vào thủ đô Managua đánh đổ chế độ độc tài Anastasio Somoza. Trong khi đó tại Salvador, các du kích quân ở đây thông qua Cuba đã nhận được không ít vũ khí để làm cách mạng.
Thời của đội quân áo trắng
Năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, hai năm sau đó, Liên Xô tan rã, chiến tranh lạnh đông tây kết thúc. Những biến cố đó cũng đã dập tắt hy vọng nhen nhóm ngọn lửa cách mạng trên toàn cầu của Fidel Castro. Các chiến binh cách mạng quốc tế giờ được nhường bước cho « đội quân áo choàng trắng ». Từ năm 1960, chính quyền La Habana đã đưa không dưới 135 000 chuyên gia y tế tới khắp nơi trên thế giới. Hiện tại, vẫn còn khoảng 50 000 bác sĩ và nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại 66 nước Mỹ Latin, châu Phi và châu Á, theo số liệu của bộ Y Tế Cuba.
Tuy nhiên, tính chất nhiệm vụ của « đội quân áo trắng » Cuba ngày nay cũng đã khác trước nhiều. Các chuyên gia Cuba không còn thực thi tinh thần quốc tế cao cả vô tư mà chủ yếu họ làm việc để mang về những đồng ngoại tệ giúp đất nước đương đầu với những khó khăn do nguồn tài trợ từ khối Cộng sản bị cắt, trong khi bao vây cấm vận của Mỹ vẫn tiếp tục.
Cũng phải thừa nhận, chế độ Cộng sản La Habana đã xây dựng thành công một đội ngũ chuyên gia y tế khá hùng hậu, trình độ chuyên môn tốt. Rất đông đảo chuyên gia y tế của Cuba đã tham gia tích cực vào các đợt cứu trợ nạn nhân động đất ở Algeri, ở Mêhicô, qua Pakistan hay Armenia. Gần đây nhất, Cuba đã cử một đoàn bác sĩ nhân viên y tế đông nhất, 461 người, đến giúp các nước Tây Phi chống trận dịch chết người Ebola.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161128-fidel-castro-nha-xuat-khau-cach-mang-cuba

Fidel Castro, biểu tượng lớn cuối cùng của Cộng sản quốc tế

mediaẢnh tư liệu : Raul Castro (T) và người anh Fidel Castro (P) trong vùng đồi núi Sierra Maestra, Cuba, cuối những năm 50.HO / CUBADEBATE / AFP
Huyền thoại của những người Cộng sản Cuba và Mỹ La tinh đã đi vào cõi vĩnh hằng. Sống 90 năm trên cõi đời trong đó 47 năm độc chiếm quyền lực lãnh đạo đất nước, đương đầu với 11 đời tổng thống của Mỹ, luôn sẵn sàng hy sinh tất cả đưa Cuba trên tuyến đầu thách thức người láng giềng hùng mạnh và cả thế giới phương Tây tư bản chủ nghĩa, Fidel Castro thực sự là một gương mặt lớn cuối cùng của chủ nghĩa Cộng sản quốc tế.
Ngay từ ngững ngày đầu tiến hành thành công cuộc Cách mạng Cuba năm 1959, Fidel Castro đã trở thành biểu tượng cho hy vọng của Thế giới thứ ba và các phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, hình ảnh một chỉ huy trong bộ đồ lính chiến màu xanh ô liu cũng nhanh chóng chuyển thành một nhà lãnh đạo chuyên quyền, độc đoán, từ chối mọi chia sẻ quyền lực, thẳng tay trấn áp đối kháng.
Là con trai của một chủ đồn điền gốc Tây Ban Nha, Fidel Castro Ruz sinh ngày 13/08/1926 tại Biran thuộc tỉnh Oriente (phía đông). Được gia đình cho theo học ở trường dòng Tên, Fidel Castro kết thúc sự nghiệp đèn sách của mình bằng tấm bằng cử nhân luật tại Đại học La Habana.
Ngay khi xảy ra cuộc đảo chính của tướng Fulgencio Batista năm 1952, Fidel cùng với người em Raul quyết định nhảy vào vòng binh lửa để giành quyền lực, tổ chức đấu tranh vũ trang. Ngày 26/07/1953, Fidel chỉ huy một đội quân tấn công trại lính Moncada ở Santiago de Cuba, nhưng không thành. Ông bị bắt và bị kết án 15 năm tù, nhưng chỉ 2 năm sau được ân xá.
Được tự do, Fidel sang Mehico lưu vong, lập căn cứ chuẩn bị lực lượng. Tháng 12 năm 1956, Fidel Castro lãnh đạo một đội quân gồm 81 người, trong đó có nhân vật nổi tiếng người Achentina Ernesto Che Guevara, đổ bộ vào bờ biển phía nam Cuba. Lại một lần nữa thất bại, lãnh đạo Cách mạng Cuba cùng với một nhóm quân còn lại rút vào vùng đồi núi Sierra Maestra lập căn cứ kháng chiến.
Đội quân du kích của Fidel đã kiểm soát được một phần tỉnh Oriente để rồi đến tháng 8 năm 1958 phát động cuộc tổng tấn công nổi dậy mà cuối cùng đã dẫn đến lật đổ chế độc Batista ngày 1 tháng Giêng năm 1959.
Chỉ sau đó 7 ngày, cùng với người em Raul, Che Guevara và nhân vật khá nổi danh Camilo Cienfuegos, Fidel Castro về thủ đô La Habana giành chính quyền. Tháng 2/1959, Fidel nắm chức vụ thủ tướng. Đến năm 1961 Fidel đã tuyên bố Cách mạng Cuba đi theo con đường Chủ nghĩa Xã hội. Năm 1965, ông thành thành lập ra đảng Cộng sản Cuba mới, nắm chức vụ chủ tịch nước và bí thư thứ nhất đảng.
Thập niên 1960 đánh dấu Cuba trở thành tiền đồn của chủ nghĩa Cộng sản chống chủ nghĩa tư bản đế quốc ở phía tây bán cầu. Fidel Castro cho Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba cách bờ đông nước Mỹ có 200 km.
Đó cũng là lý do để Mỹ áp đặt lệnh cấm vận bao vây phong tỏa mọi mặt hòn đảo tự do này cho đến tận giờ. Cuba của Fidel Castro ở những thập niên tiếp sau đó sẵn sàng đưa quân sang châu Phi, tới Mỹ La tinh hay châu Á, để hỗ trợ cho bất kỳ cuộc chiến nào của những người cộng sản chống lại chủ nghĩa tư bản, đế quốc.
Năm 1991, Liên Xô cùng cả khối Cộng sản Đông Âu tan rã, chiến tranh lạnh đã chấm dứt nhưng ở bên kia bán cầu, Fidel vẫn kiên định con đường chủ nghĩa xã hội. Mọi nguồn tài trợ của các nước cộng sản anh em bị cắt đứt nhưng Fidel Castro từ chối mọi sự thay đổi, tiếp tục lãnh đạo đất nước cầm cự trong đói nghèo để đương đầu với « đế quốc Mỹ », với chủ nghĩa tư bản.
Ngày 31/07/2006, tức là khi đã bước vào tuổi 80, sau một ca đại phẫu, sức khỏe suy yếu, Fidel Castro mới tạm thời nhường lại quyền hành cho người em Raul Castro, khi đó đương chức bộ trưởng Quốc phòng. Phải đợi đến 4 năm sau, quyền hành của Raul được người anh trao lại mới được chính thức hóa và cũng phải đợi đến tháng 4/ 2011, Fidel Castro mới chính thức rời bỏ chức vụ bí thư thứ nhất đảng Cộng sản Cuba.
Cho đến tận những ngày cuối cuộc đời, được chứng kiến tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Fidel Castro vẫn tỏ ra dửng dưng trước sự kiện lịch sử, vẫn hoài nghi về thiện chí của tổng thống Barack Obama và có lẽ trong đó có cả nỗi lo cuộc Cách mạng Cuba của ông sẽ bị người Mỹ phá hỏng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161126-fidel-castro-bieu-tuong-lon-cuoi-cung-cua-chu-nghia-cong-san-quoc-te

Geen opmerkingen:

Een reactie posten