Trung Quốc leo thang thách thức Mỹ ở Biển Đông
Hà Tường Cát/Người Việt
Phát ngôn viên Lu Kang, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói rằng chiến hạm Mỹ vi phạm vùng biển 12 hải lý của đảo Huangyan và “Hải Quân Trung Quốc sau khi thi hành các thủ tục định dạng theo luật quốc tế, đã phái một chiến hạm đến yêu cầu tàu Mỹ phải ra khỏi vùng biển.”
Huangyan theo cách gọi của Trung Quốc là bãi san hô Scarborough Shoal được Philippines xác nhận chủ quyền và đặt tên là Panatag, nhưng bị Trung Quốc chiếm đoạt năm 2012.
Phát ngôn viên Lu Kang tuyên bố: “Trung Quốc rất bất mãn với hành động của Mỹ và sẽ sử dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền của mình.”
Trong thời chính quyền của Tổng Thống Obama, Trung Quốc đã nhiều lần mạnh mẽ phản đối các chuyến FONOPs diễn ra từ 2015 đến Tháng Mười, 2016, nhưng lúc đó Hải Quân Trung Quốc chỉ theo dõi canh chừng không tỏ ra muốn có hành động trực tiếp can thiệp.
Trong mấy tháng đầu thời Tổng Thống Trump, Mỹ ngưng các chuyến FONOPs để tránh va chạm Trung Quốc nhằm hy vọng Bắc Kinh tăng áp lực với Bắc Hàn. Hải Quân Mỹ tiếp tục trở lại những chuyến hải hành FONOPs, từ Tháng Năm, 2017, chuyến đầu tiên với khu trục hạm USS Dewey đi vào vùng biển 12 hải lý cách Mischief Reef (đá Vành Khăn) do Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo.
Cuối Tháng Bảy, khu trục hạm USS Stethem đi vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 và đến cách đảo Tri Tôn 12 hải lý.
Tới Tháng Tám, khu trục hạm USS John McCain một lần nữa đi ngang đá Vành Khăn, chỉ cách xa 6 hải lý. Hải Quân Trung Quốc 10 lần phát tín hiệu cảnh cáo nhưng không phái chiến hạm đến nghênh cản.
Bây giờ sang năm 2018, phản ứng của phía Trung Quốc có vẻ mạnh mẽ hơn và gia tăng sự thách thức Mỹ. Tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng Sản, gọi Washington là kẻ gây rối, và hành động vừa qua của Mỹ chỉ khiến cho Trung Quốc buộc phải tăng cường triển khai lực lượng trên hải lộ tranh chấp. Theo tờ báo, trong tình hình đang được cải thiện ở khu vực, rõ ràng Mỹ muốn quân sự hóa Biển Đông; “Phản lại nền tảng hòa bình và hợp tác, chiến hạm Mỹ ngang ngược gây rắc rối đến mức táo bạo liều lĩnh.”
Tờ báo hăm dọa: “Nếu bên hữu quan một lần nữa vô cớ gây thêm rắc rối và tạo căng thẳng thì Trung Quốc phải đi đến kết luận rằng: Để bảo vệ hòa bình ở Biển Đông, Trung Quốc cần tăng cường và đẩy nhanh việc tạo dựng những khả năng ở đây.”
Hoàn Cầu Thời Báo, tờ lá cải do Nhân Dân Nhật Báo phát hành, trong một bài xã luận nói rằng: “Lực lượng và khả năng quân sự của Trung Quốc đã gia tăng cùng với việc kiểm soát Biển Đông. Bây giờ Trung Quốc nên đưa thêm chiến hạm đến đây để ổn định tình thế và có thể thực hiện việc quân sự hóa các đảo.”
Năm ngoái ở Biển Đông, Trung Quốc đã bồi đắp các đảo nhân tạo và xây dựng cơ sở vật chất trên diện tích tổng cộng 290,000 m2, tương đương 72 mẫu (acres).
Về phía Mỹ, Bộ Quốc Phòng không bình luận về chuyền đi của chiến hạm Hopper, nhưng Hải Quân Mỹ khẳng định rằng có quyền thực hiện những chuyến hải hành gọi là FONOP nhằm “thể hiện sự thách thức với tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức” của Trung Quốc ở Biển Đông. Các giới chức Mỹ xác định rằng theo luật quốc tế đây là “chuyến đi ngang vô tư” của một chiến hạm nhận biết rõ lãnh hải đã đi qua nhanh chóng không dừng lại.
Hôm Thứ Sáu, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis nói rằng không phải khủng bố, mà tranh chấp với các cường quốc như Nga và Trung Quốc, mới là trọng tâm cho an ninh quốc gia của nước Mỹ.
Hải Quân Trung Quốc phát triển rất nhanh từ đầu thế kỷ 21 và khả năng hoạt động của hạm đội từ cận duyên đã tiến tới viễn duyên. Các chuyên gia quốc phòng phương Tây cũng thường nói đến tham vọng của Hải Quân Trung Quốc tiến tới ngang bằng Hải Quân Mỹ trong sự tranh quyền bá chủ các đại dương. Tuy nhiên trong điều kiện kinh tế không còn tốt đẹp như thời gian những năm trước, Trung Quốc sẽ buộc phải cắt giảm ngân sách quốc phòng và dự án 500 chiến hạm của hải quân không dễ đạt tới. Vả lại Trung Quốc biết rằng trong cuộc chạy đua vũ trang thời Chiến Tranh Lạnh, Tổng Thống Ronald Reagan đã đánh bại Liên Xô bằng chi tiêu quốc phòng, và bây giờ Tổng Thống Donald Trump vẫn còn tiềm năng thắng Trung Quốc như thế.
Tổng Thống Trump hiện nay muốn tăng số chiến hạm chủ lực của Hải Quân Mỹ từ 272 chiếc lên 350; Mỹ có 11 hàng không mẫu hạm chiến lược trong khi Trung Quốc mới chỉ có một và ít nhất tới 2019 hay 2020 mới có thêm chiếc mới. Nhưng Liêu Ninh hiện tại hay Sơn Đông tương lai thì cũng không thể so sánh được với USS Gerald Ford trị giá $13 tỷ. Hơn nữa Trung Quốc hiểu rõ là hải quân của họ không những còn thua Mỹ về lực lượng mà còn kém xa về khả năng và kinh nghiệm chiến đấu.
Do đó chiến tranh hay đụng độ lớn ngoài Thái Bình Dương giữa Hải Quân Mỹ-Trung Quốc sẽ chưa xảy ra ít nhất là cho đến giữa thế kỷ. Hoạt động của Hải Quân Trung Quốc trong tương lai gần sẽ chỉ giới hạn ở Biển Đông nhắm phục vụ cho kế hoạch lâu dài khống chế toàn bộ Biển Đông, nơi họ có ưu thế tuyệt đối về sức mạnh so với tất cả mọi nước trong khu vực.
Chiến lược lấn tới dần dần
Trung Quốc vẫn công khai tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp nguyên tắc và không tuân hành những thỏa thuận quốc tế. Bồi đắp những đảo nhân tạo là việc làm bất hợp pháp và công pháp quốc tế về luật biển đã xác đinh rằng đảo nhân tạo không có lãnh hải cũng như vùng đặc quyền kinh tế. Nhưng đảo nhân tạo của Trung Quốc có hai mục đích chính: (1) dùng làm đầu cầu để, hợp pháp hay không hợp pháp, lấn dần chủ quyền trong vùng biển, (2) xây dựng thành căn cứ quân sự tiền tiêu. Những căn cứ nhỏ bé và cô lập này sẽ không thể nào phòng thủ được nếu chiến tranh với Mỹ, nhưng rất có hiệu quả trong các chiến dịch xâm lăng ở khu vực.
Phản ứng của Trung Quốc đối với Mỹ ở từng thời điểm, leo thang hay xuống thang, chẳng qua chỉ là để thích ứng với từng tình huống, nhưng không ra ngoài chiến lược lấn tới dần dần của Trung Quốc. Vì vậy, không có gì nghi ngờ về đường lối của Trung Quốc, thắc mắc mà người ta đặt ra là về chủ trương của Mỹ. Trong chính sách đối ngoại của Tổng Thống Donald Trump năm 2018 liệu ông có quả thật chú trọng đến Biển Đông như từng hứa hay không. Một số quan sát viên cho rằng ông Trump vẫn nói không muốn nước Mỹ can dự nhiều vào các vấn đề quốc tế, nhưng ông đã vội vã quyết định cho chuyển tòa Đại Sứ Mỹ về Jerusalem. Vậy thì Biển Đông có lợi ích gì để ông phải quan tâm đến mức như Israel hay không?
Ngoài những lời lẽ phê phán Trung Quốc, chủ yếu về kinh tế, trong thời gian tranh cử, và rồi sau đó Tổng Thống Trump có lý do để nương nhẹ Trung Quốc; cho đến nay chưa có điều gì chứng tỏ ông thật sự quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Những hoạt động như FONOP là do Bộ Quốc Phòng và Hải Quân tiếp tục thi hành và không một quan sát viên nào ghi nhận Biển Đông là ưu tiên của Tòa Bạch Ốc.
Chiến Lược An Ninh Quốc Gia của chính quyền Tổng Thống Trump được công bố hồi Tháng Mười Hai nói rằng: “Những cố gắng của Trung Quốc để xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn trong vùng Biển Đông là sự đe dọa tự do lưu thông thương mại, đe dọa chủ quyền các quốc gia khác, và tạo bất ổn khu vực.”
Cho tới nay, chính sách của chính quyền Tổng Thống Donald Trump ở Biển Đông chỉ giới hạn trong việc thực hiện Quyền Tự Do Hải Hành (FONOPs), mà chính quyền Tổng Thống Barack Obama bắt đầu thực hiện hồi năm 2015.
Vả lại FONOPs không phải là chiến lược toàn diện, nó không đủ để ngăn chặn Trung Quốc dưới thời Barack Obama và nó cũng sẽ không đủ như vậy dưới thời Donald Trump.
Người ta không tin là Tổng Thống Trump có thể có một quyết định gì mạnh mẽ hơn, và trong tình thế ấy mọi diễn tiến sẽ là có lợi cho Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc sẽ tìm mọi cách tránh va chạm lớn với Mỹ ở khu vực này và không gây khó khăn cho những nước nào muốn ngả về phía Mỹ. Nhưng Việt Nam và Philippines, căn cứ trên kinh nghiệm dĩ vãng cũng như tình hình hiện tại, hiểu rằng không thể nào trông cậy hoàn toàn vào Mỹ, và do đó buộc phải tìm thỏa hiệp với Trung Quốc tới một chừng mực đủ khôn ngoan để tồn tại và bảo vệ lợi ích của dân tộc mình. (Hà Tường Cát)
—————-
Liên lạc tác giả: ha.cat@nguoi-viet.com
Chủ mới căn nhà phát hiện bộ xương chủ cũ chết trong tường ở Houston
Geen opmerkingen:
Een reactie posten