vrijdag 9 februari 2018

Kim Yo Jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên, đã đến Hàn Quốc + Thể thao có ý nghĩa thế nào ở Bắc Triều Tiên ?


 Phái đoàn Triều Tiên đến Seoul dự lễ khai mạc Olympic


Bà Kim Yo Jong, em gái lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, đến sân bay Incheon, Hàn Quốc, 9/2/2018.
Em gái của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đến Hàn Quốc.
Bà Kim Yo Jong là thành viên đầu tiên trong gia đình nhiều đời cầm quyền ở Triều Tiên đến thăm Hàn Quốc kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.
Bà và phái đoàn, bao gồm cả ông Kim Yong Nam, nguyên thủ có tính hình thức của Triều Tiên, đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Incheon hôm 9/2.
Bà Kim Yo Jong là đảng viên cao cấp của Đảng Lao động Triều Tiên và là một cố vấn chính của anh trai bà.
Liên Hiệp Quốc cho phép phái đoàn cấp cao của Triều Tiên tới Hàn Quốc để tham dự Thế vận hội, và miễn áp dụng các chế tài đối với chính quyền Triều Tiên.
Phái bộ của Hàn Quốc tại LHQ thông báo với một ủy ban của Hội đồng Bảo an rằng đoàn gồn 22 thành viên dự kiến sẽ tham dự lễ khai mạc vào hôm 9/2 và ở lại cho đến 11/2.
Việc miễn trừ của LHQ cũng cho phép phái đoàn Triều Tiên mang về nước hàng hóa xa xỉ bị cấm nhập khẩu.
Bà Kim Yo Jong bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách đen, nhưng không bị LHQ làm tương tự.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ ăn trưa với đoàn hôm 10/2.

https://www.voatiengviet.com/a/phai-doan-trieu-tien-de-seoul-du-le-khai-mac-olympic/4245953.html

Kim Yo Jong, em gái lãnh đạo Bắc Triều Tiên, đã đến Hàn Quốc


mediaĐoàn cổ động viên Bắc Triều Tiên nôn nóng chờ lễ khai mạc Thế Vận Hội Pyeongchang (Hàn Quốc) ngày 09/02/2018.REUTERS/Jorge Silva
Chiếc máy bay riêng đưa bà Kim Yo Jong, người em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội mùa đông Pyeongchang đã đáp xuống phi trường Incheon, phía nam Seoul, vào trưa hôm nay, 09/02/2018. Ngoài em gái của Kim Jong Un, còn có Chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên Kim Yong Nam. Bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc, Cho Myong Gyon đã ra sân bay đón tiếp.
Theo lịch trình dự kiến, sau khi hai lãnh đạo Bắc Triều Tiên tham dự lễ khai mạc bắt đầu vào lúc 20 giờ hôm nay, bà Kim Jo-Yong sẽ được tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đón tiếp tại phủ tổng thống vào ngày mai, 10/02.
Theo Frédéric Ojardias, thông tín viên RFI tại Hàn Quốc, Seoul đang bị nhức đầu về vấn đề lễ tân :
« Đây là lần đầu tiên từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt, cách đây 70 năm, mà một người trong gia đình ngự trị Bắc Triều Tiên đến Hàn Quốc : Chính bà Kim Yo Jong, em gái của Kim Jong Un, đến Hàn Quốc để dự lễ khai mạc Thế Vận mùa đông lần thứ 23… Điều này khiến cho ngành ngoại giao Seoul phải đau đầu !
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cũng đến. Đi cùng với ông là người cha của sinh viên Mỹ bị bắt giữ tại Bắc Triều Tiên và đã chết sau khi được thả. Ông Pence luôn nhấn mạnh là Mỹ sẽ gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng.
Cho nên vấn đề là phải sắp xếp như thế nào để cho những nhân vật này ngồi cách xa nhau nhưng không làm mích lòng ai về nghi thức lễ tân.
Trong buổi lễ khai mạc, tất cả các đoàn vận động viên đều diễn hành. Hai đoàn Nam Bắc Triều Tiên cùng diễn hành chung dưới lá cờ bán đảo thống nhất. Ngọn lửa Olympic sẽ được đốt lên sau đó và Thế Vận Hội có thể chính thức bắt đầu. »

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180209-kim-yo-jong-em-gai-lanh-dao-bac-trieu-tien-da-den-han-quoc

Thể thao có ý nghĩa thế nào ở Bắc Triều Tiên ?


mediaCặp vận động viên trượt băng nghệ thuật Ryom Tae-Ok và Kim Ju-Sik, niềm tự hào của thể thao Bắc Triều Tiên, thi đấu trong giải vô địch thế giới tại Oberstdorf, Đức, ngày 28/09/2017.Christof STACHE / AFP
Bắc Triều Tiên sẽ tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 Pyeongchang Hàn Quốc từ ngày 9 đến 25 tháng Hai tới. Sự kiện đang mang lại những tín hiệu hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên sau nhiều tháng căng thẳng bị đẩy lên cao độ do các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng và những cuộc khẩu chiến khét lẹt mùi thuốc súng giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Một lần nữa người ta được chứng kiến, thể thao có thể là phương tiện trung gian hòa giải hữu hiệu. Với Bắc Triều Tiên thể thao luôn là một lĩnh vực rất có ý nghĩa. Chế độ Bình Nhưỡng muốn thể thao phải là biểu tượng cho sự phồn thịnh phát triển của đất nước để chứng tỏ với thế giới bên ngoài. Nhân sự kiện này, cùng tìm hiểu vài nét về thể thao ở đất nước Bắc Triều Tiên
Thể thao : Bộ mặt của chính quyền, xi măng gắn kết xã hội
Chế độ Bình Nhưỡng đặc biệt quan tâm đến phát triển thể thao. Đó là một phần không thể thiếu khai trong lý lịch của công dân Bắc Triều Tiên. Phát biểu trên đài phát thanh Europ1, bà Juliette Morilot, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên và là tác giả cuốn sách « Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi ( Nhà xuất bản Tallandier) » đã nhấn mạnh như trên. Bà cho biết thêm : « Ở Bắc Triều Tiên, người ta vẫn tuyển chọn từ rất sớm các học sinh có năng khiếu thể thao » để chuẩn bị cho các đội tuyển quốc gia, giống như kiểu người Trung Quốc vẫn làm. Là biểu tượng cho sự hoàn thiện ưu tú, thể thao được dùng như là một thứ xi măng gắn kết xã hội. Chuyên gia Morillot cho biết, « trong đa số các nhà máy mà tôi tới thăm ở Bắc Triều Tiên, hầu như nhà máy nào cũng có một sân bóng dành cho công nhân ». Người Bắc Triều Tiên chơi thể thao nhiều và thích theo dõi thể thao cũng rất đông. Ở Bắc Triều Tiên có cả một kênh tryền hình Cheyuk chuyên cho thể thao.
Năm 2010, lần gần đây nhất thể thao Bắc Triều Tiên tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông tại Vancouver, Canada, hai vận động viên trượt băng, một trong nội dung trượt băng nghệ thuật, một ở trượt băng tốc độ đã là niềm tự hào của đất nước dù không đạt giải nào. Trong quá khứ, môn trượt băng đã mang về hai tấm huy chương lịch sử cho Bắc Triều Tiên : Vận động viên Han Phi-hwa được huy chương bạc trượt băng tốc độ tại Olympic mùa đông Innsbruck 1964 và Hwang Yong-ski đã giành huy chương đồng môn trượt băng tốc độ cự ly ngắn (short-track) tại Thế Vận Hội Albertville 1992. Đến kỳ Thế Vận Hội tới đây, cặp vận động viên trượt băng nghệ thuật Tae-ok và Ju-sik đang là niềm hy vọng vàng của Bắc Triều Tiên dù họ vẫn còn xếp khoảng cách khá xa so với trình độ thế giới.
Vật, Boxe, cử tạ, bóng bàn… thế mạnh của Triều Tiên
Nếu như mới chỉ giành được hai huy chương ở Thế Vận Hội Mùa Đông, thì Bắc Triều Tiên lại gặt hái được không ít thành công ở Thế Vận Hội Mùa Hè, với 54 huy chương các loại, trong đó có 16 danh hiệu vô địch Olympic. Cũng giống như môn trượt băng, môn cử tạ và đấu vật được chú ý phát triển rất mạnh và đã gặt hái được ít nhiều thành công trên đấu trường quốc tế. Trong khi đó các môn như Judo hay bóng bàn thì là những môn mũi nhọn của thể thao Bắc Triều Tiên .
Kỳ Thế Vận Hội thành công nhất của Bắc Triều Tiên đó là Olympic Barcelona 1992. Sau hai lần liên tiếp tẩy chay Thế Vận Hội Los Angeles 1984 và Seoul 1988, Các vận động viên Bắc Triều Tiên đến Barcelona và giành 9 huy chương, trong đó có 4 vàng. Từ đó trở đi, thể thao Bắc Triều Tiên thường xuyên giành được từ 5 đến 7 huy chương trong các kỳ Thế Vận Hội. Gần đây nhất là tại Olympic Rio, các lực sĩ cử tạ Bắc Triều Tiên đã tỏa sáng, giành 4 huy chương. Cử tạ là môn thể thao dành cho các lực sĩ mạnh mẽ, nó thể hiện được hình ảnh của đất nước mà Bình Nhưỡng muốn chứng tỏ với thế giới.
Taekowndo, môn quốc võ của người Triều Tiên
Trong thông cáo chung sau cuộc gặp đầu tiên vừa rồi giữa hai miền để bàn về thể thức tham gia Thế Vận Hội Pyeongchang, người ta có thể thấy : « Phía Bắc Triều Tiên sẽ cử một đoàn của Ủy Ban Olympic Quốc Gia, các vận động viên, một đội nữ hoạt náo viên ( Pom-pom girls), đoàn nghệ sĩ và một đội biểu diễn taekowndo cùng một bộ phận báo chí ».
Cử đội cổ động viên nữ pom-pom girls đến dự Olympic đã là điểm lạ rồi, nhưng đội taekwondo thì có liên quan gì đến Thế Vận Hội Mùa Đông ? Taekwondo đâu phải là môn thể thao mùa đông nhưng đã trở thanh môn võ truyền thống, biểu tượng siêu việt ở Triều Tiên. Taekwondo được truyền tụng là do một vị tướng của miền Nam Triều Tiên sinh ở miền Bắc, tên là Choe Hong-hui sáng tạo ra nhằm tôn vinh thần ái quốc của người Triều Tiên trong cuộc kháng chiến chống Nhật hồi đầu thế kỷ 20.
Năm 1955 , ông Choe đã lập ra Liên Đoàn Quốc Tế Taekwondo. Sau đó ông đến Bắc Triều Tiên trong những năm 1960 để cổ vũ phát triển môn thể thao này. Seoul khi đó đã không hài lòng cho thành lập một liên đoàn khác của môn võ có tên WTF (World Taekwondo Federation), với các luật lệ thi đấu khác, không tập trung nhiều vào khía cạnh tự vệ của môn võ. Giờ đây taekwondo trở thành chiếc cầu nối giữa hai miền Triều Tiên.
Bóng đá, môn thể thao chính… nhất là bóng đá nữ
Môn thể thao đại chúng tuyệt vời bóng đá cũng là môn thể thao chủ yếu ở Bắc Triều Tiên, thu hút đông đảo giới trẻ chơi. Năm 2010, đội tuyển quốc gia bóng đá Bắc Triều Tiên được quyền tham dự Cúp thế giới tại Nam Phi. Tại vòng bảng họ để thua đội Bồ Đào Nha 0-7 nhưng lại cầm cự khá tốt với Brazil, chỉ để thua với tỷ số sát nút 1-2.
Nhưng sau giải đấu lớn đó, bóng đá nam của Bắc Triều Tiên dường như bị mất dần sinh lực và rơi xuống hạng 129 trong bảng xếp hạng của FIFA, ngay cả đấu trường châu lục cũng không để lại dấu ấn nào. Trong khi đó, bóng đá nữ lại tỏa sáng. Đội tuyển bóng đá nữ Bắc Triều Tiên hiệp xếp hạng 11 thế giới, trên cả Tây Ban Nha và Ý.
Bóng rổ, niềm đam mê của Kim Jong Un
Trong vài năm gần đây, mỗi khi nói đến thể thao và Bắc Triều Tiên, có một cái tên vẫn hay được nhắc đến là Dennis Rodman, 5 lần vô địch bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA.
Năm 2013, ngôi sao của làng bóng rổ Mỹ này đã tới Bình Nhưỡng mang theo đội bóng nổi tiếng Harlem Globetrotters tổ chức một trận đấu biểu diễn rầm rộ. Không hẳn nhằm mục đích kéo Bắc Triều Tiên và Mỹ xích lại gần nhau, ngôi sao Rodman chỉ muốn thắt chặt tình bạn thân thiết với lãnh đạo Kim Jong Un.
Chuyên gia Juliette Morilot nhắc lại, Kim Jong Un là người rất mê bóng rổ. Dennis Rodman là thần tượng từ khi Kim Jong Un còn đang du học bên Thụy Sĩ . Kim Jong Un muốn được gặp thần tượng khi lên nắm quyền và giữa hai người có một tình bạn thực sự. Biết đâu một ngày nào đó, người bạn này lại giúp cho Kim Jong Un dựng chiếc cầu nối ra thế giới bên ngoài.
Một sự kiện thể thao rất được chú trọng tại Bắc Triều Tiên là cuộc thi marathon hàng năm tại Bình Nhưỡng. Cuộc thi này bắt đầu từ năm 2000 đã mở cửa đón các vận động viên quốc tế đến tham dự. Từ năm 2014, giải Marathon Bình Nhưỡng mở rộng quy mô cho các vận động viên nghiệp dư. Từ đó đến nay, người Bắc Triều Tiên giành chiến thắng ở tất cả các kỳ giải ở cả nam và nữ. Một cuộc đua sức bền với chiến thắng luôn thuộc về người Bắc Triều Tiên hẳn mang lại nhiều ý nghĩa biểu tượng ngoài thể thao.

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20180117-the-thao-co-y-nghia-the-nao-o-bac-trieu-tien


140 nghệ sĩ Bắc Triều Tiên sẽ đến diễn tại Thế Vận Hội Pyeongchang


mediaLễ rước đuốc Thế Vận Hội Mùa Đông trong trang phục truyền thống tại Seoul ngày 13/01/2018.REUTERS/Kim Hong-Ji
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang hạ nhiệt. Sau một ngày đàm phán tại Bàn Môn Điếm hôm nay 15/01/2018, Bắc Triều Tiên chấp nhận gởi một dàn nhạc gồm 140 thành viên đến biểu diễn tại Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang.
Thông cáo của bộ Thống Nhất Hàn Quốc còn nêu rõ đoàn nghệ thuật Bắc Triều Tiên sẽ có buổi biểu diễn tại thủ đô Seoul và tại Gangneung, gần Pyeongchang, nơi tổ chức Thế Vận Mùa Đông.
Phía Bình Nhưỡng, ngoài việc yêu cầu cho các nhạc công đi bộ qua biên giới đến Bàn Môn Điếm, cho biết sẽ gởi một nhóm tiền trạm ngay khi có thể, để chuẩn bị cho chuyến lưu diễn.
Chính quyền Seoul tỏ ra hài lòng về cuộc đàm phán hôm thứ hai này cho rằng sự góp mặt của đoàn nghệ thuật « góp phần cải thiện mối quan hệ đôi bên và tái lập tính đồng nhất văn hóa » giữa hai miền.
Reuters cho biết thêm là Hàn Quốc chấp thuận đề nghị của Bắc Triều Tiên đàm phán về thành phần phái đoàn vận động viên tham gia Thế Vận Hội vào ngày thứ Tư 17/01 tới đây, tại Nhà Hòa Bình ở Bàn Môn Điếm.

 http://vi.rfi.fr/chau-a/20180115-140-nghe-si-btt-the-van-hoi-pyeongchang

Geen opmerkingen:

Een reactie posten