vrijdag 9 februari 2018

Pháp dự trù chi gần 300 tỷ euro cho quân đội trong 7 năm từ 2019 đến 2025 + Pháp muốn củng cố sức mạnh răn đe hạt nhân



Pháp dự trù chi gần 300 tỷ euro cho quân đội


mediaTổng thống Pháp Emmanuel Macron (G) và bộ trưởng Quân Lực Florence Parly (T) duyệt đội quân danh dự trên tàu chiến Dixmude, tại căn cứ hải quân Toulon, Pháp, ngày 19/01/2018REUTERS
Theo dự luật về chi tiêu quân sự được đệ trình trong cuộc họp của chính phủ hôm nay, 08/02/2018, Pháp dự trù gia tăng đều đặn ngân sách quốc phòng, và sẽ chi ra tổng cộng 295 tỷ euro cho quân đội trong 7 năm từ 2019 đến 2025.
Trong hơn một thập niên qua, quân đội Pháp vẫn liên tục bị cắt giảm ngân sách, chỉ đến sau loạt khủng bố 2015 mới bắt đầu tăng trở lại. Ngân sách quốc phòng của Pháp trong năm 2018 là 34,2 tỷ, sẽ tăng đều đặn mỗi năm 1,7 tỷ euro cho đến 2022 và sau đó tăng mỗi năm 3 tỷ euro kể từ năm 2023.
Dự luật về chi tiêu quân sự cũng dự kiến tạo thêm 6.000 việc làm cho nhân viên dân sự lẫn quân sự từ đây đến năm 2025, đặc biệt là nhằm tăng cường lực lượng tình báo và lực lượng tác chiến không gian mạng.
Theo lời tổng thống Emmanuel Macron, mức tăng ngân sách quốc phòng nói trên sẽ được ưu tiên dành cho việc cải thiện cuộc sống thường ngày của khoảng 200 000 quân nhân và hiện đại hóa các thiết bị quân sự mà phần lớn nay đã rất cũ.
Nước Pháp cũng sẽ nghiên cứu việc thay thế chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất, Charles de Gaulle. Hiện đang tạm ngưng hoạt động để được tu bổ lại trong 18 tháng, theo dự kiến, chiếc hàng không mẫu hạm này vào năm 2040 sẽ không còn được sử dụng nữa.

http://vi.rfi.fr/phap/20180208-phap-du-tru-chi-ra-gan-300-ty-euro-cho-quan-doi

Pháp muốn củng cố sức mạnh răn đe hạt nhân
Liên quan đến nước Pháp, sự kiện của nhật báo Libération là dự luật chi tiêu quân sự hôm nay được trình lên chính phủ, trong đó đặc biệt có nội dung nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của Pháp.
Trang nhất của Libération chạy tựa: « Vũ khí hạt nhân, cuộc tranh luận cấm kỵ ». Đúng là vấn đề trang bị vũ khí hạt nhân đang làm dấy lên tranh luận xung quanh khả năng răn đe hạt nhân của Pháp, một chủ đề dường như đang bị rơi vào quên lãng nay lại nổi lên. Người ủng hộ thì cho rằng tăng cường kho vũ khí hạt nhân là « sự bảo đảm cuối cùng cho vị thế của đất nước trên trường thế giới ».
Tờ báo trích dẫn các chuyên gia ủng hộ khả năng răn đe hạt nhân của Pháp, như chuyên gia Tiphaine de Champschesnel, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trường Quân Sự Pháp cho rằng : « Răn đe hạt nhân luôn có căn cứ. Việc chấm dứt chiến tranh lạnh đã không thiết lập được một thế giới ổn định, mà trái lại, thế giới đang trở nên ngày càng khó lường ». Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Pháp cần phải độc lập với Mỹ và nước Nga, cũng muốn đẩy mạnh hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.
Những ý kiến chống thì lập luận vũ khí nguyên tử có thể bị dùng sai mục đích hay trở nên cực kỳ nguy hiểm khi rơi vào tay những kẻ khủng bố. Điều quan trọng là một khi tính chất răn đe của vũ khí hạt nhân không còn ý nghĩa, thì đó là thứ vũ khí hủy diệt thực sự.
Xã luận của Libération viết : Giấc mơ của tất cả chúng ta là được sống trong một thế giới sạch bóng vũ khí hạt nhân cũng như vũ khí quy ước. Nhưng chúng ta vẫn còn ở rất xa mục tiêu đó. Hành tinh này đã bước vào thời kỳ bất ổn, không loại trừ một vùng nào, cùng với việc phổ biến điên cuồng vũ khí và sẵn sàng sử dụng hoặc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trước hiện trạng đó, có hai lựa chọn : Từ chối lao vào vòng xoáy nguy hiểm hoặc trái lại thì cho rằng vũ khí hạt nhân là không thể thiếu nếu muốn tồn tại trên trường quốc tế và để sẵn sàng răn đe mọi cuộc tấn công vào lãnh thổ mình.
Giờ đây, theo Libération, vũ khí hạt nhân vẫn được cho là không bao giờ được sử dụng. Thế nhưng gần đây người ta cảm nhận thấy, nhất là phía Mỹ, có ý đồ đưa vũ khí hạt nhân vào chiến trường. Như vậy thì khái niệm răn đe đâu còn nữa.
Châu Á : Tụ điểm căng thẳng hạt nhân của thế giới
Nhân chủ đề vũ khí hạt nhân, Libération có bài viết ngắn cho thấy châu Á không phải là nơi cất giữ nhiều bom nguyên tử nhất của cả hành tinh nhưng lại là vùng đất có nhiều cường quốc hạt nhân nhất thế giới (4 trong số 9 nước).
Tất cả các cường quốc này đều đang phát động một chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân. Nhất là các nước châu Á đó khẳng định : Khả năng răn đe dựa trên sức mạnh hạt nhân hơn bao giờ hết đang là vấn đề mang tính thời sự.
Tờ báo nhận định, môi trường an ninh châu Á đang rất căng thẳng. Trung Quốc ngày càng tỏ quyết tâm bành trướng trên biển cũng như trên không ; Bắc Triều Tiên vẫn luôn là mối đe dọa và hai nước láng giềng Pakistan và Ấn Độ thì thường trực mối hiềm khích.
Bốn quốc gia gọi là cường quốc hạt nhân châu Á này hiện giữ 560 đầu đạn hạt nhân, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Hòa bình Sipri. « Chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên ảnh hưởng đến an ninh của toàn khu vực, đẩy các nước vào cuộc chạy đua. Nhật Bản, Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân nhưng trên thực tế lại có chiếc ô hạt nhân của Mỹ bảo vệ ».
Tên lửa cực mạnh Falcon Heavy chỉ mang tính biểu tượng
Phần cuối mục điểm báo dành cho thông tin liên quan đến vụ phóng thành công tên lửa đầu tiên cực mạnh Falcon Heavy của dự án chinh phục sao hỏa SpaceX do ông chủ của Tesla khởi xướng và điều hành. Le Figaro ghi nhận thành công của tên lửa Falcon Heavy chỉ mang tính biểu tượng hơn là giá trị thương mại. Bởi hiện không có vệ tinh nào nặng đến mức phải cần đến loại tên lửa cực mạnh này, trong khi giá thành lên tới 90 triệu đô la. Để so sánh, loại tên lửa Falcon 9 chi phí chỉ bằng 30% cũng có thể là đủ.
Sức mạnh của loại tên lửa Falcon Heavy tuy nhiên khai mở ra khả năng cho các chuyến thám hiểm hệ mặt trời xa xôi tới đây mà các nhà thiên văn học vẫn ao ước tìm hiểu. Tuy nhiên việc này nếu có cũng chỉ diễn ra vài lần mỗi thập kỷ mà thôi.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180208-bac-trieu-tien-kim-jong-un-va-ban-linh-trong-6-nam-cam-quyen

Geen opmerkingen:

Een reactie posten