woensdag 21 februari 2018

Trung Quốc dùng chính sách "ngoại giao chủ nợ" để tăng cường sức mạnh trên biển + Sri Lanka nhượng một cảng chiến lược + Quần đảo Maldives, quân cờ trong cuộc đọ sức Ấn-Trung + Khu kinh tế mở Gwadar : Bắc Kinh và Islamabad ký thỏa thuận

Trung Quốc dùng chính sách "ngoại giao chủ nợ" để tăng cường sức mạnh trên biển

mediaMột góc cảng Hambantota, Sri Lanka.©LAKRUWAN WANNIARACHCHI / AFP
Hãng tin Reuters ngày 20/02/2018 dẫn nguồn tin từ báo chí Hoa lục cho biết chỉ riêng trong tháng này, đã có đến 11 chiến hạm Trung Quốc đi vào Ấn Độ Dương, vào lúc cuộc khủng hoảng ở quần đảo Maldives đang gay gắt.
Theo trang web sina.com.cn, một đội khu trục hạm, một tàu đổ bộ 30.000 tấn và ba tàu dầu đã đi xuyên qua Ấn Độ Dương. Trang tin này khoe khoang : « Nếu nhìn vào các chiến hạm và những trang thiết bị khác, khoảng cách giữa hải quân Ấn Độ và Trung Quốc chẳng là bao ».
Trang Nikkei ngày 20/02 cho biết thêm, tại Maldives, Bắc Kinh đã biến một đảo hoang thành căn cứ hải quân, bằng cách cắt ngang các rạn san hô xung quanh, tạo thành đường cho các tàu chiến đi qua. Trung Quốc cũng có thể xây các đảo nhân tạo tại đây và quân sự hóa, như đã làm tại Biển Đông.
Cũng nằm trong tính toán chiến lược của Bắc Kinh, ba tàu chiến Trung Quốc đã thăm Maldives cách đây sáu tháng, đậu ở cảng Male, Girifushi và huấn luyện cho quân đội nước này. Việc tăng cường sự hiện diện của hải quân tại Ấn Độ Dương có thể là một thông điệp cho New Delhi, nhằm ngăn chận một sự can thiệp quân sự vào Maldives.
Về kinh tế, sự tranh giành ảnh hưởng tại Maldives giữa Ấn Độ và Trung Quốc càng thêm đậm nét, sau khi tổng thống Abdulla Yameen ký kết tham gia dự án « Một vành đai, một con đường » của Bắc Kinh.
Tổng thống đương nhiệm Yameen đã tạo điều kiện cho Trung Quốc mua lại các hòn đảo của nước mình qua việc sửa đổi Hiến Pháp năm 2015, nhằm hợp pháp hóa việc nước ngoài sở hữu đất đai tại Maldives. Hiến Pháp tu chính dường như chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc : các dự án xây dựng phải có giá trị tối thiểu 1 tỉ đô la. Khi trao cho Bắc Kinh các hợp đồng tài trợ cơ sở hạ tầng, ông Yameen đã buộc đất nước phải gánh thêm một núi nợ nần.
Trong khi đó ông Mohamed Nasheed, tổng thống đầu tiên và duy nhất được bầu lên một cách dân chủ, khẳng định Maldives không thể hoàn trả nổi số nợ 1,5 đến 2 tỉ đô la cho Trung Quốc, tương đương 80% tổng nợ quốc gia. Ông than thở : « Trung Quốc không cần bắn một phát súng nào mà vẫn chiếm được nhiều đất đai tại Maldives hơn người Anh trong thế kỷ 19 ».
Trong số những hòn đảo không người ở mà Trung Quốc thuê lâu dài tại Maldives có Feydhoo Finolhu, nằm gần thủ đô Male, trước đây dùng làm nơi huấn luyện lực lượng cảnh sát ; đảo Kalhufahalufushi có chiều dài 7 km có nhiều rạn san hô tuyệt đẹp. Trung Quốc chỉ phải trả 4 triệu đô la cho đảo Feydhoo Finolhu, bằng cái giá một căn hộ sang trọng ở Hồng Kông, đảo Kalhufahalufushi thậm chí còn rẻ hơn.
Trung Quốc, nước duy nhất ủng hộ tổng thống độc tài Yameen của Maldives từ khi ông này lên nắm quyền năm 2013, khẳng định việc thuê mua dài hạn các hòn đảo của nước này chỉ nhằm mục đích thuần túy thương mại. Tuy nhiên các dự án cảng khác của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương, được cho là đơn thuần kinh tế, nay đã mang tầm vóc quân sự.
Chẳng hạn sau khi cho Djibouti vay nhiều tỉ đô la, năm 2017 Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, tại quốc gia nhỏ bé nhưng có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương. Tại Pakistan, Bắc Kinh huy động tàu chiến để bảo vệ cảng Gwadar do Trung Quốc xây dựng, và chuẩn bị lập một căn cứ quân sự gần đó.
Nikkei nhận định, mỗi món vay đều nhằm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh, mà tờ báo gọi là « ngoại giao chủ nợ ». Chính sách ngoại giao này đã gặt hái được thành công lớn vào tháng 12/2017, khi Sri Lanka cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm với giá 1,12 tỉ đô la. Trước đó, sau khi mua lại phần lớn cảng container Colombo, các tàu ngầm Trung Quốc đã lặng lẽ vào trú đóng tại đây. Ở Miến Điện, cảng nước sâu Kyauk Pyu do Bắc Kinh tài trợ, cũng có thể được dùng vào mục đích quân sự.
Nhìn chung, không chỉ có Maldives, mà nhiều nước láng giềng của Ấn Độ và Trung Quốc như Bangladesh, Miến Điện, Nepal, Pakistan, Sri Lanka đều lọt bẫy nợ của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương.
Ông John Adams (1797-1801), vị tổng thống thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ từng nói : « Có hai cách để chinh phục và nô dịch một đất nước. Cách thứ nhất là bằng thanh gươm, và cách thứ nhì là nợ nần ». Theo Nikkei, Trung Quốc đã chọn phương cách thứ hai. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có lần gọi Trung Quốc là « đế quốc mới », sử dụng các chính sách giống như thời kỳ châu Âu đi chiếm thuộc địa.
Mao Trạch Đông từng khẳng định « chính quyền trên đầu nòng súng ». Nhưng cũng theo Nikkei, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, cường quốc đầu tiên trong lịch sử đương đại không hề có đồng minh thực sự, có thể thêm vào đó một nguyên tắc khác : mua tình hữu nghị bằng cách mở rộng hầu bao. Trung Quốc đang lôi kéo nhiều quốc gia vào vòng ảnh hưởng của mình, bằng cách nhấn chìm họ trong nợ nần.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180220-trung-quoc-dung-chinh-sach-ngoai-giao-chu-no-de-tang-cuong-suc-manh-tren-bien

Sri Lanka nhượng một cảng chiến lược cho Trung Quốc

mediaSri Lanka chuyển nhượng 85% cảng Hambantota cho tập đoàn Trung Quốc, China Merchants Port Holdings. Ảnh minh họa.CC/Deneth17
Ngày 29/07/2017, Sri Lanka tổ chức lễ ký kết chuyển nhượng 85% cảng Hambantota cho tập đoàn Trung Quốc, China Merchants Port Holdings, trị giá hợp đồng 1,12 tỷ đô la. Theo thỏa thuận, đối tác Trung Quốc bảo đảm khâu phát triển thương mại và đầu tư, phía Sri Lanka đảm trách vấn đề an ninh cảng.
Thương vụ diễn ra bất chấp phản đối mạnh mẽ từ phe đối lập Sri Lanka, cho rằng đây là ý đồ quân sự của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ Dương.
Theo hãng tin Pháp AFP, thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, trong thông báo ngày 28/07/2017, coi việc bán cảng nước sâu Hambantota cho đối tác Trung Quốc là một nỗ lực để giảm bớt nợ nước ngoài của chính quyền Colombo. Thủ tướng Sri Lanka nhấn mạnh thỏa thuận này càng có ý nghĩa do đôi bên cùng quản lý và khai thác cảng.
Hambantota nằm ở phía nam Sri Lanka, chiếm một vị trí chiến lược trên tuyến đường hàng hải Đông-Tây trong khu vực Ấn Độ Dương đi qua Ấn Độ và một số quốc gia lân cận.
Cảng được xây dựng từ năm 2010 nhờ một khoản tín dụng lớn vay của Trung Quốc, nhưng ngay sau đó, công trình đã vấp phải nhiều khó khăn về mặt tài chính, kể cả trong việc trả lương cho nhân viên làm việc tại đây. Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2011, tập đoàn khai thác cảng làm ăn thua lỗ, tổng số nợ lên tới 300 triệu đô la, theo lời thủ tướng Sri Lanka.
Về mặt chiến lược, đối lập Sri Lanka lo ngại Bắc Kinh mua lại cảng Hambantota với mục đích quân sự. Vào đầu tuần này, chính quyền Colombo đã xua tan nghi vấn nói trên khi thông báo Hải Quân Sri Lanka sẽ phụ trách đảm bảo toàn bộ an ninh tại cảng và không có Hải Quân bất cứ nước nào được phép sử dụng cảng Hambantota làm căn cứ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170729-sri-lanka-nhuong-cang-nuoc-sau-hambantota-cho-trung-quoc

Quần đảo Maldives, quân cờ trong cuộc đọ sức Ấn-Trung

mediaĐối lập Maldives biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Male (Maldives) ngày 04/02/2018.REUTERS/Stringer
Tại Maldives, đảo quốc láng giềng của Ấn Độ, tình trạng khẩn cấp vẫn tiếp tục được chính quyền áp dụng, trong lúc cựu tổng thống lưu vong Mohamed Nasheed, cũng là nhân vật đối lập chủ chốt của đương kim tổng thống Maldives Abdulla Yameen, đã kêu gọi Ấn Độ (và Mỹ) can thiệp. Nếu như trước đây thì có lẽ New Delhi đã gởi quân qua ngay, nhưng lần này Ấn Độ vẫn án binh bất động vì cản lực Trung Quốc, đang có ảnh hưởng càng lúc càng tăng tại Maldives.
Tai đảo quốc nổi tiếng là thiên đường cho những du khách giàu có này, cuộc tranh giành ảnh hưởng chính trị đã bùng lên thành khủng hoảng từ hôm 05/02/2018 với việc tổng thống nước này là Abdulla Yameen ban bố tình trạng khẩn cấp, cho bắt giam người tiền nhiệm xa xưa của ông, là cựu tổng thống Maumoon Abdul Gayoom, cùng với chủ tịch Tòa Án Tối Cao, cả hai đều gần với phong trào dân chủ.
Trước tình hình đó, ngày 06/02, nhà đối lập đồng thời là cựu tổng thống Maldives, hiện đang sống lưu vong Mohamed Nasheed đã kêu gọi Ấn Độ và Mỹ để giúp « lật đổ » người đứng đầu nhà nước Abdulla Yameen. Trong một tuyên bố, ông kêu gọi Ấn Độ can thiệp quân sự vào Maldives, và phong tỏa các giao dịch bằng đô la của các quan chức chế độ hiện nay.
Cầu cứu Ấn Độ là phản ứng rất tự nhiên tại vùng Nam Á
Đối với Olivier Guillard, một nhà nghiên cứu tại Học Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp, « Việc cầu cứu New Delhi là một phản ứng rất tự nhiên ».
Ấn Độ là cường quốc lớn trong khu vực, hiện là nền kinh tế đứng hàng thứ 7 trên thế giới, là tác nhân hàng đầu về mặt chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự ở khu vực châu Á này, vốn được New Delhi xem là sân nhà của mình.
Chuyên gia Pháp giải thích : « Tiềm lực của Ấn Độ cho phép họ vừa lo liệu cho tương lai của chính họ trong trung hạn hay xa hơn một chút một cách thanh thản, vừa giúp đỡ các nước láng giềng thông qua các dự án phát triển, kinh tế, kỹ thuật, tài chính, giao lưu và trợ giúp chuyên môn ». Maldives chẳng hạn, đã được hưởng nhiều ưu đãi trong việc mua sắm hàng tiêu dùng Ấn Độ, trong khi một bộ phận lớn dân chúng Maldives được qua chữa trị tại các bệnh viện vùng Kerala và Tamil Nadu ở miền Nam nước Ấn.
Lời cầu cứu New Delhi lại càng hợp lý hơn khi cựu tổng thống Mohamed Nasheed luôn khẳng định xu hướng dân chủ của mình.
Là tổng thống Maldives đầu tiên được bầu lên nhân một cuộc bầu cử đa đảng năm 2008 (trước khi bị một cuộc đảo chánh lật đổ vào năm 2012), ông đã tăng cường và củng cố uy tín quốc tế của mình bằng cách biến Maldives thành một nước đi đầu trong cuộc chiến chống lại sự hâm nóng toàn cầu. Khi cầu viện cường quốc láng giềng Ấn Độ, nhà đối lập Maldives lưu vong cũng đã nhờ vả một nền dân chủ lớn nhất thế giới, vận hành tốt nhất trong khu vực.
Khả năng can thiệp của Ấn Độ bị hạn chế
Phản ứng của New Delhi cho đến lúc này trước lời kêu gọi của cựu tổng thống Maldives rất thận trọng. Ấn Độ mới chỉ tuyên bố chung chung là cần phải tái lập nền dân chủ tại Maldives.
Tuy nhiên, trong một bài báo được công bố vào ngày 06/02, trang web thông tin Ấn Độ The Wire cho biết là chính quyền New Delhi đang xem xét khả năng đưa một phản ứng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, các lựa chọn của Ấn Độ vẫn còn hạn chế.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể khiến cho dân chúng Maldives bất bình, và khả năng can thiệp quân sự dường như trước mắt không được tính tới.
Dẫu sao thì Ấn Độ trước đây cũng đã từng can thiệp quân sự vào Maldives. Năm 1988, theo âm mưu của một doanh nhân Maldives, lính đánh thuê Sri Lanka đã tìm cách lật đổ tổng thống Maldives lúc bấy giờ là ông Maumoon Abdul Gayoom. Ông đã kêu gọi Ấn Độ giúp đỡ, và New Delhi đã đưa quân đội đổ bộ lên Maldives trong một thời gian kỷ lục, và dẹp tan cuộc đảo chính.
Tuy nhiên, bối cảnh lần này đã khác xưa. Một mặt, vấn đề tại Maldives là một vấn đề nội bộ, chứ không phải là một cuộc ngoại xâm. Mặt khác, ngày nay, Ấn Độ không còn có thể tự do hành động, mà phải chú ý đến phản ứng của đối thủ Trung Quốc.
Cản lực đến từ Bắc Kinh
Bắc Kinh đã nhanh chóng lên tiếng cảnh cáo chống lại mọi hành vi can thiệp vào nội tình Maldives. Theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc : « Cộng đồng quốc tế nên đóng một vai trò mang tính chất xây dựng, trên tinh thần tôn trọng chủ quyền của Maldives thay vì có những hành động có thể làm tình hình trở nên phức tạp ».
Theo ông Jean-Luc Racine, giám đốc nghiên cứu danh dự tại Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học Pháp CNRS, thì « nếu không hài lòng về chính sách của Ấn Độ đối với Maldives, Trung Quốc có thể có một phản ứng dữ dội, không nhất thiết ở trong khu vực, nhưng ở nơi khác, dọc theo biên giới Himalaya, như đã xảy ra vào mùa hè vừa qua. Quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ đang được quản lý tốt, nhưng luôn luôn có chỗ cho những sự cố biên giới có tính toán, mà quy mô hay mức độ luôn mang theo một thông điệp ngoại giao. »
Kể từ cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Nasheed vào tháng 2 năm 2012, Maldives đã rời xa Ấn Độ để xích lại gần Trung Quốc một cách đáng kể.
Vào cuối năm 2012, chỉ ít lâu sau chuyến thăm của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc tại Maldives, một tập đoàn của Ấn Độ đã bị loại ra khỏi một hợp đồng lớn để quản lý sân bay quốc tế thủ đô Malé. Chuyên gia Olivier Guillard nhắc lại là « hai tháng trước đó, Trung Quốc đã cấp cho Maldives một khoản trợ giúp hậu hĩnh (400 triệu €, một phần tư GDP Maldives) để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng khác nhau ».
Vào tháng 12 năm ngoái, Maldives và Trung Quốc đã ký kết một hiệp định thương mại tự do, cho phép ngành đánh cá Maldivian được tiếp cận một thị trường to lớn.
Ý đồ chính trị trong việc Maldives xích lại gần Trung Quốc
Việc Maldives xích lại gần Trung Quốc không phải là không có ý đồ chính trị. Nó cho phép Tổng thống Yameen của Maldives thoát ly khỏi quyền « giám hộ » của Ấn Độ. Đối với Bắc Kinh, nó sẽ giúp Trung Quốc củng cố « chuỗi ngọc trai » của họ bằng cách tăng cường sự hiện diện tại vùng Ấn Độ Dương và bảo đảm an ninh cho các tuyến thương mại hàng hải của Trung Quốc.
Thật vậy, Maldives nằm ngay trên một tuyến đường biển mà Trung Quốc sử dụng, bắt đầu từ Vịnh Aden, vòng qua Ấn Độ, trước vào eo biển Malacca. Theo chuyên gia Jean-Luc Racine, việc nắm được Maldives cũng nằm trong kế hoạch lớn của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là Con Đường Tơ Lụa Mới, tức là chính sách Một Vành Đai Một Con Đường, với phần trên biển bao gồm cả Maldives.
Đối mặt với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong vùng Nam Á, bị coi là một mối đe dọa, New Delhi đang nỗ lực củng cố quan hệ với các cường quốc khu vực khác. Tháng 5 năm ngoái, để đáp trả kế hoạch những con đường tơ lụa của Trung Quốc, Ấn Độ đã công bố một dự án tuyến đường thương mại khác là Hành Lang Tăng Trưởng Châu Á, được gọi là « Con Đường Tự Do ».
Theo nhật báo Pháp Le Monde, dự án thực hiện cùng với Nhật Bản đó, có mục tiêu khôi phục lại các tuyến thương mại hàng hải cũ nối liền Châu Phi với Thái Bình Dương thông qua vùng Nam và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng có mặt trong « Liên minh Ấn Độ-Thái Bình Dương » đang được xây dựng nhằm tăng cường quan hệ giữa 4 nước Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc.
Trong bối cảnh như kể trên, theo chuyên gia Jean-Luc Racine, dù chỉ là một nhân tố không mấy quan trọng, nhưng Maldives cũng tượng trưng cho « một con tốt trên bàn cờ vua » trong tay hai đấu thủ Ấn Độ và Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180209-quan-dao-maldives-quan-co-trong-cuoc-do-suc-an-trung

Khu kinh tế mở Gwadar : Bắc Kinh và Islamabad ký thỏa thuận

mediaCảng nước sâu Gwadar, Pakistan, nhìn ra biển Ả Rập. Ảnh chụp ngày 19/03/2007.Reuters/Qadir Baloch/Files
Cảng Gwadar của Pakistan nằm trên bờ Ấn Độ Dương là một trọng điểm trong hợp tác giữa Bắc Kinh và Islamabad. Hôm 11/11/2015, Trung Quốc và Pakistan đã ký kết một thỏa thuận phát triển một khu kinh tế mở xung quanh cảng biển chiến lược này. Dự án này từng khiến Ấn Độ rất lo ngại. 
AFP cho biết, theo hợp đồng này, chính quyền khu vực Baloutchistan nghèo khó sẽ phó thác khoảng 1.000 hecta đất cho công ty Nhà nước Trung Quốc Overseas Port Holding Company trong vòng hơn 40 năm, trong đó có dự kiến xây dựng một sân bay quốc tế gần Gwadar.
Hiện tại cảng Gwadar, cách thủ đô Islamabad 540 km về phía đông nam, đã nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc. Cảng biển này được khởi công từ năm 2007, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung Quốc, và được Bắc Kinh tài trợ 248 triệu đô la. Còn đặc khu kinh tế nói trên dự kiến sẽ khởi công vào tháng 1/2016, theo ông Syed Habib Ahmad, giám đốc dự án.
Gwadar là đầu mút của « hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan » tương lai, nối liền miền tây của Trung Quốc với vùng biển Ả Rập (còn gọi là biển Oman), cho phép Trung Quốc rút ngắn rất nhiều khoảng cách với Cận Đông, Châu Âu và Châu Phi. Gwadar cũng là một điểm chiến lược trong kế hoạch "Chuỗi ngọc trai" (tức hệ thống những căn cứ trên biển mà Trung Quốc có quyền sử dụng tại Ấn Độ Dương).
Theo các chuyên gia, hành lang kinh tế với điểm khởi đầu là cảng Gwadar cho phép việc vận tải dầu mỏ và khí đốt từ Trung Đông và Châu Phi sang Trung Quốc giảm bớt được hàng ngàn cây số. Dự án phát triển cảng biển quan trọng này cũng nằm trong một chiến lược chung nhằm mở rộng các hoạt động thương mại và các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại vùng Trung và Nam Á.
Baloutchistan là một khu vực rất nghèo khó tại Pakistan. Kể từ năm 2004, nổi lên một phong trào vũ trang ly khai tại khu vực này, nhằm kiểm soát các nguồn khoáng sản quan trọng. Một số người dân tộc chủ nghĩa Baloutchistan cáo buộc Trung Quốc liên kết với chính quyền Pakistan để cướp bóc các tài nguyên địa phương, không chia sẻ các lợi nhuận từ kinh tế, cũng không tìm cách tạo thêm việc làm cho cư dân địa phương.
Chính quyền Pakistan huy động một lực lượng an ninh đặc biệt, gồm từ 10.000 đến 25.000 người để bảo vệ khu vực cảng Gwadar.
Quân đội Trung Quốc ủng hộ hành lanh kinh tế với Pakistan
Hai ngày sau hợp đồng về khu kinh tế mở Gwadar, hôm nay, 13/11/2015, Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc, tướng Phạm Trường Long (Fan Chonglong), tới Pakistan. Đây là chuyến công du của một lãnh đạo quân sự cao cấp hàng đầu của Trung Quốc tới quốc gia Nam Á này kể từ 11 năm nay.
Quân đội Pakistan ra thông báo cho biết Bắc Kinh « vui mừng » vì hợp tác « chặt chẽ song phương nhằm bảo đảm quản lý tốt và an ninh cho hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) ».
Tướng Trung Quốc « đặc biệt hoan nghênh » các nỗ lực của Pakistan chống khủng bố, cụ thể là phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), một nhóm vũ trang được coi là hoạt động mạnh tại Tân Cương. Theo lãnh đạo quân đội Trung Quốc, nhiều thành viên của ETIM ẩn náu tại Pakistan.
Hợp đồng tàu ngầm 4 tỷ euro
Pakistan và Trung Quốc tiếp tục gia tăng hợp tác quốc phòng. Tuần báo Le Courrier International giữa tháng 10/2015, dẫn một số nguồn tin Trung Quốc, theo đó, Bắc Kinh sắp bán 8 tàu ngầm hạt nhân với năng lượng thông thường cho Pakistan. Hợp đồng này cũng dự kiến chuyển giao công nghệ cho Islamabad, cũng như thành lập một trung tâm huấn luyện tại Karachi (theo trang Jiemian, Thượng Hải).
Còn theo trang mạng Hồng Kông Fenghuang Wang, hợp đồng đóng tàu ngầm Trung Quốc – Pakistan trị giá khoảng từ 3,5 tỷ đến 4,5 tỷ euro. Đây là hợp đồng vũ khí lớn chưa từng có giữa hai quốc gia, và được coi là hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Trung Quốc từ trước đến nay.
Trong một phát biểu trên kênh truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông), chuyên gia Trung Quốc Zhao Gencheng khẳng định : vụ mua bán tàu ngầm này sẽ khiến hải quân Ấn Độ rất lo ngại. Báo Nga Sputnik dẫn lại việc báo chí Ấn Độ hồi tháng 7/2015 rộ lên về vụ một tàu ngầm Trung Quốc lần đầu tiên ghé cảng Karachi, Pakistan, với nhận định : « nhiều chuyên gia quân sự cho rằng khả năng Trung Quốc tăng cường đáng kể kiểm soát Ấn Độ Dương khiến New Delhi lo lắng từ lâu ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20151113-bac-kinh-va-islamabad-ky-thoa-thuan-phat-trien-khu-kinh-te-mo-gwadar

Geen opmerkingen:

Een reactie posten